Trong xu thế phát triển bền vững ở nước ta hiện nay, bảo vệ môi trường là một trong những nội dung quan trọng nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những quan điểm, chính sách bảo vệ môi trường của Nhà nước sẽ được cụ thể hóa vào trong các quy phạm pháp luật. Pháp luật về bảo vệ môi trường cần bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; chú ý đến yếu tố phòng ngừa hay thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền… Vì vậy, theo tác giả, trong quá trình hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường cần phải đáp ứng một số yêu cầu cụ thể sau đây:
Thứ nhất, khi xây dựng các nội dung trong pháp luật môi trường cần quan tâm đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành, cụ thể là người dân được quyền sống trong một môi trường không bị ô nhiễm, bảo đảm cuộc sống được hài hòa với thiên nhiên[3]. Trong giai đoạn hiện nay, quyền con người, dân chủ và công bằng là những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đề cao, do vậy, yêu cầu tôn trọng quyền về môi trường của con người đã được đặt ra ngay từ những bước đầu xây dựng pháp luật môi trường. Tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB) về đánh giá chất lượng cuộc sống con người của các nước dựa vào 03 tiêu chí: Thu nhập của người dân, hệ thống an sinh xã hội và chất lượng môi trường. Như vậy, quan điểm về bảo vệ môi trường khi xem xét cần đứng trên nhiều góc độ nhưng không thể bỏ qua quan điểm vì lợi ích của con người, trong đó có quyền về môi trường.
Thứ hai, pháp luật môi trường phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng các yêu cầu về phát triển bền vững. Pháp luật môi trường Việt Nam quy định, phát triển bền vững, phát triển để đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Quy định này nhấn mạnh việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho nhu cầu hiện tại phải chú ý trữ lượng hiện có để dành cho thế hệ sau. Nói cách khác, phát triển bền vững chính là phát triển trên cơ sở duy trì được mục tiêu và cơ sở vật chất của quá trình phát triển. Để thực hiện được điều này cần phải có sự tiếp cận mang tính tổng hợp và bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu: Kinh tế - xã hội - môi trường. Tuy còn nhiều tranh luận về khái niệm “phát triển bền vững”, song đã có sự thống nhất cao là đều tập trung chú trọng phúc lợi lâu dài của con người và đều bao hàm những yêu cầu về sự phối hợp một cách hài hòa ít nhất ba phương diện là tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Đồng thời, quyết tâm kiên định với con đường và mục tiêu phát triển toàn diện, đó chính là phát triển bền vững. Theo đó, tại Mục 2 Nghị quyết Đại hội XIII quy định về tầm nhìn và định hướng phát triển, Đảng ta đã xác định: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”. Xu hướng phát triển bền vững là một cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế ưu tiên tính bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế. Điều này liên quan đến việc phải bảo đảm cân bằng, hài hòa nhu cầu của thế hệ hiện tại với nhu cầu của thế hệ tương lai và cần thiết phải kiến tạo một tầm nhìn dài hạn về quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên, môi trường chính yếu của mỗi quốc gia. Để các hoạt động bảo vệ môi trường trong xu thế phát triển bền vững được thể hiện những tính năng cao nhất của nó, chúng ta cần phải nỗ lực vượt qua những thách thức không nhỏ như cân bằng tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nhưng đó là mục tiêu thiết yếu để bảo đảm một tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng cho tất cả các chủ thể trong xã hội. Thông qua những nỗ lực hợp tác và giải pháp đổi mới giúp cho các quy định về bảo vệ môi trường được thực thi có hiệu quả cao trong thực tế, chúng ta có thể hướng tới một tương lai bền vững mang lại lợi ích cho con người và hành tinh.
Thứ ba, chú trọng đến yếu tố phòng ngừa, chủ động ngăn chặn rủi ro mà các chủ thể có thể gây ra cho môi trường. Hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên, lấy phòng ngừa là chính kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái để cải thiện chất lượng môi trường. Các nhà làm luật dựa trên cơ sở chi phí phòng ngừa bao giờ cũng nhỏ hơn chi phí khắc phục, phục hồi môi trường, từ đó đặt ra yêu cầu lường trước những rủi ro và đưa ra được những phương án, biện pháp phù hợp để giảm thiểu, loại trừ những rủi ro đó.
Thứ tư, bảo đảm nguyên tắc ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền, phải khắc phục ô nhiễm, có nghĩa là chủ thể gây hậu quả, tác động xấu đến môi trường thì phải trả tiền để mua quyền khai thác, sử dụng các yếu tố của môi trường. Những người gây ô nhiễm phải chịu các chi phí thực hiện các biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm được quy định bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo đảm môi trường trong trạng thái chấp nhận được[4]. Chủ thể phải trả tiền có thể là người khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; người có hành vi xả thải vào môi trường; người có những hành vi khác gây tác động xấu tới môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Tiền phải trả cho hành vi gây ô nhiễm phải tương xứng với tính chất và mức độ gây tác động xấu tới môi trường, đủ sức tác động đến lợi ích và hành vi của các chủ thể có liên quan. Hình thức trả tiền cho hành vi gây ô nhiễm có thể là thuế tài nguyên, thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường hay chi phí sử dụng dịch vụ (thu gom rác, quản lý chất thải nguy hại...), kinh phí sử dụng cơ sở hạ tầng. Ví dụ, tiền thuê kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp bao gồm cả tiền thuê hệ thống xử lý chất thải tập trung... Ngoài ra, hình thức trả tiền cho hành vi gây ô nhiễm cũng có thể là chi phí phục hồi môi trường trong quá trình khai thác tài nguyên[5].
Thứ năm, pháp luật môi trường phải rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, mang tính ổn định và phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Các nội dung của pháp luật môi trường cần phải thể hiện rõ ràng và minh bạch cho mọi chủ thể (Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cộng đồng dân cư, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân…) biết. Ví dụ, trong lĩnh vực quản lý chất thải, pháp luật môi trường cần quy định cụ thể và rõ ràng, tránh mâu thuẫn chồng chéo về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật quản lý chất thải, từ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý… chất thải, chất thải nguy hại ở các khu vực như thế nào? Quy định rõ những đối tượng nào phải đánh giá môi trường khi thực hiện các mục đích phát triển gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và con người? Ngoài ra, pháp luật môi trường cần phân định rõ các chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật môi trường, về thủ tục cũng như quy định cụ thể mức xử lý vi phạm là bao nhiêu cho phù hợp và đảm bảo tính răn đe đối với mỗi hành vi vi phạm. Pháp luật môi trường cần quy định rõ ràng về nội dung để các chủ thể có liên quan dễ dàng cập nhật và áp dụng. Trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển hiện nay, quan điểm bảo vệ môi trường sẽ giao thoa với quan niệm và nhận thức về lĩnh vực này của các nước trên thế giới. Pháp luật môi trường cần phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn cụ thể./.
TS. Lê Kim Nguyệt
Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay - Thực trạng và giải pháp, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/bao-ve-moi-truong/-/2018/825770/nhung-van-de-moi-truong-cap-bach-hien-nay--thuc-trang-va-giai-phap.aspx, truy cập ngày 04/4/2024.
[2]. Vi phạm pháp luật môi trường tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, https://danchuphapluat.vn/vi-pham-phap-luat-moi-truong-tai-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap, truy cập ngày 04/4/2024.
[3]. Tuyên bố Stockholm của Hội nghị Liên Hợp quốc về môi trường và con người, Nguyên tắc 1 và Tuyên bố Rio De Janeiro về môi trường và phát triển (1995), Các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 11.
[4]. Lê Thị Kim Oanh (2010), Bàn về áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” trong chính sách môi trường, Tạp chí khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng - Số 4 (39) năm 2010.
[5]. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 402), tháng 4/2024)