Đây là một trong những quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bị kết án vì trong một số trường hợp nếu người phạm tội đã bị kết án, thuộc trường hợp có án tích nhưng chưa được xóa là một trong những cơ sở để định tội, để xem xét tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt trong một số tội phạm hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định cụ thể về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án, tuy nhiên theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu TNHS theo quy định của Chương này, theo quy định khác của phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Vì vậy, việc tìm hiểu quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án phải đặt trong mối liên hệ với các quy định xóa án tích khác của Phần thứ nhất Bộ luật Hình sự năm 2015.
1. Quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án trong Bộ luật hình sự năm 2015
Nhìn chung những quy định liên quan đến xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được quy định theo hướng có lợi hơn, thông qua các quy định về: Các trường hợp người bị kết án không có án tích, thời hạn xóa án tích, cách tính thời hạn xóa án tích cũng như thủ tục pháp lý để xác định việc xóa án tích. Sự sửa đổi này thể hiện được đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta là khuyến khích, giúp người phạm tội tích cực cải tạo tốt, chấp hành tốt pháp luật, sớm tái hòa nhập cộng đồng để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Cụ thể:
Thứ nhất, các trường hợp người dưới 18 tuổi bị kết án nhưng không có án tích
- Người bị kết án là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với mọi trường hợp phạm tội (điểm a khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015);
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng dù là lỗi cố ý hay vô ý và tội rất nghiêm trọng với lỗi vô ý (điểm b khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015);
- Người dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng tại Mục 3 Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như vậy có thể thấy rằng, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội rất nghiêm trọng với lỗi cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì mới có án tích. Án tích chỉ đặt ra đối với người chưa thành niên bị kết án là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Thứ hai, trường hợp đương nhiên được xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án
Theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người tử đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bi kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích trong thời hạn 3 năm và được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời hiệu thi hành bản án người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới”.
- Thời hạn xóa án tích trong trường hợp đương nhiên xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án luôn luôn là 03 năm. Việc xác định thời hạn 03 năm này không phụ thuộc vào hình phạt chính đã tuyên (tức là cách tính thời hạn không giống như người từ đủ 18 tuổi bị kết án vì theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Bộ luật Hình sự năm 2015 “thời hạn xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên”) và theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mọi trường hợp có án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án đều thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích chứ không có trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án .
- Thời hạn xóa án tích được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc khi hết thời hiệu thi hành bản án. Đây là quy định mới về cách tính thời hạn xóa án tích trong Bộ luật Hình sự năm 2015 vì theo quy định Bộ luật Hình sự năm 1999 thì thời hạn xóa án tích được tính khi người phạm tội chấp hành xong bản án.
Ví dụ: A (17 tuổi) bị kết án về tội cố ý gây thương tích theo khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, bị kết án 07 năm tù, bồi thường chi phí điều trị cho nạn nhân là 30 triệu đồng. Ngày 20/01/2017, A chấp hành xong hình phạt tù, ngày 20/3/2017, A bồi thường cho nạn nhân. Vậy thời hạn xóa án tích của người bị kết án là 03 năm được tính từ ngày 20/01/2017 vì đây là ngày A chấp hành xong hình phạt chính (còn nếu theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì thời điểm bắt đầu tính để xóa án tích là ngày 20/3/2017 vì đây là ngày chấp hành xong bản án).
- Trong thời hạn xóa án tích là 03 năm thì không được thực hiện hành vi phạm tội mới. Tội phạm mới này có thể là bất kỳ loại tội phạm nào cũng như có thể được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý. Nếu như ngươi bị kết án chưa được xóa án tích lại phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành (khoản 2 Điều 73 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Thứ ba, thủ tục xóa án tích
Trong Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đổi mới căn bản thủ tục xóa án tích theo hướng thuận lợi hơn cho người bị kết án, theo đó, không còn quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người được đương nhiên xóa án tích, mà giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án. Trường hợp xác định được người bị kết án đã có đủ điều kiện xoá án tích theo quy định thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải ghi “đã được xóa án tích” vào lý lịch tư pháp của người đó và cấp Phiếu lý lịch tư pháp có ghi “không có án tích” khi được yêu cầu (khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015).
2. Một số hạn chế trong quy định về xóa án tích đối với người bị kết án là người dưới 18 tuổi trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện
Một là, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về thời hạn xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi chưa hợp lý
Căn cứ để tính thời hạn xóa án tích đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên là dựa vào hình phạt chính mà Tòa án đã tuyên (khoản 1 Điều 73 Bộ luật Hình sự năm 2015). Trong khi căn cứ để xác định thời hạn xóa án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội lại không dựa vào hình phạt chính mà Tòa án tuyên, mà đối với đối tượng này thời hạn xóa án tích luôn luôn là 03 năm nếu phạm vào loại tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hay đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015) dù Tòa án áp dụng hình phạt chính là hình phạt gì, mức hình phạt bao nhiêu cũng không ảnh hưởng đến thời hạn xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án. Phải chăng theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì căn cứ để xác định thời hạn xóa án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là dựa vào loại tội phạm và lỗi1, nếu căn cứ vào các yếu tố này liệu có hợp lý không khi hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế có thể thuộc loại tội phạm giống nhau nhưng mức độ nguy hiểm cho xã hội lại có sự khác nhau, vì vậy hình phạt áp dụng sẽ khác nhau.
Như vậy, không có sự thống nhất trong căn cứ để xác định thời hạn xóa án tích. Quan điểm của tác giả cho rằng căn cứ để xác định thời hạn xóa án tích đối với người trên 18 tuổi hay dưới 18 tuổi bị kết án nên giống nhau là đều dựa vào hình phạt chính đã tuyên là hợp lý hơn cả. Chính vì vậy, cách quy định về thời hạn xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án trong Bộ luật Hình sự năm 1999 là phù hợp hơn cách quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Vì vậy tác giả kiến nghị nên sửa đổi quy định về thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội theo hướng như trong Bộ luật Hình sự năm 1999, cụ thể, cần sửa đổi khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích bằng một phần hai thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Hai là, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về cách tính thời hạn để xóa án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không thống nhất như với người từ đủ 18 tuổi bị kết án
Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người tử đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bi kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích trong thời hạn 03 năm và được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời hiệu thi hành bản án người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới”.
Theo quy định này nếu trong vòng 03 năm từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới thì án tích sẽ được xóa. Như vậy trong khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 không hề đề cập đến trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu bị kết án nhưng được hưởng án treo thì thời hạn xóa án tích được tính từ khi nào, nếu trong thời gian thử thách của án treo mà người bị kết án phạm tội mới thì thời hạn xóa án tích có được tính lại hay không cũng như nếu hết thời hạn xóa án tích nhưng người bị kết án chưa thực hiện xong các quyết định khác trong bản án (ví dụ như bồi thường thiệt hại…) thì án tích có được xóa hay không?
Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định cụ thể một số nội dung trên thì theo nguyên tắc quy định tại Điều 90 Bộ luật Hình sự năm 2015 “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu TNHS theo quy định của Chương này, theo quy định khác của phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì thời hạn xóa án tích được tính kể từ khi chấp hành xong thời gian thử thách của án treo và khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định điều kiện để được xóa án tích là “nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới”. Đây là các quy định không trái với quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì về nguyên tắc phải áp dụng các quy định về xóa án tích nói chung.
Tuy nhiên theo quan điểm của tác giả, việc quy định như trong khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ dẫn đến những cách hiểu không thống nhất vì rõ ràng việc quy định điều kiện và cách tính thời hạn xóa án tích trong khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được quy định tại khoản 2 Điều 73 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu nội dung không có gì thay đổi thì trong khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ cần quy định thời hạn xóa án tích chứ không cần thiết phải quy định lại một lần nữa cách tính thời hạn xóa án tích mà lại quy định không đầy đủ như vậy. Vì vậy, theo quan điểm của tác giả, khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu đã quy định điều kiện để xóa án tích thì nên quy định đầy đủ để tránh gây nhầm lẫn khi áp dụng.
Cụ thể khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 nên sửa đổi như sau: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội… tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hết thời gian thử thách của bản án treo, người đó chấp hành xong các quyết định khác của bản án hoặc kể từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới”.
Ba là, Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có quy định về xóa án tích trong trường hợp đặc biệt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án.
Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt là xóa án tích do Tòa án quyết định nhưng ở thời điểm sớm hơn khi thỏa mãn các điều kiện đặc biệt, quy định này nhằm khuyến khích người bị kết án cải tạo tốt, lập công để sớm được xóa án tích. Điều 72 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người bị kết án phải đảm bảo được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này thì mới có thể được xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Điều 72 Bộ luật Hình sự năm 2015 không hề đề cập đến việc xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp đặc biệt.
Bên cạnh đó trong quy định riêng về xóa án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng không hề quy định. Vì vậy, tác giả kiến nghị nên bổ sung trường hợp này vào trong luật sau khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 để thống nhất trong cách quy định cũng như áp dụng trên thực tế, cụ thể như sau:
Điều 107. Xóa án tích
“…
Trong trường hợp người bị kết án là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 điều này.
Bốn là, Bộ luật Hình sự 2015 chưa quy định về trường hợp xóa án tích trong trường hợp phạm nhiều tội trong đó có tội thực hiện khi đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có tội thực hiện khi đã đủ 18 tuổi
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định thêm trường hợp xóa án tích trong trường hợp phạm nhiều tội trong đó có tội thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích theo quyết định của Tòa án, có tội thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích2, thì sẽ căn cứ vào thời hạn xóa án tích trong trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án để Tòa án quyết định việc xóa án tích. Như vậy, có thể hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015 đang quy định theo hướng thời hạn xóa án tích trong trường hợp phạm nhiều tội, thì cần phải căn cứ vào hình phạt chung sau khi quyết định chứ không xác định theo từng tội. Vì vậy, trường hợp phạm nhiều tội và đều thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích, thì việc xác định thời hạn xóa án tích nên căn cứ theo hình phạt chung sau khi đã tổng hợp.
Theo quan điểm của tác giả thì việc xóa án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm nhiều tội cũng cần phải dựa vào hình phạt chung sau khi đã tổng hợp và cũng cần dựa vào hình phạt chính để xác định thời hạn để xóa án tích. Nhưng thời hạn xóa án tích này sẽ tính theo thời hạn của người dưới 18 tuổi hay là trường hợp đủ 18 tuổi trở lên vì nếu tính theo trường hợp chưa đủ 18 tuổi sẽ có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, cần sớm bổ sung quy định này vào trong luật để có cơ sở xóa án tích đối với người bị kết án và thống nhất trong thực tiễn áp dụng.
Việc tính thời hạn xóa án tích theo nhóm độ tuổi nào theo tác giả nên dựa vào tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội phản ánh thông qua hình phạt chính được áp dụng, vì vậy, việc so sánh hình phạt chính được Tòa án áp dụng trong từng nhóm độ tuổi sẽ là cơ sở để xác định thời hạn xóa án tích, đây chính là tiêu chí mà Bộ luật Hình sự năm 2015 sử dụng để tổng hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội hay trường hợp có nhiều bản án đối với người dưới 18 tuổi tại Điều 103 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, nên bổ sung thêm một số nội dung sau vào Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015:
“…
4. Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện khi đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có tội được thực hiện khi đủ 18 tuổi và đều thuộc trường hợp có án tích thì:
a. Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội thực hiện khi người đó đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng với mức hình phạt tòa tuyên đối với tội thực hiện khi đủ 18 tuổi thì thời hạn xóa án tích sẽ tính theo khoản 1 điều này;
b. Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội thực hiện khi đủ 18 tuổi nặng hơn mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội thực hiện khi đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì thời hạn xóa án tích được tính theo khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này”
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo:
1. Xem bản thuyết minh chi tiết về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi tháng 4 năm 2015 của ban soạn thảo Bộ luật Hình sự liên quan đến thời hạn xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tác giả không thấy đề cập gì đến lý do vì sao căn cứ xác định thời hạn xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi lại khác với người đủ 18 tuổi trở lên.
2. Khoản 3 Điều 73 Bộ luật H́nh sự năm 2015.