1. Một số điểm mới nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18/01/2024 thay thế cho Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017). Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 gồm 15 chương, 210 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn đều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có những điểm mới cơ bản nổi bật như sau[1]:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro tiệm cận với thông lệ tốt về quản trị công ty; tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, như: Quy định tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn đối với người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tăng số lượng thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại; hoàn thiện các quy định về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ, không cùng đảm nhiệm chức vụ, việc xây dựng các quy định nội bộ và hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thứ hai, sửa đổi một số quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng bên cạnh yêu cầu về quản trị, điều hành, như: Mở rộng quy định người có liên quan của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, giảm giới hạn cấp tín dụng; bên cạnh đó, bổ sung quy định về công bố công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng nhằm tăng cường tính minh bạch. Để tránh những tác động đột ngột đến thị trường, Luật quy định chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ theo Luật này tại tổ chức tín dụng, các hợp đồng, giao dịch, thỏa thuận đã ký với tổ chức tín dụng; không áp dụng một số quy định mới về người có liên quan đối với quỹ tín dụng nhân dân; quy định lộ trình cụ thể giảm giới hạn cấp tín dụng theo từng năm để tổ chức tín dụng có kế hoạch giảm dần một cách phù hợp.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định về hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vừa đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn hoạt động vừa tạo điều kiện để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, bao gồm cả cung ứng qua phương tiện điện tử; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, tạo điều kiện tiếp cận sớm với các công nghệ mới trong lĩnh vực ngân hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thứ tư, bổ sung 01 chương về ngân hàng chính sách trên cơ sở luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của 02 ngân hàng chính sách hiện nay là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhằm khẳng định địa vị pháp lý của ngân hàng chính sách, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngân hàng này vì mục tiêu thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Thứ năm, hoàn thiện quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, như quy định về vốn, doanh thu, chi phí, lãi phải thu, dự phòng rủi ro, phân phối lợi nhuận và các quỹ… nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như đáp ứng các yêu cầu về tài chính, hạch toán, kế toán theo chuẩn mực quốc tế, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện cũng như quản lý, giám sát đối với hoạt đồng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém như quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng; trong đó, bổ sung quy định ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp can thiệp sớm nhằm để tổ chức tín dụng chủ động và xử lý kịp thời khi xảy ra vấn đề phải can thiệp sớm; bổ sung quy định xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.
Thứ bảy, bổ sung một số quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở luật hóa một số nội dung phù hợp tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện để thị trường mua bán nợ phát triển, như quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, chuyển nhượng tài sản bảo đảm. Những quy định này giúp thị trường mua, bán nợ phát triển và hỗ trợ tốt hơn cho quá trình xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, mặt khác, vẫn nêu cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.
Thứ tám, hoàn thiện quy định về cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, tăng cường trách nhiệm thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước; quy định sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, nhất là Bộ Tài chính trong công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, thanh tra, giám sát trong mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm nhằm nâng cao tính hiệu quả trong quản lý, giám sát và kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã bổ sung 01 điều về hành vi bị nghiêm cấm; quy định giấy phép hoạt đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động để giảm thiểu thủ tục hành chính cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bổ sung trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi khách hàng…
2. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 là cơ sở pháp lý để phát triển hoạt động của các ngân hàng
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, ngành ngân hàng đang đứng trước nhiều cơ hội để tăng trưởng, phát triển nhờ tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số, nâng cao khả năng quản trị dữ liệu và năng lực bán hàng thông qua hệ sinh thái ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng này thì các ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Việc gia tăng nợ xấu dẫn tới tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống; khủng hoảng kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng làm “xói mòn” niềm tin của khách hàng; thu hẹp thị trường vốn do sự suy giảm của thị trường chứng khoán…
Trong bối cảnh đó, với những quy định chặt chẽ, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 hứa hẹn mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển và hợp tác quốc tế trong ngành ngân hàng, cụ thể như sau[2]:
Một là, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 tạo hành lang pháp lý triển khai hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử. Luật đã hoàn thiện các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, Luật đã bổ sung các quy định như: Quy định về trách nhiệm xây dựng, ban hành quy định nội bộ đối với hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc thực hiện hoạt động nghiệp vụ bằng phương tiện điện tử; quy định về giao dịch trong hoạt động ngân hàng; có quy định riêng cho hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử như quy định về xét duyệt cấp tín dụng, lưu trữ hồ sơ tín dụng; quy trình trách nhiệm niêm yết thông tin của tổ chức tín dụng trong trường hợp ngừng giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng giao Chính phủ quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, tạo cơ sở để Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng[3].
Hai là, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định về yêu cầu công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Quy định này không chỉ góp phần nâng cao sự minh bạch, mà còn tạo dựng niềm tin trong lòng các nhà đầu tư và khách hàng. Các ngân hàng cũng đứng trước cơ hội tiếp cận được với các nguồn vốn đa dạng trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh doanh và nâng cao tỷ lệ an toàn vốn.
Ba là, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 chính thức nghiêm cấm việc bán các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc đi kèm theo các dịch vụ ngân hàng. Sau khi các ngân hàng gặp phải khủng hoảng về niềm tin của khách hàng đối với dịch vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thì quy định này là nguồn động lực để các ngân hàng nâng cao chuẩn mực kinh doanh, giảm thiểu tổn hại đến uy tín của ngân hàng và mở ra cơ hội kinh doanh mới.
Bốn là, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã có những quy định nhằm giảm bớt quyền lực của các cổ đông lớn. Theo đó, cổ phần của cá nhân được nhận sở hữu tại một ngân hàng sẽ giảm xuống 5% vốn điều lệ, trong khi tổ chức sẽ được phép nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ và cổ đông cũng như những người có liên quan có thể sở hữu tối đa 15% vốn điều lệ. Việc giảm bớt quyền lực của các cổ đông lớn, nâng cao nền tảng quản trị vững chắc không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro về xung đột lợi ích nhóm và hạn chế thao túng trong các ngân hàng mà còn mở ra cánh cửa cho những nhà đầu tư nhỏ, tạo ra một “bức tranh” đầu tư sôi động và phong phú hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng: Việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho tổ chức tín dụng. Những ngân hàng đang có tỷ lệ cho vay nhóm khách hàng liên quan vượt tỷ lệ theo quy định mới sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay cho tệp khách hàng này, đồng thời dư nợ tín dụng có thể bị sụt giảm do nhóm khách hàng này phải tìm nguồn vốn khác để tất toán bớt khoản vay hiện hữu nhằm đáp ứng tỷ lệ theo quy định mới.
Năm là, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 giúp hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý về những biện pháp can thiệp mà Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành đối với những ngân hàng yếu kém trong những năm qua. Việc can thiệp sớm đối với các ngân hàng không đáp ứng các yêu cầu quy định đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc bảo vệ sự ổn định và tin cậy của hệ thống ngân hàng. Điều này giúp tăng cường lòng tin của cả khách hàng và các nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc huy động vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Sáu là, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cho phép các ngân hàng được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Luật Kinh doanh bất động sản để thu hồi nợ, bao gồm: Có kế hoạch chi tiết được phê duyệt, hoàn thành việc giải tỏa mặt bằng, có quyết định về phân bổ đất hoặc cho thuê đất từ cơ quan có thẩm quyền, cùng với việc thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Quy định mới này góp phần khai thông dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, ngăn chặn việc định giá “khống” các dự án bất động sản, nâng cao tính thanh khoản của thị trường bất động sản, hỗ trợ công tác thu hồi nợ và giảm thiểu rủi ro về nợ xấu cho ngân hàng.
Bảy là, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã có quy định nhằm giới hạn mức cho vay. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải tuân thủ một kế hoạch 05 năm giảm dần hạn mức cho vay đối với một khách hàng (từ 15% xuống còn 10% vỗn sở hữu), nhóm khách hàng và các bên liên quan (từ 25% xuống còn 15% vốn sở hữu) nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng tập trung có thể dẫn đến rủi ro hệ thống tiềm ẩn.
Tám là, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã nâng cao tiêu chuẩn xét duyệt cấp tín dụng tiêu dùng. Trong bối cảnh tài chính tiêu dùng ngày càng trở thành lĩnh vực kinh doanh trọng điểm đối với các ngân hàng bán lẻ, song lại phải đối mặt với những thách thức lớn về nợ xấu, việc tăng cường thu thập thông tin khách hàng, đặc biệt là thông tin chi tiết về khả năng tài chính, phương án và mục đích sử dụng vốn theo quy định mới của Luật đề ra một chuẩn mực mới cho việc phê duyệt tín dụng tiêu dùng. Cùng với việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong phê duyệt tín dụng, các ngân hàng có thể bảo đảm rằng, các khoản vay tiêu dùng được cấp đã thông qua một quy trình thẩm định tín dụng đáng tin cậy. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro tín dụng, mà còn tăng cường sự tiện lợi và hiệu quả trong quá trình phê duyệt khoản vay tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển bền vững của nhóm ngành ngân hàng nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Tóm lại, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 mở ra một bước ngoặt mới cho ngành ngân hàng Việt Nam. Luật đã đặt nền móng cho sự minh bạch, quản trị rủi ro hiệu quả và tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế. Để thích ứng và phát triển trong bối cảnh mới, các ngân hàng cần tiếp cận các quy định ban hành một cách sáng tạo, tập trung vào chuyển đổi số, xây dựng ngân hàng số giúp quản trị rủi ro, tối ưu hóa quy trình. Sự linh hoạt và đổi mới kết hợp cùng công nghệ số sẽ là nền tảng vững chắc để ngành ngân hàng bứt phá trong tương lai./.
TS. Nguyễn Tuấn Hải
Học viện Tư pháp
[1]. Bổ sung nhiều quy định về hoạt động ngân hàng, đăng tải trên trang web https://nhandan.vn/luat-cac-to-chuc-tin-dung-2024-bo-sung-nhieu-quy-dinh-ve-hoat-dong-ngan-hang-post793347.html, truy cập ngày 01/7/2024.
[2]. Luật Các tổ chức tín dụng: Bước ngoặt cho ngành ngân hàng, đăng tải trên trang web https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/luat-cac-to-chuc-tin-dung-2024-buoc-ngoat-cho-nganh-ngan-hang-post346955.html, truy cập ngày 01/7/2024.
[3]. Điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng: Quy định rõ các biện pháp sẽ áp dụng khi một tố chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, đăng tải trên trang web https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=84732, truy cập ngày 01/7/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)