1. Khái quát về lương đủ sống
1.1. Khái niệm về lương đủ sống
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay, khái niệm về lương đủ sống (living wage) trở thành một điểm nổi bật trong các cuộc thảo luận về quyền lợi lao động. Lương đủ sống không chỉ là một khái niệm lịch sử mà còn là quan điểm thiết yếu để bảo đảm người lao động không phải sống trong nghèo đói và nhận được một mức lương xứng đáng. Ý tưởng về mức lương đủ sống không phải là mới nhưng nó đã trở thành chủ đề “nóng” sau cuộc đại suy thoái. Cuộc khủng hoảng kinh tế làm nổi bật thực trạng là một số cá nhân không đủ khả năng trang trải cuộc sống. Một số chuyên gia cho rằng, những người không kiếm được mức lương đủ sống sẽ phải đối mặt với những thách thức nhất định, chẳng hạn như phải làm nhiều công việc, con cái họ sẽ nghỉ học và đối mặt với những vấn đề sức khỏe bất ngờ mà họ không đủ khả năng giải quyết[2]. Hiện nay, ở nhiều quốc gia, lương đủ sống vẫn tương đối mới mẻ và thường bị nhầm lẫn với một cơ chế lương vốn phổ biến trước đó là lương tối thiểu (minimum wage). Mặc dù, lương đủ sống và lương tối thiểu có những đặc điểm chung về việc đặt ra “mức sàn” về tiền lương, quy định theo vùng và thời gian, tuy nhiên, chúng có bản chất và mục đích hoàn toàn khác nhau. Trong khi lương tối thiểu hướng đến việc ngăn chặn bóc lột lao động, lương đủ sống ủng hộ một mức sống cao hơn được mô tả là “cuộc sống đàng hoàng” cho người lao động.
Trong nghiên cứu “Ước tính mức lương đủ sống: Đánh giá phương pháp luận”, Richard Anker, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Lương đủ sống là mức lương đủ bảo đảm cho người lao động và gia đình họ có cuộc sống cơ bản, bền vững phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước. quốc gia, vùng, địa phương”[3]. Trong khái niệm này, Richard cho rằng, lương đủ sống gồm các tiêu chí như: (i) Bảo đảm cho người lao động và gia đình có cuộc sống cơ bản, bền vững; (ii) Phù hợp với trình độ phát triển kinh tế theo từng khu vực. Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu (GLWC) định nghĩa: “Lương đủ sống là tiền thù lao mà người lao động nhận được cho một tuần làm việc tiêu chuẩn ở một nơi cụ thể đủ để bảo đảm mức sống tử tế cho người lao động và gia đình họ. Các yếu tố của một mức sống tốt bao gồm thực phẩm, nước, nhà ở, giáo dục, y tế, giao thông, quần áo và các nhu cầu thiết yếu khác, bao gồm cả việc dự phòng cho các sự kiện bất ngờ”[4]. Có thể thấy rằng, định nghĩa này của GLWC đã làm rõ hơn về khái niệm lương đủ sống, đó là khoản tiền thù lao, xác định theo tuần làm việc tiêu chuẩn ở một nơi cụ thể; lương đủ sống được xác định bằng các yếu tố được liệt kê cụ thể cần được bảo đảm ở mức tốt; bổ sung yếu tố dự phòng cho các sự kiện
bất ngờ.
Hai định nghĩa trên đều cho rằng, mức lương đủ sống phải tạo ra mức sống tối thiểu tử tế, mức sống cơ bản đầy đủ. Theo đó, “đủ sống” hay “sống tử tế” không có nghĩa là chi tiêu thoải mái, mà là bảo đảm mức sống cơ bản đầy đủ cho bản thân người lao động và gia đình họ. Cuộc sống cơ bản đầy đủ bao gồm các vấn đề về nhà ở, thực phẩm, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và các nhu cầu khác của con người. Mức lương đủ sống phải là mức được trả cho thời gian làm việc cụ thể, không bao gồm tiền lương làm thêm giờ và phải được điều chỉnh để theo kịp những thay đổi về giá cả và phát triển kinh tế[5]. Theo định nghĩa của GLWC thì mức lương đủ sống còn bao gồm khoản tích lũy cho tương lai, dự phòng cho sự kiện bất ngờ.
Như vậy, lương đủ sống có thể được hiểu là số tiền công người lao động được nhận dựa trên các tiêu chuẩn mức sống cụ thể của quốc gia hoặc địa điểm tương ứng để họ và gia đình có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, bảo đảm cuộc sống tử tế, có khoản tiền dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng; đồng thời tạo điều kiện cho họ tham gia có ý nghĩa vào xã hội ngoài việc sinh tồn đơn thuần.
1.2. Đặc điểm
Thứ nhất, lương đủ sống xác định bằng thời gian làm việc theo quy định tiêu chuẩn (tuần hoặc tháng). Việc này giúp xác định một cơ sở thời gian cụ thể để tính toán mức lương, tạo ra sự rõ ràng và công bằng trong quá trình xác định thu nhập. Thời gian làm việc để tính mức lương đủ sống không bao gồm thời gian tăng ca hay làm thêm giờ mà chỉ là thời gian làm việc tối đa theo tuần không quá 48 tiếng (theo Liên minh Lương sàn châu Á - AFWA) hay theo tháng[6]. Điều này bảo đảm người lao động không phải làm thêm giờ quá mức, ngăn chặn việc lạm dụng và bóc lột sức lao động để đạt mức lương đủ sống.
Thứ hai, lương đủ sống thường có mức sàn cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu được quy định. Đặc điểm này xuất phát từ khái niệm lương đủ sống phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản của cuộc sống, hướng tới hỗ trợ không chỉ người lao động mà cả gia đình họ. Vì mức lương đủ sống phải đủ để hướng tới phát triển con người về nhiều mặt trong cuộc sống dẫn đến mức sàn sẽ khá cao.
Thứ ba, cơ sở để tính lương đủ sống bao gồm nhiều yếu tố như: Theo vị trí địa lý, nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ như thực phẩm, chăm sóc trẻ em, bảo hiểm y tế, nhà ở, giao thông và các yêu cầu cơ bản khác; tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc điểm về cung - cầu lao động và các chi phí xã hội khác có liên quan đến người lao động (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí đào tạo…)[7]. Qua đó, lương đủ sống không chỉ là một con số trừu tượng mà còn là một công cụ linh hoạt, phản ánh chính xác của sự phức tạp và đa dạng trong cuộc sống hàng ngày của người lao động và gia đình họ, bảo đảm rằng người lao động và gia đình họ có thể sống một cuộc sống tử tế, không phải lo lắng về những khó khăn tài chính cơ bản.
Thứ tư, mục đích của lương đủ sống là bảo đảm cho người lao động có đủ thu nhập để có mức sống thỏa đáng với sức lao động mà họ bỏ ra, vừa để họ có đủ tiền để chi trả các nhu cầu cơ bản của con người và tham gia vào đời sống văn hóa - xã hội. Đồng thời, mức lương đủ sống cũng góp phần xóa bỏ sự nghèo đói và bất bình đẳng trong thu nhập, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
2. Pháp luật về lương đủ sống tại Hoa Kỳ
2.1. Bối cảnh hình thành pháp luật về lương đủ sống
Hoa Kỳ, với bề dày lịch sử và đa dạng văn hóa, đặt nền móng cho một trong những hệ thống pháp luật phức tạp và tiên tiến nhất trên thế giới. Dựa trên nguyên tắc phân quyền và phân tầng giữa các cấp chính quyền, hệ thống này thể hiện sự linh hoạt và khả năng thích ứng đối với nhiều vấn đề, từ dân quyền đến quyền lợi lao động. Đồng thời, nó đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và bảo vệ quyền tự do, là một phần không thể thiếu của định nghĩa văn hóa và chính trị của nước này.
Trong thập kỷ 1990, Hoa Kỳ chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của một phong trào xoay quanh vấn đề lương đủ sống, đặc biệt là trong bối cảnh người lao động bị suy giảm thu nhập và mức lương tối thiểu ngày càng không phù hợp. Thách thức này đã làm nổi bật sự cần thiết của việc thiết lập một chính sách tiền lương mới. Tháng 12/1994, sắc lệnh đầu tiên về lương đủ sống đã được thông qua tại Baltimore, thể hiện sự linh hoạt của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ và đánh dấu bước quan trọng trong hành trình này. Ý tưởng ấy nhanh chóng lan truyền khắp đất nước, nổi bật nhất là phong trào “Fight for $15” (đấu tranh vì 15 đô la). Các cuộc biểu tình, cuộc đình công và những nỗ lực tập trung vào việc đạt được mức lương đủ sống trở nên phổ biến. Phong trào này không chỉ tập trung vào các khu vực công nghiệp lớn mà còn lan rộng đến các thành phố và cộng đồng nhỏ. Các phong trào diễn ra tương đối thành công, đến năm 2003 đã có 122 sắc lệnh về lương đủ sống ở các thành phố của Hoa Kỳ và 75 sắc lệnh bổ sung đang được thảo luận[8]. Lương đủ sống không chỉ giải quyết vấn đề tạm thời mà còn là sự động viên cho việc thay đổi cấu trúc và chính sách xã hội, mở rộng các quan điểm truyền thống về kinh tế và pháp luật lao động, hướng tới một tương lai công bằng và bền vững, nơi mà giá trị lao động được đánh giá cao và mọi công dân có cơ hội phát triển và thịnh vượng.
2.2. Nội dung pháp luật về lương đủ sống
Thứ nhất, các quy định về mức lương đủ sống được thông qua chủ yếu ở cấp thành phố hoặc cấp quận (gọi chung là thành phố). Mỗi thành phố tại Hoa Kỳ sẽ có những quy định riêng về lương đủ sống, tuy nhiên đều quy định một điểm chung: Luật lương đủ sống là “…các quy định của địa phương yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân được hưởng lợi từ tiền công” để trả lương và phúc lợi cao hơn thị trường cho người lao động của họ[9]. Các sắc lệnh lương đủ sống đều đặt mức lương đủ sống ở mức chuẩn nghèo của liên bang cho một người lao động toàn thời gian với một gia đình ba hoặc bốn người và yêu cầu mức lương đủ sống phải được điều chỉnh hàng năm bằng một số thước đo chi phí sinh hoạt để tránh tác động của lạm phát.
Đáng chú ý là, hầu hết các sắc lệnh đều đặt ra hai mức lương. Người sử dụng lao động có thể trả mức lương đủ sống và cung cấp các quyền lợi bảo hiểm y tế hoặc nếu họ không cung cấp bảo hiểm y tế, họ phải trả mức lương cao hơn[10].
Thứ hai, mặc dù phạm vi đối tượng áp dụng có thể thay đổi tùy thuộc vào thành phố nhưng sắc lệnh thường áp dụng cho nhóm những người lao động như: (i) Những người lao động được chính quyền thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền trực tiếp tuyển dụng; (ii) Người lao động của các doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ cho chính quyền thành phố hoặc bất kỳ cơ quan nào của thành phố; (iii) Người lao động của các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ tài chính từ thành phố dưới hình thức trợ cấp, cho vay, giảm thuế, tài trợ trái phiếu và các hình thức chính sách phát triển kinh tế địa phương. Trong một số trường hợp ngoại lệ, người lao động tại các cơ sở thuộc sở hữu công nhưng do tư nhân điều hành (như sân bay hoặc bến du thuyền) cũng được áp dụng luật này[11]. Như vậy, khi so sánh với lương tối thiểu, phạm vi đối tượng của sắc lệnh lương đủ sống tương đối hẹp.
Thứ ba, hệ thống theo dõi và đánh giá hiệu quả của mức lương đủ sống được triển khai thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều cơ quan và tổ chức chính trị - xã hội như Bộ Lao động, Ủy ban Thống kê lao động quốc gia (BLS), Ủy ban Dân số, dân cư và lao động (Census Bureau). Cùng với đó, các tổ chức như Ban Cơ hội lao động (EEOC), Ủy ban Nghiên cứu kinh tế và đánh giá chính sách (CEA) chịu trách nhiệm bảo đảm công bằng và đánh giá tác động của chính sách mức lương. Hệ thống này không chỉ ghi chép các chỉ số kinh tế mà còn tích hợp phản hồi từ cộng đồng và đánh giá hiệu suất định kỳ, sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động (NLS) để bảo đảm tính minh bạch và độc lập. Quy trình này bảo đảm rằng thông tin đánh giá là đầy đủ, minh bạch và có độ tin cậy cao, đáp ứng nhanh chóng và chính xác đối với đòi hỏi của thị trường lao động.
2.3. Thành tựu của pháp luật về lương đủ sống
Phong trào và pháp luật về lương đủ sống đã hỗ trợ các nỗ lực tăng mức lương tối thiểu ở cấp thành phố cũng như ở cấp tiểu bang và liên bang. Trung bình, mức lương đủ sống đã tăng thu nhập thêm 6.950 đô la mỗi năm cho những người lao động được áp dụng vẫn làm việc cho cùng một người chủ trước và sau sắc lệnh (từ 21.770 đô la lên 28.720 đô la, tăng 32%)[12]. Các sắc lệnh không dẫn đến những kết quả tiêu cực như những người phản đối dự đoán là làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp hay tình trạng nghèo đói bởi lương đủ sống có phạm vi áp dụng hẹp.
Chính vì vậy, các sắc lệnh về lương đủ sống được ban hành đã hỗ trợ công việc người nghèo và giải quyết tình trạng bất bình đẳng trên thị trường lao động, đặc biệt là khi cơ chế khác (chẳng hạn như luật lương tối thiểu và thương lượng tập thể) đã dần không hiệu quả.
Đặc biệt, các nhà hoạt động xã hội đã sử dụng chiến dịch trả lương đủ sống để đạt được các mục tiêu khác như: (i) Xây dựng các liên minh và liên minh mới giữa những người lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến công việc lương thấp; (ii) Ảnh hưởng đến đối thoại và tranh luận quốc gia về việc làm lương thấp; (iii) Hỗ trợ thành lập công đoàn[13].
2.4. Một số khó khăn khi xây dựng, áp dụng pháp luật về lương đủ sống và phương hướng giải quyết
Về thách thức trong quá trình thực thi: Không phải tất cả các thành phố có sắc lệnh về lương đủ sống đều thực hiện đúng và đủ. Trong một số trường hợp, các nhà lập pháp tiểu bang đã phản ứng sắc lệnh bằng luật ưu tiên, một số sắc lệnh được miễn trừ, bị bãi bỏ, bị chặn hoặc một số khác chỉ được thực thi yếu kém. Sắc lệnh lương đủ sống được thực hiện nghiêm túc đòi hỏi nỗ lực không ngừng của công nhân hoặc tổ chức công đoàn để giám sát người sử dụng lao động và chính quyền
thành phố.
Về khó khăn trong ưu tiên chính sách: Phần lớn những người ủng hộ mức lương đủ sống cũng ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu của liên bang và tiểu bang, đồng thời tính chúng theo chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, rất khó để những người ủng hộ mức lương đủ sống có thể tác động đến chính sách liên bang. Vì vậy, những người ủng hộ đã tập trung vào cấp địa phương nơi “sức mạnh nhân dân” có cơ hội được lắng nghe. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông như quảng cáo trên truyền hình, báo chí… giúp phong trào này được phổ biến rộng rãi hơn[14].
Tóm lại, pháp luật về lương đủ sống tại Hoa Kỳ đã đạt được những thành công nhất định, giải quyết rất nhiều vấn đề về lao động, xã hội, giúp mở đường cho phong trào tăng mức lương tối thiểu ở các thành phố trên toàn quốc. Đặc biệt, phong trào này đã lan rộng ra phạm vi quốc tế như Vương quốc Anh, Canada, New Zealand và Nhật Bản. Mức lương đủ sống cũng đang được thảo luận ở các nước như: Nam Phi, Bangladesh, Trung Quốc và một số nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
3. Sự cần thiết xây dựng pháp luật về lương đủ sống tại Việt Nam
Việt Nam đã trải qua bốn lần cải cách chính sách tiền lương và tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp[15]. Song, chính sách tiền lương tối thiểu với cách tính của hơn 10 năm về trước đã thể hiện nhiều bất cập, không còn phù hợp với cơ chế thị trường và mức sống hiện nay. Mức lương tối thiểu, mặc dù đã được điều chỉnh nhưng vẫn không theo kịp tốc độ trượt giá và tăng trưởng kinh tế. Những phương án tăng lương tối thiểu vùng chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được vấn đề “gốc rễ” bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động. Do đó, xây dựng pháp luật về lương đủ sống trở thành một nhu cầu cấp thiết. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng.
3.1. Sự cần thiết đối với người lao động
Từ kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 cho thấy, 75,5% người lao động cho biết thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu hàng ngày và 17,3% phải liên tục vay nợ[16]. Mức lương tối thiểu thấp khiến người lao động bị vắt kiệt sức lao động khi buộc phải đăng ký tăng ca, làm thêm giờ để duy trì cuộc sống mà vẫn không có tích lũy, dự phòng. Những vấn đề về thời giờ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, giáo dục, chăm sóc gia đình và các phúc lợi khác gần như chưa được xem xét đầy đủ trong việc tính toán mức lương tối thiểu theo pháp luật hiện nay. Đồng thời, mức lương tối thiểu quá lạc hậu, các doanh nghiệp vẫn dựa vào con số này để tính lương người lao động nhằm tối ưu hóa chi phí. Người lao động và công đoàn cơ sở cũng liên tục đưa ra mong muốn phải bảo đảm mức sống cho họ.
Vậy, lương tối thiểu hiện tại có hợp lý hay không khi điều người lao động cần là mức lương đáp ứng mức sống cơ bản thay vì mức tồn tại? Đây chính là những cơ sở cấp thiết để sớm thiết lập lương đủ sống ở Việt Nam để người lao động được hưởng thụ chính đáng những thành quả lao động của mình.
3.2. Sự cần thiết đối với người sử dụng lao động
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, mức lương tối thiểu thấp đang tạo ra những thách thức đáng kể trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự. Lực hấp dẫn trước đây từ sự di cư từ nông thôn ra thành thị kiếm việc làm đã bão hòa và ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng để thu hút người lao động cần có một mức lương thỏa đáng, bảo đảm an sinh xã hội.
Mặc dù, sẽ xuất hiện những lo ngại về việc lương đủ sống có thể gây tổn hại đến nền kinh tế, làm tăng chi phí lao động và dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, khi người sử dụng lao động trả mức lương đủ sống sẽ tăng doanh thu, giảm chi phí liên quan đến nhân sự vắng mặt, đào tạo và tuyển dụng; tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc, thu hút được đội ngũ nhân sự trình độ cao.
Thứ hai, để mở rộng cơ hội kinh doanh quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi, nâng cao điểm tín nhiệm, đạt được nhiều đơn hàng, nhận nguồn tài trợ quốc tế thì trả lương đủ sống là một trong những tiêu chí mà các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện để bảo đảm quyền lợi của người lao động, tạo việc làm bền vững theo các công ước, nguyên tắc quốc tế, đặc biệt là thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Với những lập luận này, việc xây dựng pháp luật về lương đủ sống là cần thiết, không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội. Đây có thể coi là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng môi trường kinh doanh công bằng và phát triển.
3.3. Sự cần thiết đối với Nhà nước
Tình trạng tiền lương thấp không chỉ đơn giản là vấn đề cá nhân của người lao động mà còn tác động sâu rộng đến sự phát triển của quốc gia. Điều này không những dẫn đến tình trạng nghèo đói, tệ nạn mà còn là nguyên nhân của “chảy máu chất xám”. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước mà còn đặt ra những thách thức lớn về an ninh và ổn định chính trị. Vì vậy, bằng cách xây dựng pháp luật về lương đủ sống, với các quy định nhằm bảo đảm cuộc sống cho người lao động, chúng ta có thể giải quyết những vấn đề trên, giảm gánh nặng cho Nhà nước và khẳng định một xã hội văn minh, công bằng và phát triển hơn.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu quan trọng: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”. Điều này cũng nhấn mạnh rằng, chính sách lương cần phải hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống của người lao động, thể hiện tinh thần cống hiến và hạnh phúc của Nhân dân[17].
Như vậy, việc xây dựng pháp luật về lương đủ sống không chỉ hướng đến việc nâng cao mức sống của người lao động và tăng năng suất lao động, mà còn phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Điều này giúp tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế và hỗ trợ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Xây dựng pháp luật về lương đủ sống không chỉ bảo vệ quyền lợi, mà còn là một bước quan trọng để định hình tương lai phồn thịnh và công bằng.
4. Đề xuất một số giải pháp xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về lương đủ sống tại Việt Nam
Khái niệm lương đủ sống đang được nghiên cứu, khởi xướng ở Việt Nam và tương lai sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, tác động của lương đủ sống ở Việt Nam còn ít và chưa mạnh bằng các nước phát triển do năng lực và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao; vai trò thứ yếu của các tổ chức đại diện người lao động và sự thiếu kỹ năng đàm phán của họ. Theo đó, phong trào lương đủ sống tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn[18]. Để có thể xây dựng pháp luật về tiền lương mới này cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan như người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đoàn thể và Nhà nước.
4.1. Giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, Hoa Kỳ đã áp dụng mô hình linh hoạt với lương đủ sống có sự điều chỉnh tùy theo đặc thù của từng thành phố. Điều này cho phép mức lương phản ánh chính xác chi phí sống cụ thể của mỗi vùng, từ thành thị đến nông thôn. Việt Nam có thể xem xét áp dụng một mô hình tương tự, điều chỉnh mức lương đủ sống theo các yếu tố như chi phí nhà ở, thực phẩm và y tế tại từng khu vực cụ thể, dựa trên dữ liệu điều tra và thống kê về chi phí sống cơ bản và điều chỉnh định kỳ, bảo đảm tính phù hợp với điều kiện kinh tế và cuộc sống luôn thay đổi. Đồng thời, cần phải có một công cụ tính toán mức lương đủ sống hợp lý dựa trên cơ sở khoa học và thực tế. Việt Nam có thể tham khảo 02 phương pháp tin cậy là phương pháp Anker - căn cứ vào giá các chi phí và dịch vụ của 01 hộ gia đình và phương pháp của Liên minh Sàn lương châu Á (AFWA) - căn cứ vào chỉ số “sức mua tương đương” của Ngân hàng Thế giới (WB).
Thứ hai, Nhà nước cần ban hành pháp luật, chính sách liên quan đến lương đủ sống. Để có thể áp dụng lương đủ sống ngay lập tức là điều gần như không thể thực hiện được, ngay cả đối với đất nước đi đầu trong phong trào này là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm là bước đầu áp dụng chính sách này với một nhóm đối tượng nhất định, song song với đó là thiết lập mức lương tối thiểu hàng năm và tăng dần để có thể tiến tới mức lương đủ sống.
Thứ ba, để các doanh nghiệp chủ động tuân thủ, thực hiện pháp luật về vấn đề này thì Nhà nước cần tạo ra các cơ hội và chính sách hỗ trợ kinh tế cho doanh nghiệp như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ thông quan, cơ hội đầu tư hợp tác quốc tế... và các ưu đãi thúc đẩy doanh nghiệp khác.
Thứ tư, Nhà nước cần đẩy mạnh thực hiện “cơ chế ba bên” với sự tham gia của Nhà nước, đại diện của người sử dụng lao động và người lao động thông qua Ủy ban Quan hệ lao động được Chính phủ thành lập để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, thiết lập và vận hành cơ chế ba bên về quan hệ lao động phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đồng thời, hoàn thiện Hội đồng Tiền lương quốc gia để đưa ra các chính sách về tiền lương theo quy định của pháp luật; hoàn thiện cơ chế hỗ trợ tiền lương thỏa thuận trong doanh nghiệp. Các chính sách này cần phải hợp lý và khả thi, phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, phải bảo đảm cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tồn tại và phát triển, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người lao động trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
4.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
Thứ nhất, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội liên quan để tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá việc tuân thủ thực hiện pháp luật về lương đủ sống; xử lý kỷ luật đối với các doanh nghiệp vi phạm về lương đủ sống theo các chế tài được quy định trong pháp luật về lương đủ sống. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện việc giám sát và đánh giá định kỳ về thực thi pháp luật lương đủ sống để bảo đảm tính hiệu quả và thích ứng với thời gian. Đồng thời, Nhà nước cần “lắng nghe” phản hồi từ cộng đồng, tổ chức lao động, doanh nghiệp, mở rộng góc nhìn về cách quy định này.
Thứ hai, Nhà nước cũng cần thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của người lao động, doanh nghiệp, cộng đồng về lợi ích của lương đủ sống và cách để tham gia vào quá trình thay đổi cơ chế tiền lương này. Các chiến dịch giúp người lao động hiểu được quyền lợi của mình; giúp các doanh nghiệp có thể hiểu rõ được những vấn đề cơ sở lý luận về lương đủ sống và hiểu được cách xây dựng bảng lương, tính lương đủ sống... phù hợp với thực tiễn theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, các tổ chức đại diện người lao động cần đẩy mạnh thương lượng tập thể, đối thoại để có mức lương đủ sống, chia sẻ những khó khăn của người lao động để các doanh nghiệp có thể thực sự thấu hiểu, nhờ đó, việc thỏa thuận tăng lương, tăng thưởng và phụ cấp sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Đây còn là chìa khóa để tránh nhận thức sai lệch của một số nhân viên ưu tú hơn rằng việc thực hiện mức lương đủ sống sẽ khiến họ “thua thiệt hơn” do nền kinh tế bị “san phẳng” bởi cơ cấu trả lương mới. Việc công đoàn, các doanh nghiệp thực hiện những cam kết về mức lương đủ sống cũng là động lực cho người lao động thấy được thiện chí của doanh nghiệp để họ mong muốn cống hiến cho công ty.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí
Trường Đại học Luật Hà Nội
Cao Ngọc Ánh, Trần Hữu Đại & Hồ Vũ Quỳnh Anh
Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường: “Pháp luật về lương đủ sống theo pháp luật quốc tế và một số quốc gia - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Trường Đại học Luật Hà Nội.
[2]. Julia Kagan, What is a Living Wage? Definition, History and how to calculate, investopedia, https://www.investopedia.com/terms/l/living_wage.asp, truy cập ngày 23/01/2024.
[3]. Richard Anker, 2011, Living wages around the world: Manual for measurement.
[4]. Xem: Global living wage coalition, What is a Living Wage?, https://www.globallivingwage.org/about/what-is-a-living-wage/, truy cập ngày 09/11/2023.
[5]. Tung, P. H., 2022, Reforming wage policy for workers towards living wage in Vietnam, Linguistics and Culture Review, 6(S1), p. 340 - 350.
[6]. ILO, Estimating a living wage: A methodological review, https://www.ilo.org/travail/info/ publications/WCMS_162117/lang--en/index.htm.
[7]. Báo Kinh tế & Đô thị, Tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống - Góc nhìn đa chiều”, https://s.net.vn/T4d0, truy cập ngày 09/11/2023.
[8]. Nhạc Phan Linh, Lương đủ sống là gì?, https://nld.com.vn/cong-doan/luong-du-song-la-gi-20220425081409486.htm, truy cập ngày 15/11/2023.
[9]. Living Wage Resource Center, 2006, The Living Wage Movement: Building Power in our Workplaces and Neighborhoods.
[10]. Stephanie Luce, Living wage policies and campaigns: Lessons from the United States, 2012 Vol. 4 Issue 1, International Journal of Labour Research.
[11]. Harry J. Holzer, 2008, Living wage laws: How much do (can) they matter?
[12]. Brenner, Mark D; Luce, Stephanie, 2005, Living wage laws in practice: The Boston, New Haven and Hartford experiences (Amherst, MA, Political Economy Research Institute).
[13]. Benjamin Sosnaud, Living Wage Ordinances and Wages, Poverty, and Unemployment in US Cities, 2016, Vol 90 Number 1, Social Service Review.
[14]. Stephanie Luce, Living wage policies and campaigns: Lessons from the United States, 2012 Vol. 4 Issue 1, International Journal of Labour Research.
[15]. Phạm Thúy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Nâng cao chất lượng thể chế - đột phá chiến lược để phát triển bền vững, Báo điện tử Đại biểu nhân dân, https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-nang-cao-chat-luong-the-che-dot-pha-chien-luoc-de-phat-trien-ben-vung-i343525/, truy cập ngày 25/12/2023.
[16]. Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam, http://www.congdoan.vn/tin-tuc/hoat-dong-cong-doan-3569/173phan-tram-nguoi-lao-dong-duoc-khao-sat-phai-thuong-xuyen-vay-no-832660.tld, truy cập ngày 25/12/2023.
[17]. Đinh Văn Thụy, Phát huy nhân tố con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tu-lieu-tap-chi-in/item/4285-phat-huy-nhan-to-con-nguoi-theo-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang.html, truy cập ngày 25/11/2023.
[18]. Viện Khoa học lao động và xã hội, Living wage and implications for Viet Nam, Vol.3, 2017.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 398), tháng 2/2024)