1. Giá trị pháp lý của giấy khai sinh
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh việc làm căn cước công dân gắn chip cho người dân để thay cho việc cấp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân mã vạch. Trong hồ sơ cấp căn cước công dân đòi hỏi thông tin phải đầy đủ và thống nhất. Trường hợp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu mà không có ngày, tháng, năm sinh hoặc thiếu các thông tin khác thì giấy khai sinh là bắt buộc để có cơ sở và là giấy tờ đầy đủ thông tin nhất để làm căn cước công dân. Tuy nhiên, ở các huyện, các xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thông tin hộ tịch hầu như không trùng khớp, thậm chí những thông tin do cùng cơ quan công an cấp như chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu có sự khác nhau về họ tên, ngày, tháng, năm sinh… Các hồ sơ cá nhân như chứng chỉ, văn bằng, học bạ, giấy chứng nhận cũng có sai sót thông tin hộ tịch của cá nhân. Vì vậy, cần phải đối chiếu giấy khai sinh và chỉnh lý thông tin theo giấy khai sinh cho phù hợp, bởi theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP) thì giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc, thể hiện những thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân và là cơ sở để xác định thông tin của một cá nhân trên các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan đến nhân thân của cá nhân đó. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân phải phù hợp với giấy khai sinh về các thông tin như họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán…
Như vậy, giấy khai sinh là cơ sở để xác định họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quan hệ cha, mẹ, con của một người; xác định người thừa kế; người đại diện hoặc năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong giấy khai sinh thì phải điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong giấy khai sinh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, có nhiều trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số chưa đăng ký khai sinh hoặc đã đăng ký nhưng sổ hộ tịch, hồ sơ gốc bị mất, thất lạc hoặc không còn lưu giữ dẫn đến thông tin cá nhân trong hồ sơ, giấy tờ không trùng khớp.
Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức được tầm quan trọng của giấy khai sinh và hiểu biết về pháp còn hạn chế. Nhiều đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn chưa nắm rõ được thủ tục, giấy tờ khi đăng ký khai sinh; việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn do đường xá xa xôi, trắc trở; tâm lý sợ sệt khi đến cơ quan công quyền. Bên cạnh đó, một bộ phận công chức tư pháp - hộ tịch có thái độ làm việc sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, chưa tuân thủ giờ giấc làm việc dẫn đến việc phải chờ đợi, chưa tạo điều kiện cho đồng bào ở xa thuận tiện trong việc đăng ký khai sinh; sự phối hợp với các cơ quan chức năng để xuống cơ sở tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch của công chức tư pháp - hộ tịch tại địa phương chưa thực sự hiệu quả.
2. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký khai sinh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014 thì: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con;…”. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn chậm trễ trong việc đăng ký khai sinh, thậm chí có người đến tuổi đi học mà vẫn chưa đăng ký. Mặc dù giấy khai sinh được coi là giấy tờ hộ tịch gốc, mọi hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác phải phù hợp và theo đúng nội dung giấy khai sinh nhưng thực tế hiện nay ở các thôn, làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai - nơi có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lại không có đăng ký khai sinh. Khi đến tuổi đi học, hoặc đến khi hồ sơ, giấy tờ cá nhân sai sót, hoặc khi làm thẻ căn cước công dân thì lúc này mới tiến hành đi đăng ký khai sinh. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số thường đến cơ quan công an xã để làm sổ hộ khẩu và tự khai thông tin cá nhân như họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, dân tộc, quốc tịch… và sử dụng chính những thông tin tự khai này để đăng ký đi học, đi làm hoặc làm những giấy tờ khác như chứng minh nhân dân. Điều này dẫn đến tình trạng có những thông tin hộ tịch không trùng khớp, thậm chí trong các giấy tờ tự khai thì mỗi giấy tờ một thông tin.
Có thể kể đến sai sót như “họ” của con không cùng “họ” của cha hoặc “họ” của mẹ. Đơn cử như, chị Siu P, sinh năm 1976, có đến Ủy ban nhân dân (UBND) xã để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho bản thân. Theo như chị Siu P trình bày, chị sinh năm 1976 nhưng do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên cha, mẹ cũng như bản thân chị từ trước đến nay chưa đăng ký khai sinh tại UBND xã. Nay chị đi đăng ký khai sinh tại UBND xã, chị đã cung cấp hồ sơ, giấy tờ cá nhân cho UBND xã theo quy định và cam đoan chịu trách nhiệm về giá trị pháp lý của các giấy tờ đã nộp. Cụ thể, chị Siu P đã nộp chứng minh nhân dân mang tên Siu P, sinh năm 1976; sổ hộ khẩu của chị Siu P do chính chị làm chủ hộ cũng mang tên Siu P, sinh năm 1976; sổ hộ khẩu của cha mẹ chị Siu P, trong đó, cha chị là ông Rơ Châm D làm chủ hộ, mẹ của chị là bà Puih M, có tên chị Siu P (tách khẩu), các anh chị của chị Siu P mang họ Rơ Châm. Ngoài ra, chị Siu P còn cung cấp thêm “văn bản xác minh quan hệ cha, mẹ, con” có xác nhận của cơ quan công an, xác nhận của người làm chứng và xác nhận của UBND xã trong đó có nội dung là chị Siu P, sinh năm 1976 có cha là Rơ Châm P và mẹ là Puih M. Trường hợp của chị Siu P chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà khi đi đăng ký khai sinh “họ” của con không cùng “họ” của cha hoặc “họ” của mẹ, thậm chí, anh, chị, em cùng cha, mẹ đẻ mà lại có “họ” khác nhau.
Hoặc, đơn cử trường hợp khác là, khi anh Rơ Châm T đi đăng ký khai sinh cho bản thân, hồ sơ, giấy tờ cá nhân của anh T đều mang họ Rơ Châm. Tuy nhiên, cha mẹ anh T đều không có họ mà chỉ có mỗi tên.
Điều này gây khó khăn, lúng túng cho công chức tư pháp - hộ tịch khi thực hiện thủ tục đăng ký. Bởi lẽ, về mặt nguyên tắc, theo pháp luật dân sự thì việc xác định “họ” cho con phải theo “họ” của cha hoặc “họ” của mẹ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ...” . Do đó, con sinh ra bắt buộc phải theo họ cha hoặc họ mẹ và việc theo họ ai là do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì xác định theo tập quán, vùng miền. Ngoài ra, tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định rất rõ về việc ghi họ trong giấy khai sinh: “Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán”. Đối với tập quán của người đồng bào dân tộc Jrai theo truyền thống mẫu hệ, con cái khi sinh ra thường mang họ mẹ. Theo như quy định nêu trên thì công chức tư pháp - hộ tịch khi đăng ký khai sinh cho chị Siu P thì xác định họ của chị Siu P phải là họ Puih (họ của mẹ) hoặc họ Rơ Châm (họ của cha) và trường hợp của anh Rơ Châm T do cha mẹ anh không có họ nên khi đăng ký khai sinh phải bỏ họ Rơ Châm đi thì mới đúng nguyên tắc pháp luật dân sự và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu đăng ký khai sinh theo đúng nguyên tắc như trên thì sẽ dẫn đến “họ” trên giấy khai sinh sau khi đăng ký không trùng khớp với thông tin, “họ” trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân đã có trước đây (như bằng cấp, giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận kết hôn…), gây xáo trộn thông tin và người dân phải đi cải chính lại toàn bộ thông tin hộ tịch theo giấy khai sinh. Việc cải chính hộ tịch hồ sơ, giấy tờ cá nhân nếu theo “họ” của cha hoặc “họ” của mẹ cũng sẽ gặp khó khăn, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc, vì các giấy tờ không chỉ do một cơ quan có thẩm quyền cấp mà liên quan đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu phải liên hệ với cơ quan công an để điều chỉnh thay đổi; giấy chứng nhận kết hôn phải cải chính lại tại UBND cấp huyện nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú và bằng cấp, học bạ, hồ sơ học tập thì rất khó để điều chỉnh, chưa kể vì giấy khai sinh mới được đăng ký sau này nên nhiều địa phương đang còn lúng túng vì cho rằng chưa đủ cơ sở để cải chính hộ tịch.
3. Một số kiến nghị
Vấn đề trước mắt và cấp thiết là giải quyết yêu cầu của người dân để họ sớm có đủ thông tin đăng ký khai sinh làm thẻ căn cước công dân. Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì: “Trường hợp người yêu cầu không có bản sao giấy khai sinh nhưng hồ sơ, giấy tờ cá nhân có sự thống nhất về nội dung khai sinh thì đăng ký lại theo nội dung đó. Nếu hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về nội dung khai sinh thì nội dung khai sinh được xác định theo hồ sơ, giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chính thức hợp lệ đầu tiên…”. Căn cứ quy định nêu trên và căn cứ Công văn số 884/HTQTCT-HT ngày 04/9/2020 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực gửi Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, để bảo đảm quyền lợi của công dân, tôn trọng tính lịch sử và hồ sơ, giấy tờ được thống nhất thì Sở Tư pháp hướng dẫn cơ quan đăng ký hộ tịch đăng ký khai sinh theo đúng thông tin trong hồ sơ, giấy tờ của cá nhân. Sau khi đăng ký khai sinh, nếu công dân có yêu cầu cải chính theo “họ” của cha hoặc “họ” của mẹ thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận và giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Rõ ràng, về nguyên tắc, không thể áp dụng Điều 25 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP vì quy định khác với Bộ luật Dân sự năm 2015. Hơn nữa, công văn hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực chỉ hướng dẫn những địa phương có vướng mắc, khó khăn mà chưa gửi tất các các Sở Tư pháp thuộc các tỉnh, thành phố. Vì vậy, tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành để áp dụng chung, thống nhất trên cả nước.
Ngoài ra, để nâng cao hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đăng ký khai sinh đầy đủ, kịp thời thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đóng vai trò hết sức quan trọng như phối hợp với ban, ngành, đoàn thể xuống tận thôn, làng để tuyên truyền, cấp phát tài liệu, tờ gấp đến tay người dân. Thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã. Đối với công chức tư pháp - hộ tịch, cần phải chủ động kiểm tra, rà soát để đăng ký khai sinh kịp thời; phải thường xuyên trau dồi kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Công tác đăng ký hộ tịch nhất là đăng ký khai sinh là công việc đòi hỏi phải đầy đủ, kịp thời và chính xác. Vì đây là sự kiện hộ tịch đầu tiên của mỗi cá nhân và những thông tin trong sổ đăng ký khai sinh hết sức quan trọng. Do vậy, các cơ quan hộ tịch, các ban, ngành, đoàn thể phải quan tâm hơn nữa tới công tác khai sinh, cần có sự phối hợp của các cơ quan trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký khai sinh; đồng thời, thường xuyên cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch.
Phòng Tư pháp huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai