Abstract: The article focuses on analyzing and clarifying the achieved results, limitations and proposes some key solutions to improve the effectiveness of drug crime prevention and control on the Southwest border in the next time.
1. Thực trạng công tác phòng, chống tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam
Tuyến biên giới Tây Nam tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, có 835,807 km đường biên giới bộ và 200 km đường biên giới biển; đi qua 06 tỉnh của Việt Nam và 08 tỉnh của Campuchia. Dọc trên tuyến biên giới Tây Nam có 88 xã, phường biên giới thuộc 06 tỉnh gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang và 22 cửa khẩu (trong đó 09 cửa khẩu quốc tế, 13 cửa khẩu quốc gia). Đặc điểm địa hình đặc trưng của tuyến biên giới Tây Nam là đồng bằng, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Một số tuyến đường bộ huyết mạch kết nối sâu vào nội địa của hai quốc gia láng giềng thông qua các cửa khẩu lớn, nhỏ và đường “tiểu ngạch” nằm dọc trên tuyến biên giới. Những thuận lợi trên đã góp phần thúc đẩy quá trình giao thương, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai nước. Tuy nhiên, đây còn là điều kiện thuận lợi để các đối tượng phạm tội về ma túy lợi dụng để móc nối, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới vào sâu trong nội địa để tiêu thụ hoặc đi nước thứ ba.
Những năm qua, tình hình tội phạm về ma túy (TPVMT) trên tuyến biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất hành vi phạm tội. Các đối tượng phạm tội về ma túy sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong từng khâu, giai đoạn phạm tội. Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy từ năm 2016 đến năm 2021, lực lượng CSĐTTPVMT cả nước đã phát hiện 196.651 vụ phạm tội về ma túy, bắt giữ 298.673 đối tượng, trong đó riêng trên tuyến biên giới Tây Nam, lực lượng CSĐTTPVMT đã phát hiện 8.506 vụ phạm tội về ma túy (chiếm tỷ lệ 4,32 % số vụ phạm tội về ma túy trên phạm vi cả nước); bắt giữ 16.250 đối tượng (chiếm 5,44 % số đối tượng phạm tội về ma túy trên phạm vi cả nước), thu giữ hơn 10.902 kg ma túy các loại. Trong đó, khởi tố 8.038 vụ, 11.021 bị can. Loại TPVMT trên tuyến này chủ yếu là tội phạm tàng trữ trái phép chất ma túy với 5.789 vụ (chiếm 68,03%), mua bán trái phép chất ma túy 2.123 vụ (chiếm 24,95%), vận chuyển trái phép chất ma túy 240 vụ (chiếm 2,82%), tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 174 vụ (chiếm 2,04%), các tội phạm khác về ma túy 182 vụ (chiếm 2,16%). Như vậy, loại tội phạm trên tuyến biên giới Tây Nam chủ yếu là tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội mua bán trái phép chất ma túy.
Điển hình: Năm 2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã xác lập Chuyên án đấu tranh tổ chức TPVMT do một số đối tượng sống tại Campuchia cấu kết với các đối tượng tại Việt Nam vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia về Thành phố Hồ Chí Minh rồi đưa đi Trung Quốc tiêu thụ qua đường bộ. Đây là đường dây, tổ chức TPVMT có quy mô lớn do các đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu. Số lượng chất ma túy thu giữ 540 kg các loại, được cất giấu trong 900 dạ dày lợn, 05 máy mô tơ điện. Các đối tượng thành lập Công ty dịch vụ vận chuyển Thế Trường có trụ sở tại Bình Chánh và Thành phố Hồ Chí Minh làm công ty “bình phong”, thuê kho xưởng để tập kết, cất giấu ma túy, sau đó vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.
Hoạt động phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả trên là do: (i) Lãnh đạo Bộ Công an, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và lãnh đạo công an các tỉnh biên giới Tây Nam luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát tới công tác phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam; (ii) Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTPVMT) công an các cấp trên tuyến biên giới Tây Nam luôn giữ vai trò nòng cốt tham mưu với các cấp ủy, chính quyền, ngành trong phòng, chống TPVMT. Chủ động nắm diễn biến, tình hình hoạt động của TPVMT để kịp thời tham mưu, đề xuất những chủ trương, kế hoạch phù hợp, huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp trong phòng, chống TPVMT góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới Tây Nam; (iii) Lực lượng CSĐTTPVMT chủ động vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ nên thu thập nhiều thông tin, tài liệu về hoạt động phạm tội về ma túy góp phần mang lại hiệu quả phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam. Mặc dù, mô hình tổ chức Đội CSĐTTPVMT cấp huyện chưa độc lập, nhưng các điều tra viên cấp huyện biên giới luôn chủ động nghiên cứu, nắm biện pháp, chiến thuật điều tra và thực hiện đúng trình tự, thủ tục của pháp luật tố tụng hình sự, không có sai phạm, oan sai.
Tuy nhiên công tác phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định như:
Một là, những hạn chế do bất cập trong quy định của pháp luật.
Hiện nay, chưa có Thông tư liên tịch thay thế cho Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP) và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP vẫn còn hiệu lực (Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP). Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã thay thế Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và đã thực hiện trong thời gian khá dài. Những nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP xuất hiện nhiều hạn chế, mâu thuẫn với các văn bản dưới luật khác.
Hai là, mô hình cơ cấu tổ chức của lực lượng CSĐTTPVMT công an các tỉnh biên giới Tây Nam chưa hoàn thiện, thống nhất theo văn bản quy định của Bộ Công an; trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ, chiến sỹ lực lượng CSĐTTPVMT chưa đồng đều.
Nhiều địa phương trên tuyến biên giới Tây Nam không thành lập Đội CSĐTTPVMT độc lập ở cấp huyện. Cụ thể như, Đồng Tháp có 12/12 đơn vị hành chính cấp huyện không thành lập Đội CSĐTTPVMT công an cấp huyện. Những nơi không có Đội CSĐTTPVMT độc lập, Đội nghiệp vụ chung bố trí quân số phụ trách địa bàn biên giới ít (từ 04 đến 06 đồng chí), vừa đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác khác nhau nên hiệu quả phòng, chống TPVMT chưa cao. Năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ thuộc lực lượng CSĐTTPVMT chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống TPVMT qua biên giới; chưa có kinh nghiệm, điều kiện thu thập thông tin các đường dây TPVMT lớn, xuyên quốc gia... Trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, nhất là tiếng Khmer, tiếng Hoa.
Ba là, ở một số nơi, lực lượng CSĐTTPVMT chưa chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến của tình hình TPVMT ở địa bàn ngoại biên giới Tây Nam; chưa ngăn chặn nguồn ma túy xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, hiệu quả phát hiện TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam chưa cao. Số vụ phạm tội, lượng ma túy phát hiện, thu giữ còn ít so với thực tế tình hình TPVMT đã và đang xảy ra.
Việc kiểm soát biên giới có lúc, có nơi còn sơ hở để đối tượng lợi dụng hoạt động; nguy cơ thẩm lậu ma túy qua biên giới cao. Tình hình TPVMT và tệ nạn ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp. Số vụ, đối tượng, lượng ma túy thu giữ gia tăng qua các năm; trung bình mỗi năm phát hiện gần 1.000 vụ (chiếm tỷ lệ 4,32 %) và 2.000 đối tượng, (chiếm tỷ lệ 5,44 %) số vụ và số đối tượng cả nước. Số người người nghiện ma túy còn cao (19.870 người), chiếm tỷ lệ 8,05 % số người nghiện ma túy cả nước.
Vụ án ma túy chủ yếu được phát hiện, bắt giữ thông qua chuyên án hoặc hoạt động nghiệp vụ trinh sát (235/366 vụ, chiếm tỉ lệ 64,3%). Số vụ án về ma túy được phát hiện thông qua công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm còn ít (28/366 vụ, chiếm tỷ lệ 7,65%). Thực tiễn công tác điều tra mở rộng vụ án về ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam cho thấy, chủ yếu điều tra mở rộng, bắt giữ được đối tượng trong nước chưa phối hợp đấu tranh mở rộng bắt giữ được các đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài.
Bốn là, lực lượng CSĐTTPVMT phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể trong phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại ma túy chưa có trọng tâm, trọng điểm.
Các cuộc tuyên truyền, vận động chưa tập trung nhiều vào đối tượng có nguy cơ cao nên một bộ phận thanh niên, thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ tác hại của ma túy. Công tác sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chưa đạt hiệu quả. Số lượng các lượt buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới, huyện biên giới còn ít.
Năm là, quan hệ phối hợp và hợp tác quốc tế trong phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam của lực lượng CSĐTTPVMT chưa thực sự hiệu quả.
Công tác phối hợp giữa lực lượng CSĐTTPVMT với lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam có lúc, có nơi chưa được duy trì thường xuyên. Hợp tác quốc tế trong phòng, chống TPVMT giữa lực lượng CSĐTTPVMT với lực lượng chức năng của nước bạn còn hạn chế. Nội dung hợp tác chủ yếu dừng lại ở việc tổ chức tập huấn hay trao đổi, xác minh thông tin ban đầu về hoạt động phạm tội; chưa đi sâu hợp tác trong thu thập tài liệu, chứng cứ, trao đổi vật chứng, thành lập tổ điều tra hỗn hợp chung. Trong tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm khi đối tượng phạm tội về ma túy bỏ trốn sang Campuchia chưa được hỗ trợ kịp thời.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam
Để phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, sớm ban hành Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XX “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thực tiễn áp dụng các thông tư hiện hành còn phát sinh một số vướng mắc, bất cập về hướng dẫn xử lý các TPVMT như: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) và tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đó là mâu thuẫn trong việc xác định có loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm thuộc quyền quản lý, sở hữu của mình để sử dụng trái phép chất ma túy và trường hợp người nghiện ma túy tổ chức cho người nghiện ma túy khác sử dụng trái phép chất ma túy hay không.
Do vướng mắc, mâu thuẫn các văn bản hướng dẫn pháp luật có thể sẽ dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm nên cần sớm ban hành văn bản pháp luật mới hướng dẫn vấn đề này thay thế Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP.
Thứ hai, hoàn thiện và củng cố tổ chức bộ máy, tăng cường cho lực lượng Cảnh sát điều tra TPVMT công an cấp huyện biên giới.
Để đáp ứng được yêu cầu và nâng cao hiệu quả phòng, chống TPVMT cần phải tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường cho lực lượng CSĐTTPVMT theo nội dung: Bảo đảm số lượng cán bộ ở các Phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bộ phận đại diện phía Nam; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an các tỉnh biên giới có đủ các đội nghiệp vụ theo quy định của Bộ Công an; có Đội CSĐTTPVMT độc lập thuộc công an cấp huyện biên giới trên tuyến biên giới Tây Nam. Đối với công an cấp huyện biên giới trên tuyến biên giới Tây Nam thành lập Đội CSĐTTPVMT độc lập. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu trong phòng, chống TPVMT địa bàn, khu vực biên giới Tây Nam.
Nghiên cứu đề xuất, thành lập trạm kiểm soát ma túy liên ngành bố trí trên các địa bàn, tuyến trọng điểm tuyến biên giới Tây Nam đi Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh phía Nam nhằm phát hiện, ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ ba, chủ động nắm và dự báo tình hình để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo công an các cấp báo cáo cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia phòng, chống TPVMT.
Tham mưu Lãnh đạo công an các cấp báo cáo đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về phòng, chống TPVMT gồm nhiều vấn đề như: Chủ trương, nội dung, biện pháp phòng, chống TPVMT… Từ đó, các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội nâng cao vai trò trách nhiệm cùng với lực lượng CSĐTTPVMT tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam.
Thứ tư, thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam.
Đây là giải pháp quan trọng để làm hạn chế tình hình TPVMT và tệ nạn ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam. Vì vậy, lực lượng CSĐTTPVMT cần phối hợp với các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể thực hiện tuyên truyền, giáo dục giúp mọi người hiểu tác hại của ma túy, thủ đoạn của TPVMT, hình phạt nghiêm khắc đối với đối tượng phạm tội về ma túy. Qua đó, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân để mọi người dân chủ động phòng ngừa cho bản thân, gia đình và cho xã hội; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống TPVMT và tệ nạn ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam.
Thứ năm, tăng cường phối hợp với các lực lượng trong và ngoài Ngành Công an trong phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam.
Phối hợp với lực lượng cảnh sát quản lý hành chính, cảnh sát giao thông, cảnh sát đường thủy, công an cấp xã, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế, quản lý xuất nhập cảnh... Qua công tác nghiệp vụ của mình, các lực lượng nghiệp vụ khác trong Ngành Công an phát hiện ra các đầu mối TPVMT; đối tượng nghị vấn phạm tội về ma túy; đường dây, tổ chức phạm tội về ma túy... cung cấp cho lực lượng CSĐTTPVMT thông tin diễn biến tình hình TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam để có kế hoạch, xây dựng phương án đấu tranh phòng, chống TPVMT.
Phối hợp giữa lực lượng CSĐTTPVMT công an các tỉnh biên giới Tây Nam với lực lượng CSĐTTPVMT Công an Thành phố Hồ Chí Minh trong phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới Tây Nam. Thực tiễn cho thấy, các đường dây, tổ chức phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài qua tuyến biên giới Tây Nam chủ yếu hướng đến Thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ hoặc làm địa bàn trung chuyển đến địa bàn khác, các nước thứ ba.
ThS. Nguyễn Bá Linh
Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2
NCS. Nguyễn Tấn Luật
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân