1. Đặt vấn đề
Kinh tế ban đêm được ghi nhận ra đời từ giữa những năm thuộc nửa cuối thế kỷ XX[1]. Khi đó, kinh tế ban đêm được gọi theo nhiều thuật ngữ khác nhau nhưng phổ biến và sau này được sử dụng thống nhất là “night - time economy”. Tại Việt Nam, nhiều con phố đêm đã hình thành và phát triển nhanh chóng, đặc biệt gắn với hoạt động du lịch. Bên cạnh sự đóng góp về góc độ kinh tế thì những tác động tích cực như lan truyền nét đẹp văn hóa truyền thống, tận dụng nguồn lực lao động… cũng đã minh chứng cho thấy tầm quan trọng của kinh tế ban đêm. Chính vì lẽ đó, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1129/QĐ-TTg) cho thấy định hướng rõ nét về việc duy trì, phát triển kinh tế ban đêm song hành cùng với kinh tế truyền thống diễn ra vào ban ngày. Tuy nhiên, một sự phát triển mạnh mẽ, ổn định, bền vững phải được xây dựng trên nền tảng nhận diện rõ nét bản chất của kinh tế ban đêm cũng như xây dựng hệ thống đồng bộ từ chính sách cho đến pháp luật điều chỉnh các hoạt động của loại hình kinh tế này.
2. Khái quát chung về kinh tế ban đêm
Trước khi đưa ra được định nghĩa về kinh tế ban đêm, cần xem xét các quan niệm khác nhau về kinh tế ban đêm.
Trong bài viết “Cities and the Night - time Economy”, kinh tế ban đêm không được tác giả đưa ra một khái niệm cụ thể nhưng các nhà nghiên cứu đi sâu vào nhận diện những hoạt động được thực hiện trong hoạt động kinh tế này với câu hỏi: “Cái gì được thực hiện đối với kinh tế ban đêm?”[2]. Các tác giả đã khẳng định ngay đó là các lễ hội. Tại các lễ hội này, các hoạt động văn hóa mang đầy đủ màu sắc hướng đến cho các cá nhân khi tham gia kinh tế ban đêm sẽ luôn “ấn tượng” với các dấu hiệu như đời sống sôi động của các thành phố, các hoạt động văn hóa, sự quảng bá cho đời sống nội thị, sự vui chơi, sự hòa nhập xã hội, sự gặp gỡ, sự giao lưu giữa con người với con người và con người với văn hóa tại nơi có kinh tế ban đêm đó. Đặc biệt hơn tất cả, những lễ hội, những hoạt động sôi nổi này chỉ diễn ra khi màn đêm buông xuống. Quan niệm này được đưa ra trong bối cảnh những năm cuối của thế kỷ XX, thế nên, hình thái, dấu hiệu của kinh tế ban đêm trong thời điểm này có sự khác biệt so với thời điểm hiện nay.
Trong cuốn hướng dẫn bổ sung quy hoạch về “Văn hóa và kinh tế ban đêm”[3] của thành phố London (Vương quốc Anh), quan niệm về kinh tế ban đêm không được đưa ra cụ thể nhưng Lời tựa của Thị trưởng thành phố đã nhấn mạnh về thành phố London với hoạt động “24 giờ” cho thấy đời sống, nền kinh tế vận hành không có giây phút nghỉ, không có khái niệm “ngày làm, đêm nghỉ ngơi” hay ngược lại. Quan trọng hơn, khi nói đến sự phát triển kinh tế ban đêm, Thị trưởng thành phố nhấn mạnh đến chính sách phát triển ổn định và thúc đẩy sự “giàu có văn hóa” của London vào kinh tế ban đêm. Các khía cạnh được nhấn mạnh như các nhà hàng, khu chợ ẩm thực, phòng tập thể dục, cửa hàng gội đầu, cắt tóc, thư viện, bảo tàng đều là các cấu thành nên đời sống ban đêm tại London. Đối tượng chính thụ hưởng đời sống ban đêm ngoài chính cư dân của London còn là khách du lịch - những người đến và dừng lại tại London có thể vì nhiều mục đích khác nhau. Trong cuốn hướng dẫn này, mục tiêu của đời sống ban đêm được nhấn mạnh qua việc trích dẫn quan điểm của Phillip Kolvin, trong đó khẳng định: “Sau những sức ép của một ngày dài làm việc mệt mỏi, chúng ta gặp, ăn uống, hòa đồng xã hội, nhảy, học hành, cười nói, được yêu thương, ăn mừng và ứng xử như thể chúng ta được sinh ra để cư xử, như thực thể của xã hội”[4]. Suy cho cùng, kinh tế ban đêm đang được hiểu là các hoạt động kinh tế diễn ra vào thời điểm khi trời đã tối, gồm các hoạt động tương đối đặc thù vì hướng đến cung cấp các giá trị giúp con người giải trí.
Trong công bố về “Tình hình phát triển kinh tế ban đêm tại Trung Quốc”[5], các nhà nghiên cứu khẳng định, kinh tế ban đêm có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng có những dấu hiệu cơ bản để nhận diện gồm: Thời gian diễn ra thường là từ 06 giờ tối đến 06 giờ sáng (tương thích quan niệm về ban đêm), các hoạt động này “mang tính kinh tế, góp phần tái tạo đô thị và tăng trưởng kinh tế, thu lợi nhuận chính”. Trong đó, tác giả cũng nhấn mạnh đến các hoạt động tiêu biểu của kinh tế ban đêm như “hoạt động của các quán bar, câu lạc bộ, chợ đêm, rạp chiếu phim, nhà hát, các lễ hội văn hóa và các sự kiện hay dịch vụ ngân hàng, tài chính…”.
Nhóm các nhà nghiên cứu trong Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện chính sách và pháp luật về “kinh tế ban đêm” ở Việt Nam” cũng khẳng định: “Khái niệm “kinh tế ban đêm” là một khái niệm động, có thể thay đổi tùy thuộc vào sự phát triển của bản thân các hoạt động của nó cũng như chính sách thúc đẩy từ các chính phủ”. Các nhà nghiên cứu không đưa ra một định nghĩa cụ thể về kinh tế ban đêm nhưng lại đưa ra các dấu hiệu đặc trưng bao gồm:
(i) Đặc trưng về thời gian khi các hoạt động kinh tế ban đêm diễn ra từ 06 giờ tối đến 06 giờ sáng.
(ii) Đặc trưng về lĩnh vực trọng tâm như “ẩm thực, mua sắm, giải trí và các dịch vụ văn hóa”. Đặc biệt, các tác giả khẳng định, kinh tế ban đêm không bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh làm trong đêm theo ca. Như vậy, kết cấu kinh tế ban đêm cốt lõi nằm ở thương mại và dịch vụ, sản phẩm văn hóa là kết quả tất yếu của của kinh tế ban đêm.
(iii) Kinh tế ban đêm diễn ra ở khu đô thị lớn hoặc những khu du lịch phát triển.
Thông qua việc phân tích các quan điểm nêu trên có thể thấy, kinh tế ban đêm mang các đặc trưng nổi bật đã được đa số các công trình nghiên cứu không chỉ dựa trên các học thuyết kinh tế mà còn dựa trên thực tiễn phát triển của loại hình kinh tế này. Các đặc trưng này bao gồm:
Thứ nhất, kinh tế ban đêm được diễn ra khi “màn đêm” buông xuống và theo quan niệm chung thì sẽ bắt đầu từ 06 giờ tối đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Khung thời gian này hoàn toàn tách biệt với quan niệm chung hiện nay về giờ lao động, giờ hành chính là từ sáng đến chiều tối (thường kéo dài 08 tiếng liên tục vào ban ngày). Tất nhiên, nhiều doanh nghiệp, tổ chức tiến hành sản xuất theo ca nhưng vẫn bảo đảm thời gian tối đa giờ làm việc, sản xuất.
Thứ hai, kết cấu trọng tâm của kinh tế ban đêm là các hoạt động hướng vào cung cấp dịch vụ, sản phẩm phục vụ các nhu cầu về vui chơi, giải trí, ăn uống. Đây là trụ cột chính, cốt lõi của kinh tế ban đêm. Các hoạt động này phải gắn với việc phát huy thế mạnh, tính độc đáo của văn hóa tại địa phương diễn ra kinh tế ban đêm.
Thứ ba, kinh tế ban đêm gắn với đô thị, khu du lịch hoặc cả hai. Tại đây thường đáp ứng đầy đủ các điều kiện để kinh tế ban đêm vận hành như lượng cư dân tham gia vào kinh tế ban đêm ở cả vai trò nhà cung cấp cũng như vai trò người tiêu dùng, có cơ sở hạ tầng phù hợp như nhà cửa, điện, nước…
Thứ tư, đối tượng thụ hưởng các sản phẩm của kinh tế ban đêm không chỉ dừng lại là người dân sinh sống tại chính địa phương đó mà còn hướng đến các khách tham quan, du lịch. Đây là các chủ thể luôn mong muốn được khám phá văn hóa của địa phương nơi mình đi qua, thậm chí công tác. Khi đó, các khách tham quan, du lịch hoặc người đi công tác có điều kiện khám phá, sử dụng các sản phẩm độc đáo của địa phương có kinh tế ban đêm.
Thứ năm, kinh tế ban đêm cũng đòi hỏi sự vận hành như các hoạt động kinh tế ban ngày truyền thống như phải có đầy đủ nền tảng để vận hành gồm cơ sở vật chất cho đến con người, sự đồng bộ trong hoạt động quản lý nhà nước. Đây cũng chính là lý do khi phát triển kinh tế ban đêm, các đô thị, địa phương đều có sự đồng bộ trong chính sách quản lý, triển khai hoạt động quản lý, sự chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất… làm đầu vào cho các hoạt động kinh tế ban đêm diễn ra.
Với những nét đặc trưng trên, kinh tế ban đêm có thể được định nghĩa như sau: Là sự đồng bộ của các hoạt động kinh tế diễn ra vào ban đêm mà cốt lõi là thương mại, dịch vụ tại các khu vực phổ biến là thành phố lớn hoặc khu du lịch hướng đến cung cấp nhu cầu cho các chủ thể là cư dân sinh sống tại địa phương cũng như những khách tham quan, du lịch, trọng tâm cung cấp các hoạt động, sản phẩm văn hóa, giải trí, ẩm thực.
3. Thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật Việt Nam điều chỉnh về kinh tế ban đêm
3.1. Định hướng phát triển, vận hành kinh tế ban đêm
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương phát triển kinh tế đô thị để làm động lực cho phát triển kinh tế tại mỗi địa phương, tập trung phát triển ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa, khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn… ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của kinh tế ban đêm. Trên cơ sở đường lối của Đảng cũng như thực trạng, nhu cầu phát triển thực tế, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg. Tại Đề án này, những định hướng thống nhất đối với phát triển, vận hành kinh tế ban đêm chính thức được ghi nhận bao gồm:
Thứ nhất, mục tiêu Đề án hướng đến là “khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”. Như vậy, kinh tế ban đêm sẽ là một trong các cách thức để khai thác các cơ hội phát triển kinh tế và đương nhiên hướng đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
Thứ hai, Đề án đưa ra các yêu cầu cho phát triển kinh tế ban đêm như ưu tiên tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, người nước ngoài và khách du lịch. Đề án cũng đưa ra yêu cầu trong phát triển ngành nghề/hoạt động mới, trong đó nhấn mạnh đến công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống.
Thứ ba, Đề án khẳng định quan điểm của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế ban đêm, trong đó nhấn mạnh, chủ động phát triển kinh tế ban đêm là phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế; kinh tế ban đêm không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế và mục tiêu trước mắt là thúc đẩy tiêu dùng, phát triển du lịch; tôn trọng và hài hòa cả cung và cầu trên thị trường khi phát triển kinh tế ban đêm; đổi mới trong tư duy và phương thức quản lý xã hội trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế; các chính quyền địa phương chủ động nghiên cứu, thực hiện kế hoạch/ chương trình cũng như giải pháp thúc đẩy kinh tế ban đêm và đối với hoạt động kinh tế ban đêm sau 10 giờ tối phải được khuyến khích phát triển một cách có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm này hoàn toàn đúng đắn vì phải đặt trong mối quan hệ cân bằng với thói quen, nền nếp sinh hoạt của người dân.
Thứ tư, Đề án cũng đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện phát triển kinh tế ban đêm, trong đó có nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích, rủi ro khi phát triển kinh tế ban đêm; nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro; nhóm giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm; nhóm giải pháp thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm tại một số thành phố và một số khu du lịch lớn trên cả nước, trong đó nhấn mạnh các địa điểm thí điểm như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa các giải pháp khác tại điểm đ khoản 4 Điều 1.
Thứ năm, Đề án đưa ra các nội dung tổ chức thực hiện, trong đó nhấn mạnh việc các bộ, ngành, địa phương có các nhiệm vụ cụ thể; các chính quyền địa phương (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) thực hiện các nhiệm vụ chi tiết; nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và một số bộ khác có liên quan trong từng vấn đề từ cơ sở hạ tầng cho đến quản lý an ninh, trật tự…
Mặc dù mới dừng lại ở mức độ là một đề án nhưng rõ ràng, sự ban hành Đề án kèm Quyết định số 1129/QĐ-TTg đã tạo nên khung pháp lý nhất định trong việc xác định đường hướng, cách thức phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển của riêng mình.
Trên cơ sở Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương có điều kiện phù hợp phát triển kinh tế ban đêm đã có các chính sách cụ thể của riêng mình. Quận Hoàn Kiếm (Thành phố Hà Nội) đã triển khai Đề án số 11-ĐA/QU ngày 01/11/2021 của Ban Thường vụ Quận ủy về phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và kết quả tất yếu có thể nhìn thấy là các khu kinh tế ban đêm hình thành như phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm, phố ẩm thực Tống Duy Tân, bia Tạ Hiện… Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng ban hành Quyết định số 3613/QĐ-UBND ngày 28/9/2020 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng”. Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định nhấn mạnh Đề án “Tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa trong giai đoạn 2022 - 2026” gắn với chuỗi sự kiện, lễ hội về đêm. Như vậy, thành phố Đà Nẵng đã bước đầu có kế hoạch tương đối hoàn chỉnh để phát triển kinh tế ban đêm và nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển du lịch, tạo nên sự đặc sắc cho người đến tham quan Đà Nẵng về các giá trị văn hóa. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tuy chưa có đề án cụ thể nhưng những hành động cụ thể về phát triển kinh tế ban đêm đã được thực hiện trong thực tế. Chính vì thế, nhiều khu dành cho kinh tế ban đêm đã hình thành và triển khai trong thực tiễn như Quận 5, Quận 7 hay Quận 11 đều có. Bên cạnh các thành phố lớn, một số tỉnh cũng đã triển khai phát triển kinh tế ban đêm như Bắc Giang, Hà Giang…
Xét trong một số khía cạnh có liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm, pháp luật cũng có những quy định điều chỉnh trong các lĩnh vực cụ thể. Đơn cử, trong lĩnh vực về du lịch - đây là lĩnh vực liên quan mật thiết với kinh tế ban đêm. Hiện nay, các quy định chung dành cho phát triển du lịch nói chung cũng đã có sự hoàn thiện nhất định như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hệ thống văn bản luật gồm Luật Du lịch năm 2017; Quyết định số 2743/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Ngoài ra, một số quy định pháp luật về hoạt động có tác động gián tiếp nhất định tới kinh tế ban đêm như hoạt động của quán karaoke, casino… hiện nay còn chưa phù hợp, bởi lẽ, karaoke chỉ được mở đến 12 giờ đêm. Như vậy, karaoke tham gia kinh tế đêm thực tế chỉ từ 06 giờ tối đến 12 giờ đêm.
3.2. Thực trạng pháp luật về kinh tế ban đêm
Với một số phác họa cơ bản nêu trên, thực trạng pháp luật về kinh tế ban đêm có thể được đánh giá với những nét khái lược sau:
Một là, chính sách, pháp luật đồng bộ trong việc phát triển và bảo đảm cho kinh tế ban đêm vận hành còn chưa có. Ngoài Đề án do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020, cho đến thời điểm hiện nay, các địa phương đang triển khai theo dạng mô hình thí điểm với địa phương mình. Tuy có ưu điểm là phát huy thế mạnh của từng địa phương nhưng cũng cho thấy nhiều điểm chưa phù hợp vì để phát triển kinh tế ban đêm đòi hỏi sự thống nhất từ quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch khu du lịch… Hơn nữa, nhiều lĩnh vực như cấp phép hoạt động các dịch vụ karaoke, quán bar, quán pub, casino… đòi hỏi quy chế chung thống nhất.
Hai là, thiếu vắng quy định nhận diện các vấn đề kinh tế ban đêm để tạo thành khuôn khổ cho các địa phương xác định và là nền tảng để thực thi. Trong Đề án được ban hành kèm Quyết định số 1129/QĐ-TTg cũng chưa có những khuôn khổ nhất định nhận diện kinh tế ban đêm cũng như nguyên tắc cơ bản điều chỉnh về hoạt động kinh tế này. Mặc dù trong Đề án có nhấn mạnh việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhưng các kinh nghiệm hoặc chuẩn mực của bất kỳ quốc gia nào cũng không thể trở thành chuẩn mực để áp dụng chung trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Ba là, thiếu sự đồng bộ và phù hợp các quy định về quy hoạch đô thị. Đô thị được coi là cái “nôi” để kinh tế ban đêm phát triển, thế nên việc quy hoạch đô thị rất quan trọng. Tuy nhiên, các quy định về quy hoạch đô thị còn “chồng chéo, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất”, quy định quy hoạch tổng thể quốc gia còn chưa rõ về mặt nội dung, “quy chuẩn quy hoạch quốc gia cũng chưa thống nhất”… Thực tế, nếu các vấn đề thuộc về quy hoạch, pháp luật về quy hoạch chưa được hoàn thiện sẽ không bảo đảm yếu tố đầu tiên, mang tính tổng thể để tạo nền tảng cho việc phát triển các khu đô thị, khu du lịch và tất yếu cũng khó khăn trong việc hình thành các khu kinh tế ban đêm. Nếu các khu này ra đời, vận hành thì chỉ mang tính manh mún, nhỏ lẻ, không đồng bộ trong từng địa phương, khu vực và phạm vi toàn quốc.
Bốn là, pháp luật về ngành du lịch - một trong những ngành được coi là không thể tách rời với kinh tế ban đêm mặc dù có sự phát triển, đồng bộ nhất định nhưng rõ ràng “các hoạt động du lịch thúc đẩy kinh tế ban đêm chưa được coi là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”. Điều này được minh chứng trong Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 mới chỉ đề cập đến “tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm” (tiểu mục 6 phần III). Như vậy, thực tế pháp luật về du lịch còn chưa có quy định cụ thể, các văn bản hướng dẫn liên quan đến điều chỉnh hoạt động du lịch phục vụ cho phát triển kinh tế ban đêm cũng còn hạn chế. Nhiều vấn đề liên quan đến du lịch gắn với phát triển kinh tế ban đêm như sản phẩm du lịch, chính sách khuyến khích khách du lịch (đặc biệt khách du lịch nước ngoài) trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của du lịch trong kinh tế ban đêm… vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa được điều chỉnh chi tiết.
Năm là, pháp luật về những ngành đặc thù gắn với kinh tế ban đêm như kinh doanh dịch vụ karaoke, các loại chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, biểu diễn nghệ thuật, mua sắm trong các khu kinh tế ban đêm… vẫn đang thiếu vắng các chính sách chung điều chỉnh quan hệ này một cách thống nhất với mục tiêu khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm. Đặc biệt, kinh tế ban đêm có nét đặc thù riêng nên bắt buộc muốn khuyến khích phát triển thì các quy định liên quan đến thuế, hoàn thuế, thanh toán… cũng phải có những nét đặc thù và quan trọng là có đầy đủ cơ sở hạ tầng để vận hành và thực hiện.
Sáu là, pháp luật về những vấn đề như quan hệ lao động, y tế, an ninh trật tự… cũng cần phải được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cụ thể, chi tiết hướng đến điều chỉnh riêng biệt các vấn đề này trong các khu kinh tế ban đêm. Hiện nay, các quy định này có thể nói “cực kỳ mờ nhạt” khi đang áp dụng các quy định chung của pháp luật về những nội dung này, không có sự phân định giữa kinh tế truyền thống (ban ngày) với kinh tế ban đêm.
3.3. Một số kiến nghị
Từ một vài điểm nêu trên cho thấy, yêu cầu hoàn thiện về chính sách, pháp luật là một trong các vấn đề tất yếu cần phải thực hiện ngay, thuộc về hoàn thiện kiến trúc thượng tầng nhằm hướng đến phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam. Việc hoàn thiện này cần tiến hành đồng bộ, từ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để phát triển kinh tế ban đêm hiệu quả và an toàn, tác giả có một số kiến nghị như sau:
(i) Nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực. Cần thể hiện nhất quán mục tiêu và định hướng phát triển của kinh tế ban đêm trong các văn kiện của Đảng làm nền tảng, kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
(ii) Cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng tầm (nghị định) để điều chỉnh kinh tế ban đêm tại các khu vực thí điểm. Trước mắt, khi kinh tế ban đêm vẫn còn chưa được phát triển đồng bộ, nhiều vấn đề chưa được nắm bắt đầy đủ và toàn diện, do vậy, các cơ quan chức năng nên có hướng dẫn riêng biệt về kinh tế ban đêm tại một số địa phương thí điểm. Sự thống nhất trong việc nhận diện kinh tế ban đêm, về các nguyên tắc dành cho kinh tế ban đêm… cần được quy định thống nhất, chi tiết.
(iii) Các lĩnh vực đặc thù cũng cần pháp luật điều chỉnh phù hợp để khuyến khích kinh tế ban đêm phát triển, đặc biệt như lĩnh vực du lịch, ẩm thực, giải trí… Đây là yêu cầu tất yếu trong bài toán đồng bộ, thống nhất quy định pháp luật.
Tóm lại, kinh tế ban đêm trong tương lai tất yếu sẽ là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nói chung cũng như kinh tế một địa phương mà gắn liền với đô thị, du lịch hoặc cả hai. Tuy nhiên, muốn phát triển đồng bộ kinh tế ban đêm, tạo hành lang pháp lý để các chủ thể tham gia vào kinh tế ban đêm, kể cả với cơ quan quản lý nhà nước đòi hỏi chính sách, pháp luật phải cụ thể, đồng bộ./.
TS. Kiều Thị Thùy Linh
Khoa luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
Bài viết thực hiện trong khuôn khổ Đề tài cấp Bộ “Nhận diện kinh tế ban đêm và định hướng hoàn thiện khung chính sách, pháp luật cho phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” năm 2024 của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
[1]. Andy Lovatt & Justin O’Connor (1995), Cities and the Night - time Economy, Planning Practice and Research, Vo.10, No.2, 1995, trang truy cập: Https://www. academia.edu/4147568/Cities_and_the_Night_time_Economy, truy cập ngày 20/4/2024.
[2]. Câu hỏi được đưa ra là “What has this got to do with the night - time economy?”, nguồn: https://www.academia.edu/4147568/Cities_and_the_Night_time_Economy, truy cập ngày 20/4/2024.
[3]. Mayor of London (2017), Culture and the night - time economy được công bố tại trang thông tin điện tử của thành phố London tại: https://www.london.gov.uk/sites/ default/files/culture_and_night-time_economy_spg_final.pdf, truy cập ngày 20/4/2024.
[4]. Nguyên gốc: “After the stresses of ever longer working days, we meet, eat, socialise, drink, dance, learn, laugh, fall in love, celebrate, and behave as we were born to behave, as social animals”, https://www.london.gov.uk/sites/default/files/culture_and_nighttime_economy_spg_final.pdf, truy cập ngày 20/4/2024.
[5].https://www.researchgate.net/publication/343212049_phat_trien_kinh_te_ban_ dem_tai_bac_kinh_trung_quoc/link/5f1c3e6f92851cd5fa455166/download, truy cập ngày 20/4/2024.
(Nguồn: Ấn phẩm “Các vấn đề pháp lý mới trong bối cảnh chuyển đổi số” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật)