Tóm tắt: Thể chế về phòng, chống tham nhũng là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Bài viết đi sâu phân tích về thực trạng thể chế về phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay, từ đó, đưa ra một số kiến nghị về việc hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Abstract: The institution on anti-corruption is a basic and fundamental element that has the effect of preventing corruption from the root. The article analyzes in depth the current institutional situation of anti-corruption in our country, from which, makes some recommendations on improving the anti-corruption institutions in Vietnam in the current period.
1. Dẫn nhập
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi[1], là hiện tượng xã hội tiêu cực, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, là một trong những nguy cơ gây xói mòn lòng tin của nhân dân với chính quyền và xa hơn là ảnh hưởng đến sức mạnh, sự tồn vong của hệ thống chính trị. Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân.
Pháp luật không bất biến mà luôn đòi hỏi có sự phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Do đó, không ngừng hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng là một công cụ quan trọng, là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc các hành vi tham nhũng. Đây được xem là một trong những giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.
2. Thực trạng thể chế về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua
Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt được những kết quả nhất định, trong đó, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện. Từ năm 2013 đến nay, Quốc hội ban hành hơn 250 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 88.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng[2]. Nhiều quy định của pháp luật đã được xây dựng, ban hành, hoàn thiện kịp thời trên các lĩnh vực[3], qua đó, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần hạn chế những sơ hở, bất cập trong quản lý dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, để hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn như: Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Thông tư số 145/2020/TT-BCA ngày 29/12/2020 của Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng... Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật - là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng và lợi ích nhóm cũng như góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán chưa đáp ứng yêu cầu về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, như một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp…; chế độ công vụ hiện nay mới bắt đầu được thể chế hóa nhưng các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp chưa được luật hóa; quy định của pháp luật làm cơ sở cho việc khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng còn chưa rõ ràng, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất (chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng, mặc dù đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự); cơ chế kiểm soát quyền lực mặc dù đã được thiết lập, nhưng chưa thể hiện được đầy đủ tinh thần được ghi nhận trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng như tại Điều 3 Hiến pháp năm 2013 là có sự “kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, dẫn đến những hiện tượng tha hóa quyền lực, tham nhũng vẫn diễn ra.
Bên cạnh đó, cơ chế về kiểm soát thu nhập chưa hiệu quả mang tính chung chung, chỉ nhắm đến những tài sản đã hình thành và đang bỏ sót một đối tượng khác là các tài sản hình thành trong tương lai (gồm tài sản chưa hình thành; tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch). Những vấn đề về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc vẫn còn bất cập, chưa hoàn thiện về khung pháp lý.
Mặt khác, các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch đã có nhưng chưa rõ ràng, cụ thể; các quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình còn thiếu sự đồng bộ trong các văn bản pháp luật (ví dụ, nếu như Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước thì đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao hẹp hơn, chỉ là trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình); chưa đề cập nhiều đến giải trình chủ động mà chủ yếu hướng đến trách nhiệm giải trình bị động; chưa đề cập đến “trách nhiệm” mà chủ yếu có xu hướng nghiêng về vấn đề “giải trình”.
Hơn nữa, nhiều quy định của pháp luật về cơ chế phóng viên, cơ quan báo chí đưa tin về phòng, chống tham nhũng vẫn chưa có cơ chế cụ thể thực hiện. Trong quá trình giải quyết tố cáo, nội dung tố cáo được tiếp nhận, xử lý bởi nhiều cơ quan, đơn vị với sự tham gia của nhiều cán bộ, công chức với nhiều thủ tục rắc rối. Hơn nữa, pháp luật chưa quy định thống nhất thế nào là “có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm”[4]. Ngoài ra, những quy định về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác mới chủ yếu là những quy định chung, chưa cụ thể và đầy đủ về trách nhiệm, cơ chế, hậu quả pháp lý, cũng như những điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Một số đề xuất nhằm hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội
Sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác; nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; khắc phục tình trạng dự án “treo”… để phù hợp với Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Xây dựng năm 2014… và các văn bản hướng dẫn khác liên quan; đồng thời, cần phải xác định rõ trách nhiệm các cơ quan quản lý, sử dụng về đất đai, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện chính sách quản lý nhà nước về việc quản lý, sử dụng đất đai. Điều này làm cơ sở thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội cũng như ngăn chặn những sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai. Ngoài ra, hoàn thiện các quy định để quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách của các cơ quan, đơn vị và chính quyền từ trung ương tới địa phương; kiểm soát các khoản chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên, chi phí hội nghị, lễ hội, tiếp khách nhằm góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về đội ngũ cán bộ, công chức
Nghiên cứu ban hành Luật Hành chính công và nên có một chương quy định chung về các giá trị đạo đức công; hoặc ban hành Luật Đạo đức công vụ (quy định giá trị cốt lõi của nền công vụ, các chuẩn mực của cán bộ, công chức trên các phương diện; có chế tài cụ thể và nghiêm khắc; hoàn thiện cơ chế quản lý đối với cán bộ, công chức…) nhằm điều chỉnh các giá trị đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ví dụ, tham khảo Luật Hành chính công của bang Victoria (Úc), có một chương quy định 07 giá trị công, với các định nghĩa, giải thích cụ thể, bao gồm: Sự đáp ứng (responsiveness), tính liêm chính (integrity), tính công bằng (impartiality), trách nhiệm giải trình (accountability), sự tôn trọng (respect), khả năng lãnh đạo (leadership), (tôn trọng và thúc đẩy) các quyền con người (human rights). Hơn nữa, quy định thành lập Ủy ban Đạo đức hoặc Ủy ban Liêm chính công, hoặc như ở Hoa Kỳ có Cơ quan Đạo đức Chính phủ, với khoảng 70 nhân viên, trong đó có 15 luật sư, ngân sách hằng năm là 12 triệu USD và công chức hành pháp Hoa Kỳ phải tuân theo 14 nguyên tắc hành vi đạo đức[5].
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế về kiểm soát thu nhập
Nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, quy định chi tiết phạm vi của hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ quan hành chính nhà nước cũng như người thân trong gia đình của đối tượng này. Cụ thể: Quy định rõ các loại tài sản như quyền sử dụng đất; quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với tài sản, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, nhà, công trình xây dựng đã có, đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, tài sản theo quy định của pháp luật và trong cả trường hợp không có các giấy tờ trên nhưng đã sử dụng ổn định, lâu dài từ 12 tháng trở lên để phòng ngừa trường hợp các chủ tài sản thường “nhờ” thành viên khác đứng tên với các bản thỏa thuận lợi ích ngầm mà không thể kiểm soát được. Ngoài ra, cũng cần xác định các tài sản hình thành trong tương lai, các giá trị hưởng lợi khác mà đối tượng bị kiểm soát tài sản, thu nhập đang hoặc sẽ được thụ hưởng trong tương lai thông qua các giao dịch, hợp đồng; các khoản bồi hoàn, hay bồi thường, bảo hiểm… Hơn nữa, cụ thể hóa đối với tài sản ở nước ngoài, tiền, tài khoản ngân hàng, tài khoản khác ở nước ngoài phù hợp với pháp luật quốc tế. Đồng thời, cần nghiên cứu hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp và hành vi không giải trình được nguồn gốc của tài sản tăng bất thường bên cạnh chế tài xử lý kỷ luật như pháp luật hiện hành; thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong việc xử lý hành vi kê khai, giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập.
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế về công khai, minh bạch
Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch thể hiện một cách cụ thể, chặt chẽ như nội hàm công khai, minh bạch; tần suất công khai, minh bạch, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng: Các dự án đầu tư công lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản Nhà nước...; xác định trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật… Hơn nữa, nghiên cứu quy định về việc công khai kết quả kê khai tài sản một số chức danh chủ chốt trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập.
Mặt khác, cần sửa đổi Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cụ thể: Mở rộng về chủ thể thực hiện giải trình, bao gồm tất cả các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đều phải thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm công khai, minh bạch và tăng cường sự giám sát của nhân dân và mở rộng phạm vi trách nhiệm giải trình, không chỉ thực hiện khi có yêu cầu mà còn được thực hiện khi các chủ thể thấy cần thiết, có nhu cầu thực hiện trách nhiệm giải trình. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm giải trình nhằm bảo đảm rõ ràng hơn về hệ quả pháp lý của giải trình, nâng cao giá trị của các quy định về trách nhiệm giải trình.
Thứ năm, hoàn thiện cơ chế về kiểm soát quyền lực
Trước hết, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục để Quốc hội tự xem xét lại tính hợp hiến của các đạo luật khi có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp và mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc yêu cầu Quốc hội phải xem xét lại luật khi thấy cần thiết (hiện nay, Chủ tịch nước chỉ có thẩm quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh). Trong thời gian tới, nghiên cứu hướng đến việc ban hành “Luật về Tòa án Hiến pháp” - cơ quan đặc biệt bảo vệ Hiến pháp với vai trò là cơ quan chuyên trách, độc lập bảo vệ Hiến pháp, có thẩm quyền xem xét và đưa ra phán quyết về tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật và xử lý văn bản vi hiến.
Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế kiểm soát giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp như nghiên cứu cơ chế thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao xem xét tính hợp hiến, hợp pháp trong các quyết định của Chính phủ. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan như: Quy định về trình tự, thủ tục để cơ quan thực hiện quyền tư pháp kiểm soát quyền lực hành pháp trong việc ban hành văn bản mang tính quy phạm; quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc tham gia phiên tòa xét xử các vụ án hành chính và thi hành các phán quyết của Tòa án trong các vụ án hành chính; quy định về phạm vi, nội dung, đối tượng kiểm soát quyền lực nhà nước giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp...
Nghiên cứu cơ chế để cử tri có quyền bãi miễn đại biểu nếu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân bảo đảm đúng quy định của pháp luật hiện hành, vừa bảo đảm dân chủ trực tiếp và nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu được bầu. Đây là hình thức mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện. Hiện nay, chưa có trường hợp nào có tiền lệ cử tri bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà chỉ bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu tại nghị trường.
Tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) để khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Ngành Thanh tra hiện nay (phụ thuộc vào người đứng đầu đơn vị hành chính và cơ chế tài chính của đơn vị hành chính chủ quản tương ứng) cũng như ghi nhận “nguyên tắc độc lập” của cơ quan này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (trong Luật Thanh tra năm 2010 chưa ghi nhận nguyên tắc này) nhằm phát huy vai trò của cơ quan này trong hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nghiên cứu việc trao thẩm quyền khởi tố cho cơ quan thanh tra nhằm tăng cường hiệu quả của công tác bảo vệ pháp luật trong quá trình đấu tranh với tội phạm tham nhũng.
Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng thông qua kiện dân sự
Hiện nay, thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu thông qua biện pháp hình sự thường không giải quyết triệt để được tài sản từ tham nhũng. Trong những năm qua, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt (từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn héc-ta đất. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 - 2020, đạt tỷ lệ 32,04%[6]) nhưng vẫn chưa đạt như tỷ lệ mong muốn.
Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước trong việc khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại những tài sản thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nhưng bị hành vi tham nhũng xâm phạm; trong trường hợp cơ quan, tổ chức sở hữu tài sản nhà nước bị tham nhũng không khởi kiện vụ án, cho phép bên thứ ba khởi kiện vụ án dân sự đòi lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại tài sản này. Điều này, nhằm ngăn chặn động cơ tham nhũng, đánh vào tâm lý của người phạm tội và sẽ góp phần khắc phục một phần hoặc toàn bộ thiệt hại mà hành vi tham nhũng đã gây ra cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện thể chế về tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như một công cụ pháp lý quan trọng nhằm “phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”[7]. Cần sớm nghiên cứu, ban hành Luật Giám sát xã hội và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, quy định cụ thể, toàn diện về cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ thể là về thẩm quyền, thủ tục, trình tự thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội; hậu quả pháp lý của việc giám sát, phản biện xã hội; nội dung, hình thức, phạm vi, cơ chế cụ thể và điều kiện bảo đảm thực hiện… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể thực hiện tốt và có hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật quyền giám sát trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước như xây dựng kịp thời các đạo luật về quyền con người, quyền công dân như Luật về Hội, Luật Dân chủ ở cơ sở; các quy định làm cơ sở pháp lý cho việc hạn chế quyền con người trong một số trường hợp khẩn cấp như tình hình dịch bệnh Covid-19,… nhằm quán triệt sâu sắc quan điểm “dân làm chủ”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tiếp tục thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[8].
Hoàn thiện cơ chế bảo vệ phóng viên, cơ quan báo chí, đưa tin về tham nhũng: Phóng viên, cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thể hiện qua nhiều hình thức chẳng hạn qua thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, phóng viên; thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân; hoặc phóng viên, cơ quan báo chí phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng qua những biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp. Vì vậy, cần xác định rõ trong các quy định của pháp luật, phóng viên báo chí chống tham nhũng thì được bảo vệ như thế nào; nguyên tắc, cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; xây dựng cơ chế đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa Nhà nước và người dân, các tổ chức xã hội.
Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
[1]. Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[2]. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/hoan-thien-the-che-de-bao-dam-khong-the-khong-dam-khong-muon-khong-can-tham-nhung-573739.html.
[3]. Như: Hiến pháp năm 2013; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Tố cáo năm 2018; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Luật Báo chí năm 2016; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Đất đai năm 2013; Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Đầu tư năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.
[4]. Nguyễn Minh Tuấn, Phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 23 (423), tháng 12/2020.
[5]. Đỗ Thị Ngọc Lan, Nghiên cứu so sánh quy định về đạo đức công vụ của một số quốc gia và Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 2012, tr. 22 - 23.
[6]. https://hcma.vn/tintuc/Pages/tin-tuc-su-kien.aspx?ItemID=30926&CateID=0.
[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 288 - 289.
[8]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173.