Abstract: The Law on marriage and family of 2014 (effective since 1st January 2015) provides many new regulations compared to the Law on marriage and family of 2000. After two years of implementation, there are, however, different opinions and understandings in the society about the issue of same-sex marriage and the right of the same-sex marriage. This article provides readers with some basic information to help them in better understanding of this controversy issue in the society.
Hôn nhân theo quan niệm truyền thống ở tất cả các quốc gia là mối quan hệ tình cảm, sinh lý giữa một người đàn ông và một người đàn bà phát sinh trong quá trình chung sống với nhau và mối quan hệ này tạo ra quyền lợi và nghĩa vụ giữa hai bên. Thông thường, lễ cưới là sự kiện đánh dấu hôn nhân trên thực tế, còn đăng ký kết hôn là sự kiện pháp lý được Nhà nước công nhận. Như vậy, về mặt truyền thống, hôn nhân là sự chung sống giữa một người đàn ông - chồng và một người đàn bà - vợ (tức là mối quan hệ giữa hai người có giới tính sinh học tự nhiên khác nhau với mục đích tạo lập gia đình, sinh con để duy trì nòi giống - chức năng xã hội cơ bản của gia đình). Ngoài ra, hiện nay trên thế giới vẫn còn tồn tại chế độ hôn nhân đa thê (polygamy - một người đàn ông có nhiều vợ), hôn nhân cùng giới (same sex marriage - hai người đàn ông hay hai người đàn bà có cùng giới tính sinh học[1] kết hôn với nhau). Trong trào lưu dân chủ, tiến bộ hiện nay thì chế độ hôn nhân đa thê ngày càng bị lên án mạnh mẽ và có xu hướng giảm dần, trong khi việc hôn nhân cùng giới ngày càng phổ biến và được ủng hộ, mở rộng. Bằng chứng là kể từ những năm 2000 trở đi, vấn đề hôn nhân cùng giới đã được nhiều nước nhìn nhận lại theo hướng ít khắt khe hơn, cởi mở hơn. Nhiều nước đã có những bước đi đột phá như: Hủy bỏ việc cấm, việc trừng phạt hôn nhân cùng giới và công nhận chính thức vấn đề xã hội này về mặt pháp lý; nhiều nước đang có những sự chuẩn bị về mặt pháp lý để xem xét lại có nên tiếp tục duy trì việc cấm đoán như trước kia.
2. Hôn nhân đồng giới trên thế giới
Tùy thuộc vào đặc điểm truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo mà các nước có cách nhìn nhận về vấn đề này khác nhau. Hiện nay, 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chính thức cho phép hôn nhân cùng giới. Năm 2001, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép hôn nhân cùng giới và sau đó là một loạt các nước khác: Bỉ (2003), Tây Ban Nha (2005), Canada (2005), Nam Phi (2006), Na Uy (2009), Thụy Điển (2009), Bồ Đào Nha (2010), Argentina (2010), Mỹ[2] (2010), Đan Mạch (2012), Anh và Xứ Wales (2013), Brazil (2013), Uruguay (2013), New Zealand (2013), Pháp (2013), Luxembourg (2014), Scotland (2014), Ireland (2015), Greenland (2015), Phần Lan (2015). Cách thức các nước công nhận và cho phép hôn nhân cùng giới cũng khác nhau. Có nước, việc cho phép được thể hiện thông qua một đạo luật riêng biệt (Pháp[3]); có nước, việc cho phép được thể hiện bằng một phán quyết của Tòa án (Nam Phi); có nước, việc cho phép chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương (một số bang ở Mỹ[4]), có nước, hôn nhân cùng giới được cho phép thông qua trưng cầu ý dân[5]. Đám cưới đầu tiên của cặp đôi cùng giới Pháp tại Tòa Thị chính thành phố Montpellier ngày 29/5/2013. Hai người đàn ông là Vincent Autin và Bruno Boileau cùng ký vào sổ đăng ký kết hôn.
Hiện nay, chưa có quốc gia nào ở châu Á thừa nhận, cho phép hôn nhân cùng giới. Ở nhiều nước (đặc biệt là các nước hồi giáo ở châu Phi, Tây Á và Nam Á), thậm chí hôn nhân cùng giới bị xã hội nhìn nhận như một thứ “bệnh hoạn” và bị ngăn cấm, trừng phạt nghiêm khắc[6]. Tuy nhiên về bản chất, hôn nhân là một quyền tự nhiên của con người và thuộc phạm trù quyền con người[7], do vậy việc cấm đoán này được coi là sự giới hạn, thậm chí là sự vi phạm quyền con người. Vì vậy, phong trào đấu tranh ở nhiều mức độ khác nhau (trong đó có Việt Nam) đòi quyền kết hôn cùng giới diễn ra ở nhiều nơi, yêu cầu Nhà nước phải xem xét lại vấn đề xã hội này. Dự báo trong tương lai gần, vấn đề kết hôn cùng giới có xu hướng sẽ được mở rộng ở nhiều quốc gia.
3. Hôn nhân đồng giới theo quy định của pháp luật Việt Nam
Trước đây, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 của Việt Nam quy định 05 trường hợp bị cấm kết hôn, trong đó có kết hôn giữa những người cùng giới tính[8]. Tuy nhiên, theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định cấm này đã bị loại bỏ. Điều này thể hiện sự thay đổi trong quan niệm, nhận thức của xã hội ta nói chung, đặc biệt là những nhà làm luật về quyền kết hôn, sự bình đẳng của người đồng tính và các cặp đôi cùng giới[9]. Về mặt pháp lý, hiện nay pháp luật nước ta không còn cấm hôn nhân cùng giới. Tuy nhiên, không cấm không có nghĩa là cho phép các cặp đôi cùng giới có thể đăng ký kết hôn, vì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định rất rõ: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (Điều 8). Bằng việc “không thừa nhận”, Nhà nước Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm, lập trường của mình về vấn đề này. So với “cấm”, “không thừa nhận” nhẹ nhàng, nhân văn, nhân đạo hơn. Tuy nhiên, “không thừa nhận” ở đây cần được hiểu là Nhà nước không khuyến khích[10] và sẽ không thực hiện việc đăng ký kết hôn cho các cặp đôi cùng giới, do đó, giữa họ không phát sinh quan hệ về quyền và nghĩa vụ nếu chung sống với nhau như vợ chồng.
Hôn nhân thực tế là hiện tượng hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực) nhưng không đăng ký kết hôn, thì được Tòa án công nhận là vợ chồng khi ly hôn[11]. Theo kịch bản tương tự, thực tế đã, đang và sẽ xuất hiện tình trạng “hôn nhân cùng giới thực tế”. Điều này có nghĩa là: Tuy không thể đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không được pháp luật công nhận là “vợ chồng”, nhưng các cặp đôi cùng giới hoàn toàn có thể làm đám cưới hay tổ chức hôn lễ theo phong tục truyền thống, sau đó chung sống với nhau như vợ chồng (tất nhiên việc này Nhà nước không khuyến khích). Các trường hợp kết hôn cùng giới cần lưu ý rằng, bình thường thì sự chung sống giữa họ nếu “suôn sẻ” thì không sao, nhưng nếu trục trặc mà phải chia tay, hay khi một bên mất thì có thể sẽ phát sinh không ít hệ lụy phức tạp, nhất là về tài sản và con cái (có thể là con nuôi), vì hiện nay pháp luật chưa quy định việc giải quyết hậu quả từ việc sống chung của người đồng tính.
Trong hoàn cảnh hiện nay, pháp luật nước ta chưa cho phép kết hôn cùng giới. Tuy nhiên, việc hủy bỏ quy định cấm kết hôn cùng giới trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã giúp cộng đồng những người đồng tính và các cặp đôi cùng giới bớt đi phần nào tâm lý bị xã hội, cộng đồng phân biệt đối xử; cho phép họ hy vọng về một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực trong tương lai.
Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Tài liệu tham khảo:
[1]. Giới tính sinh học của một người được xác định ngay từ lúc sinh ra và được thể hiện trên giấy khai sinh; giới tính cũng có thể được xác định lại (ví dụ do phẫu thuật thay đổi giới tính) và được pháp luật công nhận (thông qua thủ tục xác định lại giới tính).
[2]. Kể từ 2010 đến nay, đã có 35 bang của Mỹ cho phép kết hôn đồng tính.
[3]. Ngày 23/4/2013, Quốc hội Pháp đã thông qua Luật số no 2013-404 mở đường cho việc thừa nhận quyền kết hôn đồng giới (luật này được Hội đồng bảo hiến ra phán quyết ngày 17/5/2013 là hợp hiến).
[4]. Ở Mỹ, các bang cho phép hôn nhân đồng giới thông qua các hình thức khác nhau: Bằng quyết định của Tòa án tối cao liên bang, bằng Luật của bang hay bằng trưng cầu dân ý tại các bang.
[5]. Ireland trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính thông qua trưng cầu dân ý. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm 22/5/2015 cho thấy 62,1% cử tri Ireland đồng ý thay đổi hiến pháp quốc gia để định nghĩa lại khái niệm hôn nhân. Theo đó, hôn nhân là sự kết hợp giữa hai con người không phân biệt giới tính của họ.
[6]. Hiện ở 10 nước, kết hôn đồng tính có thể bị xử tử: Yemen, Iran, Iraq, Mauritania, Nigeria, Qatar, Ả Rập Xê út, Somali, Sudan, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập thống nhất.
[7]. Theo khoản 1 Điều 16 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948: Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo.
[8]. Khoản 5, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
[9]. Theo ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch thì “không một quốc gia nào khác trong khu vực Đông Nam Á tiến bộ bằng Việt Nam trong việc chấp nhận hôn nhân đồng tính”. Theo chuyên gia nhân quyền này, tại Thái Lan, những nỗ lực để ra những đạo luật về người đồng tính đã bị đình trệ kể từ ngày giới quân đội đảo chánh vào tháng 5/2014, còn Cam-Pu-Chia, Myanma và Lào thì không đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Thậm chí, theo một chiều hướng ngược lại của mình, Philippines đang xem xét luật cấm hôn nhân đồng tính, Indonesia và Malaysia, 2 quốc gia hồi giáo thì vẫn duy trì “quan điểm phân biệt đối xử cố hữu” chống lại người đồng tính, trong khi Brunei thì ra Luật Hình sự mới, phạt đánh roi và tù nặng đối với giới đồng tính (theo RFI- http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150109-viet-nam-vo-dich-chau-a-ve-ton-trong-nguoi-dong-tinh/).
[10]. Điều 36 Hiến pháp năm 2013 quy định: “…Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng…”. Với quy định này, ta có thể hiểu rằng Nhà nước ta vừa không cho phép chế độ đa thê, vừa không chấp nhận hôn nhân đồng tính, vì “vợ”, “chồng” theo cách hiểu truyền thống là “đàn ông” và “đàn bà”.
[11]. Điều 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.