1. Mô hình quản lý nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc
Trong cách quản lý nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc, các biện pháp quản lý hành chính, chính trị, pháp luật, kinh tế, dư luận xã hội… tác động qua lại, bổ sung cho nhau. Vận dụng nhiều biện pháp quản lý đối với việc giải quyết những vấn đề xuất hiện trong đời sống và việc quản lý nghệ thuật biểu diễn càng giúp ích cho sự tích cực, chủ động của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, những người làm công tác trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và giúp điều hòa các mối quan hệ trong quá trình xây dựng, phát triển và quản lý các hoạt động văn hóa. Trong việc xây dựng các chính sách về nghệ thuật biểu diễn, Trung Quốc càng chú ý và con trọng việc vận dụng biện pháp quản lý bằng pháp luật và biện pháp kinh tế.
Trung Quốc phân chia các mức độ quản lý nghệ thuật biểu diễn của mình thành ba cấp: Quản lý vĩ mô, quản lý trung mô và quản lý vi mô.
(i) Ở cấp vĩ mô, Quốc vụ viện là chủ thể quản lý với chức năng xác định chiến lược, quy hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách chung về phát triển sự nghiệp văn hoá cả nước, điều hòa các quan hệ chủ đạo trong quá trình phát triển sự nghệ thuật biểu diễn của cả nước… Thông qua phương thức quản lý là đề ra quy hoạch, kế hoạch, phương châm, chính sách; đề ra các văn bản quy phạm pháp luật, mệnh lệnh hành chính để thực hiện quản lý vĩ mô đối với sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn.
(ii) Ở cấp trung mô, Bộ, Ủy ban, Cục chức năng quản lý sự nghiệp trực thuộc Quốc vụ viện như Bộ Văn hóa, Cục Nghệ thuật… Chính quyền nhân dân các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc căn cứ vào mục tiêu, chiến lược, nhiệm vụ chính sách chung, quyết sách vĩ mô của Nhà nước về phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn của ngành, địa phương mình; nghiên cứu đề ra những bước đi, biện pháp, chính sách thực hiện cụ thể, đồng thời phụ trách việc tổ chức thực hiện.
(iii) Ở cấp vi mô, các cơ quan hành chính, Đảng ủy, hội nghị đại biểu công nhân viên chức, tiểu ban văn nghệ của các đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp văn hóa - nghệ thuật... căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu chung về phát triển nghệ thuật biểu diễn của Nhà nước và địa phương mình để sắp xếp toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.
So sánh với điều kiện thực tiễn Việt Nam, mức độ quán lý vĩ mô tương ứng với Quốc hội, quản lý trung mô là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các tỉnh (thông qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) và quản lý vi mô là các đơn vị thuộc Bộ, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các doanh nghiệp nghệ thuật biểu diễn.
Trong lĩnh vực quản lý trung mô (quản lý của ngành nghệ thuật biểu diễn), Trung Quốc nhấn mạnh đặc trưng tiếp nối cái trên, gợi mở cái dưới, tụ hợp ở giữa, trong đó, tiếp nối cái trên là chấp hành, gợi mở cái dưới là quyết sách. Nghĩa là, sau khi tiếp nhận các quyết định vĩ mô từ phía Nhà nước, ngành nghệ thuật biểu diễn cần phải nhanh chóng tiếp thu, nghiên cứu, dựa vào điều kiện thực tiễn để đưa ra những hệ thống quyết sách cụ thể. Quản lý trung mô tập trung vào nhiều chức năng: Quyết sách, chấp hành, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, điều hòa, tổ chức, khống chế, chỉ đạo, tư vấn…
Để hoàn thiện cơ chế quản lý của ngành nghệ thuật biểu diễn, Trung Quốc đã đưa ra một số khuyến nghị sau: (i) Tổng kết thực trạng công tác quản lý ngành nghệ thuật biểu diễn; (ii) Từng bước kiện toàn và hoàn thiện hệ thống điều hành quản lý của ngành với yêu cầu chung là cầu nối giữ điều hành vĩ mô và điều hành vi mô; (iii) Điều chỉnh, hoàn thiện hơn nữa chức năng quản lý trực tiếp đối với các sự nghiệp, cơ cấu nghệ thuật biểu diễn, các hạng mục phát triển nghệ thuật biểu diễn quan trọng; (iv) Hoàn thiện cơ chế vận hành của ngành đó là thực hiện khoa học hoá quyết sách quản lý.
Việc xây dựng chính sách ở Trung Quốc có những nguyên tắc cơ bản như: (i) Nhất trí với các tính chất, phương hướng và mục tiêu phát triển của sự nghiệp văn hóa chủ nghĩa xã hội; (ii) Phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn phải cân đối nhịp nhàng với sự phát triển của cả nền kinh tế - xã hội; (iii) Tôn trọng quy luật khách quan của công cuộc xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc; (iv) Tính khoa học, thống nhất và đồng bộ của hệ thống chính sách.
Qua nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc, bài học đối với việc xây dựng chính sách ở Việt Nam là Nhà nước luôn phải có vai trò chủ đạo trong việc xây dựng và phát triển nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt cần phân biệt các chính sách ở mức độ khác nhau phải được thực hiện khác nhau. Chính sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần được xác định như chính sách của đơn vị quản lý trung mô, không bao quát như quản lý vĩ mô và không quá cụ thể như các chính sách của các đơn vị quản lý vi mô.
2. Mô hình quản lý nghệ thuật biểu diễn của Hàn Quốc
Hiện nay, Hàn Quốc là nước có ngành công nghiệp biển diễn phát triển mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, Hàn Quốc kết hợp rất tốt việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với việc phát triển văn hoá - nghệ thuật đương đại. Cả hai lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn truyền thống và đương đại của Hàn Quốc đều đạt được nhiều thành tựu đáng khâm phục. Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á vừa có cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý về nghệ thuật biểu diễn (là Bộ Văn hóa và Du lịch), vừa có cơ quan chuyên chăm lo phát triển văn hóa - nghệ thuật ở khu vực phi nhà nước (là Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc). Bộ Văn hóa và Du lịch là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hoá, du lịch và thể thao. Cơ cấu tổ chức của Bộ gồm 12 cục, vụ, trong đó, Cục Nghệ thuật quản lý chuyên môn về nghệ thuật biểu diễn.
Điểm nổi bật trong chính sách nghệ thuật biểu diễn của Hàn Quốc là sự dịch chuyển việc hoạch định chính sách nghệ thuật biểu diễn từ cơ quan quản lý nhà nước trung ương sang phân cấp, phân quyền cho các chính quyền địa phương với sự tham gia tích cực của xã hội dân sự, bao gồm các đơn vị tổ chức nghệ thuật biểu diễn, các quỹ nghệ thuật biểu diễn, các nhà nghiên cứu, các tổ chức phi Chính phủ và giới văn nghệ sĩ trong quá trình nghiên cứu, hình thành, xây dựng và triển khai thực hiện chính sách nghệ thuật biểu diễn.
Chính sách nghệ thuật biểu diễn của Hàn Quốc được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản như: Văn hóa và cá nhân; văn hóa và cộng đồng xã hội, văn hóa và kinh tế; văn hóa và địa phương; văn hóa và thế giới. Việc hoạch định chính sách không chỉ có các cán bộ nhà nước, mà còn có cả sự tham gia của các nhà nghiên cứu chính sách văn hóa, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi Chính phủ và các nghệ sĩ. Người ta gọi đây là quá trình dân chủ hóa trong công tác hoạch định chính sách nghệ thuật biểu diễn.
Hàn Quốc đã thành lập Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc vào năm 2005 trên cơ sở Quỹ Phát triển văn hóa nghệ thuật quốc gia trước đây với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Hàn Quốc thông qua hỗ trợ phát triển cho các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là khu vực phi Chính phủ. Ở các đia phương đều có Hội đồng Nghệ thuật địa phương, bên cạnh đó là Quỹ Văn hóa nghệ thuật. Mối quan hệ công tác và mức độ độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương với các Hội đồng Nghệ thuật đang là vấn đề tranh luận giữa các bên liên quan.
Các doanh nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc đều là doanh nghiệp tư nhân, nhưng Nhà nước hết sức quan tâm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Cục Công nghiệp văn hóa thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc là cơ quan chuyên hoạch định cách chính sách nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp văn hóa trong đó có lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn Hàn Quốc trên thị trường quốc tế. Nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn của Hàn Quốc giúp chúng ta có được một bài học tốt trong việc phát huy năng lực cạnh tranh hiệu quả của nền công nghiệp văn hóa (trong đó có lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn) cũng như sự dịch chuyển cơ chế hoạch định chính sách nghệ thuật biểu diễn quốc gia. Công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật để quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn bao giờ cũng phải đi trước một bước. Nhà làm luật phải nắm bắt được những gì đang diễn và sẽ diễn ra để từ đó vạch ra những chính sách hiệu quả đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực đang và sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thác thức trên con đường phát triển. Việc bảo vệ và phát huy giá trị của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong bối cảnh hội nhập quốc tế đặt ra cho chúng ta, những người làm công tác xây dựng pháp luật, quản lý văn hóa những nhiệm vụ hết sức khó khăn và cấp bách là làm thế nào hoạch định được những chính sách, chương trình hành động và giải pháp hiệu quả, thiết thực và phù hợp để đưa nền văn hóa nước nhà tiếp tục phát triển trong điều kiện mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Tiến Sâm, Xây dựng nền văn hoá tiên tiến ở Trung Quốc, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010, tr. 56-58.
2. Nguyễn Văn Kiêu, Trần Tiến, Tổng thuật chính sách văn hóa của một số nước trên thế giới, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 1993.
3. Phan Hồng Giang và Bùi Hoài Sơn (2011), “Quản lý văn hóa ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 1, tr. 12-14.
4. Nguyễn Văn Tình, Chính sách văn hóa trên thế giới và việc hoàn thiện chính sách văn hóa Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr. 130-138.
5. Hoàng Vinh, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hoá ở nước ta, Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1999.
6. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Chính sách Văn hóa, Nxb. Lao Động, 2016.