Tóm tắt: Bài viết nêu lên những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Abstract: The article highlights the limitations and shortcomings in the implementation of the Law on Handling of Administrative Violations of 2012, and from that makes recommendations to improve the law on handling of administrative violations.
1. Một số hạn chế, vướng mắc trong việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012
1.1. Một số quy định trong Luật còn có những cách hiểu khác nhau, mang tính định tính, chưa được giải thích từ ngữ, dẫn đến khó khăn cho cơ quan, tổ chức, người thi hành luật và cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật hành chính, cụ thể: Trình độ lạc hậu (khoản 7 Điều 9); có quy mô lớn và trị giá hàng hóa lớn (điểm l khoản 1 Điều 10); vi phạm hành chính nghiêm trọng (Điều 26); vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp (khoản 1 Điều 66); hành vi “trốn tránh” (khoản 1 Điều 6; điểm k khoản 1 Điều 10; khoản 12 Điều 12; khoản 2 Điều 58; Điều 70; khoản 2 Điều 74; khoản 3 Điều 108; khoản 1 Điều 130); hành vi “trì hoãn” (khoản 12 Điều 12; khoản 2 Điều 74; khoản 3 Điều 129); hành vi “côn đồ hung hãn” (khoản 2 Điều 118); gây hậu quả lớn và gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội (khoản 1 Điều 72); tài sản khác (khoản 2 Điều 16; khoản 1 Điều 82; khoản 2 Điều 86).
1.2. Về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
Tại điểm b khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định “vi phạm hành chính đã kết thúc”; hoặc “vi phạm hành chính đang được thực hiện”, nhưng cách xác định thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hành chính để từ đó xác định hành vi nào “đã kết thúc”, hành vi nào “đang được thực hiện” thì chưa có văn bản nào hướng dẫn. Do vậy, đang có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định của pháp luật khi áp dụng trên thực tế.
1.3. Về giao quyền cho cấp phó tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
Chương II Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, các điều luật trong chương này đều quy định về 03 hình thức xử phạt: Mức tiền phạt; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó những người được quy định trong Luật có thẩm quyền áp dụng cả 03 hình thức xử phạt này để xử phạt người có vi phạm hành chính. Tuy nhiên, về giao quyền xử phạt giữa cấp trưởng và cấp phó tại khoản 3 Điều 54 quy định: “Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật”. Với quy định này, thực tiễn thi hành Luật đã có những cách hiểu khác nhau và áp dụng khác nhau về giao quyền xử phạt cho cấp phó. Có cơ quan đã áp dụng cấp phó chỉ được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, không được giao thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; có cơ quan đã áp dụng khi cấp trưởng giao quyền xử phạt hành chính cho cấp phó, thì cấp phó được thực hiện đầy đủ quyền như cấp trưởng.
1.4. Một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cần tiếp tục hướng dẫn thi hành
Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nếu phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót thì phải sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới. Quy định này là cần thiết để khắc phục những quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này trong thực tế đang gặp những khó khăn vướng mắc, đó là: (i) Chưa có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót; (ii) Trường hợp quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót đã gây hậu quả, nếu sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới thì giải quyết hậu quả này như thế nào; (iii) Về phạm vi xem xét để xử lý quyết định xử phạt vi phạm hành chính có sai sót, trường hợp nội dung quyết định xử phạt đúng nhưng trình tự, thủ tục ban hành có sai sót thì xử lý như thế nào.
1.5. Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt hành chính
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền được quy định từ Điều 38 đến Điều 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong đó có quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Theo quy định của Luật thì trong từng lĩnh vực, một số chức danh thuộc cơ quan cấp dưới bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền, chỉ có người có chức danh cao nhất trong mỗi lĩnh vực không bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền. Theo tác giả, quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền là không phù hợp. Nhiều vụ việc xử phạt vi phạm hành chính có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu có giá trị vượt quá mức tiền phạt được quy định, nên đã không thể tịch thu vì vượt quá thẩm quyền xử phạt. Trong trường hợp này có nơi đã chuyển cả vụ việc vi phạm hành chính có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu có giá trị vượt quá mức tiền phạt lên cơ quan cấp trên có thẩm quyền xử lý, nhưng cũng có nơi cơ quan cấp dưới xử phạt hành chính theo thẩm quyền, còn về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lại chuyển lên cấp trên để quyết định tịch thu. Tình trạng chuyển việc vi phạm hành chính của cấp dưới lên cơ quan cấp trên giải quyết sẽ không bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng trong việc xử phạt vi phạm hành chính.
1.6. Về thẩm quyền của Bộ đội biên phòng
Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 40; điểm đ khoản 4 Điều 40 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thẩm quyền của Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khi xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng cả hai chức danh này đều không được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28 “buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện”. Trên thực tế ở khu vực biên giới thường xảy ra các hành vi vi phạm của người, phương tiện nước ngoài, nhất là phương tiện chở hàng tạm nhập, tái xuất. Khi xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền trên, hai chức danh này không được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện, đã dẫn đến những khó khăn trong công tác xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Bộ đội biên phòng.
1.7. Về thẩm quyền xử phạt hành chính của Công an nhân dân
Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính của Công an nhân dân, trong đó có quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt hành chính của các chức danh thuộc Bộ Công an. Vừa qua, theo yêu cầu thu gọn đầu mối các cơ quan nhà nước, tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ Công an đã được tổ chức lại. Do đó, đã có sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức nội bộ của các đơn vị thuộc Bộ Công an, một số chức danh quy định trong Điều 39 đã thay đổi. Mặc dù, Điều 53 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật này có sự thay đổi về tên gọi thì chức danh đó có thẩm quyền xử phạt”. Tuy nhiên, việc thay đổi tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ Công an không phải đơn thuần chỉ thay đổi tên gọi hiện có, mà thay đổi cả về tổ chức, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền xử phạt trong thực tiễn áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với những đơn vị này.
1.8. Thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính
Tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định, trường hợp không thể áp dụng được căn cứ để xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập Hội đồng định giá. Thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị là không quá 24 giờ và nếu cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không được quá 24 giờ (tổng cộng tối đa là 48 giờ). Qua thực tiễn thi hành Luật cho thấy thời gian quy định trên đây để thành lập Hội đồng định giá là không phù hợp, cần quy định dài hơn nữa vì việc tổ chức định giá đối với những vụ vi phạm mà tang vật là hàng hóa nhập lậu có giá trị lớn, đặc biệt ở các khu vực biên giới, biển đảo rất khó khăn. Hơn nữa, có nhiều vụ vi phạm tang vật gồm nhiều chủng loại hàng hóa, khó xác minh giá trị… việc xác định giá trị trong khoảng thời gian 24 giờ (tối đa là 48 giờ) sẽ không đảm bảo tính chính xác, có thể dẫn đến việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không chính xác, không đúng thẩm quyền.
1.9. Quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính
Theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 những trường hợp pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Thực tiễn thi hành Luật cho thấy những trường hợp mà đối tượng vi phạm bị áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc phương tiện sử dụng trong vi phạm hành chính lại không được giải trình. Quy định này là không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đối tượng vi phạm, vì trong nhiều trường hợp, nhiều tang vật, phương tiện vi phạm còn có giá trị lớn hơn nhiều lần mức phạt tiền tối đa là 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức.
1.10. Về tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Việc quy định tạm giữ người theo thủ tục hành chính (khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012) là quá hẹp, gây khó khăn trong quá trình áp dụng, thi hành Luật. Thực tiễn thi hành Luật cho thấy, ngoài những trường hợp được tạm giữ hành chính quy định trong Luật, còn một số trường hợp khác liên quan đến việc quản lý người vi phạm để bảo đảm cho công tác xử phạt vi phạm hành chính, cũng cần được quy định trong luật về tạm giữ hành chính như: (i) Trường hợp đối tượng có nhiều hành vi vi phạm khác nhau như đánh bạc, trộm cắp tài sản… cần có thời gian để xác minh, làm rõ hành vi, hậu quả, thiệt hại cũng cần phải tạm giữ hành chính; (ii) Trường hợp cần xác minh về nhân thân của các đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm; (iii) Trường hợp các đối tượng có các hành vi chống lại người thi hành công vụ.
1.11. Xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính
Khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định, đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Hiện nay, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đều chưa có hướng dẫn cụ thể về hình thức nộp tiền; trình tự, thủ tục nộp tiền; thời điểm nộp tiền; thời điểm trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp… Bên cạnh đó, trong trường hợp các phương tiện vi phạm hành chính như xe ô tô, máy xúc, máy ủi, tàu thuyền là những tài sản có giá trị lớn, do những người làm công, làm thuê quản lý, sử dụng và thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, các lực lượng chức năng không thể tịch thu các phương tiện mà phải trả lại cho chủ sở hữu, đồng thời yêu cầu người làm công, làm thuê phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá phương tiện vi phạm hành chính, trong khi hầu hết những đối tượng này đều thuộc diện nghèo khó, không có điều kiện kinh tế để thi hành quyết định xử phạt.
1.12. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính và áp dụng tình tiết tăng nặng trong xử phạt hành chính
Tại điểm d khoản 1 Điều 3 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định “một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”. Tại điểm b khoản 1 Điều 10 quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng. Theo quy định của Luật thì tại điểm d khoản 1 Điều 3 quy định về nguyên tắc xử phạt hành vi vi phạm hành chính, còn tại điểm b khoản 1 Điều 10 quy định về áp dụng tình tiết tăng nặng trong khi xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua ở một số địa phương do nhận thức về quy định này không đúng, dẫn đến việc áp dụng Luật chưa thống nhất. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần, có nơi xử phạt về từng hành vi vi phạm, có nơi chỉ xử phạt một hành vi còn những hành vi khác là tình tiết tăng nặng nên không xử phạt.
1.13. Chưa có sự thống nhất giữa các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước
Tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định: Hành vi vi phạm hành chính phải được quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng, phù hợp với tính chất vi phạm của hành vi đó. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực này nhưng do tính chất vi phạm đặc thù của hành vi đó, thì có thể quy định và xử phạt trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực khác. Trong trường hợp này, hình thức, mức xử phạt quy định phải thống nhất với quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính của lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định về hành vi vi phạm hành chính của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Chẳng hạn cùng là hành vi xả rác nơi công cộng nhưng giữa các nghị định lại quy định mức xử phạt khác nhau: Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt[1], hành vi xả rác nơi công cộng thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Nhưng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường[2] thì hành vi xả rác nơi công cộng bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
2. Những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
2.1. Bổ sung vào Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về giải thích từ ngữ những khái niệm: Trình độ lạc hậu; có quy mô lớn và trị giá hàng hóa lớn; vi phạm hành chính nghiêm trọng; vụ việc đặc biệt nghiêm trọng; nhiều tình tiết phức tạp; hành vi “trốn tránh”; hành vi “trì hoãn”; hành vi “côn đồ hung hãn”; gây hậu quả lớn và gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội; tài sản khác.
2.2. Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 6 về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính quy định cụ thể về “vi phạm hành chính đã kết thúc”, “vi phạm hành chính đang được thực hiện”.
2.3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về giao quyền cho cấp phó, ngoài thẩm quyền xử phạt hành chính cấp phó còn được quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 87 theo hướng bỏ quy định về việc giao quyền cho cấp phó chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt.
2.4. Hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót; trường hợp quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót đã gây hậu quả, nếu sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới thì giải quyết hậu quả này như thế nào; trường hợp nội dung quyết định xử phạt đúng nhưng trình tự, thủ tục ban hành có sai sót thì xử lý như thế nào; trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính có sai sót thì việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành mới biên bản vi phạm hành chính như thế nào.
2.5. Sửa đổi, bổ sung quy định từ Điều 38 đến Điều 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền, để tránh một số trường hợp thẩm quyền phạt tiền thuộc cấp dưới nhưng lại không có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nên phải chuyển lên cấp trên xử lý tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
2.6. Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm d khoản 3 Điều 40; điểm đ khoản 4 Điều 40 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thẩm quyền của Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh được áp dụng cả điểm d khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 “buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện”.
2.7. Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính của các chức danh thuộc Công an nhân dân cho phù hợp với tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ Công an vừa mới thay đổi.
2.8. Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng những vụ vi phạm hành chính mà số lượng hàng hóa nhập lậu có giá trị lớn ở các khu vực biên giới, biển đảo, những vụ vi phạm tang vật gồm nhiều chủng loại hàng hóa, khó xác minh giá trị… thì thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị có thể kéo dài thêm nhưng không được quá 05 ngày làm việc.
2.9. Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng những trường hợp bị áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc phương tiện sử dụng trong vi phạm hành chính có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2.10. Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính được áp dụng trong cả trường hợp như: Đánh bạc, trộm cắp tài sản…; trường hợp cần xác minh về nhân thân của các đối tượng vi phạm; trường hợp các đối tượng có các hành vi chống lại người thi hành công vụ.
2.11. Cần có hướng dẫn cụ thể việc thi hành quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước”.
2.12. Cần hướng dẫn cụ thể việc thi hành quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định “một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm” và tại điểm b khoản 1 Điều 10 quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng.
2.13. Thống nhất giữa các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước: Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt về hành vi xả rác nơi công cộng và điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho thống nhất về mức xử phạt đối với hành vi xả rác nơi công cộng.
Đại học Giao thông vận tải
[1]. Xem: Điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
[2]. Xem: Điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.