Bài viết nghiên cứu, trao đổi một số vấn đề về người bào chữa và quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong tố tụng hình sự Việt Nam, những hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.
1. Người bào chữa trong tố tụng hình sự Việt Nam
Ở nước ta, thuật ngữ “bào chữa”, “người bào chữa” xuất hiện lần đầu tiên trong Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành quy định về tổ chức các đoàn luật sư trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó luật sư được bào chữa ở tất cả các Tòa án hàng tỉnh trở lên và tất cả các Tòa án quân sự[1], Sắc lệnh này chỉ quy định cho luật sư quyền bào chữa cho bị can, bị cáo mà chưa quy định cho những người khác cũng có quyền bào chữa. Đến Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 cho phép các bị can, bị cáo có thể nhờ một công dân không phải là luật sư để bênh vực trước Tòa án (công dân được cử ra hay được thừa nhận để bào chữa trước Tòa án phải có đủ các điều kiện: Có Quốc tịch Việt Nam, không phân biệt đàn ông hay đàn bà; ít nhất 21 tuổi; hạnh kiểm tốt và chưa can án)[2].
Kế thừa và pháp điển hóa những quy định còn phù hợp của các văn bản trước đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đã có những quy định đầy đủ hơn về chủ thể thuộc diện người bào chữa, gồm: Luật sư; người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. Đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 vẫn giữ nguyên quy định về chủ thể thuộc diện người bào chữa như quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, nhưng bổ sung thêm đối tượng được nhờ người bào chữa, đó là người bị tạm giữ. Và đặc biệt đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (gọi tắt là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) đã được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản, toàn diện, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về người bào chữa và địa vị pháp lý của người bào chữa, mở rộng hơn chủ thể thuộc diện người bào chữa, theo đó, trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, đồng thời quy định khái niệm: “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (THTT) chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền THTT tiếp nhận việc đăng ký”[3].
Tác giả cho rằng, khái niệm nêu trên của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về người bào chữa vẫn chưa khái quát đầy đủ về người bào chữa trong tố tụng hình sự (TTHS), mà mới chỉ nêu được điều kiện để trở thành người bào chữa trong TTHS, còn chủ thể thuộc diện được là người bào chữa là ai, nội dung tham gia bào chữa là gì thì khái niệm nêu trên chưa thể hiện được. Theo chúng tôi, để trở thành người bào chữa trong TTHS: Thứ nhất, người đó phải là người có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm có thể tham gia TTHS (theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người bào chữa có thể là: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý); thứ hai, được chính người bị buộc tội nhờ hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội nhờ, cơ quan có thẩm quyền THTT chỉ định và người bị buộc tội đồng ý nhờ bào chữa; thứ ba, phải làm thủ tục đăng ký bào chữa, được cơ quan, người có thẩm quyền THTT tiếp nhận việc đăng ký bào chữa và thông báo việc đăng ký bào chữa; thứ tư, việc tham gia tố tụng của người bào chữa trước hết là nhằm gỡ tội cho người bị buộc tội, sau đó là góp phần bảo đảm cho hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng trong giải quyết vụ việc, vu án hình sự (VAHS) có liên quan đến người bị buộc tội được đúng pháp luật, thực tiễn có quan điểm cho rằng: “Không một nền tư pháp tiên tiến nào trên thế giới không có sự đóng góp một phần quan trọng của luật sư. Luật sư góp phần làm minh bạch tiến trình tố tụng, từ đó làm giảm thiểu các vụ án oan, sai, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng trên cơ sở quy định của pháp luật”[4].
Vì vậy, theo tác giả có thể hiểu: Người bào chữa là người đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định, tham gia tố tụng trong VAHS nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội theo hướng gỡ tội, góp phần bảo đảm sự thật của vụ án.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, người bào chữa bao gồm: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân và trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Đối với người bào chữa là bào chữa viên nhân dân, về mặt pháp lý, bào chữa viên nhân dân là một chủ thể tư pháp có tư cách của người bào chữa trong TTHS. Tuy nhiên, trong thực tiễn TTHS ở Việt Nam những năm qua, việc xem xét thủ tục chứng nhận tư cách người bào chữa, các nguyên tắc cũng như phạm vi hành nghề của bào chữa viên nhân dân lại chưa được hướng dẫn và quy định chi tiết, cụ thể dẫn đến các cơ quan THTT các cấp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bào chữa viên nhân dân. Trên thực tế, chưa có cơ chế để quản lý danh sách và cập nhật tiêu chuẩn “bào chữa viên nhân dân”, cách thức cử bào chữa viên nhân dân ra sao cũng chưa được quy định rõ. Ngoài ra, mặc dù có một số người tham gia với tư cách bào chữa viên nhân dân có những đóng góp nhất định trong việc bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo là thành viên tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng nhìn chung chất lượng hành nghề của phần lớn những người này không cao, gặp rất nhiều trở ngại, vướng mắc do những hạn chế về kiến thức pháp luật, không được đào tạo chuyên sâu, bài bản về các kỹ năng hành nghề trong tranh tụng VAHS, không được tập sự ở các tổ chức hành nghề chuyên nghiệp như luật sư nên việc thực hiện bào chữa trong trường hợp này cũng rất hạn hẹp. Hoạt động bào chữa của bào chữa viên nhân dân không phải chuyên nghiệp mà chỉ mang tính chất nghiệp dư. Trên thực tế, việc bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo gần như chỉ có luật sư đảm nhận vai trò là người bào chữa.
Việc quy định người bào chữa bao gồm 04 nhóm chủ thể nhưng lại chỉ có nhóm chủ thể là luật sư tham gia gần như chiếm đại đa số. Mặt khác, sự khác nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng do sự chênh lệch trong các điều kiện để trở thành người bào chữa đang là một vấn đề bất cập dẫn đến chất lượng của người bào chữa có thể cách biệt nhau. Như vậy, cần phải xem xét để sửa đổi quy định về những chủ thể có thể trở thành người bào chữa để bảo đảm tính tương đồng về trình độ, chuyên môn. Có như vậy mới bảo đảm chất lượng của người bào chữa và người bào chữa cũng mới có thể có đủ chuyên môn, trình độ để thực hiện việc bào chữa của mình.
2. Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong tố tụng hình sự Việt Nam
Trong TTHS nước ta, quyền bào chữa của bị can, bị cáo được bảo đảm và ghi nhận trong các văn bản của Chính phủ ngay từ những năm đầu đất nước mới giành được độc lập, Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1946 cho phép các bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực trước Tòa án; nếu bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án có thể tự mình hay theo yêu cầu của bị can cử người ra bào chữa cho bị can (Điều 2)[5]. Mặc dù các văn bản này có các quy định bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, nhưng chưa quy định cụ thể quyền được thu thập chứng của người bào chữa, mà chủ yếu quy định một số hoạt động mà người bào chữa được thực hiện để bảo đảm việc bào chữa cho bị can, bị cáo, Nghị định số 1/NĐ-VY ngày 12/01/1950 của Bộ Tư pháp ấn định điều kiện để làm bào chữa viên và phụ cấp bào chữa viên, tại Điều 4 quy định: “Người bào chữa được cử ra hoặc được thừa nhận để bào chữa có quyền đến phòng lục sự xem và chép hồ sơ”[6].
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 là Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên được ban hành ở nước ta và đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, trong đó các quy định về người bào chữa, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa đã được quy định mang tính đồng bộ và ngày một hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, các Bộ luật này chưa có một điều luật nào quy định cụ thể về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, mà chỉ quy định một cách chung chung đối với người tham gia tố tụng, đó là: Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định đầy đủ và hoàn thiện hơn về người bào chữa, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, đặc biệt lần đầu tiên bổ sung quy định có tính tiến bộ hơn, đó là quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa. Bộ luật không chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền THTT có quyền thu thập chứng cứ, mà còn quy định người bào chữa cũng có quyền thu thập chứng cứ để bảo đảm việc bào chữa cho người bị buộc tội mà họ nhận bào chữa, cụ thể: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa” (khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Trong TTHS, sự xuất hiện của người bào chữa với vai trò là bào chữa cho người bị buộc tội, họ trở thành một bên đối tụng thực hiện việc gỡ tội cho người bị buộc tội thông qua các hành vi pháp lý được pháp luật cho phép và bảo đảm thực hiện, hành vi pháp lý đó được xem là quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong TTHS. Mặc dù, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể khái niệm về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong TTHS, tuy nhiên, căn cứ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nêu trên, chúng ta có thể hiểu: Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong TTHS là những nội dung pháp luật quy định người bào chữa được thực hiện để tìm kiếm, thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan đến người bị buộc tội để bào chữa cho người bị buộc tội trong vụ việc, VAHS.
Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền THTT có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Xuất phát từ quy định có tính nguyên tắc này, để bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội, pháp luật có những quy định nhằm bảo đảm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong quá trình tham gia TTHS:
- Bảo đảm về việc được gặp, hỏi người bị buộc tội mà người bào chữa nhận bào chữa, điểm a khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, người bào chữa có quyền gặp, hỏi người bị buộc tội. Cụ thể hóa quy định này của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 12 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (sau đây viết là Thông tư số 46/2019/TT-BCA) quy định: Cơ quan điều tra, Cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Người bào chữa phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành và nội quy cơ sở giam giữ. Như vậy, theo những quy định này, người bào chữa được cơ quan, người có thẩm quyền THTT bảo đảm về việc gặp, hỏi người bị buộc tội mà mình nhận bào chữa, mà không bị hạn chế số lần gặp và thời gian gặp trong một lần của người bào chữa, qua đó cho thấy người bào chữa được pháp luật bảo đảm về quyền thu thập chứng cứ để phục vụ bào chữa của người bào chữa đối với người bị buộc tội.
- Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa được cơ quan, người có thẩm quyền THTT bảo đảm thực hiện thông qua việc thông báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung người bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo. Điểm d khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Người bào chữa được cơ quan có thẩm quyền THTT báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này. Và, tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cơ quan có thẩm quyền THTT phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo những quy định nêu trên của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì người bào chữa được cơ quan, người có thẩm quyền THTT thực hiện quy định của pháp luật phải bảo đảm về sự tham gia của người bào chữa khi người có thẩm quyền THTT lấy lời khai người bị bắt, tạm giữ, hỏi cung bị can, bị cáo. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc quy định: “Cơ quan có thẩm quyền THTT phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa” như tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là chưa phù hợp với thực tiễn, khó bảo đảm được đầy đủ quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa. Bởi vì, việc xác định “thời gian hợp lý” là thời gian bao nhiêu ngày, thời gian hợp lý đối với người có thẩm quyền THTT hay với người bào chữa, đây vẫn là nội dung quy định chưa có cách hiểu thống nhất. Trong thực tiễn hoạt động hành nghề luật sư, chúng tôi nhận thấy quy định này phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của cơ quan, người có thẩm quyền THTT. Hơn nữa, quy định này còn chung chung, dễ dẫn đến việc tùy tiện trong xác định như thế nào là “thời gian hợp lý”, dó đó dễ dẫn tới khó khăn cho người bào chữa trong việc chuẩn bị, sắp xếp thời gian để tham gia vào quá trình tiến hành hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền THTT đối với vụ việc, VAHS có liên quan đến người bị buộc tội mà người bào chữa nhận bào chữa.
- Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa được cơ quan, người có thẩm quyền THTT bảo đảm thực hiện thông qua việc có trách nhiệm tạo điều kiện để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án[7]. Quy định này, giúp cho người bào chữa được thuận lợi trong việc nghiên cứu, thu thập tài liệu từ việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án. Đồng thời, quy định này cũng tránh việc cơ quan, người có thẩm quyền THTT gây khó khăn cho người bào chữa trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, đọc, ghi chép, sao chụp các tài liệu có liên quan đến việc bào chữa cho người bị buộc tội mà người bào chữa nhận bào chữa.
- Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa được cơ quan, người có thẩm quyền THTT bảo đảm thực hiện thông qua việc thu thập chứng cứ, tài liệu đồ vật theo đề nghị của người bào chữa[8]. Việc Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định người bào chữa đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền THTT thu thập chứng cứ, tài liệu khi mà người bào chữa không thể thu thập được là quy định phù hợp với thực tiễn, cũng là quy định mang tính bảo đảm cho quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, quy định tại khoản 3 Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn chưa mang tính toàn diện, bởi vì, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong trường hợp khi đã được người bào chữa đề nghị thu thập tài liệu, chứng cứ, đồ vật, nhưng không thực hiện hoặc cố ý không thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ, đồ vật thì phải chịu trách nhiệm như thế nào. Dó đó, để hoàn thiện hơn, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định bổ sung trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền THTT khi được người bào chữa đề nghị việc thu thập chứng cứ, tài liệu, độ vật có liên quan đến việc bào chữa cho người bị buộc tội.
- Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong VAHS được ghi nhận tại điểm h khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cùng với quy định đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều quy định cụ thể để bảo đảm cho quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa được thực hiện trên thực tế. Trong đó, quy định các cơ quan, người có thẩm quyền THTT có trách nhiệm bảo đảm để người bào chữa thực hiện quyền bào chữa và thực hiện quyền thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến việc bảo chữa. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có các quy định trực tiếp đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân - là một trong những chủ thể biết về vụ án phải có trách nhiệm bảo đảm cho người bào chữa thực hiện quyền thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến việc bào chữa, mà chỉ có một số quy định mang tính gián tiếp về việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật hoặc trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án mà họ biết.
Khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án. Khoản 4 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền THTT phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, theo những quy định nêu trên, thì rõ ràng người bào chữa rất thụ động trong việc thu thập tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ án. Bởi lẽ, việc đề nghị của người bào chữa đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân còn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của họ, kỹ năng nghiệp vụ của người bào chữa để họ cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử cho người bào chữa. Hơn nữa, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định việc tiếp nhận tài liệu, chứng cứ, đồ vật, dữ liệu điện tử sẽ do cơ quan có thẩm quyền THTT, không quy định trực tiếp việc người bào chữa được tiếp nhận tài liệu, chứng cứ, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân sau khi đề nghị họ cung cấp. Như vậy, người bào chữa sẽ rất thụ động trong việc tiếp nhận tài liệu, chứng cứ, đồ vật, dữ liệu điện tử nếu người bào chữa được cung cấp tài liệu, chứng cứ, đồ vật, vì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định về việc tiếp nhận giữa người bào chữa và cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khác với quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, quyền thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rất rõ đối với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền THTT. Điều 168 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra VAHS; trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng, đối với quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, cũng như trách nhiệm bảo đảm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn còn đang là một khoảng trống. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về việc bảo đảm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn đang còn hạn chế, cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện để bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của người bị buộc tội đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận và được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cũng như bảo đảm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong hoạt động TTHS.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về người bào chữa và bảo đảm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong tố tụng hình sự
Một là, về “người bào chữa”, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi quy định về những chủ thể có thể trở thành người bào chữa quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng người bào chữa ít nhất họ phải có trình độ về pháp luật đạt mức nhất định và phải thông qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ của người bào chữa.
Hai là, về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa.
Thứ nhất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, theo hướng quy định cụ thể thời gian cơ quan có thẩm quyền THTT phải báo trước cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ hai, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung quy định khoản 3 Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền THTT khi được người bào chữa đề nghị việc thu thập chứng cứ, tài liệu, độ vật có liên quan.
Thứ ba, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng quy định trực tiếp việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến người bị buộc tội và việc giao nhận trực tiếp giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân với người bào chữa cho người bị buộc tội do người bào chữa đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cung cấp, thu thập được.
ThS. Lê Thị Diệp
Giảng viên Đại học Đại Nam, Nghiên cứu sinh Học viện khoa học xã hội
[1]. Tòa án nhân dân tối cao, Tập hệ thống hóa Luật lệ về tố tụng hình sự, đã xuất bản đến ngày 31/12/1974, Hà Nội, 1976, tr. 40.
[2]. Tòa án nhân dân tối cao, Tập hệ thống hóa Luật lệ về tố tụng hình sự, đã xuất bản đến ngày 31/12/1974, Hà Nội, 1976, tr. 40.
[3]. Xem khoản 1 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[4]. PGS, TS. Đoàn Thị Phương Diệp, Luật sư - Người góp phần bảo vệ công lý, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Số 231, ngày 10/10/2022, tr. 2.
[5]. Tòa án nhân dân tối cao, Tập hệ thống hóa Luật lệ về tố tụng hình sự, đã xuất bản đến ngày 31/12/1974, Hà Nội, 1976, tr.40.
[6]. Tòa án nhân dân tối cao, Tập hệ thống hóa Luật lệ về tố tụng hình sự, đã xuất bản đến ngày 31/12/1974, Hà Nội, 1976, tr.41.
[7]. Xem: Khoản 1 Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[8]. Xem: Khoản 3 Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)