Thống kê cho thấy, khiếu nại hành chính tại các địa phương chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở đặc biệt là vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Thời gian qua, việc giải quyết khiếu nại hành chính cũng đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả nhất định như đã giải quyết được số lượng lớn đơn khiếu nại, chất lượng giải quyết được nâng lên, nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài đã được giải quyết dứt điểm… Mặc dù vậy, việc giải quyết khiếu nại hành chính cũng vẫn còn tồn tại những hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bài viết này sẽ nêu lên, phân tích, đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm khắc phục bất cập và sai sót trong áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại hành chính.
Về nguyên tắc, khi ban hành một quyết định hành chính để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, thì cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đều rất thận trọng và kỹ lưỡng, đảm bảo việc ban hành là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung, thậm chí phải đảm bảo đúng cả thể thức trình bày của một văn bản theo quy định và khi thực hiện hành vi hành chính cũng vậy[1]. Mặc dù, đã rất thận trọng và kỹ lưỡng, nhưng có một thực tế là, các cơ quan hành chính nhà nước, ngay cả các cơ quan bảo vệ pháp luật khác, không phải lúc nào cũng chính xác khi quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Do đó, phát sinh quyền khiếu nại của công dân. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số bất cập về mặt pháp lý và những sai sót thường gặp khi áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại hành chính.
1. Một số bất cập của pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay
Một là, việc ủy quyền khiếu nại chưa được quy định cụ thể rõ ràng. Điều 12 của Luật Khiếu nại quy định người khiếu nại có quyền: “Tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại; hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Tuy nhiên, việc ủy quyền khiếu nại theo câu chữ quy định tại Điều 12 Luật Khiếu nại nêu trên còn chưa rõ, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất, cụ thể có 02 quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Dựa vào câu chữ của Điều 12 Luật Khiếu nại thì ủy quyền để thực hiện việc khiếu nại; ủy quyền khiếu nại được hiểu là ủy quyền toàn bộ, từ việc ký tên hoặc điểm chỉ trong đơn khiếu nại, cho đến làm việc với các cơ quan có liên quan, được biết các thông tin, tài liệu, tham gia đối thoại… và khiếu nại lần hai theo quy định. Tức là, khi người khiếu nại có Giấy ủy quyền hợp lệ cho người được ủy quyền, thì người được ủy quyền đó, đương nhiên sẽ có đầy đủ các quyền mà Luật Khiếu nại đã ghi nhận cho người khiếu nại.
- Quan điểm thứ hai cơ bản thống nhất quan điểm thứ nhất, chỉ có một điểm khác biệt là: Dù người khiếu nại đã ủy quyền cho người khác để thực hiện việc khiếu nại theo quy định tại Điều 12 của Luật Khiếu nại, thì người khiếu nại cũng phải tự mình ký tên hoặc điểm chỉ trong đơn khiếu nại, nghĩa là người được ủy quyền cũng sẽ có đầy đủ các quyền mà Luật Khiếu nại đã ghi nhận cho người khiếu nại, trừ quyền ký tên hoặc điểm chỉ trong đơn khiếu nại. Những người theo quan điểm thứ hai này đã viện dẫn quy định về điều kiện xử lý đơn khiếu nại[2]. Do đó, dù là người khiếu nại tự mình khiếu nại hay ủy quyền cho người khác thì người khiếu nại cũng phải tự mình ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn khiếu nại, lúc đó đơn khiếu nại đó mới đủ điều kiện xử lý và thụ lý giải quyết.
Chính vì sự chưa rõ ràng về mặt pháp lý như trên, dẫn đến có sự xung đột về quan điểm trong quá trình tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại. Cụ thể, người được ủy quyền khiếu nại (sau khi được người khiếu nại ủy quyền hợp lệ) thường ký tên của mình trong đơn khiếu nại, nhưng khi gửi đến cơ quan có thẩm quyền thì người tiếp nhận đơn không nhận đơn vì cho rằng đơn không đủ điều kiện xử lý theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 07/2014/TT-TTCP nêu trên.
Qua nghiên cứu các quy định của Luật Khiếu nại, cá nhân tác giả thống nhất quan điểm thứ nhất. Bởi vì, Luật Khiếu nại quy định ủy quyền để thực hiện việc khiếu nại; ủy quyền khiếu nại, chứ không quy định ủy quyền tham gia khiếu nại, hay đại diện tham gia khiếu nại. Do vậy, một khi đã có Giấy ủy quyền hợp lệ theo quy định pháp luật thì người được ủy quyền đương nhiên sẽ có đầy đủ các quyền mà Luật Khiếu nại đã ghi nhận cho người khiếu nại, kể cả quyền ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn khiếu nại. Thuật ngữ “người khiếu nại” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 07/2014/TT-TTCP nêu trên là người khiếu nại nói chung, phải được hiểu theo nghĩa rộng, trong đó, có cả người được ủy quyền khiếu nại. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thống nhất, tránh xung đột về quan điểm nhận thức, cần phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 của Luật Khiếu nại theo hướng: Khi được ủy quyền khiếu nại, người được ủy quyền ký tên hoặc điểm chỉ của mình vào đơn khiếu nại; người được ủy quyền khiếu nại có đầy đủ các quyền của người khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật khiếu nại.
Hai là, thiếu căn cứ đình chỉ giải quyết khiếu nại: Hiện nay, Luật Khiếu nại chỉ mới ghi nhận 01 căn cứ duy nhất để người giải quyết khiếu nại được quyền đình chỉ việc giải quyết khiếu nại, đó là khi người khiếu nại nhận được đơn xin rút khiếu nại[3]. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết khiếu nại phát sinh nhiều căn cứ khác có thể đình chỉ giải quyết khiếu nại, nhưng Luật Khiếu nại chưa ghi nhận, như: Người giải quyết khiếu nại chết mà không có người thừa kế quyền và nghĩa vụ; người khiếu nại đã chấm dứt việc ủy quyền khiếu nại đối với người được ủy quyền; người khiếu nại đã được người giải quyết khiếu nại tống đạt giấy mời làm việc hợp lệ 02 lần liên tục mà vẫn vắng mặt… Do vậy, tác giả kiến nghị, cần ghi nhận bổ sung các căn cứ đã nêu trong Luật Khiếu nại, làm căn cứ để người giải quyết khiếu nại có thể đình chỉ việc giải quyết khiếu nại, điều này sẽ góp phần hạn chế số lượng vụ việc khiếu nại tồn đọng tại một số cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.
Ba là, thiếu cơ chế thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Luật Khiếu nại, Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại đã quy định các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu các quy định cần thiết làm căn cứ cho việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Vì một vụ việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà không tổ chức thực hiện được, thì việc giải quyết đó chỉ mới đạt hiệu quả 50%, 50% còn lại phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện triệt để quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đó. Do vậy, theo tác giả, cần thiết phải có thông tư quy định quy trình thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, trong đó, quy định cụ thể nguyên tắc tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho cơ quan, tổ chức thực hiện, trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện… để đảm bảo 100% các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được thi hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại và quản lý nhà nước về khiếu nại.
2. Một số sai sót khi áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay
Thứ nhất, vi phạm thời hạn xử lý đơn. Luật Khiếu nại quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết[4], thì người giải quyết khiếu nại phải có thông báo thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết khiếu nại[5]. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều cơ quan, đơn vị đã vi phạm về thời hạn xử lý đơn, có trường hợp ra thông báo thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết khiếu nại chậm vài ngày, thậm chí vài tháng so với quy định của Luật.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 7, Điều 8 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân quy định Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, huyện có nhiệm vụ phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân hoặc qua đường bưu điện hoặc do các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chuyển đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, tỉnh... Tuy nhiên, có trường hợp, Ban Tiếp công dân cấp huyện, tỉnh không xử lý đơn, thư theo quy định mà tham mưu cho người có thẩm quyền chuyển đơn cho cơ quan chuyên môn trực thuộc xử lý, dẫn đến thời gian kéo dài, vi phạm thời hạn xử lý đơn, thư, ảnh hưởng đến quyền khiếu nại của công dân.
Thứ hai, vẫn còn quan niệm quyết định hành chính phải là văn bản được ban hành với hình thức quyết định: Văn bản được thể hiện với bất kỳ hình thức nào như công văn, thông báo, kết luận… mà do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể, thì đó là quyết định hành chính[6]. Tuy nhiên, trên thực tế một số cán bộ xử lý đơn khiếu nại chưa nắm chặt quy định này, dẫn đến đề xuất không thụ lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đối với khiếu nại các văn bản không phải với hình thức quyết định, gây ảnh hướng đến quyền khiếu nại của công dân.
Thứ ba, kiểm tra không đầy đủ điều kiện thụ lý nên thụ lý sai, dẫn đến giải quyết không đúng quy định. Dưới đây là một ví dụ:
Ngày 25/6/2015, ông Lê Tiến Mạnh, ngụ phường A, quận B, thành phố C gửi đơn phản ánh đến UBND quận B về việc ông Trần Tuấn Minh có hành vi thi công xây dựng cầu qua con rạch/kênh trên địa bàn phường A, quận B không có giấy phép. Cùng ngày, Đội Quản lý trật tự đô thị quận B kết hợp với phường A kiểm tra hiện trạng thi công xây dựng cầu của ông Minh và lập Biên bản xác định ông Minh có hành vi thi công xây dựng cầu không có giấy phép xây dựng và đề nghị ngừng xây dựng. Trong thời gian này, ông Minh lập thủ tục xin phép xây dựng. Ngày 07/8/2015, UBND quận B ban hành Công văn số 2371/UBND-XDCB chấp thuận cho ông Minh được phép xây dựng cầu. Công văn này cũng xác định rõ quy mô, vị trí xây dựng…
Ngày 25/8/2015, ông Mạnh gửi đơn yêu cầu UBND quận B, buộc ông Minh dừng thi công xây dựng cầu vì xây dựng không đúng vị trí đã được UBND quận B chấp thuận tại Công văn số 2371/UBND-XDCB; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với ông Minh, buộc phá dỡ công trình, khắc phục hậu quả khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Trên cơ sở kiểm tra xác minh, ngày 09/10/2015, Chủ tịch UBND quận B ban hành Công văn số 257/UBND-TD trả lời đơn ông Lê Tiến Mạnh, xác định ông Minh xây dựng cầu đúng theo nội dung chấp thuận của quận tại Công văn số 2371/UBND-XDCB. Không đồng ý, ngày 21/10/2015, ông Mạnh có đơn khiếu nại và yêu cầu hủy bỏ Công văn số số 257/UBND-TD nêu trên. Vụ việc khiếu nại được Chủ tịch UBND quận B thụ lý giải quyết. Kết quả, ngày 21/01/2016, Chủ tịch UBND quận B ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 259/QĐ-UBND có nội dung bác yêu cầu của ông Lê Tiến Mạnh, giữ nguyên Công văn số số 257/UBND-TD.
Qua ví dụ trên, chỉ bàn đến việc Chủ tịch UBND quận B thụ lý khiếu nại của ông Mạnh để giải quyết có đúng quy định pháp luật hay không. Có ý kiến cho rằng Công văn số 257/UBND-TD ngày 09/10/2015 của Chủ tịch UBND quận B về việc trả lời đơn ông Lê Tiến Mạnh là một quyết định hành chính, do đó, khi quyết định hành chính của mình bị khiếu nại, thì Chủ tịch UBND quận B thụ lý để giải quyết là đúng quy định của Luật Khiếu nại.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu quy định về điều kiện thụ lý giải quyết một vụ việc khiếu nại hành chính, cá nhân tác giả nhận thấy như sau: Về nguyên tắc khi quyết định hành chính của mình bị khiếu nại, thì Chủ tịch UBND quận B thụ lý để giải quyết là đúng quy định, nhưng không phải quyết định hành chính nào bị khiếu nại cũng được thụ lý giải quyết. Luật Khiếu nại đã quy định 09 trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền nhưng không được thụ lý giải quyết, trong đó có trường hợp “quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại”[7]. Đối chiếu quy định này, với trường hợp ông Lê Tiến Mạnh khiếu nại Công văn số 257/UBND-TD ngày 09/10/2015 của Chủ tịch UBND quận B về việc trả lời đơn của ông Lê Tiến Mạnh, thì thấy rằng Công văn số 257/UBND-TD xác định ông Minh xây dựng cầu đúng theo nội dung chấp thuận của quận tại Công văn số 2371/UBND-XDCB, không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Mạnh. Do đó, khiếu nại của ông Mạnh đối với Công văn số số 257/UBND-TD nêu trên, thuộc trường hợp không được thụ lý giải quyết. Việc Chủ tịch UBND quận B thụ lý khiếu nại của ông Mạnh để giải quyết là không đúng quy định pháp luật.
Bốn là, vấn đề tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại. Theo quy định của Thông tư 07/2013/TT-TTCP có 03 trường hợp phải tổ chức đối thoại trong quy trình giải quyết khiếu nại như sau[8]:
(i) Trong quá trình giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người giải quyết khiếu nại và kết quả xác minh nội dung giải quyết khiếu nại còn khác nhau.
(ii) Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại.
(iii) Trong quá trình giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai phải tổ chức đối thoại.
Tuy nhiên, trong thực tế giải quyết khiếu nại, nhất là giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh đề xuất bác nội dung khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu giải quyết quyết định bác nội dung khiếu nại, nhưng không tổ chức đối thoại với người khiếu nại, hoặc có tổ chức đối thoại nhưng không đúng thành phần, lập biên bản không theo biểu mẫu quy định. Dẫn đến hậu quả pháp lý là người giải quyết khiếu nại lần hai phải yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Năm là, vi phạm về thẩm quyền sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính bị khiếu nại. Tại điểm h khoản 2 Điều 40 Luật Khiếu nại quy định: “… Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại…”. Như vậy, nếu khiếu nại là đúng toàn bộ hoặc đúng một phần thì người giải quyết khiếu nại lần hai phải yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp, trong quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của mình, người giải quyết khiếu nại lần hai đã tự mình quyết định sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính bị khiếu nại mà không yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính. Nghĩa là, người giải quyết khiếu nại lần hai đã “làm thay” công việc của người giải quyết khiếu nại lần đầu, việc “làm thay” này là trái quy định pháp luật và thực tiễn cũng đã phát sinh nhiều trường hợp Tòa án nhân dân có thẩm quyền phải tuyên hủy một phần giải quyết khiếu nại trái pháp luật do vi phạm nêu trên.
Sáu là, yêu cầu người khiếu nại khi rút khiếu nại phải nêu rõ lý do. Tại Điều 10 Luật Khiếu nại quy định: “Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại…”. Như vậy, về nguyên tắc, khiếu nại là quyền và rút khiếu nại cũng đương nhiên là quyền của người khiếu nại, do đó, Luật Khiếu nại đã quy định người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Luật Khiếu nại không quy định việc rút khiếu nại phải thể hiện lý do vì sao rút khiếu nại, chỉ cần thể hiện việc xin rút khiếu nại bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại là đúng quy định. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có trường hợp cán bộ, công chức (CBCC), người được phân công tham mưu giải quyết khiếu nại yêu cầu người khiếu nại phải nêu rõ lý do rút khiếu nại, việc làm này là trái quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền định đoạt của công dân trong việc khiếu nại.
Để hạn chế những sai sót trong áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay, tác giả có một số kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền như sau:
Một là, cần rà soát, tổng hợp đội ngũ CBCC làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại không đạt hiệu quả, có nhiều sai sót do lỗi chủ quan để xem xét từng trường hợp cụ thể, thực hiện việc điều động, luân chuyển và bố trí CBCC có năng lực tham mưu, phụ trách, nhất thiết CBCC làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại phải có trình độ chuyên môn là cử nhân luật trở lên.
Hai là, quy định ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong công tác giải quyết khiếu nại đối với cấp trên trực tiếp, để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại là nghiêm túc, nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác giải quyết khiếu nại.
Ba là, phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá CBCC đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, lấy hiệu quả công tác làm thước đo phẩm chất, năng lực CBCC, không nặng về cơ cấu, tổ chức, cần chú trọng chuyên môn, hiệu quả công việc.
Bốn là, cơ quan có thẩm quyền phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn, bổ sung CBCC cho các cơ quan trực tiếp làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại theo hướng chuyên nghiệp và ổn định, đảm bảo đủ sức làm tham mưu cho người có thẩm quyền trong công tác giải quyết khiếu nại. Đồng thời, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cũng phải kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng trước khi ký ban hành các văn bản trong giải quyết khiếu nại, hạn chế trường hợp phụ thuộc hoàn toàn vào bộ phận tham mưu.
Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 3
[1]. Nguyễn Vũ Bảo, Phan Thị Thùy Trang, Vấn đề kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại trong giải quyết khiếu nại hành chính - thực trạng và giải pháp, Tạp chí Thanh tra, Thanh tra Chính phủ, số 09-2015, tr. 27.
[2]. Xem: Điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.
[3]. Xem: Điều 10 Luật Khiếu nại năm 2011.
[4]. Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011.
[5]. Điều 27 Luật Khiếu nại năm 2011.
[6] Xem: Khoản 8 Điều 2 Luật Khiếu nại.
[7]. Điều 11 Luật Khiếu nại 2011.
[8]. Điều 21 Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005