Trước năm 2004, tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, hoạt động thi hành án dân sự rất mờ nhạt, chưa có chỗ dựa chính thức, chỉ dựa vào bản án và theo thủ tục chung về tố tụng chung của Tòa án, chấp hành viên hoạt động thi hành án là thẩm phán hoặc công chức chuyển từ Tòa án. Nhưng kể từ khi Luật Thi hành án dân sự năm 2004 ra đời, vấn đề thi hành án dân sự đã chính thức được quy định trong một đạo luật cụ thể, hoạt động thi hành án bắt đầu đi vào nề nếp, thể hiện được bước phát triển nhất định. Đến năm 2008, công tác này ngày càng được hoàn thiện hơn với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động thi hành án dân sự tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cũng gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc như: Bất cập của các quy định pháp luật; việc quản lý, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý về thi hành án dân sự chưa được đầy đủ, thường xuyên, thống nhất trong phạm vi cả nước; đội ngũ chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Trước yêu cầu đó, đòi hỏi phải có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước mắt và các giải pháp đồng bộ về lâu dài. Để đưa đến cho độc giả hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được cũng như những giải pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự tại nước này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu bài viết “Hoạt động thi hành án dân sự tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào” của tác giả ThS. KhamTay Keopaseuth đăng trên Tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 7 (268) năm 2014.
Hà Phương