1. Quy định về ly hôn với vợ hoặc chồng là quân nhân tại ngũ trong pháp luật Trung Quốc
Trước hết phải khẳng định rằng, quy định về ly hôn với vợ hoặc chồng là quân nhân tại ngũ là một quy định đặc thù của pháp luật Trung Quốc, với mục đích nhằm bảo vệ các cuộc hôn nhân của quân nhân.
Sự bảo vệ đặc biệt cho các cuộc hôn nhân của quân nhân bắt nguồn từ thời kỳ Chiến tranh Cách mạng và quy định này được thiết lập trong Nội chiến Cách mạng lần thứ hai. Luật Hôn nhân của Cộng hòa Xô - viết Trung Hoa[1] ban hành năm 1934 quy định: “Vợ của các chiến sĩ Hồng quân muốn ly hôn phải được sự đồng ý của chồng [...] Nếu vợ hoặc chồng của chiến sĩ cách mạng tại ngũ có quan hệ ruột thịt với gia đình thì ly hôn phải được sự đồng ý của chiến sĩ cách mạng”[2]. Đồng thời, Luật này còn quy định: “Vợ, chồng của quân nhân tại ngũ yêu cầu ly hôn phải được sự đồng ý của quân nhân”[3].
Luật Hôn nhân Trung Quốc năm 1950 được xem là Luật Hôn nhân đầu tiên ban hành sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, quy định rõ tại Điều 19 như sau: “Trường hợp quân nhân tại ngũ có quan hệ thư từ với gia đình thì vợ, chồng khi xin ly hôn phải được sự đồng ý của quân nhân cách mạng. Kể từ ngày ban hành Luật này, nếu quân nhân cách mạng trong hai năm không liên lạc với gia đình và vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn thì có thể chấp thuận cho ly hôn. Trước khi ban hành luật này, nếu chiến sĩ cách mạng không liên lạc với gia đình trong hơn hai năm và sau khi luật này ban hành, chiến sĩ cách mạng không liên lạc với gia đình thêm một năm nữa và vợ hoặc chồng của chiến sĩ cách mạng yêu cầu ly hôn, thì ly hôn cũng có thể được chấp thuận”[4].
Luật Hôn nhân Trung Quốc năm 1980 đã xác lập nguyên tắc tự do kết hôn, tuy nhiên, quy định đặc thù đối với việc ly hôn của quân nhân tại ngũ vẫn tiếp tục được duy trì, cụ thể Điều 26 Luật này quy định: “Nếu vợ hoặc chồng của quân nhân tại ngũ yêu cầu ly hôn thì phải được sự đồng ý của quân nhân”.
Luật Hôn nhân Trung Quốc năm 1950 và Luật Hôn nhân Trung Quốc năm 1980 đều thực hiện nguyên tắc lập pháp bảo vệ đặc biệt đối với quân nhân tại ngũ về vấn đề ly hôn, đồng thời trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để Tòa án nhân dân giải quyết việc ly hôn trong trường hợp một bên là quân nhân tại ngũ. Mặc dù mục đích lập pháp vẫn là bảo vệ tốt nhất quan hệ hôn nhân của quân nhân tại ngũ nhưng quy định tại Điều 26 Luật Hôn nhân Trung Quốc năm 1980 đã gây ra nhiều khó khăn trong thực tiễn tư pháp cũng như ý kiến trái chiều từ các học giả.
Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong Điều 26 Luật Hôn nhân Trung Quốc năm 1980, Điều 33 Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001 quy định: “Nếu vợ hoặc chồng của quân nhân tại ngũ muốn ly hôn thì việc ly hôn phải được sự đồng ý của quân nhân, trừ khi quân nhân có lỗi nghiêm trọng”.
Khi Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 được ban hành, quy định về vấn đề ly hôn với vợ hoặc chồng là quân nhân tại ngũ vẫn tiếp tục được kế thừa và dường như giữ nguyên nội dung của Điều 33 Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001. Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 quy định như sau: “Nếu vợ hoặc chồng của quân nhân đang tại ngũ yêu cầu ly hôn thì phải được quân nhân đồng ý, trừ trường hợp bên quân nhân có lỗi nghiêm trọng”.
Nhìn qua lịch sử của quy định này, có thể nhận xét rằng, nếu lấy Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001 làm mốc thì sự khác biệt rõ rệt nhất giữa giai đoạn trước và sau Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001 là điều kiện “trường hợp quân nhân có lỗi nghiêm trọng”. Theo một tác giả, mặc dù điều kiện “quân nhân có lỗi nghiêm trọng” chỉ có mười ba ký tự (theo Hán tự), nhưng nó có ý nghĩa rất lớn đối với việc cải thiện hệ thống bảo vệ đặc biệt cho hôn nhân quân nhân và dân sự[5].
Từ các quy định trên, có thể thấy, quân đội với tư cách là một tập thể đặc biệt làm công tác quân sự, có đóng góp rất lớn cho hòa bình và phát triển của đất nước, quân đội là nền tảng cho sự ổn định của quốc gia. Sự ổn định của hôn nhân của quân nhân có liên quan đến sự ổn định tinh thần của quân nhân. Pháp luật và thực tiễn xét xử ở Trung Quốc cho thấy, việc bảo vệ đặc biệt hôn nhân quân nhân có tác dụng tích cực động viên quân nhân cống hiến sức mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nâng cao hiệu quả chiến đấu. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Trung Quốc là thực hiện chế độ bảo hộ đặc biệt đối với hôn nhân của quân nhân. Điều 62 Luật Quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2020[6] có quy định: “Nhà nước áp dụng các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, đồng thời bảo vệ đặc biệt hôn nhân của quân nhân tại ngũ”. Điều 259 Bộ luật Hình sự Trung Quốc sửa đổi năm 2020 cũng quy định: “Người nào cố ý chung sống hoặc kết hôn với vợ hoặc chồng của quân nhân tại ngũ, thì bị phạt tù có thời hạn đến ba năm hoặc tạm giam hình sự. Người nào hiếp dâm vợ của quân nhân tại ngũ bằng thủ đoạn cưỡng bức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thì bị kết án và xử phạt theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.
2. Đặc điểm của quy định về ly hôn với vợ hoặc chồng là quân nhân tại ngũ
2.1. Đối tượng áp dụng là quân nhân tại ngũ và vợ hoặc chồng của quân nhân tại ngũ
2.1.1. Quân nhân tại ngũ
Căn cứ Điều 25 Luật Nghĩa vụ quân sự Trung Quốc sửa đổi năm 2021 thì: “Quân nhân tại ngũ bao gồm quân nhân trong chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và quân nhân trong chế độ nghĩa vụ quân sự tự nguyện, quân nhân trong chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc gọi là nghĩa vụ binh, quân nhân trong chế độ nghĩa vụ quân sự tự nguyện gọi là hạ sĩ quan”[7].
Ngoài ra, chiếu toàn văn quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự Trung Quốc sửa đổi năm 2021 có thể chia quân nhân tại ngũ thành các cấp bậc cụ thể[8] như sau:
Thứ nhất, sĩ quan tại ngũ: Quân nhân tại ngũ đã được bổ nhiệm chức vụ từ cấp trung đội trở lên hoặc chức vụ chuyên môn, kỹ thuật từ trung cấp trở lên và đã được phong quân hàm tương ứng.
Thứ hai, Thượng sĩ, Thượng sĩ chuyên nghiệp: Cả hai đều là hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc hệ quân nhân tình nguyện. Thượng sĩ là quân nhân tại ngũ được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo hành chính hoặc kỹ thuật nghiệp vụ cấp cơ sở. Thượng sĩ chuyên nghiệp là quân nhân tại ngũ có thời gian phục vụ tại ngũ trên 05 năm, tự nguyện tiếp tục phục vụ tại ngũ và được đồng ý đảm nhận công tác chuyên môn kỹ thuật.
Thứ ba, Hạ sĩ quan và binh sĩ: Những người lính đang thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc được phong cấp bậc thượng sĩ, trung sĩ và hạ sĩ, cũng như quân nhân cấp cao và binh nhì trong Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đại đa số họ còn trẻ, chưa đủ tuổi kết hôn nên nhìn chung ít áp dụng các quy định tại điều này.
Bên cạnh đó, mặc dù Lực lượng Cảnh sát vũ trang Nhân dân Trung Quốc không thuộc trình tự thành lập của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhưng vấn đề hôn nhân vẫn được giải quyết như quân nhân tại ngũ (Điều 64 Luật Nghĩa vụ quân sự Trung Quốc sửa đổi năm 2021).
Từ các phân tích trên, có thể loại trừ những đối tượng sau không được coi là quân nhân tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự Trung Quốc sửa đổi năm 2021 và không chịu sự điều chỉnh của quy định tại Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020:
Một là, người lao động chưa có quân hàm trong các đơn vị quân đội;
Hai là, quân nhân giải ngũ, kể cả quân nhân xuất ngũ, phục viên, quân nhân đã nghỉ hưu, cựu chiến binh, thương binh cách mạng đã nghỉ hưu;
Ba là, cán bộ giữ chức vụ nhất định trong quân đội ở địa phương như cán bộ công tác trong Bộ Lực lượng vũ trang không thuộc cơ sở quân đội, kết hợp vào tổ chức dân quân hoặc quân nhân dự bị.
2.1.2. Vợ hoặc chồng của quân nhân tại ngũ
Vợ hoặc chồng của quân nhân tại ngũ theo Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 chỉ người không phải là quân nhân đã làm thủ tục đăng ký kết hôn với quân nhân tại ngũ và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cả hai bên đều là quân nhân tại ngũ sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này. Bởi lẽ, mục đích lập pháp của quy định này là hạn chế quyền của người chồng hoặc vợ của quân nhân tại ngũ trong việc thực hiện yêu cầu ly hôn. Nếu cả hai bên đều là quân nhân tại ngũ, bất kể ai là người đầu tiên đệ đơn ly hôn, thì việc áp dụng quy định của Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 đều dẫn đến hậu quả là quyền lợi của quân nhân còn lại chắc chắn sẽ bị cản trở. Điều này, theo quan điểm của tác giả, là không phù hợp với mục đích lập pháp ban đầu của điều luật này, đó là nhằm bảo vệ đặc biệt đời sống hôn nhân của quân nhân.
2.2. Người yêu cầu ly hôn phải là vợ hoặc chồng của quân nhân tại ngũ
Quy định tại Điều này không áp dụng đối với trường hợp quân nhân tại ngũ đề nghị ly hôn với người không phải là quân nhân vì trong trường hợp này sẽ được giải quyết như tranh chấp ly hôn thông thường. Như vậy, chỉ có vợ/chồng (không phải là quân nhân tại ngũ) của quân nhân tại ngũ mới được yêu cầu ly hôn theo phạm vi của Điều 1081 Bộ luật Dân sự năm 2020 của Trung Quốc.
Vấn đề ly hôn của quân nhân tại ngũ cũng được quy định cụ thể tại Điều 11 “Quy định về một số vấn đề thi hành Luật Hôn nhân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” do Tổng cục Chính trị Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa ban hành và thực hiện ngày 09/11/2001[9]: “Việc ly hôn của quân nhân tại ngũ cần nghiêm túc, thận trọng, không vi phạm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, không vi phạm đạo đức xã hội. Nếu hai bên đều là quân nhân tại ngũ, tự nguyện ly hôn hoặc một bên yêu cầu ly hôn thì lãnh đạo quân đội hoặc cơ quan chính trị của đảng tiến hành hòa giải, nếu hòa giải không thành và đủ điều kiện ly hôn quy định trong “Luật Hôn nhân” thì cơ quan chính trị cấp giấy xác nhận trước khi xin ly hôn đến cơ quan đăng ký kết hôn hoặc khởi kiện ly hôn tại Tòa án, lãnh đạo cơ quan chính trị phải căn cứ vào tình hình mà tiến hành hòa giải, nếu đủ điều kiện ly hôn quy định trong “Luật Hôn nhân” và bên kia đồng ý thì cơ quan chính trị có thể cấp giấy chứng nhận thuận tình ly hôn; đơn vị hoặc ban ngành liên quan ở địa phương tiến hành hòa giải, nếu hòa giải không thành thì cơ quan chính trị cấp giấy, các bên khởi kiện ly hôn ra Tòa án, một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn, bên quân nhân đồng ý ly hôn thì cơ quan chính trị có quyền cấp giấy đồng ý ly hôn; nếu bên quân nhân không đồng ý ly hôn thì cơ quan chính trị không cấp giấy chứng nhận, trừ khi được cơ quan chính trị xác nhận rằng quân nhân đã phạm lỗi nghiêm trọng”.
Ngoài ra, ngày 29/12/1980, Tổng cục Chính trị Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa ban hành “Quy định tạm thời về việc Quân đội thi hành Luật Hôn nhân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”[10]. Điều 6 của văn bản này quy định: “Quân nhân tại ngũ phải có thái độ nghiêm túc, cẩn trọng khi làm đơn ly hôn, nếu không sẽ vi phạm pháp luật, băng hoại đạo đức. Người xin ly hôn phải được sự đồng ý của cơ quan chính trị cấp trên của trung đoàn của đơn vị nơi họ trực thuộc và cấp giấy chứng nhận trước khi họ có thể về địa phương. Cơ quan đăng ký kết hôn sẽ đăng ký việc ly hôn hoặc nộp đơn khởi kiện việc ly hôn tại Tòa án nhân dân”.
Từ đó có thể thấy, cơ quan chính trị cấp quân đoàn trở lên thay mặt quân đội quản lý việc kết hôn của quân nhân, việc binh sĩ ly hôn phải được cơ quan chính trị cấp quân đoàn cấp trên xác nhận.
Vì vậy, trường hợp quân nhân tại ngũ là người yêu cầu ly hôn sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020.
2.3. Yêu cầu ly hôn của vợ/chồng của quân nhân tại ngũ phải được quân nhân tại ngũ đồng ý
Mục đích lập pháp của điều luật này là nhằm bảo vệ sự ổn định trong hôn nhân của quân nhân tại ngũ, đặc điểm của cuộc sống quân nhân là không thể thường xuyên chung sống với vợ hoặc chồng, đặc biệt bảo vệ hôn nhân quân nhân có lợi cho việc bảo vệ lợi ích sống còn của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và duy trì sự ổn định của quân đội, phù hợp với chính sách của Nhà nước Trung Quốc. Do đó, việc yêu cầu ly hôn của vợ/chồng của quân nhân tại ngũ phải được quân nhân tại ngũ đồng ý.
Luật Hôn nhân Trung Quốc năm 1980 quy định trường hợp vợ/chồng của quân nhân tại ngũ yêu cầu ly hôn thì phải được sự đồng ý của quân nhân. Theo một số chuyên gia, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kết hôn, nhất là khi quân nhân có lỗi lớn như bạo lực gia đình thì vợ hoặc chồng phải được sự đồng ý của quân nhân mới được yêu cầu ly hôn lại càng vô lý. Có quan điểm cũng cho rằng, cần có sự bảo vệ đặc biệt đối với hôn nhân của quân nhân, tuy nhiên, nếu quân nhân có lỗi thì cũng nên có những quy định tương ứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ hoặc chồng họ. Vì vậy, đề xuất được đưa ra là sau vế “vợ hoặc chồng của quân nhân tại ngũ yêu cầu ly hôn thì phải được sự đồng ý của quân nhân” thì bổ sung quy định “trừ trường hợp quân nhân có lỗi nghiêm trọng”. Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 một phần được xây dựng dựa trên lý luận này.
Như vậy, trường hợp quân nhân tại ngũ đồng ý ly hôn thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho ly hôn. Trường hợp quân nhân tại ngũ không đồng ý ly hôn thì “cần giáo dục nguyên đơn trân trọng tình nghĩa vợ chồng với quân nhân, cố gắng hòa giải hoặc đưa ra phán quyết không cho ly hôn. Nếu tình cảm vợ chồng đã rạn nứt, công tác hòa giải không còn hiệu lực, thực sự không thể duy trì được tình cảm vợ chồng thì đơn vị của quân nhân nên thông qua tổ chức chính trị cấp trên của quân đoàn nơi quân nhân đóng quân và chấp thuận việc ly hôn”[11]. Ngoài ra, trường hợp “quân nhân tại ngũ có lỗi nghiêm trọng” thì vợ/chồng của quân nhân tại ngũ cũng có quyền yêu cầu ly hôn với quân nhân tại ngũ mà không cần sự đồng ý của quân nhân tại ngũ, đây cũng được xem là trường hợp ngoại lệ của quy định này.
2.4. Trường hợp ngoại lệ của quy định
Việc Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 quy định “nếu vợ hoặc chồng của quân nhân đang tại ngũ yêu cầu ly hôn thì phải được quân nhân đồng ý, trừ trường hợp bên quân nhân có lỗi nghiêm trọng” cho thấy “sự đồng ý của quân nhân” không phải là tuyệt đối, nếu nguyên nhân dẫn đến hôn nhân đổ vỡ là do lỗi nghiêm trọng của quân nhân tại ngũ thì người vợ/chồng của quân nhân tại ngũ vẫn có quyền yêu cầu ly hôn mà không cần sự đồng ý của quân nhân tại ngũ. Đây là một quy định tiến bộ đã khắc phục bất cập của Luật Hôn nhân Trung Quốc năm 1980.
Tuy nhiên, một vấn đề khác được đặt ra đó là, Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 đã không quy định rõ ràng thế nào là “lỗi nghiêm trọng”.
Điều 23 Giải thích số 30/2001 ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng Luật Hôn nhân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Giải thích tư pháp số 30/2001)[12] quy định: “Lỗi nghiêm trọng của quân nhân” nêu tại Điều 33 Luật Hôn nhân[13] có thể căn cứ vào Điều 32 Luật Hôn nhân[14] để xác định. Phán quyết sẽ được đưa ra dựa trên các quy định tại ba mục đầu tiên của đoạn thứ ba và các lỗi nghiêm trọng khác của quân nhân dẫn đến đổ vỡ quan hệ vợ chồng”.
Điều 32 Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001 quy định như sau:
“[...] Trường hợp nào sau đây mà việc hòa giải không có hiệu lực thì cho ly hôn:
(1) Vợ hoặc chồng chung sống với người khác;
(2) Có hành vi bạo lực gia đình hoặc ngược đãi, bỏ rơi thành viên gia đình;
(3) Có tật cờ bạc, nghiện hút và các thói hư tật xấu khác, khuyên nhủ nhiều lần mà không sửa chữa [...]”.
Đối chiếu với Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020, Điều 32 Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001 sẽ tương ứng với Điều 1079 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020, theo đó:
“Điều 1079. [...] Thuộc một trong những trường hợp sau đây, hòa giải không thành thì cho phép ly hôn:
(1) Trùng hôn hoặc chung sống với người khác;
(2) Có hành vi bạo lực gia đình hoặc ngược đãi, ruồng bỏ thành viên gia đình;
(3) Có thói quen xấu như cờ bạc, ma tuý, đã chỉ bảo nhiều lần mà không thay đổi [...]”.
Như vậy, căn cứ Điều 23 Giải thích tư pháp số 30/2001; Điều 32, Điều 33 Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001; Điều 1079, Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 thì những trường hợp sau được xác định là “quân nhân có lỗi nghiêm trọng”:
Một là, trùng hôn hoặc chung sống với người khác: Trùng hôn được hiểu là kết hôn với người khác trong khi mình đang có vợ hoặc có chồng[15]. Chung sống với người khác là trường hợp một người có vợ/chồng sống với người khác giới ngoài quan hệ hôn nhân hoặc không có quan hệ hôn nhân mà tiếp tục chung sống ổn định[16].
Hai là, có hành vi bạo lực gia đình hoặc ngược đãi, ruồng bỏ thành viên gia đình: Bạo lực gia đình là việc người có hành vi đánh đập, trói, cắt xẻo, dùng vũ lực hạn chế quyền tự do cá nhân hoặc bằng các thủ đoạn khác gây tổn hại nhất định đến vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình trong thời gian dài, thường xuyên[17]. Ruồng bỏ thành viên gia đình được hiểu là hành vi từ chối phụng dưỡng những người già, trẻ, ốm đau hoặc không có khả năng tự lập[18].
Ba là, có thói quen xấu như cờ bạc, ma tuý, đã nhắc nhở nhiều lần mà không thay đổi.
Bốn là, các lỗi nghiêm trọng khác của quân nhân dẫn đến đổ vỡ quan hệ vợ chồng: Cần quán triệt hai điểm: (i) Mức độ lỗi của quân nhân đối với các lỗi khác phải tương đương với tội cố chấp, bạo lực gia đình, lạm dụng hoặc bỏ rơi các thành viên trong gia đình và những lỗi nghiêm trọng khác, chủ yếu là các hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ vợ chồng như hiếp dâm phụ nữ, hiếp dâm trẻ em gái chưa thành niên, mại dâm và các hành vi phạm pháp, tội phạm khác có thể xác định là hành vi sai trái lớn; (ii) Một lỗi nghiêm trọng phải dẫn đến sự đổ vỡ của mối quan hệ giữa vợ và chồng[19].
3. Một số nhận xét về quy định ly hôn với vợ hoặc chồng là quân nhân tại ngũ
Với những phân tích trên, theo tác giả, quy định về ly hôn với vợ hoặc chồng là quân nhân tại ngũ theo Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 có một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, không đảm bảo được nguyên tắc tự do trong hôn nhân.
Điều 49 Hiến pháp Trung Quốc có quy định “nghiêm cấm vi phạm quyền tự do hôn nhân”[20]. Điều 1041 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 quy định các nguyên tắc cơ bản trong hôn nhân và gia đình, trong đó phải “thực hành chế độ tự do hôn nhân, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”[21]. Ly hôn là một bộ phận cấu thành của hôn nhân, do đó, tự do hôn nhân cũng bao hàm cả tự do trong ly hôn, tức là cần tôn trọng ý chí của cả hai bên vợ và chồng, mà hôn nhân suy cho cùng là việc riêng tư trong lĩnh vực tình cảm giữa vợ và chồng, chứ không phải của một bên. Mặt khác, đặc điểm lớn nhất của luật tư là sự bình đẳng về địa vị của các bên và sự tương hỗ về quyền và nghĩa vụ, chế định về hôn nhân và gia đình trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 phải được hiểu là lĩnh vực luật tư nên việc ly hôn, dù một bên là quân nhân, trước hết cũng phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản này.
Thứ hai, có sự bất cập giữa các đạo luật.
Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ sửa đổi năm 2022[22] quy định: “Nhà nước bảo đảm phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình với nam giới” (Điều 60); “Nhà nước bảo hộ quyền tự chủ trong hôn nhân của phụ nữ. Nghiêm cấm can thiệp vào quyền tự do kết hôn và ly hôn của phụ nữ” (Điều 61). Cả Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 và Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ sửa đổi năm 2022 đều có giá trị pháp lý ngang nhau nhưng quy định tại Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 dường như không đảm bảo được “quyền tự do ly hôn” của phụ nữ (trong trường hợp này, là vợ của quân nhân tại ngũ) theo quy định tại Điều 60 và Điều 61 Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ sửa đổi năm 2022. Với sự phát triển xã hội hiện nay, địa vị của phụ nữ và việc bảo vệ các quyền khác nhau cần được quan tâm nhiều hơn. Loại bỏ chế độ bảo vệ đặc biệt đối với hôn nhân trong quân đội cũng là một đóng góp to lớn vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách khoa học.
Thứ ba, khó xác định được “lỗi nghiêm trọng của quân nhân” trong thực tiễn tư pháp.
Sở dĩ tác giả nhận định như vậy là do quân nhân là một chủ thể đặc biệt, nằm dưới chế độ quản lý khép kín của các doanh trại quân đội, được giáo dục thường xuyên về tư tưởng, chính trị, pháp luật và đạo đức, đồng thời chấp nhận các luật và quy định nghiêm ngặt của quân đội. Các “lỗi nghiêm trọng” được hướng dẫn bởi Giải thích tư pháp số 30/2001 và ba điểm đầu của đoạn 3 Điều 1079 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 là điều hiếm khi xảy ra. Do đó, phạm vi, hiệu lực của Giải thích tư pháp đối với “lỗi nghiêm trọng” do quân nhân gây ra là rất hạn chế, nghĩa là, sự bảo vệ đặc biệt đối với chế độ hôn nhân quân nhân vẫn dựa trên việc hạn chế quyền tự quyết ly hôn của vợ hoặc chồng không phải là quân nhân.
Thứ tư, quy định này không hẳn “cứu vãn” được quan hệ hôn nhân của quân nhân tại ngũ.
Theo quan điểm của tác giả, cả vấn đề kết hôn hay ly hôn thì ý chí của các bên mang tính tiên quyết. Chính vì lẽ đó mà tác giả cho rằng quy định tại Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 không hẳn là một giải pháp tốt. Nếu hôn nhân đã thực sự tan vỡ nhưng quân nhân tại ngũ không đồng ý ly hôn, có thể do kỳ vọng vào cuộc hôn nhân hoặc vì lý do khác, thì việc hạn chế ly hôn ít nhất sẽ khiến một bên mất đi cơ hội xây dựng lại gia đình hạnh phúc, hai bên sẽ rơi vào mâu thuẫn phức tạp, lâu dần sẽ phát triển thành sự chán ghét, thù hận lẫn nhau, thậm chí có thể dẫn đến việc phạm tội; nếu hai bên đều có con sẽ không tốt cho sự trưởng thành của trẻ, lại càng không tốt cho công việc của quân nhân tại ngũ. Dưới góc nhìn tâm lý, quy định của Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 còn có thể dẫn đến việc quân nhân tại ngũ khó kết hôn vì sự “dè chừng” của người phối ngẫu trong tương lai đối với quy định này.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của Việt Nam là đạo luật chuyên ngành dùng để giải quyết các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình, trong đó có quy định về ly hôn. Khoản 14 Điều 3 Luật này quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có 02 hình thức ly hôn là thuận tình ly hôn (Điều 55) và ly hôn theo yêu cầu của một bên (Điều 56). Nhìn tổng thể, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và kể cả các đạo luật dành riêng cho quân nhân cũng không có bất kỳ quy định đặc biệt nào nhằm hạn chế quyền ly hôn của vợ/chồng của quân nhân tại ngũ, hay nói cách khác, tại Việt Nam, tất cả các chủ thể khi ly hôn đều bình đẳng, không xem xét đến xuất thân của người yêu cầu ly hôn, đảm bảo tối đa nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là “hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng” (khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
So với quy định tại Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020, tác giả cho rằng, quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có phần phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay, khi mà cả quyền tự do kết hôn, ly hôn cần được đảm bảo. Việc cố gắng níu kéo một cuộc hôn nhân không hạnh phúc không đảm bảo được mục đích mà các nhà lập pháp tại Trung Quốc hướng đến là bảo vệ hôn nhân quân nhân mà đôi khi còn làm trầm trọng thêm mối quan hệ này. Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 tồn tại những hạn chế khó có thể khắc phục trong một thời gian ngắn. Do đó, các nghiên cứu sau này tại Việt Nam về vấn đề ly hôn với vợ hoặc chồng là quân nhân tại ngũ cũng nên được thận trọng xem xét khi đề xuất sửa đổi pháp luật trong tương lai./.
ThS. Nguyễn Phúc Thiện
Khoa Luật, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
[1] Từ ngày 07 đến ngày 20/11/1931, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Xô - viết Trung Hoa diễn ra, nước Cộng hòa Xô - viết Trung Hoa được tuyên bố thành lập, xem tại http://vietnamese.china.org.cn/china_key_words/2022-10/12/content_78462137.htm, truy cập ngày 08/01/2023.
[2] Http://www.npc.gov.cn/npc/c2198/200207/f97252d933224e0187bea54fdfb9ab94.shtml, truy cập ngày 28/01/2023.
[3] Http://www.npc.gov.cn/npc/c2198/200207/f97252d933224e0187bea54fdfb9ab94.shtml, truy cập ngày 28/01/2023.
[4] Http://www.npc.gov.cn/zgrdw/npc/lfzt/rlys/2014-10/24/content_1882723.htm, truy cập ngày 28/01/2023.
[5] Https://www.chinacourt.org/article/detail/2003/07/id/68778.shtml, truy cập ngày 29/01/2023.
[6] Nội dung này trước đây được quy định tại Điều 59 Luật Quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997 và Luật Quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2009.
[7] Http://www.mod.gov.cn/regulatory/2021-08/20/content_4892491.htm, truy cập ngày 09/01/2023.
[8] Chương IV Luật Nghĩa vụ quân sự Trung Quốc, http://www.mod.gov.cn/regulatory/2021-08/20/content_4892491.htm, truy cập ngày 11/01/2023.
[9] Https://books.google.com.vn/books?id=tEdyDwAAQBAJ&printsec=frontcover&hl=vi&source=gbs_ge_summary_r&cad=0#v=onepage&q&f=false, truy cập ngày 28/01/2023.
[10] Quy định này có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/1981.
[11] Điều 9 “Ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân sự” của Trung Quốc năm 1984.
[12] Cần làm rõ rằng, Giải thích tư pháp số 30/2001 dùng để hướng dẫn Luật Hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001. Hiện nay, Giải thích tư pháp số 30/2001 đã bị bãi bỏ bởi Quyết định số 16/2020 của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc về việc bãi bỏ một số cách giải thích và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã được thông qua tại kỳ họp thứ 1823 của Ủy ban Tư pháp Tòa án nhân dân tối cao vào ngày 23/12/2020, Quyết định này được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, Điều 33 Luật hôn nhân Trung Quốc sửa đổi năm 2001 cơ bản không khác so với Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 nên trong phần này, tác giả sẽ sử dụng Giải thích tư pháp số 30/2001 để phân tích “lỗi nghiêm trọng của quân nhân” được hiểu như thế nào trong sự đối chiếu giữa Giải thích tư pháp số 30/2001 với Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020.
[13] Tương ứng với Điều 1081 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020.
[14] Tương ứng với Điều 1079 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020.
[15] Lê Khánh Linh và các tác giả (2021), Bộ luật Dân sự Trung quốc 2020 - Bản dịch và Lược giải, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, fn 145, tr. 309.
[16] Điều 2 Giải thích tư pháp số 30/2001.
[17] Điều 1 Giải thích tư pháp số 30/2001.
[18] Https://www.chinacourt.org/article/detail/2003/07/id/68778.shtml, truy cập ngày 29/01/2023.
[19] Https://www.chinacourt.org/article/detail/2003/07/id/68778.shtml, truy cập ngày 29/01/2023.
[20] Http://www.gov.cn/guoqing/2018-03/22/content_5276318.htm, truy cập ngày 29/01/2023.
[21] Lê Khánh Linh và các tác giả (2021), tlđd, tr. 309.
[22]Http://www.npc.gov.cn/npc/c30834/202210/d80092ae46b24946b30b3a880c2f2be5.shtml, truy cập ngày 29/01/2023.