1. Những thành tựu đã đạt được trong công tác lý lịch tư pháp
1.1. Tổ chức triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp
a) Xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp
- Xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp
Việc tổ chức triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp đã được thực hiện tương đối đồng bộ, toàn diện và sâu rộng. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Luật Lý lịch tư pháp với tinh thần trách nhiệm cao, tạo tiền đề cho việc triển khai có hiệu quả Luật Lý lịch tư pháp trên phạm vi toàn quốc và tại từng địa phương. Để tổ chức triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản đề nghị các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chỉ đạo và triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị phối hợp triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật[1]. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành các kế hoạch nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác LLTP[2].
Tại các bộ, ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Lý lịch tư pháp về việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ. Việntrưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị về việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trong toàn Ngành Kiểm sát, xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc có liên quan trong việc cung cấp, xử lý thông tin về LLTP; xác định bộ phận đầu mối làm nhiệm vụ cung cấp thông tin LLTP. Bộ Công an đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP trong lực lượng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát; hướng dẫn gửi yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin cấp Phiếu LLTP, tiếp nhận thông báo kết quả tra cứu, xác minh thông tin LLTP qua thư điện tử... Bộ Quốc phòng đã có văn bản giao cho Tòa án quân sự Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP trong Quân đội.
Tại các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã kịp thời ban hành các kế hoạch, chỉ thị hoặc các văn bản khác để tổ chức thi hành Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật[3]. Trên cơ sở tham mưu của Sở Tư pháp, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành văn bản chỉ đạo, quy định trách nhiệm cụ thể của Sở Tư pháp, Công an tỉnh và đề nghị các Ngành Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án dân sự địa phương tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp[4]. Một số địa phương đã chủ động ban hành các văn bản, đề án tăng cường công tác xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP; kiện toàn tổ chức làm công tác LLTP; quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP tại Sở Tư pháp[5]...
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về LLTP
Ngay sau khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về LLTP đã được Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Bộ Tư pháp đã tiến hành xây dựng, biên soạn tài liệu, sách để tuyên truyền Luật Lý lịch tư pháp. Đồng thời, hàng năm, Bộ Tư pháp thực hiện tuyên truyền Luật Lý lịch tư pháp bằng nhiều hình thức như biên soạn chuyên đề trên một số báo, xây dựng các phóng sự tại đài truyền hình, đài phát thanh; đăng tải các tin bài về hoạt động nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ LLTP trên Trang thông tin điện tử LLTP... Các bộ, ngành đã thực hiện phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tại các Hội nghị triển khai kế hoạch công tác Ngành, thông qua các buổi họp trao đổi nghiệp vụ, hội nghị giao ban, tọa đàm, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, trên các bản tin pháp luật...
Tại các địa phương, Sở Tư pháp đã quan tâm, chú trọng và tổ chức tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức khác nhau, như tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, thực hiện đăng tải bản tin LLTP trên các phương tiện thông tin đại chúng; in ấn sách, phát hành tập san, sổ tay pháp luật, tờ rơi về LLTP. Đặc biệt, để nâng cao nhận thức của người dân về thủ tục, phương thức cấp Phiếu LLTP, một số địa phương đã có nhiều cách làm mới như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến qua website của Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel, trên Đài truyền hình địa phương; làm video hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp Phiếu LLTP; phát tờ rơi, tờ gấp về thủ tục cấp Phiếu LLTP đến tổ dân phố, trại giam; phối hợp trợ giúp pháp lý lưu động về LLTP... Một số cơ quan Tòa án, Công an, Thi hành án dân sự đã tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức về công tác LLTP và trách nhiệm của ngành trong công tác LLTP; tuyên truyền, phổ biến Luật Lý lịch tư pháp qua báo chí, phát thanh, bản tin của ngành.
b) Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp
Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho Luật Lý lịch tư pháp từng bước đi vào cuộc sống. Ngoài việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo thẩm quyền và tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành 10 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp[6]. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu liên quan đến việc thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và Luật Thi hành án hình sự, Bộ Công an cũng đã chủ động ban hành 01 thông tư sửa đổi, bổ sung các loại biểu mẫu về thi hành án hình sự.
c) Kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác lý lịch tư pháp
- Tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác LLTP
Ngày 28/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2369/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm LLTP quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP”. Trên cơ sở Đề án, Bộ Tư pháp đã thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và nhân lực làm công tác LLTP thuộc Bộ Tư pháp, chủ động đề nghị với Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, củng cố kiện toàn tổ chức, bộ máy và nhân lực làm công tác LLTP tại các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Theo đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong phạm vi cả nước và thực hiện một số nhiệm vụ trong lĩnh vực LLTP do Bộ trưởng giao. Từ khi được thành lập đến nay, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã từng bước được kiện toàn về tổ chức bộ máy với 04 biên chế quản lý hành chính và 45 biên chế sự nghiệp. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu công việc, Trung tâm cũng đã chủ động tự cân đối nguồn kinh phí để ký 13 hợp đồng lao động.
Tại 05 thành phố trực thuộc trung ương, UBND Thành phố đã quyết định thành lập Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp. Đối với 58 Sở Tư pháp còn lại, bộ phận làm công tác LLTP tại Phòng Hành chính tư pháp hoặc Phòng Bổ trợ tư pháp được kiện toàn để thực hiện nhiệm vụ mới. Thời gian đầu thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, biên chế làm công tác LLTP tại các Sở Tư pháp còn hết sức khó khăn. Qua 10 năm triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, số lượng biên chế làm công tác LLTP tại các Sở Tư pháp trên toàn quốc đã được cải thiện đáng kể. Tính đến nay, nguồn nhân lực làm công tác LLTP hiện có 270 người, trong đó có 236 biên chế[7] và 34 lao động hợp đồng, có 64 người đã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về LLTP.
- Tổ chức bộ phận đầu mối tại các bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ phối hợp cung cấp thông tin LLTP
Trên cơ sở quy định của Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP, các bộ, ngành có liên quan và cơ quan thi hành án dân sự đã từng bước kiện toàn bộ phận đầu mối thực hiện nhiệm vụ phối hợp cung cấp thông tin LLTP. Tại Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã giao Văn phòng Tòa án làm đầu mối phối hợp cung cấp thông tin LLTP, Tòa án nhân dân cấp huyện đã quan tâm bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Công an đã quan tâm, chủ động bố trí số lượng cán bộ, chiến sĩ làm công tác LLTP tại các đơn vị có liên quan. Bộ Quốc phòng đã giao cho Tòa án quân sự Trung ương (Ban Thông tin tư liệu và quản lý lý lịch tư pháp) là đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ cung cấp, tra cứu, xác minh thông tin LLTP. Cơ quan Thi hành án dân sự các cấp cũng quan tâm, thực hiện bố trí cán bộ phụ trách, công chức thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin LLTP.
d) Đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác lý lịch tư pháp
Việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động quản lý LLTP đã từng bước được Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan và nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chú trọng thực hiện.
Bộ Tư pháp đã chú trọng đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP như bố trí khu vực tiếp công dân, kho lưu trữ hồ sơ LLTP bằng giấy, quan tâm chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác LLTP... Cơ quan Thi hành án dân sự cũng đã được trang bị cơ sở vật chất cần thiết phục vụ các nhiệm vụ về LLTP.
Các bộ, ngành đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần quan trọng tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp, tra cứu và xác minh thông tin LLTP. Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng các phần mềm quản lý và thống kê các vụ án, số hóa các tài liệu trong hồ sơ vụ án; đăng ký trực tuyến cấp bản sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án... phục vụ hiệu quả cho công tác trao đổi, cung cấp thông tin LLTP. Bộ Công an hằng năm bố trí kinh phí bảo trì, nâng cấp cơ sở vật chất, phần mềm phục vụ công tác tra cứu, cung cấp thông tin phục vụ công tác LLTP. Bộ Quốc phòng đã xây dựng phần mềm quản lý thông tin LLTP, hiện nay về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác này.
Tại các địa phương, UBND tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quan tâm bố trí biên chế, đầu tư kinh phí, trang thiết bị, chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp. UBND nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị riêng hoặc cấp kinh phí mua sắm trong kinh phí hành chính hàng năm cho Sở Tư pháp[8] để phục vụ công tác LLTP. Một số Sở Tư pháp đã chủ động sử dụng kinh phí từ nguồn để lại của phí cấp Phiếu LLTP để phục vụ cho công tác LLTP theo quy định của pháp luật. Đến nay, nhiều Sở Tư pháp đã đáp ứng cơ bản yêu cầu về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác LLTP. Ngoài ra, UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quan tâm, bố trí kinh phí để giải quyết thông tin LLTP tồn đọng, chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu LLTP tại địa phương. Nhiều Sở Tư pháp đã bố trí kho lưu trữ riêng phục vụ cho hoạt động quản lý, lưu trữ hồ sơ LLTP bằng giấy[9].
đ) Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về LLTP được quan tâm thực hiện, từng bước đa dạng hóa nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, tăng cường hợp tác quốc tế để hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bộ Tư pháp đã tổ chức 04 lớp đào tạo nghiệp vụ với hơn 150 học viên, 07 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ LLTP, 06 lớp tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý LLTP cho công chức, viên chức làm công tác LLTP tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn chuyên môn, chỉ đạo nghiệp vụ về LLTP cũng được Bộ Tư pháp quan tâm chú trọng thực hiện thông qua văn bản hoặc hướng dẫn trực tiếp khi làm việc với địa phương, thông qua các lớp tậphuấn nghiệp vụ, xây dựng cẩm nang, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cũng thực hiện hướng dẫn thủ tục cấp Phiếu LLTP cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân là người nướcngoài trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về LLTP. Bộ Công an cũng có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong toàn ngành về những nội dung liên quan trực tiếp đến công tác LLTP.
e) Công tác kiểm tra, kiểm tra liên ngành về lý lịch tư pháp
Công tác kiểm tra, kiểm tra liên ngành được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm, cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về LLTP. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức 17 đoàn kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp tại 33 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ Tư pháp cũng đã kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về LLTP tại 35 Sở Tư pháp. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm tra liên ngành, Bộ Tư pháp và các bộ ngành có liên quan đã nắm bắt tình hình thực tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các sai sót của địa phương; tạo ra những tiền đề và điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác LLTP trên toàn quốc, bảo đảm chất lượng và hiệu quả công tác LLTP nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra. Đồng thời, nhiều cách làm hay, những điển hình tiên tiến tại các Sở Tư pháp cũng được ghi nhận, nhân rộng.
g) Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp
Nhận thức được vai trò của công nghệ thông tin trong công tác LLTP, ngay từ những ngày đầu khi Luật Lý lịch tư pháp được ban hành và tổ chức thực hiện, Bộ Tư pháp đã quan tâm, chú trọng đầu tư triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này. Từ năm 2012, Bộ Tư pháp đã thực hiện triển khai Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung cho các Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Cho đến nay, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã sử dụng các phần mềm nói trên phục vụ hoạt động xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu LLTP, cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của công tác này.
Bên cạnh đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin khác vào hoạt động xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và giải quyết tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP trên phạm vi toàn quốc, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
h) Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lý lịch tư pháp
Hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) chưa nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo trong công tác LLTP. Tại địa phương, hầu hết các Sở Tư pháp đều chưa có trường hợp nào phải giải quyết khiếu nại, tố cáo về LLTP. Một số ít Sở Tư pháp có khiếu nại, tố cáo về LLTP nhưng đã được giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật (05 trường hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Bình).
i) Hợp tác quốc tế trong công tác lý lịch tư pháp
Trong hơn 12 năm qua, với sự hỗ trợ của một số dự án hợp tác quốc tế về pháp luật[10], Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về LLTP; tiến hành khảo sát thực tiễn kinh nghiệm quản lý LLTP tại CHLB Đức, Italia, Anh, Mỹ, Malaysia… Các hoạt động hợp tác quốc tế đã hỗ trợ rất thiết thực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về LLTP và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về LLTP, góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về LLTP.
1.2. Công tác xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
a) Công tác phối hợp cung cấp, rà soát thông tin để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Công tác phối hợp cung cấp thông tin LLTP theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp ngày càng đi vào nền nếp. Số lượng thông tin LLTP từ các cơ quan có liên quan cung cấp ngày càng nhiều, thường xuyên và kịp thời hơn. Tính đến nay, các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an, cơ quan có liên quan trong Quân đội, cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện cung cấp gần 05 triệu thông tin LLTP cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp.
Để bảo đảm cho việc cung cấp thông tin được đầy đủ, kịp thời, ngay sau khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, ngành cung cấp thông tin LLTP cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, các Sở Tư pháp. Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã làm việc trực tiếp Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an để đề nghị các các bộ, ngành chỉ đạo và có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin LLTP. Tại địa phương, hầu hết Thành ủy, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tại địa phương phối hợp với Sở Tư pháp trong việc cung cấp thông tin LLTP. Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp trao đổi bằng văn bản, trao đổi trực tiếp thông qua cuộc họp giao ban của cơ quan, đơn vị có liên quan.
Công tác phối hợp rà soát cung cấp thông tin LLTP giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp với các cơ quan, đơn vị có liên quan cơ bản được thực hiện định kỳ, hiệu quả theo quy định của Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan theo dõi, quản lý, kiểm tra bổ sung thông tin còn thiếu hoặc có sai sót.
2.2. Công tác xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp
Công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP từng bước được chú trọng thực hiện và ngày càng đi vào nền nếp. Các cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP từ trung ương đến địa phương đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, tạo lập được hơn 01 triệu LLTP của người bị kết án. Đểnâng cao chất lượng Cơ sở dữ liệu LLTP, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã thực hiện đồng bộ dữ liệu LLTP giữa Cơ sở dữ liệu LLTP tại Trung tâm và Cơ sở dữ liệu LLTP tại 63 Sở Tư pháp đối với những LLTP Sở Tư pháp lập trước ngày 01/5/2015 với tổng số 95.273 thông tin.
b) Tăng cường công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Để tăng cường công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, Bộ Tư pháp và địa phương đã có nhiều giải pháp, cụ thể:
(1) Xử lý thông tin LLTP tồn đọng: Trên cơ sở Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 09/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP, nhiều Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch về tăng cường xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP[11]; kế hoạch về tăng cường giải quyết số lượng thông tin LLTP còn tồn đọng tại Sở Tư pháp[12] và tập trung xử lý thông tin LLTP còn tồn đọng. Trên cơ sở đó, hầu hết các Sở Tư pháp đã cơ bản giải quyết được số lượng thông tin LLTP còn tồn đọng.
(2) Đầu tư kinh phí cho hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP: Trên cơ sở tham mưu của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cấp kinh phí hàng năm hoặc cho phép lấy từ nguồn kinh phí để lại từ phí cấp Phiếu LLTP để phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP[13].
(3) Ứng dụng công nghệ thông tin: Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP được quan tâm, chú trọng và phục vụ cho công tác này theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hiện đại. Để khắc phục những hạn chế, bất cập do việc nhập thông tin thủ công, đồng thời để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, xây dựng “Giải pháp tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu”. Hiện nay, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện thí điểm giải pháp này.
(4) Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và một số Sở Tư pháp đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin một cách chủ động và hiệu quả trong công tác phối hợp cung cấp thông tin với các cơ quan có liên quan như: Trao đổi, cung cấp thông tin qua thư điện tử, file điện tử[14]; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án về phần mềm trao đổi, tra cứu và xây dựng cơ sở dữ liệu với các cơ quan liên ngành (Đà Nẵng)...
1.3. Công tác cấp Phiếu Lý lịch tư pháp
a) Công tác tiếp nhận và trả kết quả Phiếu lý lịch tư pháp
Công tác cấp Phiếu LLTP cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của người dân, cơ quan, tổ chức, cải cách thủ tục, đơn giản và thuận tiện hơn. Phiếu LLTP ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong việc xác nhận nhân thân tư pháp của cá nhân, góp phần vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội[15]. Trong 12năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp trên toàn quốc đã cấp được khoảng 05 triệu Phiếu LLTP, gấp gần 07 lần số lượng Phiếu LLTP được cấp trong gần 10 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA (655.537 Phiếu), trong đó, tỷ lệ đúng hạn chiếm 95%, tỷ lệ trễ hạn chiếm khoảng 5%. Các trường hợp trễ hạn cấp Phiếu LLTP chủ yếu là đương sự có lai lịch phức tạp, đã từng cư trú tại nhiều địa phương, có thông tin án tích nhưng chưa rõ ràng nên phải mất nhiều thời gian, công sức xác minh; các cơ quan không còn lưu trữ, không có thông tin do án tích từ lâu... Mục đích cấp Phiếu LLTP chủ yếu là bổ sung hồ sơ xin việc làm, xuất khẩu lao động, xuất cảnh, du học, định cư nước ngoài, bổ sung hồ sơ với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, xóa án tích, hoạt động tôn giáo...
b) Phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp
- Việc tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đã nhận được sự quan tâm, phối hợp thường xuyên của hầu hết các cơ quan có liên quan và đặc biệt là cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an. Tính đến ngày 30/6/2020, theo báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã thực hiện tra cứu, xác minh khoảng 04 triệutrường hợp, Tòa án quân sự Trung ương thực hiện tra cứu, xác minh 8.923 trường hợp. Trong nhiều trường hợp, kết quả tra cứu, xác minh của cơ quan Công an cho thấy người được cấp Phiếu LLTP đã bị bắt, bị lập danh chỉ bản hoặc bị xét xử nhưng không rõ kết quả xử lý, sau khi tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xác minh, làm rõ, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã cung cấp kết quả tra cứu, xác minh thông tin cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát để cơ quan này cập nhật bổ sung thông tin vào cơ sở dữ liệu của Ngành Công an.
- Đối với trường hợp xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu LLTP, trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp đã tiến hành xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu LLTP theo quy định với tổng số 2.473 trường hợp[16]. Thực hiện nhiệm vụ mới về việc giao cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP trách nhiệm quản lý, cập nhật thông tin của người bị kết án và xác nhận không có án tích trong trường hợp người bị kết án được đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tính đến ngày 30/6/2020, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đã tiến hành xác minh, cấp 30.706 Phiếu LLTP[17] cho các trường hợp đương nhiên được xóa án tích.
c) Nâng cao hiệu quả công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Để nâng cao hiệu quả công tác cấp Phiếu LLTP, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực có nhiều giải pháp, cụ thể:
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cấp Phiếu LLTP: Bộ Tư pháp đã xây dựng Phân hệ đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến và Giải pháp tích hợp cấp Phiếu LLTP trực tuyến với dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, triển khai tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp. Hiện nay, việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP tại hầu hết các Sở Tư pháp được thực hiện qua Phần mềm “một cửa” của tỉnh; Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công tỉnh.
- Bộ Tư pháp đã xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP, theo hướng đề xuất cắt giảm tối đa giấy tờ cần thiết có trong hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu và đề xuất áp dụng các phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả qua đường bưu chính hoặc điện tử. Đồng thời, trên cơ sở Đề án thí điểm cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến (ban hành kèm theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ) (Đề án 19) và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, từ tháng 6/2015, Bộ Tư pháp và cácSở Tư pháp đã triển khai thực hiện các phương thức cấp Phiếu LLTP mới qua dịch vụ bưu chính hoặc đăng ký trực tuyến[18]. Việc triển khai các phương thức cấp Phiếu mới theo Đề án 19 đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân, đặc biệt là những người ở cách xa trung tâm tỉnh hoặc đang ở nước ngoài, qua đó tạo thuận lợi cho người có yêu cầu cấp Phiếu, góp phần cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, được dư luận, người dân và các cơ quan, tổ chức đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ. Ngày 05/8/2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6417/VPCP-PL thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc kết thúc thí điểm, theo đó, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp thực hiện cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến theo các quy định của pháp luật hiện hành.
- Để giải quyết tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an xây dựng giải pháp tra cứu, xác minh thông qua đường điện tử giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ và các Sở Tư pháp trên cơ sở Quy chế phối hợp số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 09/7/2015; Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018. Tính đến nay, giải pháp này đã hỗ trợ 63Sở Tư pháp với 2.925.735 trường hợp, qua đó đã hỗ trợ kịp thời cho Sở Tư pháp trong công tác cấp Phiếu LLTP và khắc phục được cơ bản tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP cho các địa phương trên. Việc triển khai quy chế phối hợp đã mang lại hiệu quả tích cực cho các Sở Tư pháp, thời hạn cấp Phiếu LLTP được rút ngắn và chính xác, được các địa phương hoan nghênh, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước.
- Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp và các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như thực hiện thí điểm đăng ký cấp Phiếu LLTP đáp ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp[19]; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng không yêu cầu tổ chức, cá nhân phải nộp bản sao có công chứng, chứng thực một số loại giấy tờ[20]; cắt giảm một phần hai thời gian giải quyết thủ tục cấp Phiếu theo quy định[21]; ban hành Quy trình kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN - ISO 9001:2008[22]; cơ chế liên thông và đồng bộ dữ liệu giữa Trang dịch vụ hành chính công - Hệ thống một cửa điện tử[23]...
2. Hạn chế
2.1. Về thể chế
- Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp còn chậm, cá biệt có văn bản đến năm 2013 mới được ban hành.
- Một số quy định của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp đã phát sinh hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
2.2. Về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ công tác lý lịch tư pháp
- Đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP còn thiếu về số lượng và tính chuyên nghiệp. Hiện nay rất ít Sở Tư pháp có đủ số lượng biên chế chuyên trách theo quy định[24] (đến năm 2020 chỉ có 66 biên chế chuyên trách được phân bổ theo Quyết định 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp). Số lượng lao động hợp đồng làm công tác LLTP tại Sở Tư pháp ngày càng giảm[25]. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức làmcông tác LLTP hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Tính đến nay, còn 27/63 Sở Tư pháp có cán bộ làm công tác LLTP chưa được đào tạo nghiệp vụ LLTP.
- Tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Quân đội, cán bộ thực hiện nhiệm vụ phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin chủ yếu là kiêm nhiệm. Việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác LLTP tại các cơ quan phối hợp cung cấp thông tin chưa được quan tâm, chú trọng.
- Việc đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác LLTP tại một số Sở Tư pháp còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho công tác LLTP, đặc biệt là hệ thống kho lưu trữ hồ sơ bằng giấy tại hầu hết các cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP chưa đáp ứng được yêu cầu. Tại các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, kinh phí để phục vụ hoạt động cung cấp thông tin để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP chủ yếu được lấy từ nguồn kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
2.3. Về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
- Vẫn còn tình trạng tồn đọng thông tin chưa được xử lý, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP. Tính đến ngày 30/6/2020, số thông tin LLTP còn tồn đọng, chưa vào Sổ tiếp nhận thông tin là 174.891thông tin (chiếm 3,8% so với tổng số thông tin các cơ quan cung cấp); chưa lập LLTP, cập nhật thông tin LLTP bổ sung là 529.417 thông tin (chiếm 11,3% so với tổng số thông tin LLTP đã tiếp nhận).
- Vẫn còn tình trạng thông tin được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP chưa chính xác, đồng bộ giữa Cơ sở dữ liệu LLTP tại Bộ Tư pháp với Cơ sở dữ liệu LLTP của 63 Sở Tư pháp[26].
2.4. Về công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp
- Tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 ngày càng phổ biến, ảnh hưởng tới quyền được bảo vệ bí mật cá nhân, chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta; ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích. Trong thời gian đầu triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, hầu hết cá nhân chỉ yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 thì những năm gần đây, số lượng hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 ngày càng tăng[27].
- Vẫn còn tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP, chủ yếu là các trường hợp phải xác minh về điều kiện xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự. Công tác xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các án tích có trước ngày 01/7/2010. Hầu hết các trường hợp này, cơ quan cấp Phiếu phải xác minh nhiều nơi nên thời hạn xác minh thông tin thường kéo dài, ảnh hưởng đến thời hạn yêu cầu cấp Phiếu LLTP.
3. Nguyên nhân
3.1. Nguyên nhân chủ quan
Một là, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả những người làm công tác tư pháp,cán bộ lãnh đạo tại một số địa phương còn hạn chế, chưa đầy đủ và đúng mức về vai trò, ý nghĩa củacông tác LLTP trong quản lý nhà nước, trong đời sống xã hội. Một số Sở Tư pháp chưa quan tâm đúng mức tới công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, chưa chủ động, chưa kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập cho các cấp ủy đảng, chính quyền của địa phương, từ đó chưa có cách thức tổ chức thực hiện Luật kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
Hai là, nhiều Sở Tư pháp chưa chủ động thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP theo quy định tại Nghị định số 111/2010/NĐ-CP. Tại hầu hết các Sở Tư pháp, khi có yêu cầu cấp Phiếu LLTP, trường hợp cần thiết mới tiến hành xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích nên cũng ảnh hưởng đến thời hạn cấp Phiếu LLTP.
Ba là, công tác phối hợp tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin LLTP tại một số địa phương còn hạn chế. Nhiều cơ quan chậm trễ trong việc có công văn trả lời kết quả xác minh hoặc không trả lời hoặc trả lời là “không có thông tin”, không còn lưu giữ được hồ sơ hoặc hồ sơ không đầy đủ… gây khó khăn cho các Sở Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP cũng như trong công tác cấp Phiếu LLTP.
3.2. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, công tác xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP là nhiệm vụ hoàn toàn mới được giao cho Ngành Tư pháp từ khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực; khối lượng công việc phát sinh nhiều; số lượng yêu cầu Phiếu LLTP tăng mạnh với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng dịch vụ trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế, số lượng biên chế bị cắt giảm theo quy định; đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP tại các Sở Tư pháp phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác của Sở Tư pháp. Tại nhiều địa phương cán bộ làm công tác LLTP phải luân chuyển, điều động theo định kỳ hoặc đột xuất dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ LLTP. Quy định về lao động hợp đồng không được làm công tác chuyên môn theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ cũng đã dẫn tới nhiều khó khăn cho các Sở Tư pháp khi phải thuê lao động hợp đồng để xử lý thông tin LLTP tồn đọng.
Thứ hai, kể từ ngày Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành thì toàn bộ việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu LLTP do cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP thực hiện. Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), một trong những điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn Bộ luật này quy định[28]. Trong khi đó, Cơ sở dữ liệu LLTP hiện nay chỉ lưu trữ, quản lý thông tin từ giai đoạn có bản án có hiệu lực pháp luật (bị kết án), không quản lý và lưu trữ các thông tin từ giai đoạn khởi tố.
Thứ ba, cơ quan đại diện ngoại giao một số nước thường yêu cầu cá nhân phải nộp Phiếu LLTP số 2 khi xin thị thực nhập cảnh hoặc làm một số thủ tục khác tại cơ quan đại diện. Một số cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và doanh nghiệp cũng yêu cầu cá nhân phải nộp Phiếu LLTP số 2 để xin giấy phép an ninh hàng không, tham gia hoạt động chứng khoán, xin việc làm... Hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật quy định trong một lĩnh vực ngành nghề có điều kiện như dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng[29] yêu cầu phải có Phiếu LLTP số 2 trong hồ sơ xin cấp phép. Thực tế này đã làm cho số lượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 tăng mạnh trong những năm gần đây.
Thứ tư, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực LLTP còn thiếu tính tổng thể, toàn diện; chưa thực hiện kết nối dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu LLTP với cơ sở dữ liệu khác có liên quan. Thông tin LLTP cung cấp chủ yếu bằng văn bản giấy theo phương thức thủ công qua đường văn thư, bưu điện dẫn đến tình trạng thông tin bị thất lạc, tiếp nhận không kịp thời. Thời gian đầu thực hiện Luật LLTP, hoạt động xử lý thông tin LLTP tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp chủ yếu là xử lý thủ công, chưa có quy trình chuẩn, dẫn tới tình trạng thông tin cập nhật, xử lý còn sai sót, chưa chính xác.
4. Kiến nghị, đề xuất
4.1. Giao Bộ Tư pháp
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiến hành tổng kết thi hành Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Lý lịch tư pháp; xác định đúng vai trò của công tác LLTP trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội và bảo đảm thực hiện quyền công dân; thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
- Chủ trì, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác này, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định yêu cầu phải có Phiếu LLTP số 2 khi tham gia xin việc làm, hành nghề… để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện đúng tinh thần của Luật Lý lịch tư pháp về mục đích sử dụng Phiếu LLTP số 2.
- Tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý LLTP. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện trao đổi, cung cấp, tra cứu, xác minh thông tin LLTP dưới dạng dữ liệu điện tử để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP.
4.2. Giao các bộ, ngành có liên quan
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ động thực hiện, phối hợp với Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về LLTP; tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp bảo đảm cung cấp thông tin LLTP kịp thời, đầy đủ, chính xác; nghiên cứu. Đồng thời nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, cung cấp, tra cứu, xác minh thông tin để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP.
- Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp kiện toàn tổ chức, biên chế cán bộ làm công tác LLTP để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.
4.3. Đề nghị Chính phủ có ý kiến đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Tiếp tục chỉ đạo cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát các cấp quan tâm, bố trí nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác LLTP, tương xứng với yêu cầu cầu nhiệm vụ.
- Chỉ đạo, hướng dẫn toàn Ngành Tòa án, Kiểm sát thống nhất áp dụng pháp luật khi thực hiện cung cấp thông tin LLTP cho cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP. Tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo Tòa án, Kiểm sát các cấp phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, các Sở Tư pháp trong cung cấp, tiếp nhận thông tin để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP nhằm nâng cao hiệu quả công tác LLTP. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo đảm kiểm soát tình hình cung cấp thông tin LLTP của các đơn vị thuộc quyền quản lý để có chỉ đạo kịp thời.
- Nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, cung cấp, tra cứu, xác minh thông tin để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP.
- Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, bổ sung quy định về cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP và các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án hình sự… về điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đặc biệt là thông tin về “hành vi phạm tội mới” trong thời gian có án tích của người bị kết án.
4.4. Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về vai trò, vị trí của công tác LLTP để các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn tính chất quan trọng của công tác LLTP trong quản lý nhà nước và trong đời sống xã hội, từ đó chỉ đạo Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu giúp UBND cấp tỉnh trong việc chăm lo phát triển công tác LLTP trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tập trung làm tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về LLTP; đồng thời báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiếp tục quan tâm việc kiện toàn, bổ sung biên chế làm công tác LLTP tại các Sở Tư pháp để tham mưu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về LLTP.
- Tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý LLTP. Phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện trao đổi, cung cấp, tra cứu, xác minh thông tin LLTP dưới dạng dữ liệu điện tử để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP.
[1] Công văn số 35-CV/BCS ngày 06/5/2011 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
[2] Quyết định số 1713/QĐ-BTP ngày 05/7/2013 ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 1714/QĐ-BTP ngày 05/7/2013 ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Tư pháp giai đoạn 2013 - 2015.
[3] 63/63 Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch, quyết định, chỉ thị, công văn chỉ đạo triển khai thực hiệnLuật Lý lịch tư pháp tại địa phương.
[4] Hiện có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch, quy chế phối hợp liên ngành, quy chế phối hợp về việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính.
[5] Đến nay có 28/63 Sở Tư pháp ban hành Quy chế quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP tại Sở Tư pháp.
[6] 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 thông tư liên tịch, 05 thông tư và 01 chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
[7] 125 biên chế chuyên trách, 111 biên chế kiêm nhiệm thực hiện các nhiệm vụ khác về hành chính tư pháp.
[8] 50/63 Sở Tư pháp được UBND phân bổ kinh phí phục vụ công tác LLTP.
[9] 47/63 Sở Tư pháp đã bố trí kho lưu trữ riêng.
[10] Dự án Chương trình Đối tác Tư pháp do Liên minh Châu Âu (EU), Thụy Điển và Đan Mạch (Dự án JPP) năm 2010 - 2015; Chương trình hợp tác ba năm thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và CHLB Đức năm 2015 - 2018; Dự án Hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em do UNICEF tài trợ năm 2012 - 2013; Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (Dự án GIG) năm 2016; Dự án EU JULE năm 2020 - 2022.
[11] Sở Tư pháp Bắc Giang, Nghệ An, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Trị, Tây Ninh, Đồng Nai, Bắc Kạn, Ninh Bình, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Định.
[12] Sở Tư pháp Bình Dương, Hậu Giang.
[13] Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Khánh Hòa.
[14] Bình Dương, Bình Thuận, Bắc Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, An Giang, Cần Thơ, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.
[15] Hiện nay đã có hơn 80 thủ tục hành chính có yêu cầu cấp Phiếu LLTP.
[16] Trên cơ sở số liệu của 18/63 Sở Tư pháp.
[17] Trên cơ sở số liệu của 28/63 Sở Tư pháp.
[18] Tính đến ngày 30/6/2020, đã có 825.847 trường hợp cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính; 271.532 trường hợp đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến; 193.414 trường hợp kết hợp đăng ký cấp Phiếu trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính; 33 Sở Tư pháp triển khai cho phép nộp phí cấp Phiếu LLTP qua hình thức chuyển khoản ngân hàng.
[19] Các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Kiên Giang, Phú Yên, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Nam, Lai Châu, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
[20] Cao Bằng, Đắk Lắk, Điện Biên.
[21] Long An, Ninh Thuận, Cao Bằng, Bắc Ninh.
[22] Bình Phước,Lâm Đồng, Quảng Bình, Cần Thơ, Thanh Hóa, Thái Bình.
[23] An Giang, Khánh Hòa, Lào Cai, Bình Dương, Bắc Kạn.
[24] Theo Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi Sở Tư pháp có ít nhất 03 biên chế làm công tác LLTP, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có ít nhất 07 biên chế, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ có ít nhất 05 biên chế.
[25] Theo Báo cáo của các Sở Tư pháp, năm 2015, số lượng lao động hợp đồng của các Sở Tư pháp là 76 người; năm 2020, số lượng lao động hợp đồng của các Sở Tư pháp là 33 người (giảm một phần hai).
[26] Theo kết quả đồng bộ giữa Cơ sở dữ liệu LLTP của Trung tâm và Cơ sở dữ liệu LLTP tại Sở Tư pháp, Trung tâm đã đề nghị Sở Tư pháp chỉnh sửa 4.079 thông tin nhân thân, kiểm tra rà soát hủy 4.992 mã số bị trùng lặp.
[27] Từ năm 2015 trở về trước, tỷ lệ Phiếu LLTP số 2 chỉ chiếm một phần năm so với Phiếu LLTP số 1 thì những năm 2018, 2019, 2020 tỷ lệ Phiếu LLTP số 2 đã chiếm tỷ lệ gần một phần hai so với Phiếu LLTP số 1.
[28] Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[29] Hiện nay có 01 nghị định và 01 thông tư quy định cá nhân phải có Phiếu LLTP số 2 trong hồ sơ xin cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và trong tài liệu chứng minh năng lực của bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành và trong hồ sơ chung đề nghị cấp giấy phép của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.