Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ đặt ra yêu cầu và trách nhiệm cao hơn cho Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô, mà còn trao quyền cho thành phố chủ động hơn trong việc quản lý và khai thác tài sản công, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể, Dự thảo Luật cho phép Hà Nội áp dụng các hình thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa do Nhà nước đầu tư, cũng như thử nghiệm các mô hình khu thúc đẩy thương mại và văn hóa tại những địa điểm tiềm năng.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Các ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp... được đưa ra nhằm khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa. Đây được xem là những bước đi quan trọng, tạo động lực để Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế sôi động, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả nước.
Về vấn đề này, đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là những điều khoản liên quan đến văn hóa, du lịch nhằm mục tiêu đưa văn hóa Thủ đô trở thành ngọn cờ đầu, dẫn dắt sự phát triển văn hóa của cả nước, Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng một số chính sách, giải pháp đặc thù cho phát triển văn hóa Thủ đô đối với các thiết chế và hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương ở Thành phố Hà Nội. Cụ thể, đại biểu đề xuất áp dụng Điều 39 về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng cho các dự án và thiết chế văn hóa, thể thao của Trung ương tại Thành phố Hà Nội. Điều này nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay tại các dự án như Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và một số thiết chế khác.
Về việc xây dựng văn hóa người Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế nhất trí cao với các quy định tại khoản 1 Điều 21 Dự thảo Luật, việc xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa lương tri và phẩm giá con người Việt Nam, coi đây là sự thể chế hóa đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với những người có tài năng xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề hiệu quả. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh quy định về khu thương mại và văn hóa tại khoản 7 Điều 21 Dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, điểm b của Điều này có nêu về chi cho hoạt động văn hóa, điểm c nêu quy định về việc đảm bảo các điều kiện về văn hóa, kinh doanh phát huy giá trị văn hóa. Trong khi đó, yêu cầu của quy định này là phát triển khu thương mại văn hóa là phát triển thương mại gắn với văn hóa và cần định hình được văn hóa thương mại trong phát triển. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh.
Cùng góp ý về những điều khoản liên quan đến văn hóa và du lịch của Dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh rằng, Thành phố Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển, đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và được ví như “trái tim của cả nước”. Do đó, đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết và nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng những công trình mang tính điểm nhấn để thu hút khách du lịch và tạo dấu ấn về Thủ đô trong lòng du khách. Do đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể rõ ràng về chiến lược, quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, chính sách, thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế để giúp Thủ đô Hà Nội có những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn của khu vực và toàn cầu.
Đồng tình với quy định tại điểm a khoản 5 Điều 18 Dự thảo Luật về nội dung liên quan đến các cơ quan, cơ sở, đơn vị phải di dời, quỹ đất còn lại để sử dụng với mục đích là xây dựng không gian công cộng, văn hóa, đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị bổ sung thêm mục tiêu nhằm phát huy giá trị văn hóa và du lịch và quỹ đất không sử dụng chức năng để ở.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ thể hiện sự lắng nghe và tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, mà còn là minh chứng cho nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại và giàu bản sắc. Những đóng góp quý báu về văn hóa, du lịch, biểu tượng và quy hoạch của các đại biểu đã góp phần làm phong phú thêm nội dung Dự thảo Luật, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Thủ đô trong sự phát triển chung của cả nước. Với những điều chỉnh hợp lý và sự đồng thuận cao, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hứa hẹn sẽ là hành lang pháp lý vững chắc, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội trong tương lai./.
Hoàng Trung
Ảnh: internet