Tóm tắt: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Do đó, việc nhận diện và định hình tiêu chí tiết kiệm, lãng phí là một việc làm có ý nghĩa quan trọng.
Abstract: Practicing economy, preventing waste have been defined as a central duty of all levels, branches and localities. Therefore, the identifying and shaping criteria of saving, waste has important meaning.
1. Tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau khi Luật này ra đời, nhiều văn bản hướng dẫn đã được xây dựng, ban hành, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật khác tạo thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật đã tác động trực tiếp tạo ra sự chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là một số nội dung như thực hiện cơ chế khoán chi, tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ quan nhà nước và một số giải pháp mạnh nhằm chấn chỉnh những lĩnh vực có lãng phí lớn. Các bộ, ngành đã ban hành mới và bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đã rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn, định mức phân bổ ngân sách, xây dựng tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển, định mức chi thường xuyên.
Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương triển khai xây dựng chương trình hành động để thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như Luật Phòng, chống tham nhũng. Chương trình hành động của các cấp, các ngành đã quy định những việc làm cụ thể để thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật khác, thể hiện ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chương trình hành động đã định hướng cho cơ quan, tổ chức trong phạm vi và lĩnh vực quản lý của mình, khắc phục những tồn tại, thực hiện tiết kiệm sử dụng các nguồn lực, bảo vệ tài sản quốc gia, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức và xã hội.
Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các cơ quan nhà nước đặc biệt quan tâm và được nhân dân hưởng ứng. Nội dung của Luật này đã được tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt kịp thời trước khi Luật có hiệu lực... Những việc làm đó đã tác động tích cực, giúp nhận thức rõ hơn các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nhận diện ngày càng rõ hơn các hành vi lãng phí và hậu quả lãng phí.
Với mục tiêu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những kết quả cụ thể, Nhà nước đã tập trung xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả triển khai thực hiện Luật và chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tiến hành khá mạnh mẽ tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và xã hội. Ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và xã hội đã được quan tâm và dần được nâng lên. Các phong trào thi đua của các đoàn thể quần chúng, trong nhân dân đã được phát động. Báo chí đã vào cuộc phản ánh những vụ việc thất thoát, lãng phí. Hệ thống giám sát, đặc biệt là giám sát của cơ quan dân cử đang từng bước được hoàn chỉnh để bảo đảm nguyên tắc “dân biết, dân kiểm tra” nhằm phát hiện và đưa ra công luận những vụ việc tiêu cực, gây lãng phí, gây thất thoát tài sản, tiền của của nhân dân, của Nhà nước và đã có những hình thức xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.
2. Tiêu chí tiết kiệm, lãng phí
Tiêu chí của tiết kiệm hay lãng phí cần được xác định cụ thể cho từng loại hoạt động, từng nguồn công quỹ hoặc hoàn cảnh nhất định. Tiêu chí tiết kiệm, lãng phí có thể mang tính định tính hoặc định lượng. Các tiêu chí định lượng thể hiện qua tính kinh tế, tính hiệu quả của quyết định, của hoạt động và hoàn toàn có thể thiết lập cho từng loại hoạt động, từng môi trường cụ thể, bằng những thông tin có thể đo lường (như lãng phí hay tiết kiệm tài sản, tài nguyên, vốn, nhân lực, thời gian). Các tiêu chí định tính được xây dựng và sử dụng cho những đánh giá tiết kiệm hay lãng phí trong xây dựng vận hành thể chế, chính sách và thủ tục hành chính... Ví dụ như thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh.
Đi sâu vào từng lĩnh vực hoạt động có thể nhận diện tiết kiệm, lãng phí và xây dựng các tiêu chí mang tính định lượng và các tiêu chí mang tính định tính. Quan trọng là phải nhận diện hình thức, biểu hiện của lãng phí, tiết kiệm làm cơ sở cho nền tảng đưa ra các tiêu chí cần thiết cho từng lĩnh vực, từng loại hình tổ chức trong nền kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, trong quản lý ngân sách nhà nước, ngân quỹ quốc gia: Các chế độ, chính sách của Nhà nước về tài chính được các tổ chức và cá nhân chấp hành và thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đúng quy định, từ việc huy động, tập trung nguồn thu ngân sách nhà nước, phân bổ và sử dụng ngân sách, ngân quỹ nhà nước. Nhiều quyết định, quy định của Nhà nước đã được tuân thủ như chấp hành quy trình thủ tục thu nộp thuế, phí, lệ phí, phân bổ ngân sách, sử dụng ngân quỹ. Trong nhiều năm đã tiết kiệm 10% kinh phí thường xuyên, cắt giảm ngay từ khâu phân bổ hay việc tạm dừng mua xe ô tô mới, hạn chế tình trạng trang bị xe ô tô không đúng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, quỹ ngân sách nhà nước chưa thực sự tiết kiệm, còn lãng phí. Hoàn toàn có thể nhận dạng và định lượng được sự lãng phí, thất thoát ngân sách và ngân quỹ nhà nước thông qua những biểu hiện như sau:
- Thất thu ngân sách nhà nước, tập trung không kịp thời, chậm nộp, nợ đọng thuế, phí. Tình trạng gian lận, trốn thuế, gian lận trong chuyển giá, trong tính trị giá chịu thuế hoặc thuế suất.
- Điều tiết sai giữa ngân sách các cấp do vô tình hoặc cố ý.
- Phân bổ ngân sách không đúng mục tiêu, mục đích, không tuân thủ định mức phân bổ kinh phí chi thường xuyên, không tuân thủ các tiêu chí phân bổ vốn đầu tư xây dựng, vi phạm các điều kiện phân bổ kinh phí, giải ngân các nguồn vốn...
- Sử dụng sai kinh phí ngân sách, không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Chấp hành Luật Ngân sách nhà nước và chính sách của Nhà nước có những biểu hiện tùy tiện, chưa nghiêm, việc dùng ngân sách cho vay, cho tạm ứng sai chế độ quy định vẫn còn diễn ra. Tình trạng sử dụng nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án không đúng mục tiêu, vượt định mức và dự toán... Việc công khai, minh bạch các khoản chi tiêu chưa được thực hiện thường xuyên, còn mang tính hình thức. Công tác quản lý, giám sát hoạt động thu - chi của một số ngành có thu, các đơn vị sự nghiệp có thu và việc chuyển đơn vị sự nghiệp có thu sang hoạt động theo mô hình tự chịu trách nhiệm về tài chính còn chậm.
Thực tế cho thấy, các sai phạm tài chính liên quan đến ngân sách, ngân quỹ nhà nước do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và yêu cầu xử lý tài chính năm 2017 là 91.322 tỷ đồng; 06 tháng đầu năm 2018, theo tổng hợp chưa đầy đủ đã là 22.669 tỷ đồng, trong đó tăng thu cho ngân sách nhà nước 12.614 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 8.600 tỷ đồng, đã có một số hồ sơ được chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ những dấu hiệu hình sự.
Thứ hai, trong quản lý đầu tư xây dựng: Dấu hiệu của lãng phí là tình trạng vi phạm quy trình đầu tư, không thực hiện đấu thầu, vi phạm thủ tục thanh quyết toán, tính toán không đúng khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành, áp sai đơn giá, định mức. Lãng phí lớn nhất là đầu tư không đúng quy hoạch, không đúng mục đích đầu tư, thi công trong thời gian dài, chậm đưa công trình vào sử dụng, chất lượng công trình, dự án kém. Trên thực tế, việc đấu thầu và đấu giá công trình, dự án đã tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thông qua thẩm tra hồ sơ thanh quyết toán công trình, dự án đã cắt giảm hàng nghìn tỷ đồng do khối lượng đầu tư, do đơn giá, định mức và đặc biệt là do chất lượng công trình, dự án, do những phát sinh không hợp lý, không đúng thủ tục.
Kỷ luật chấp hành kế hoạch bố trí vốn đầu tư chưa nghiêm, phân bổ, sử dụng vốn cho các dự án đầu tư còn dàn trải, số lượng dự án nhiều, tình trạng dự án kéo dài. Thực hiện đầu tư và giải ngân còn chậm. Bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư. Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thiếu chặt chẽ, gây lãng phí, thất thoát vốn, chất lượng công trình thấp. Công tác xử lý sau thanh tra, việc xử lý các sai phạm còn chưa mạnh mẽ. Tình trạng nợ đọng vốn đầu tư xây dựng kéo dài cản trở doanh nghiệp quay vòng vốn, không phát huy hiệu quả vốn ngân sách.
Thứ ba, trong quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản: Đây là nguồn lực quan trọng của đất nước, là nguồn lực quốc gia thuộc sở hữu toàn dân, nhưng đây cũng là lĩnh vực lãng phí, thất thoát lớn, là sự lãng phí tài nguyên, tài sản quốc gia. Lãng phí trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản thể hiện dưới các dạng như sau:
- Quy hoạch không đúng, quy hoạch treo: Việc quy hoạch nhiều khi còn mang tính chất hình thức, chất lượng không cao, công tác dự báo còn thiếu tính khoa học, chất lượng của các phương án quy hoạch thấp, dự báo không sát tình hình, quy hoạch không hợp lý, mang nặng tính chủ quan duy ý chí.
- Các phương án sử dụng đất được xây dựng thiếu khoa học hoặc đã xây dựng nhưng không được tuân thủ. Tình trạng lạm quyền và độc quyền trong các quyết định về đất đai, khai thác khoáng sản gây lãng phí, thậm chí dẫn đến chiếm đoạt, biến tài sản thuộc sở hữu quốc gia, sở hữu toàn dân thành sở hữu của cá nhân hoặc nhóm lợi ích, tham nhũng, gây tác động xấu không chỉ trước mắt mà còn tác động tiêu cực lâu dài.
- Tình trạng khai thác và sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp lãng phí và sai mục đích.
- Nhiều địa phương nôn nóng phát triển khu công nghiệp và đô thị đã quy hoạch sử dụng đất vượt quá khả năng đầu tư và điều kiện thực tế của địa phương dẫn đến tình trạng lãng phí không nhỏ về đất đai. Quản lý và sử dụng đất còn nhiều buông lỏng gây ra những tiêu cực trong sử dụng đất. Tình trạng đất để hoang hoặc sử dụng đất không đúng mục đích còn xảy ra.
- Khai thác, sử dụng tài nguyên khác (nước, khoáng sản, rừng) còn nhiều lãng phí. Tại một số địa phương, do thiếu kiểm tra, thanh tra và đưa ra các giải pháp hợp lý nên để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, bừa bãi..., làm lãng phí lớn một nguồn tài nguyên của đất nước.
Thứ tư, trong quản lý và sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ: Đây là những tài sản quốc gia được đầu tư qua nhiều năm, nhưng tình trạng lãng phí diễn ra dưới nhiều hình thức như sử dụng sai công năng, sai mục đích; chiếm dụng hoặc chiếm đoạt làm tài sản riêng của tập thể, cá nhân, khai thác và sử dụng vì lợi ích nhóm; đã đầu tư xây trụ sở mới hoặc nhận diện tích, trụ sở mới nhưng không giao lại trụ sở cũ, vẫn tiếp tục chiếm dụng và sử dụng vì những mục đích không rõ ràng.
Thứ năm, trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp: Tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản, vốn nhà nước trong khâu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước không đúng mục đích; thủ tục thành lập, giải thể doanh nghiệp mặc dù đã được đơn giản hóa song trên thực tế, còn có nhiều giấy phép con gây lãng phí thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp. Lãng phí về các thủ tục hành chính là đáng kể, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Thứ sáu, trong đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động
- Thiếu quy hoạch và chiến lược đào tạo: Sự bất cập về cơ cấu đào tạo; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động được đào tạo; chi phí đào tạo của cả Nhà nước và xã hội bỏ ra là lớn nhưng hiệu quả không cao, lãng phí nhiều do lao động được đào tạo phải đào tạo lại, làm việc không đúng ngành nghề được đào tạo.
- Việc chấp hành kỷ luật lao động, hiệu quả ngày công lao động ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở hầu hết các cơ quan vẫn chưa thực hiện tốt. Tình trạng hội họp còn nhiều, nhiều cuộc hội nghị tổng kết, các cuộc họp chất lượng chưa cao nên gây lãng phí lớn cho xã hội.
Thứ bảy, trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân: Cần đánh giá trên các tiêu chí số lượng và quy mô lễ hội, cưới xin, ma chay, đánh giá ý thức tiết kiệm của nhân dân.
Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: (i) Pháp luật về vấn đề này còn bất cập và chưa được tuân thủ nghiêm minh; (ii) Tổ chức quản lý thiếu chặt chẽ, chỉ đạo, điều hành thiếu kiên quyết, chất lượng quy hoạch thấp, quản lý thực hiện quy hoạch và quản lý thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn thiếu nghiêm túc; (iii) Việc tổ chức tự kiểm tra chưa trở thành việc làm thường xuyên, nên dẫn đến hạn chế trong vấn đề tự phát hiện, tự chấn chỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện ra nhiều sai phạm, vi phạm nhưng chậm được xử lý khắc phục và xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm thiếu kịp thời, nghiêm minh; (iv) Công tác giám sát của các cơ quan dân cử, của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự mạnh mẽ, đúng thẩm quyền và hiệu quả. Hiệu lực khắc phục những sai phạm được phát hiện thấp. Việc xử lý các vi phạm chưa nghiêm minh, kịp thời, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong cuộc sống, sinh hoạt, lễ lạt; thiếu trách nhiệm trong việc thực thi công việc và lạm dụng quyền hạn để vụ lợi. Nguyên nhân này đã có những tác động tiêu cực, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Một số giải pháp
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, được thực hiện lâu dài ở các cấp và trong nhân dân. Nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần cụ thể để bảo đảm tính khả thi.
- Cần rà soát pháp luật hiện hành và bổ sung những luật, pháp lệnh mới để sớm tạo được hệ thống pháp luật cụ thể, đồng bộ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kiểm soát, giám sát về tài sản, tiền vốn, kinh phí của quốc gia, của Nhà nước, thuộc sở hữu nhà nước. Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải đảm bảo thực quyền, nghiêm minh hơn trong thực hiện quyền năng của cơ quan dân cử đối với tài sản quốc gia, đối với tài chính quốc gia, trong đó có tài chính nhà nước, đối với nguồn lực của đất nước…
- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ đạo xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, loại bỏ hoặc chỉnh sửa các quy định còn chồng chéo trách nhiệm và các văn bản cần thiết khác. Tập trung rà soát lại các quy hoạch, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các định mức, sớm loại bỏ những quy hoạch không còn phù hợp, những quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu. Đồng thời, ngăn ngừa lạm dụng “tiết kiệm” để hạ thấp tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức gây hậu quả lãng phí lâu dài. sớm xử lý nghiêm túc việc bố trí kế hoạch cân đối ngân sách nhà nước hàng năm của một số bộ, ngành, địa phương có những sai phạm không tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch giao của Chính phủ, nhất là việc chuyển nguồn cân đối cho đầu tư phát triển sang chi thường xuyên; bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư; cân đối thu ngân sách tại địa phương thấp hơn kế hoạch...
- Tập trung chấn chỉnh tổ chức quản lý ở các cấp trong các lĩnh vực tồn tại nhiều lãng phí, lãng phí nghiêm trọng. Cần có những giải pháp cụ thể tạo được những tiến bộ trong quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đầu tư, quản lý nhà do Nhà nước sở hữu. Tập trung chỉ đạo ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác tài nguyên trái phép ở nhiều địa phương và tình trạng phá rừng, cháy rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trong tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần đặc biệt quan tâm việc thực hiện chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các bộ, ngành, địa phương. Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực hiện việc tổ chức tại kiểm tra, tự ngăn chặn và chịu trách nhiệm để xảy ra lãng phí. Tăng cường hơn nữa các cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, cả hậu quả lãng phí và người gây ra lãng phí.
- Cần kiên quyết đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đề ra để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lãng phí trong nền kinh tế xã hội, bảo đảm cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có kết quả bền vững, dần trở thành ý thức của các cơ quan, tổ chức, của cán bộ, công chức và công dân. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, rất cần có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kiên quyết và sự quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
PGS.TS. Đặng Văn Thanh
Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam