Tại Hoa Kỳ, phá thai luôn là một trong các vấn đề gây “tranh cãi”, gây chia rẽ đảng phái do tác động của vấn đề này tới các cuộc bầu cử và quy trình làm luật cũng như vấn đề phá thai được hiểu như thế nào dựa trên các quy định của Hiến pháp. Lịch sử pháp luật về quyền phá thai của Hoa Kỳ luôn có sự thay đổi do kết quả của các cuộc đấu tranh chính trị, văn hóa giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Các đảng viên Đảng Dân chủ gắn liền với hệ tư tưởng tự do hơn và từ lâu đã ủng hộ việc phá thai an toàn và hợp pháp, trong khi đó, các đảng viên Đảng Cộng hòa, với tư cách là những người bảo thủ, luôn thúc đẩy các hạn chế và lệnh cấm phá thai. Việc xem xét sự đối lập quan điểm chính trị giữa các đảng phái là yếu tố nền tảng giúp hiểu rõ được lý do của những thay đổi quy định phá thai trong lịch sử Hoa Kỳ.
Bối cảnh phá thai của Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào câu trả lời liệu phá thai có được bảo vệ theo Hiến pháp Hoa Kỳ hay nói cách khác, phá thai có phải là một quyền hiến định hay không? Dù ở giai đoạn lịch sử nào, câu trả lời sẽ thuộc về 09 thẩm phán của Tòa án tối cao - những người có lợi thế trong việc đưa ra quyết định cuối cùng về quyền phá thai. Bước ngoặt quan trọng để xem xét quy định về quyền phá thai ở Hoa Kỳ là vụ án Roe kiện Wade (Roe v. Wade), khi Jane Roe - cư dân của quận Dallas, Texas đệ đơn kiện luật sư quận Henry Wade của cô vào năm 1970.
1. Vụ Roe v. Wade và những quy định về quyền phá thai
Dù Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 không trực tiếp quy định về quyền phá thai nhưng các Tu chính án của Hiến pháp đã tạo ra cơ sở pháp lý để thẩm phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ giải thích quyền phá thai có phải là quyền hiến định không. Lịch sử cho thấy, các thẩm phán Tòa án tối cao đã dựa vào quy định của một số Tu chính án để hình thành học thuyết về “quyền riêng tư” và sử dụng học thuyết về quyền riêng tư để khẳng định phá thai có phải là quyền được Hiến pháp bảo vệ không.
Để hình thành học thuyết về quyền riêng tư, các thẩm phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã vận dụng những quy định khác nhau từ nhiều Tu chính án của Hiến pháp như Tu chính án thứ nhất bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân về tự do tôn giáo; Tu chính án thứ hai bảo vệ quyền riêng tư và bất khả xâm phạm nhà ở của cá nhân chống lại sự tùy tiện của quân đội; Tu chính án thứ chín về việc không được phủ nhận hay hạ thấp các quyền khác của người dân1#; Tu chính án thứ mười bốn có nội dung điều chỉnh về quyền con người và quyền công dân ở một số khía cạnh nhất định#2.
Quyền riêng tư lần đầu tiên được đưa ra bởi Tòa án tối cao thông qua hai phán quyết, đó là vụ án Meyer kiện Nebraska (năm 1923) và Pierce kiện Society of Sisters (năm 1925). Trong vụ án Meyer kiện bang Nebraska năm 1923, Tòa án tối cao đã tuyên bố luật của bang Nebraska quy định về việc dạy tiếng Đức và ngoại ngữ khác cho trẻ em dưới 09 tuổi là vi hiến bởi quy định luật đã vi phạm quyền riêng tư được Hiến pháp bảo vệ “cấm các bang can thiệp vào các quyết định riêng tư của các nhà giáo dục và cha mẹ để định hình việc giáo dục trẻ em”. Tương tự, trong vụ án Pierce kiện Society of Sisters năm 1925, Tòa án tối cao cũng đã tuyên đạo luật của bang Oregon buộc tất cả trẻ em học ở trường công là vi hiến vì xâm phạm đến quyền riêng tư của cha mẹ lựa chọn trường học cho con cái#3. Quyền riêng tư ngày càng phát triển và mở rộng giới hạn. Trong vụ án Griswold kiện Connecticut năm 1965, giới hạn quyền riêng tư đã được mở rộng khi Tòa án tối cao ra phán quyết luật tiểu bang cấm sở hữu, bán và phân phối các biện pháp tránh thai cho các cặp vợ chồng là vi hiến vì đã vi phạm quyền riêng tư. Phán quyết này được đưa ra dựa trên việc các thẩm phán Tòa án tối cao viện dẫn các quy định của Tuyên ngôn nhân quyền và các Tu chính án về quyền riêng tư: (i) Thẩm phán Douglas lý giải hai cụm từ “penumbras” và “emanations” được quy định trong Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ chính là sự bảo đảm cho việc tạo ra “vùng riêng tư”; (ii) Thẩm phán Goldberg tham chiếu quy định “other rights retained by the people” trong Tu chính án thứ chín để khẳng định việc lựa chọn sử dụng biện pháp tránh thai là quyền khác của con người không thể tước đoạt; (iii) Trong khi đó, thẩm phán Harlan viện dẫn điều khoản về quyền “tự do” của Tu chính án thứ mười bốn cấm Nhà nước tham gia thực hiện các hành vi (chẳng hạn như lục soát phòng ngủ của vợ chồng để tìm bằng chứng về các biện pháp tránh thai bất hợp pháp) không phù hợp với khái niệm tự do có trật tự của Chính phủ4. Một bước ngoặt đánh dấu sự mở rộng hơn nữa quyền riêng tư, đó là vụ án Roe kiện Wade năm 1973 về quy định cấm phá thai. Các thẩm phán Tòa án tối cao đã vận dụng điều khoản về thủ tục tố tụng hợp pháp được nêu tại Mục 1 của Tu chính án thứ mười bốn để mở rộng giới hạn quyền riêng tư, coi phá thai là quyền được Hiến pháp bảo vệ, giúp Roe thắng kiện.
Vụ Roe v. Wade đã thách thức một đạo luật của tiểu bang Texas vì quy định phá thai là bất hợp pháp chỉ trừ một trường hợp ngoại lệ là “lệnh của bác sĩ để cứu mạng một người phụ nữ”5. Trong vụ kiện, Roe lập luận rằng, “luật tiểu bang mơ hồ một cách vi hiến và rút ngắn quyền riêng tư cá nhân của cô ấy, được bảo vệ bởi các Tu chính án thứ nhất, thứ tư, thứ năm, thứ chín và thứ mười bốn”#6. Câu hỏi đặt ra cho các thẩm phán Tòa án tối cao vào thời điểm đó là liệu Hiến pháp có công nhận quyền chấm dứt thai kỳ của người phụ nữ bằng cách phá thai không. Câu trả lời sẽ đánh dấu một thời điểm lịch sử quan trọng trong việc xử lý việc phá thai trên toàn quốc. Cuối cùng, Tòa án đã ra phán quyết có lợi cho Jane Roe với tỷ lệ đa số 7 - 2 bằng cách sử dụng điều khoản về thủ tục tố tụng hợp pháp của Tu chính án thứ mười bốn. Điều khoản về thủ tục tố tụng hợp pháp được nêu tại Mục 1 của Tu chính án thứ mười bốn quy định: “… Không một tiểu bang nào có quyền tước đoạt sinh mệnh, tự do hoặc tài sản của bất kì người nào mà không có thủ tục hợp pháp”. Vào thời điểm đó, Tòa án tối cao đã có một tuyên bố giải thích rộng rãi về thuật ngữ “tự do” được quy định trong Tu chính án thứ mười bốn, tạo cơ sở cho việc hình thành quyền riêng tư khá rộng rãi của con người gồm các quyết định về nuôi dạy con cái, sinh sản, kết hôn và chấm dứt quyền điều trị y tế#7. Trong vụ Roe v. Wade, quyền riêng tư cơ bản được bảo vệ chống lại sự tham gia của Nhà nước từ điều khoản về thủ tục tố tụng hợp pháp của Tu chính án thứ mười bốn, đóng vai trò cốt lõi trong kết luận của Tòa án. Trong trường hợp này, Tòa án tối cao đã công nhận rằng, lựa chọn phá thai của một người phụ nữ là lĩnh vực thuộc quyền riêng tư cá nhân, như thẩm phán Harry Blackmun, đại diện cho đa số Tòa án tối cao đã tuyên bố rằng, quyền riêng tư “đủ rộng để một người phụ nữ quyết định có nên bỏ thai hay không”8#. Mặc dù quy định cấm phá thai của bang Texas thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ mang thai và “tiềm năng sống của con người” nhưng luật Texas bị thách thức trong vụ án Roe v. Wade vẫn bị cho là vi phạm quyền riêng tư cơ bản. Trong phần kết luận của vụ Roe v. Wade, những hạn chế về quyền phá thai phải chịu sự giám sát chặt chẽ, đó là “một hình thức xem xét tư pháp mà các Tòa án sử dụng để xác định tính hợp hiến của một số đạo luật”9#. Khung ba tháng thai kỳ cũng được sử dụng liên quan đến quyền phá thai và hạn chế phá thai ở mỗi tiểu bang cho thấy rằng, mặc dù quyền phá thai hiện đã được bảo vệ theo Hiến pháp nhưng nó không phải là tuyệt đối. Ngoại trừ trường hợp phá thai là cần thiết vì tính mạng hoặc sức khỏe của người phụ nữ, một tiểu bang có thể cấm phá thai nếu thai nhi đạt đến ngưỡng có thể sống sót bên ngoài tử cung sau khi sinh (viability). Cụ thể: “Trong ba tháng đầu của thai kỳ, tiểu bang không được quy định việc quyết định phá thai; chỉ người phụ nữ mang thai và bác sĩ chăm sóc của họ mới có thể đưa ra quyết định đó. Trong ba tháng thai kỳ tiếp theo, các tiểu bang có thể áp dụng các quy định về phá thai hợp lý liên quan đến sức khỏe bà mẹ. Trong ba tháng cuối thai kỳ, khi thai nhi đạt đến điểm “có khả năng sống sót”, một tiểu bang có thể điều chỉnh việc phá thai hoặc cấm hoàn toàn việc phá thai, miễn là luật pháp có các ngoại lệ đối với các trường hợp khi việc phá thai là cần thiết để cứu tính mạng hoặc sức khỏe của người mẹ”10#.
Cần nhấn mạnh rằng, trước vụ Roe v. Wade, phá thai không được hợp pháp hóa ở hầu hết các tiểu bang của Hoa Kỳ, chỉ có một số ngoại lệ được phá thai khi ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và một số trường hợp hiếp dâm, loạn luân hoặc dị tật thai nhi. Vào cuối những năm 1960, nỗ lực bãi bỏ những đạo luật hình sự hóa việc phá thai ở các tiểu bang, trong đó, một số luật đã có từ giữa những năm 1800 đã được các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, những người ủng hộ quyền của phụ nữ và các nhóm khác vận động hành lang các cơ quan lập pháp của tiểu bang và tiến hành kiện ra Tòa để bác bỏ các luật này. Trong khoảng thời gian từ năm 1967 đến năm 1973, các tiểu bang Alaska, Hawaii, New York và Washington đã thu hồi các lệnh cấm phá thai, trong khi các cải cách quy định phá thai được thực hiện ở 13 tiểu bang khác. Tuy nhiên, từ khi Tòa án tối cao đưa ra quyết định bảo vệ quyền phá thai trong vụ Roe v. Wade vào năm 1973 thì quyết định này đã mở ra một chương mới cho quyền phá thai và luật bảo vệ phá thai trên toàn quốc.
Vụ Roe v. Wade được sử dụng như là học thuyết quan trọng giúp mở rộng một số quyền tự do khác cho phụ nữ trong một số trường hợp đặc biệt vào những năm sau đó. Quyền tham gia hoạt động tình dục riêng tư và có sự đồng thuận với bạn tình do một người lựa chọn đã được Tòa án tối cao trong vụ Lawrence kiện Texas (năm 2003) công nhận bằng cách sử dụng phán quyết của tổ chức Planned Parenthood kiện Casey (năm 1992), có nguồn gốc từ Roe. Vào năm 2013 và năm 2015, Tòa án tối cao đã sử dụng các phán quyết tự do để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Vụ Obergefell v. Hodges (năm 2015) đã trích dẫn các trường hợp trước đây bảo vệ các quyền tự do, bao gồm vụ Roe v. Wade và tái khẳng định rằng, “giống như các lựa chọn liên quan đến biện pháp tránh thai, các mối quan hệ gia đình, sinh sản và nuôi dạy con cái, tất cả đều được Hiến pháp bảo vệ, các quyết định liên quan đến hôn nhân là mang tính riêng tư nhất mà một cá nhân có quyền được thực hiện”11#. Như vậy, nhiều quyền đã được củng cố bằng cách sử dụng học thuyết của vụ Roe v. Wade, học thuyết bảo vệ quyền ra quyết định cá nhân theo Hiến pháp trên nền tảng pháp lý của Tu chính án thứ mười bốn.
Nhờ sự bảo vệ mở rộng các quyền tự do bắt nguồn từ vụ Roe v. Wade, cuộc sống và sức khỏe của phụ nữ cũng được cải thiện đáng kể. Một trong những lý do là việc phá thai đã trở nên dễ tiếp cận hơn và ngày càng an toàn hơn. Tuy nhiên, không phải quyết định của vụ Roe v. Wade có hiệu quả ngay lập tức đối với phá thai an toàn. Thực tế cho thấy rằng, hai năm sau vụ Roe v. Wade, phá thai không an toàn vẫn chiếm 17% tổng số ca tử vong do mang thai và sinh con. Hiệu quả dần được cải thiện ở những năm sau đó. Số liệu thống kê cho thấy, đến năm 1999, có chưa đến 0,3% phụ nữ phá thai hợp pháp ở mọi lứa tuổi thai kỳ phải nhập viện và đến năm 2013, chỉ 0,05% trong số họ bị biến chứng nghiêm trọng nếu họ thực hiện các thủ thuật phá thai hợp pháp trong ba tháng đầu. Thậm chí, vào năm 2012, nguy cơ tử vong liên quan đến sinh con còn cao gấp 14 lần so với phá thai an toàn12#.
Quyền phá thai đã mở ra “cánh cửa” cho phụ nữ theo đuổi các cơ hội giáo dục và việc làm, điều này trên thực tế đã được khẳng định bởi một trường hợp quan trọng khác ủng hộ học thuyết của Roe, Planned Parenthood v. Casey (năm 1992): “Khả năng của phụ nữ tham gia bình đẳng vào nền kinh tế và đời sống xã hội của quốc gia đã được tạo điều kiện thuận lợi nhờ khả năng kiểm soát đời sống sinh sản của họ”13#. Về tỷ lệ nhập học đại học, tỷ lệ nữ sinh tốt nghiệp trung học trong độ tuổi từ 18 đến 24 đăng ký học đại học đã chứng kiến một bước nhảy vọt từ chỉ 25% vào năm 1970 (03 năm trước vụ Roe v. Wade) lên 49% năm 200814#. Việc bảo vệ quyền phá thai cũng có ảnh hưởng đến tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ ở Hoa Kỳ. Năm 1970, độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu của phụ nữ là dưới 21. Kể từ quyết định mang tính bước ngoặt năm 1973 vụ Roe v. Wade, độ tuổi trung bình đã tăng lên khi đạt 27 tuổi vào năm 201515#. Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động cũng được báo cáo là tăng lên trong suốt những năm qua và hiện là một phần được mong đợi trong cuộc sống của phần lớn phụ nữ. Theo Cục Lao động Hoa Kỳ, từ năm 1970 đến năm 2019, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 64 trong lực lượng lao động có bằng đại học tăng gấp bốn lần do trình độ học vấn cao trở nên phổ biến hơn. Kể từ năm 1970 đến nay, phụ nữ cũng có nhiều khả năng làm việc toàn thời gian và quanh năm hơn#16.
2. Sự lật ngược phán quyết vụ Roe v. Wade và những thay đổi về quyền phá thai
Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi có tác động mà Roe v. Wade đã đem lại, những người phản đối phá thai hợp pháp luôn gây áp lực lên các nhà lập pháp ở cả cấp liên bang và tiểu bang để thông qua luật áp đặt các hạn chế và cấm phá thai. Đặc biệt, sự đối lập quan điểm về phá thai hợp pháp giữa hai phe chính trị ở Hoa Kỳ (Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa) càng làm gia tăng áp lực đặt ra các hạn chế và cấm phá thai. Lý do của những thay đổi đằng sau các quyết định tiếp theo của Tòa án mặc dù đã có phán quyết vụ Roe v. Wade chính là những thay đổi về cấu trúc của Tòa án tối cao có liên quan chặt chẽ với các động cơ chính trị, đặc biệt là khuynh hướng chính trị. Trong nhiều trường hợp, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã dần đặt ra các giới hạn quyền phá thai. Một minh chứng cụ thể là Tòa án tối cao đã thông qua các quyết định đặt ra giới hạn quyền phá thai hợp pháp đối với những phụ trẻ và có thu nhập thấp thông qua vụ Harris kiện McRae (năm 1980) và vụ Hogson kiện Minnesota (năm 1990). Điều này đã tạo cơ hội cho các nhà lập pháp áp đặt lệnh cấm tài trợ cho việc phá thai vì cần có sự đồng ý của cha mẹ trước khi một phụ nữ trẻ tiến hành phá thai. Năm 2003, Đạo luật cấm phá thai bán phần là đạo luật liên bang đầu tiên hình sự hóa việc phá thai đã được ban hành. Đạo luật cấm bất kỳ bác sĩ hoặc cá nhân nào khác cố ý thực hiện phá thai bán phần (giết chết bào thai sống được sinh ra một phần) trừ trường hợp cần thiết để cứu mạng sống của người mẹ đang bị đe dọa tính mạng do rối loạn thể chất, bệnh tật hoặc chấn thương, nếu không sẽ phạm tội liên bang. Điều này không đồng nghĩa rằng, việc đặt các hạn chế và quy định cấm phá thai hoàn toàn thuận lợi ở cấp liên bang và tiểu bang. Dù là đạo luật liên bang nhưng cả Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực 8 và Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực 9 đã phán quyết rằng, Đạo luật cấm phá thai bán phần năm 2003 của liên bang là vi hiến. Thậm chí, trong vụ Stenberg kiện Carhart năm 2000, luật tiểu bang Nebraska cấm phá thai bán phần cũng bị Tòa án ra phán quyết là vi hiến#17. Chỉ sau phán quyết của Tòa án về vụ Gonzales kiện Carhart năm 2007, Đạo luật cấm phá thai bán phần năm 2003 mới được giữ nguyên. Dù đã có những hạn chế cấm phá thai đặt ra, bất chấp mọi thách thức, quyền phá thai từ vụ Roe v. Wade không mất đi vị thế là quyền được Hiến pháp bảo vệ cho đến tháng 6/2022, Tòa án tối cao thông qua phán quyết Dobb kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, bác bỏ quyết định mang tính bước ngoặt của vụ Roe v. Wade, có từ gần 50 năm trước.
Không phải dễ dàng để Tòa án tối cao có thể ra quyết định lật ngược phán quyết vụ Roe v. Wade mà đã có những can thiệp chính trị từ trước. Trước khi Dobb kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, cơ cấu Tòa án tối cao đã chứng kiến một số thay đổi đáng chú ý trong nhiệm kỳ 04 năm của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Trump đã bổ nhiệm 03 thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ gồm Neil M. Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett, tất cả đều được xác định là đảng viên Đảng Cộng hòa. Tòa án tối cao quyết định vụ Dobb kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson là một Tòa án nghiêng về phe bảo thủ với tỷ lệ 5 - 1 - 3. Kết quả không nằm ngoài dự đoán, phán quyết vụ Roe v. Wade đã bị lật ngược. Dù đã có sự hậu thuẫn từ trong cơ cấu Tòa án tối cao nhưng hành trình lật ngược phán quyết vụ Roe v. Wade cũng khá gian nan và lâu dài. Năm 2018, bang Mississippi đã thông qua Đạo luật về tuổi thai, trong đó, cấm tất cả các trường hợp phá thai sau 15 tuần tuổi thai với một số trường hợp ngoại lệ. Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson - phòng khám phá thai được cấp phép cuối cùng ở Mississippi - đã đệ đơn kiện để thách thức luật pháp và yêu cầu lệnh cấm tạm thời khẩn cấp (TRO). Ngay hôm sau, Tòa án quận liên bang đã đưa ra biện pháp giải cứu khẩn cấp, khiến tiểu bang không thể thi hành luật. Luật bị kết luận rằng đã vi phạm quy định về việc một tiểu bang không có quyền cấm phá thai trước ngưỡng thai nhi có thể sống sót bên ngoài tử cung sau khi sinh (viability). Vào tháng 12/2019, Tòa phúc thẩm khu vực 5 của Hoa Kỳ đã chuẩn y quyết định của Tòa án quận liên bang. Đại diện cho đa số thẩm phán Tòa phúc thẩm vùng 5, thẩm phán Patrick Higginbotham đã viết: “Trong một quãng thời gian liên tục kể từ vụ Roe v. Wade, các vụ phá thai của Tòa án tối cao đã khẳng định và tái khẳng định quyền lựa chọn phá thai trước ngưỡng thai nhi có thể sống sót bên ngoài tử cung sau khi sinh”#18.
Không hài lòng với quyết định của Tòa án quận, tháng 6/2020, tiểu bang Mississippi đã đệ đơn yêu cầu Tòa án tối cao xem xét lại Đạo luật tuổi thai. Ngày 17/5/2021, Tòa án tối cao đã đưa ra thông báo rằng, họ sẽ tiến hành một phiên điều trần về kháng cáo của Mississippi đối với quyết định của Tòa phúc thẩm khu vực 5 bác bỏ luật tiểu bang Mississippi. Câu hỏi đặt ra là, liệu luật Mississippi cấm hầu hết các ca phá thai trước trước ngưỡng thai nhi có thể sống sót bên ngoài tử cung sau khi sinh và sau 15 tuần tuổi thai có vi hiến hay không. Theo ý kiến chia rẽ 5 - 1 - 3, Tòa án đã bác bỏ phán quyết vụ Roe kiện Wade và vụ Planned Parenthood kiện Casey và kết luận rằng Hiến pháp không trao quyền phá thai. Theo ý kiến đa số của thẩm phán Tòa án tối cao mà đại diện là thẩm phán Samuel Alito đã nói: “Chúng tôi cho rằng Roe và Casey phải bị bác bỏ. Hiến pháp không đề cập đến việc phá thai và hoàn toàn không có bất kỳ điều khoản nào của Hiến pháp quy định bảo vệ quyền phá thai, kể cả điều khoản thủ tục tố tụng của Tu chính án thứ mười bốn mà những người bảo vệ Roe và Casey đã dựa vào. Điều khoản này được quy định để đảm bảo một số quyền không được đề cập trong Hiến pháp nhưng bất kỳ quyền nào như vậy phải bắt nguồn sâu xa từ lịch sử và truyền thống của quốc gia và hoàn toàn tuyệt đối trong khái niệm tự do có trật tự. Quyền phá thai không còn được bảo vệ theo Hiến pháp nữa và quy định về phá thai được trả lại cho các cơ quan được bầu hoặc “những người đại diện do nhân dân bầu ra”#19. Không đồng ý với quan điểm đa số, 03 thẩm phán là Justice Breyer, Kagan và Sotomayor đã chỉ trích việc Tòa án từ bỏ các tiền lệ được phổ biến trong 05 thập kỷ và làm suy yếu những quy định của Hiến pháp về tự do và bình đẳng cho phụ nữ.
Quyết định lịch sử lật ngược phán quyết vụ Roe v. Wade đánh dấu lần đầu tiên Tòa án tối cao tước bỏ một quyền cơ bản trong lịch sử Tòa án. Bối cảnh phá thai đã có sự thay đổi từ tháng 6/2022. Gần một nửa số bang của Hoa Kỳ dự kiến sẽ thi hành luật hiện hành cấm phá thai hoặc ban hành luật mới rất hạn chế. Các tiểu bang như Alabama, Mississippi, Arkansas, South Dakota, Missouri và Kentucky đã bắt đầu ban hành lệnh cấm hoặc đã ban hành luật cấm phá thai hoàn toàn. Ở Texas, Louisiana, Tennessee, Oklahoma, Idaho và West Virginia, những hành động tương tự đang diễn ra, trong đó, phá thai bị coi là tội phạm và có thể bao gồm các hình phạt dân sự, hình sự đối với việc tiến hành phá thai. Ở các bang như Pennsylvania, Georgia, North Carolina và Nebraska, có rất nhiều hạn chế không cần thiết về mặt y tế khiến việc tiếp cận phá thai ở các bang này trở nên khó khăn#20. Tóm lại, với sự lật ngược phán quyết vụ Roe v. Wade, hàng loạt các tiểu bang không ủng hộ việc phá thai đã mở rộng và khẳng định lại quy định về cấm phá thai, ngoại trừ các bang ở Bờ Tây và Bờ Đông và một số ít bang ở Nam hoặc Trung Tây. Hàng triệu người đang sống trong những tiểu bang này sẽ buộc phải đi đến các tiểu bang khác để tìm kiếm sự chăm sóc hợp pháp và tiếp cận phá thai. Đối với nhiều người, phòng khám phá thai gần nhất có thể cách xa hàng trăm dặm. Ví dụ, những cư dân Louisiana muốn phá thai, vì phán quyết Roe v. Wade đã bị hủy bỏ, giờ đây có thể phải đi xa tới 539 dặm để đến phòng khám phá thai gần nhất21#. Ở New Mexico, Virginia và New Hampshire, mặc dù vẫn có thể tiếp cận được việc phá thai, nhưng Hiến pháp hoặc luật của mỗi tiểu bang không bảo vệ rõ ràng quyền được phá thai22#.
Ngoài những thay đổi về bối cảnh phá thai và luật pháp trên toàn quốc, việc lật ngược phán quyết vụ Roe v. Wade cũng được dự đoán sẽ gây ra những tác động rộng lớn hơn. Bằng chứng từ thực tế trên thế giới cho thấy rằng, việc hạn chế phá thai không có nghĩa là phá thai sẽ dừng lại mà điều ngược lại đôi khi có thể đúng. Một phân tích23# được thực hiện bởi nhà xã hội học Jonathan Bearak và Bela Ganatra, một nhà khoa học hành vi tại WHO đã chỉ ra rằng, các quốc gia có thu nhập cao nơi phá thai được coi là hợp pháp rộng rãi có tỷ lệ phá thai thấp nhất#24. Ganatra lưu ý rằng: “Không phải ý định sinh sản của mọi người thay đổi khi bạn đưa ra các hạn chế. Họ sẽ cố gắng làm những gì họ đã quyết định làm#”25. Hoa Kỳ có thể rơi vào tình trạng này với các quy định cấm và hạn chế phá thai. Phá thai sẽ không dừng lại nhưng có thể trở nên không an toàn hơn với các hạn chế và lệnh cấm. Ganatra và các đồng nghiệp của cô đã phát hiện ra rằng, các quốc gia có nhiều hạn chế hơn đối với việc phá thai hợp pháp có xu hướng có tỷ lệ phá thai bất hợp pháp hoặc không an toàn cao hơn, thường được thực hiện bởi người chưa được đào tạo và phương pháp nguy hiểm hoặc lỗi thời26#. Thật không may, sự suy giảm an toàn có thể có mối tương quan cao với sự gia tăng tử vong mẹ. Nếu phá thai được tiến hành an toàn, sẽ có ít rủi ro đối với sức khỏe của người phụ nữ hơn là mang thai đủ tháng. Đã có nghiên cứu#27 ước tính rằng, nếu mọi người không được phá thai ở 26 tiểu bang thì sẽ có thêm 64 phụ nữ mang thai chết, tăng 14% so với con số thực tế.
Các hạn chế về phá thai sẽ khiến việc tiếp cận phá thai hợp pháp và an toàn trở nên khó khăn hơn vì mọi người có thể phải đi ra khỏi tiểu bang như đã đề cập. Theo một cơ sở dữ liệu#28 được nghiên cứu bởi Caitlyn Myers, nhà kinh tế học tại Đại học Middlebury, khoảng cách di chuyển trung bình cho những người tìm kiếm dịch vụ phá thai tại một phòng khám đã tăng gấp đôi lên 80 km chỉ hai tuần sau khi phán quyết vụ Roe v. Wade bị lật tẩy. Ước tính có 24 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (hơn một phần ba dân số) được dự đoán sẽ phải đi thêm trung bình 100 dặm để đến phòng khám phá thai gần nhất nếu việc phá thai bị cấm ở rất nhiều tiểu bang sau quyết định lật ngược phán quyết vụ Roe v. Wade29#. Hậu quả là sẽ có rất nhiều người không được tiếp cận với các biện pháp phá thai an toàn do các vấn đề tài chính và hậu cần, đặc biệt là những tác động tiêu cực đối với phụ nữ da màu. Theo Cơ quan Giám sát phá thai của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) năm 2019, hơn một nửa số ca phá thai là phụ nữ da màu tính đến năm 2019, với 38% ca phá thai là của phụ nữ da đen và 21% ca phá thai là của phụ nữ gốc Tây Ban Nha#30. Tỷ lệ phá thai ở phụ nữ da màu cao hơn vì khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe của họ hạn chế hơn và vốn dĩ đang gặp phải sự bất bình đẳng về mặt xã hội và kinh tế so với những người da trắng. Khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe hạn chế của phụ nữ da màu có thể được giải thích bởi một số yếu tố như: Tỷ lệ phần trăm trong số họ không có bảo hiểm cao hơn; có nhiều khả năng được bảo hiểm bởi Medicaid hơn (vốn có phạm vi bảo hiểm hạn chế cho việc phá thai); ít có khả năng được chủ sử dụng lao động chi trả chi phí đi lại cho những ca phá thai ngoài tiểu bang; ít có khả năng có bác sĩ riêng. Thực tế cho thấy, có khoảng 43% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sống ở các bang mà phá thai đã hoặc sẽ bị coi là bất hợp pháp là phụ nữ da màu#31, cộng với khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe hạn chế và khả năng tiếp cận với biện pháp tránh thai hạn chế khiến cho gánh nặng tài chính của phụ nữ da màu ngày càng trầm trọng hơn, thậm chí có thể gây ra tình trạng mất an ninh tài chính nói chung.
Tóm lại, Roe v. Wade đã bị lật đổ bởi phán quyết ngày 24/6/2022 của Tòa án tối cao Hoa Kỳ. Quyền phá thai vốn là một phần trong cuộc sống của người Mỹ trong nhiều thập kỷ và mặc dù có tới 85% người dân Hoa Kỳ tin rằng việc phá thai nên được hợp pháp hóa32 nhưng giờ đây thì quyền phá thai đã bị tước bỏ do kết quả của các cuộc đấu tranh chính trị, văn hóa giữa các đảng phái. Việc tước bỏ quyền phá thai khiến quốc gia Hoa Kỳ bị chia rẽ, nhiều cuộc biểu tình phản đối phán quyết của Tòa án tối cao đã diễn ra và càng làm gia tăng sâu sắc mâu thuẫn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ. Theo đánh giá của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres, việc ngăn phụ nữ phá thai sẽ khiến việc này trở nên nguy hiểm hơn, trong khi đó, Cao ủy Liên Hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet chỉ trích phán quyết là “bước lùi” cho nhân quyền của phụ nữ và bình đẳng giới33#. Khó có thể đánh giá được tất cả các tác động của phán quyết tước bỏ quyền phá thai của phụ nữ nhưng sự lật ngược vụ Roe v. Wade không loại trừ trong tương lai phán quyết tước bỏ quyền phá thai cũng bị lật ngược khi mà có những thay đổi lớn về chính trị dẫn đến những thay đổi về cấu trúc của Tòa án tối cao có liên quan chặt chẽ tới các động cơ và khuynh hướng chính trị.
TS. Lê Thị Thu Hằng
Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
[1]. Thái Vĩnh Thắng, Bảo vệ quyền riêng tư ở Hoa Kỳ, Pháp và những kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Luật học số 08/2017.
[2]. Linder, Doug O, The Right of Privacy: Is it Protected by the Constitution?, Exploring Constitutional Law (2021), http://law2.umkc.edu/faculty/projects/ftrials/conlaw/rightofprivacy.html.
[3]. Linder, Doug O, tlđd.
[4]. Linder, Doug O, tlđd.
[5]. Oyez, Roe v. Wade, Oyez, www.oyez.org/cases/1971/70-18.
[6]. Oyez, tlđd.
[7]. Linder, Doug O, tlđd.
[8]. The National Constitution Center, Roe v. Wade (1973), The National Constitution Center, https://
constitutioncenter.org/the-constitution/supreme-court-case-library/roe-v-wade.
[9]. Legal Information Institute, Strict scrutiny/Wex/US Law/LII/Legal Information Institute, Cornell Law School, https://www.law.cornell.edu/wex/strict_scrutiny.
[10]. Oyez, tlđd.
[11]. Obergefell v. Hodges, (2015) 576 U.S.
[12]. Planned Parenthood Federation of America Inc., ROE V. WADE: ITS HISTORY AND IMPACT, Planned Parenthood (Jan. 2014), https://www.plannedparenthood.org/files/3013/9611/5870/Abortion_ Roe_History.pdf.
[13]. Planned Parenthood of Southeastern Pennsylvania v. Casey, (1992) 505 U.S. 833.
[14]. Constance Shehan, How Roe v. Wade changed the lives of American women, The Conversation, (Jul. 5, 2018, 6:36 AM), https://theconversation.com/how-roe-v-wade-changed-the-lives-of-american-women-99130.
[15]. Constance Shehan, tlđd.
[16]. Bureau of Labor Statistics, U.S. Department of Labor, Women in the labor force: a databook : BLS Reports: U.S. (April 2021), https://www.bls.gov/opub/reports/womens-databook/2020/home.html.
[17]. Mark Zhang, Gonzales v. Carhart, The Embryo Project Encyclopedia, (Feb. 28, 2012), https://embryo.asu.edu/pages/gonzales-v-carhart-2007.
[18]. Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization, (2022) 597 U.S.
[19]. Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization, (2022) 597 U.S.
[20]. Center for Reproductive Rights, After Roe Fell: Abortion Laws by State, Center for Reproductive Rights, https://reproductiverights.org/maps/abortion-laws-by-state/.
[21]. Alvin Chang, et al, Abortion deserts: America’s new geography of access to care – mapped, The Guardian, (Jun. 24, 2022), https://www.theguardian.com/world/2022/jun/24/abortion-laws-by-state-
map-clinics.
[22]. Center for Reproductive Rights, tlđd.
[23]. Bela Ganatra, Caitlin Gerdts, Clémentine Rossier, et al, Global, regional, and subregional classification of abortions by safety, 2010–14: estimates from a Bayesian hierarchical model, The Lancet, Volume 390, Issue 10110, Pages 2372-2381, ISSN 0140-6736 (2017).
[24]. Sidik, Saima May, The effects of overturning Roe v. Wade in seven simple charts, Nature, vol. Nature 608, 254-257, (2022), https://www.nature.com/articles/d41586-022-02139-3.
[25]. Sidik, Saima May, tlđd.
[26]. Sidik, Saima May, tlđd.
[27]. Stevenson, Amanda J., et al, The Maternal Mortality Consequences of Losing Abortion Access, SocArXiv, (Jun. 29, 2022), https://osf.io/preprints/socarxiv/7g29k.
[28]. Caitlyn Myers, County-by-month distances to nearest abortion provider, OSF Home, (Jul. 16, 2021, 07:14 AM), https://osf.io/rhw9q/.
[29]. Caitlyn Myers, tlđd.
[30]. Centers for Disease Control and Prevention, Abortion Surveillance — United States, 2019, http://dx.doi.org/10.15585/mmwr.ss7009a1.
[31]. Samantha Artiga, et al, What are the Implications of the Overturning of Roe v. Wade for Racial Disparities?, KFF, (Jul. 15, 2022), https://www.kff.org/racial-equity-and-health-policy/issue-brief/what-are-the-implications-of-the-overturning-of-roe-v-wade-for-racial-disparities/.
[32]. Megan Brenan, Record-High 47% in U.S. Think Abortion Is Morally Acceptable, Gallup News, (Jun. 9, 2021), https://news.gallup.com/poll/350756/record-high-think-abortion-morally-acceptable.aspx.
[33]. Trần Phương, Nước Mỹ chia rẽ dữ dội sau phán quyết của Tòa án tối cao về quyền phá thai, Tuổi Trẻ, ngày 26/6/2022, https://tuoitre.vn/nuoc-my-chia-re-du-doi-sau-phan-quyet-cua-toa-an-toi-cao-ve-quyen-pha-thai-20220626120732784.htm.