1. Khái quát về thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương
Theo lý thuyết tổ chức, ở các đơn vị hành chính lãnh thổ trong một quốc gia sẽ tồn tại những thiết chế quản lý nhà nước với thẩm quyền giới hạn được gọi là chính quyền địa phương. Trong từng địa phương, sự hợp lý hóa được đặt ra đối với quá trình phân cấp từ chính quyền cấp trên đến cấp dưới trực tiếp theo phương châm xây dựng và vận hành thể chế có tính khuyến khích chính quyền phát huy năng lực quản trị địa phương theo phân cấp.
Trên góc độ kinh tế - xã hội vĩ mô, mỗi đơn vị hành chính địa phương lại thể hiện vai trò nhất định đóng góp vào sự phát triển chung, lệ thuộc vào điều kiện tiềm năng và mô hình quản lý cụ thể đã được vận dụng. Do sự khác biệt nói trên, hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động phù hợp cho từng mô hình chính quyền địa phương được xem là phương hướng cơ bản để tạo thuận lợi cho địa phương phát triển ổn định, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và trật tự quản lý nhà nước[2].
Dựa theo lý thuyết tổ chức chính quyền địa phương, quy mô, cách thức tổ chức và hoạt động của chính quyền được quyết định căn cứ vào mức độ, khả năng tự chủ kinh tế của chính đơn vị hành chính lãnh thổ - là một pháp nhân công với quyền hạn phù hợp. Mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (TPTTTƯ) hiện nay ở Việt Nam biểu hiện khá rõ nét lý thuyết nói trên.
Ở góc nhìn thể chế, cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc TPTTTƯ dựa trên thiết chế Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (UBND), theo xu hướng xây dựng chính quyền đô thị với mức độ phân cấp (decentralisation) và ủy quyền cao hơn. Có nghiên cứu cho rằng, thể chế bao gồm ba yếu tố: Luật pháp, bộ máy nhà nước, phương thức điều hành đất nước. Cũng có quan điểm cho rằng, thể chế có thể được hiểu là cách thức tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước. Từ đó, có thể quan niệm thể chế tổ chức và hoạt động của thành phố thuộc TPTTTƯ là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành quy định về cơ cấu tổ chức, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương tương ứng.
Trên cơ sở pháp luật hiện hành về tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam, thể chế tổ chức và hoạt động của thành phố thuộc TPTTTƯ được cấu thành bởi cơ chế ủy quyền, cơ chế đối với lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư, lĩnh vực đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách, lĩnh vực quy hoạch đô thị, lĩnh vực khai thác tài sản công, lĩnh vực khoa học công nghệ và thể chế trong lĩnh vực tổ chức bộ máy.
2. Thực trạng thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ thực tiễn thành phố Thủ Đức
Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, có tổng diện tích 211.56 km2, quy mô dân số 1.013.795 người[3]. Là mô hình “thành phố trong thành phố”, hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển vượt bậc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thành phố Thủ Đức được kỳ vọng đóng góp 1/3 GRDP của Thành phố Hồ Chí minh, tương đương khoảng 7% GDP cả nước.
Chính quyền địa phương thành phố Thủ Đức là chính quyền cấp huyện, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc TPTTTƯ theo quy định tại các điều 51, 52, 53, 54, 55, 56 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Theo đó, tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Thủ Đức gồm có Hội đồng nhân dân và UBND, trong đó, UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Về cơ chế ủy quyền, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Để triển khai việc xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức, đã có những văn bản như Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 131/2020/QH14), Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 (Nghị định số 33/2021/NĐ-CP) nhưng qua thực tiễn áp dụng cho thấy, các văn bản này chưa đáp ứng được kỳ vọng phát triển của thành phố Thủ Đức. Theo dự báo, năm 2030, thành phố Thủ Đức sẽ có 1,5 triệu dân[4], còn hiện nay, dân số bình quân của thành phố là 4.791 người/km2, gấp 15 lần bình quân cả nước, đóng góp ngân sách gấp 44 lần bình quân cả nước. Do vậy, nhu cầu về giao thông, nước sạch, trường học, bệnh viện của thành phố Thủ Đức tăng nhiều lần, đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài, bền vững và đúng tầm.
Nghị định số 33/2021/NĐ-CP đã tạo cơ chế để phân cấp, ủy quyền chung nhằm tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, hiện cơ chế phân cấp, ủy quyền giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức vẫn theo quy định chung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 23/9/2022 về ủy quyền cho UBND thành phố Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 3230/QĐ-UBND ngày 23/9/2022 về ủy quyền cho UBND thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND, UBND thành phố Thủ Đức được ủy quyền trên 04 lĩnh vực: Xây dựng - môi trường - đô thị; kinh tế - ngân sách - dự án; tư pháp; văn hóa - giáo dục - thông tin - xã hội - khoa học. Cụ thể: (i) Trong lĩnh vực xây dựng - môi trường - đô thị, UBND thành phố Thủ Đức được tiến hành các thủ tục phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc; thông báo, quyết định thu hồi đất; quyết định phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư; phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết đô thị tỉ lệ 1/500; quản lý và tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. (ii) Trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách - dự án, UBND thành phố Thủ Đức trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chợ loại I, loại II, loại III theo hướng dẫn của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh; trực tiếp tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ theo chủ trương kêu gọi xã hội hóa; thực hiện một số nhiệm vụ đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một hành viên dịch vụ công ích. (iii) Đối với lĩnh vực tư pháp, UBND thành phố Thủ Đức được kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn; thực hiện mua sắm tập trung tài sản công trên địa bàn. (iv) Đối với lĩnh vực văn hóa - giáo dục - thông tin - xã hội - khoa học, UBND thành phố Thủ Đức có quyền kiểm tra điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện cơ quan báo chí trên địa bàn, ban hành văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện và xử lý theo quy định pháp luật; được đặt tên một số công trình công cộng; chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn (trừ chương trình trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc trung ương); thực hiện một số chức năng của cơ quan chủ quản đối với Trường Cao đẳng Thủ Thiêm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thủ Đức.
Về lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhu cầu vốn phát triển hạ tầng hiện rất lớn nhưng khả năng cân đối đầu tư từ ngân sách nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức còn khó khăn. Theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Thành phố Hồ Chí Minh thì chưa đủ nguồn vốn để đầu tư các dự án mới cho giai đoạn trung hạn. Để có bước tiến đột phá, thành phố Thủ Đức cần tự tìm kiếm nguồn lực tài chính. Bên cạnh những nguồn lực tài chính có thể huy động như khai thác quỹ đất do Nhà nước quản lý, phát hành trái phiếu, thu hút xã hội hóa… thì phương thức đối tác công tư PPP được xác định là nguồn lực tài chính quan trọng cần khai thác. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) theo phương thức đối tác công tư năm 2020, thẩm quyền quyết định đối với dự án theo phương thức PPP lại thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chưa có cơ chế riêng cho thành phố thuộc TPTTTƯ như trường hợp thành phố Thủ Đức.
Tương tự như vậy, về lĩnh vực đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách, thành phố Thủ Đức có tiềm năng phát triển dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách khi quy hoạch chung thành phố Thủ Đức được phê duyệt. Việc giao UBND thành phố Thủ Đức quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách theo quy định của Luật Đầu tư sẽ giúp hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư lại thuộc về UBND cấp tỉnh theo Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Về lĩnh vực quy hoạch đô thị, điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị hiện hành quy định: UBND tỉnh, TPTTTƯ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án “Quy hoạch phân khu thuộc đô thị loại đặc biệt và loại I; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai quận, huyện trở lên, khu vực có ý nghĩa quan trọng, khu vực trong đô thị mới”. Khoản 2 Điều 41 Luật Quy hoạch đô thị hiện hành quy định: “Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cùng cấp”. Điểm b khoản 2 Điều 34 Luật Xây dựng hiện hành quy định: UBND cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng (trừ quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ). Điều 4 Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND ngày 12/7/2011 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 56/2021/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh vẫn khẳng định nhiều thẩm quyền quy hoạch đô thị mới thuộc cấp tỉnh. Như vậy, thành phố Thủ Đức chưa có cơ sở pháp lý đặc thù trong lĩnh vực quản lý nhà nước này.
Về lĩnh vực khai thác tài sản công, thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê vào mục đích liên doanh, liên kết tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Thành phố Thủ Đức hiện quản lý 164 đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (hiện nay được thay thế bởi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập). Các đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải lập đề án, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên là UBND thành phố Thủ Đức rà soát, có ý kiến, sau đó gửi Sở Tài chính thẩm định trình Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, phê duyệt. Riêng đối với việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phải lấy ý kiến thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố trước khi phê duyệt. Trên thực tế, đã có một số đơn vị sự nghiệp lập đề án gửi thẩm định, trình Sở Tài chính xem xét, tuy nhiên, do nội dung xây dựng đề án khá phức tạp, đòi hỏi Sở Tài chính phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, kiểm tra, đối chiếu, dẫn đến chậm tiến độ phê duyệt.
Về lĩnh vực khoa học công nghệ, theo Nghị định số 33/2021/NĐ-CP, cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Thủ Đức là Phòng Khoa học và Công nghệ. Theo Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 26/3/2021 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về quy định giao nhiệm vụ thu, chi cho thành phố Thủ Đức và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn thành phố Thủ Đức năm 2021 thì ngân sách thành phố Thủ Đức chỉ có nhiệm vụ chi “ứng dụng khoa học và công nghệ”, không được chi “nghiên cứu khoa học và công nghệ”.
Về lĩnh vực tổ chức bộ máy, theo khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, đối với các nội dung đã được phân quyền thuộc chức năng, nhiệm vụ của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức (khoản 1 Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì không được phân cấp. Do vậy, việc phân cấp giữa UBND và Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho các cơ quan chuyên môn, UBND các phường không thực hiện được vì cần phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc phân cấp hiện nay đối với từng lĩnh vực cụ thể phải được quy định cụ thể theo luật chuyên ngành, điển hình như quy định tại khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020: “UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý”.
Thực trạng thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc TPTTTƯ cho thấy, hiện nay, thành phố Thủ Đức đang điều hành kinh tế - xã hội với cơ chế, thẩm quyền của cấp quận, huyện nên chưa phát huy hết vai trò chủ động, tính tự chủ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố. Ở Việt Nam hiện nay, Thủ Đức là thành phố thuộc TPTTTƯ duy nhất, nếu phát huy được những mặt hợp lý và “lấp đầy” những khoảng trống về thể chế đã và đang biểu hiện trong thực tiễn quản lý nhà nước ở thành phố Thủ Đức sẽ góp phần hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc TPTTTƯ nói riêng và chính quyền TPTTTƯ nói chung.
Từ ngày 01/8/2023, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 98/2023/QH15) có hiệu lực thi hành, điều chỉnh thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trên một số nội dung nhằm khắc phục dần các điểm nghẽn. Đối với chính quyền thành phố Thủ Đức, Nghị quyết số 98/2023/QH15 dành riêng Điều 10 quy định về tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức, tạo cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức phát triển đột phá, giải quyết nhanh những công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Với những cơ chế mới được Quốc hội thông qua thì tổ chức bộ máy sẽ được kiện toàn cơ bản và ưu việt hơn.
Nhằm triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày 11/7/2023, UBND thành phố Thủ Đức ban hành Kế hoạch số 456/KH-UBND ngày 15/7/2023. Hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức đang khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách thí điểm để sớm đưa Nghị quyết số 98/2023/QH15 vào thực tiễn. Dự kiến tháng 9/2023, UBND thành phố Thủ Đức sẽ trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét thông qua tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức. Tiếp đó, tập trung các nội dung về quản lý nhà nước, nhất là về thủ tục hành chính do UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao thêm. Trong đó tập trung “kêu gọi” đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với bốn nhóm: Y tế, giáo dục, thể dục - thể thao, văn hóa - xã hội. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải đề xuất triển khai các tuyến đường giao thông theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu; hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tại thành phố Thủ Đức. Với việc ứng dụng mô hình TOD, thành phố Thủ Đức sẽ rà soát quỹ đất dọc tuyến Metro số 1 đồng bộ với phát triển đô thị hai bên, khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến này và nhiều công việc khác phát sinh sẽ được giải quyết từng bước để phát huy hiệu quả của cơ chế thí điểm.
Mặc dù vậy, những quy định nói trên vẫn chưa thật sự “mở” về cơ chế ủy quyền, khai thác tài sản công, đầu tư khoa học và công nghệ. Tổ chức bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức vẫn chưa được trao quyền tự quản, tự chịu trách nhiệm vượt trội hẳn so với chính quyền đô thị cấp quận/huyện khác ở Việt Nam.
3. Một số giải pháp
Trong điều kiện pháp luật Việt Nam hiện nay, việc duy trì địa vị pháp lý là chính quyền cấp huyện của thành phố thuộc TPTTTƯ vẫn phù hợp, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước. Mặt khác, điều kiện thực tiễn cho thấy, không hội đủ nguồn lực và thể chế để thành phố thuộc thuộc TPTTTƯ được trao quy chế như các đặc khu kinh tế (đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt). Vì vậy, chỉ có thể xây dựng và áp dụng cơ chế đặc thù, vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, tăng tính chủ động cho thành phố thuộc TPTTTƯ thì mới phát huy được tiềm năng và thế mạnh.
Sau quá trình thí điểm thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, Quốc hội có thể ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố thuộc TPTTTƯ để định hướng phát triển cho các thành phố thuộc TPTTTƯ, trong đó có thành phố Thủ Đức, bao gồm:
Thứ nhất, UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc TPTTTƯ giao quyền nhiều hơn nữa cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND và Chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc TPTTTƯ.
Thứ hai, UBND thành phố thuộc TPTTTƯ được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách thuộc thẩm quyền của UBND TPTTTƯ cấp trên trực tiếp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ ba, UBND thành phố thuộc TPTTTƯ cần được giao phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đồ án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TPTTTƯ theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng.
Thứ tư, UBND thành phố thuộc TPTTTƯ cần được phê duyệt đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến của Hội đồng nhân dân TPTTTƯ theo quy định của Luật Quản lý tài sản công.
Thứ năm, UBND thành phố thuộc TPTTTƯ cần được UBND TPTTTƯ trực tiếp giao dự toán cho các nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ trong dự toán hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, cần bám sát yêu cầu thực tiễn vận hành của mô hình thành phố thuộc TPTTTƯ trong thực tiễn quản lý nhà nước để có phương án điều chỉnh phù hợp, tránh chủ quan, duy ý chí, giao cơ chế thí điểm nhưng thiếu giá trị tổng kết rút kinh nghiệm cho quá trình xây dựng thể chế cho các loại chính quyền địa phương tương ứng.
Nhìn chung, việc nghiên cứu thấu đáo thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc TPTTTƯ đầu tiên ở nước ta mang lại giá trị kinh nghiệm, khung tham chiếu để hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động của mô hình chính quyền các thành phố thuộc TPTTTƯ trong tương lai, góp phần hoàn thiện thể chế TPTTTƯ trên phạm vi cả nước.
ThS. Phạm Thị Hoàn
Trưởng Phòng Tư pháp TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
[1]. Bài viết là sản phẩm trực tiếp của Đề tài khoa học công nghệ cấp thành phố “Tổ chức và hoạt động của chính quyền Thành phố Thủ Đức” theo Quyết định số 1057/QĐ-SKHCN ngày 28/12/2022 của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
[2]. Xem: Gerald Frug (2014), The Central - Local Relationship, Stanford Law & Policy Review, tập 25 quyển 1, tr. 1 - 8.
[3]. Xem khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
[4]. Xem: Khoản 5 Điều 1 Quyết định số 1538/QĐ-TTg ngày 16/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 388), tháng 9/2023)