Theo đó, có những hành vi cạnh tranh đã thúc đẩy được nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên cũng có những hành vi cạnh tranh gây bất ổn định, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Vì vậy, các văn bản pháp luật cạnh tranh ra đời nhằm điều chỉnh các hành vi cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh trong một khuôn khổ nhất định, vừa đảm bảo lợi ích của chính các chủ thể kinh doanh vừa bảo vệ lợi ích của các chủ thể khác trong xã hội. Bên cạnh việc phát huy và đem lại hiệu quả tích cực trong việc điều chỉnh hành vi cạnh tranh, các văn bản pháp luật cạnh tranh ra đời đã có vai trò to lớn trong đấu tranh phòng chống những hành vi vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế áp dụng các văn bản pháp luật này còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa mang lại hiệu quả cao. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích một số bất cập và nêu ra hướng hoàn thiện quy định của pháp luật cạnh tranh nhằm nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của pháp luật cạnh tranh.
1. Miễn trừ đối với hành vi tập trung kinh tế bị cấm
Pháp luật quy định: “Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang có nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản”[1] có thể được xem xét hưởng quyền miễn trừ mà không bị xử lý về hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Quy định này nhằm mục đích giảm thiểu việc xoá sổ và gánh nặng mà các chủ thể kinh doanh có nguy cơ bị giải thể hoặc phá sản mang lại cho nền kinh tế, đồng thời giúp duy trì ổn định môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định: “Doanh nghiệp đang trong nguy cơ bị giải thể là doanh nghiệp thuộc trường hợp giải thể theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của doanh nghiệp...”[2]. Tính không hợp lý của pháp luật thể hiện ở chỗ, doanh nghiệp đang trong nguy cơ bị giải thể được quy định thuộc một trong hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất - Giải thể theo quy định của pháp luật; Trường hợp thứ hai - Giải thể theo Điều lệ của doanh nghiệp. Trường hợp thứ nhất việc giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật được xem là trường hợp giải thể do yếu tố khách quan không phụ thuộc vào ý chí của chủ doanh nghiệp thì việc mong muốn tiếp tục kế thừa để tiếp tục phát huy những thành tựu kinh doanh khi tập trung kinh tế xứng đáng được hưởng quyền miễn trừ. Thế nhưng pháp luật quy định miễn trừ khi tập trung kinh tế đối với trường hợp thứ hai dễ bị các doanh nghiệp lạm dụng làm mất đi ý nghĩa thật sự của quyền miễn trừ đối với hành vi tập trung kinh tế bị cấm vì việc giải thể theo Điều lệ doanh nghiệp là việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp mà không chịu sự tác động của bất kỳ yếu tố khách quan nào. Từ đó, doanh nghiệp muốn được hưởng quyền miễn trừ trong trường hợp tập trung kinh tế bị cấm, có thể dựa vào những quy định vừa nêu trên để thực hiện hành vi tập trung kinh tế theo toan tính và lợi ích của mình, thậm chí làm nguy hại môi trường cạnh tranh, ảnh hưởng lợi ích của các chủ thể khác trong xã hội.
Vì vậy theo tôi, nên bỏ quy định doanh nghiệp bị giải thể theo Điều lệ được hưởng quyền miễn trừ đối với hành vi tập trung kinh tế bị cấm.
2. Tính hợp lý của quy định về các hình thức xử phạt bổ sung
“Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”[3] được quy định là một trong những biện pháp xử phạt bổ sung để xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh là không hợp lý. Tính không hợp lý này thể hiện ở hai khía cạnh:
- Quy định tịch thu khoản lợi nhuận không chính đáng là hợp lý, tuy nhiên nó không phản ánh đúng tinh thần của biện pháp xử phạt bổ sung tại khoản 2 Điều 117 Luật cạnh tranh. Vì lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm không phải là tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
- Bản chất của việc xử phạt là hành vi của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật áp dụng các hậu quả pháp lý bất lợi cho chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể trong bài viết này là vi phạm pháp luật về cạnh tranh, chủ thể vi phạm sẽ phải gánh chịu những tổn thất nhất định do hành vi vi phạm mà mình thực hiện. Theo đó, pháp luật quy định các hình thức xử phạt bổ sung như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh phản ánh đúng bản chất của xử phạt bổ sung là áp dụng những hậu quả bất lợi, gây ảnh hưởng về lợi ích nhất định cho chủ thể vi phạm. Tuy nhiên, việc tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm không phản ánh đúng bản chất của hình thức xử phạt bổ sung vì bản thân khoản lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm không phải là khoản lợi nhuận đáng lẽ chủ thể vi phạm có quyền được hưởng vì nó phát sinh trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm mà có. Vì vậy, việc tịch thu khoản lợi nhuận này không phải là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể thực hiện hành vi vi phạm phải gánh chịu.
Do vậy, thiết nghĩ nên tách việc tịch thu khoản lợi nhuận từ hành vi vi phạm thành một biện pháp kèm theo khi áp dụng các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong trường hợp có lợi nhuận phát sinh từ hành vi vi phạm.
3. Xác định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh
Xác định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh tại Điều 4 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh là không đảm bảo tính thống nhất giữa những quy định của pháp luật.
Pháp luật về cạnh tranh quy định tiền phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh được xác định theo tỷ lệ phần trăm doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào hoặc theo tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm đồng thời căn cứ vào một số yếu tố như: Mức độ gây hạn chế cạnh tranh; mức độ thiệt hại; thời gian, phạm vi thực hiện hành vi vi phạm; lợi nhuận thu được...
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định là trong mọi trường hợp, mức tiền phạt một hành vi vi phạm không được vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với hành vi vi phạm đó[4]. Điều này vô hình chung làm cho quy định tại khoản 5 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 trong một số trường hợp không thể áp dụng: “Đối với mỗi tính tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 85 của Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh, mức tiền phạt được xác định theo Khoản 1 Điều này được điều chỉnh hoặc giảm tương ứng 15%”. Như vậy, khi xác định mức tiền phạt áp dụng cho từng hành vi vi phạm phải tính đến tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng của từng hành vi. Nếu chủ thể thực hiện hành vi vi phạm tự nguyện khai báo; đã tự nguyện cung cấp chứng cứ, thông tin hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại...[5] thì mức tiền phạt sẽ được điều chỉnh giảm 15%. Ngược lại, nếu chủ thể thực hiện hành vi vi phạm tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm mặc dù có yêu cầu chấm dứt hành vi đó; sau khi thực hiện hành vi vi phạm đã trốn tránh, che dấu vi phạm...[6] thì mức tiền phạt sẽ được điều chỉnh tăng 15%. Như vậy, sẽ có trường hợp xảy ra là khi chưa áp dụng tình tiết tăng nặng mức tiền phạt đã đạt ngưỡng mức tiền phạt tối đa đối với hành vi vi phạm, từ đó không thể áp dụng tình tiết tăng nặng cho hành vi vi phạm.
Vì vậy, quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP cần sửa đổi như sau: “Trong mọi trường hợp, mức tiền phạt đối với mỗi hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh không được vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với hành vi đó được quy định tại Mục 1, Mục 2 và Mục 3 Chương II của Nghị định này, trừ những trường hợp được quy định tại Khoản 5 Điều này”.
4. Các quy định về hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác
Xét đến quy định về hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác. Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu; hành vi vi phạm các quy định khác liên quan đến quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh; hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế trước khi có quyết định cho hưởng miễn trừ của cơ quan có thẩm quyền là những hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác được quy định lần lượt tại Điều 37, Điều 38 và Điều 39 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh theo tôi là chưa đủ vì những lẽ sau:
Một vụ việc cạnh tranh được điều tra và đưa ra xử lý dựa vào một trong hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất - Hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh đã được cơ quan quản lý cạnh tranh thụ lý; Trường hợp thứ hai - Cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật cạnh tranh[7]. Nếu vụ việc cạnh tranh được giải quyết theo quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh thì việc giao nộp chứng cứ là trách nhiệm của các bên liên quan.
Hơn nữa, khoản 1 Điều 77 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh quy định việc giao nộp chứng cứ cho cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh là nghĩa vụ của các bên liên quan trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc cạnh tranh. Tuy được quy định là nghĩa vụ cung cấp chứng cứ nhưng pháp luật về xử lý vụ việc cạnh tranh lại không quy định về hình thức xử lý nếu như các bên liên quan không thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của mình.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên đưa việc không giao nộp chứng cứ theo Khoản 1 Điều 77 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP vào phần quy định những hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác để có những chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo việc giải quyết vụ việc cạnh tranh có căn cứ pháp lý và hiệu quả hơn.
5. Pháp luật về cạnh tranh cần quy định rõ “Bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”
Điều này vô cùng quan trọng vì việc cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh cần dựa vào hành vi của bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh: “Hết thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 47 của Nghị định này, tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm không tự nguyện thi hành, không khởi kiện ra Toà án theo quy định tại Mục 7 Chương 5 của Luật Cạnh tranh, bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này tổ chức thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó”[8].
Pháp luật về cạnh tranh hiện hành không quy định bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm những chủ thể nào. Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, bên được thi hành được ghi nhận là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong quyết định được thi hành[9]. Có thể dựa theo quy định của Luật Thi hành án dân sự mà hiểu rằng bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Thế nhưng trong một số trường hợp, việc xác định cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là không dễ dàng. Như phân tích tại phần thứ tư, một vụ việc cạnh tranh được điều tra và đưa ra xử lý dựa vào một trong hai trường hợp: (1) Hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh đã được cơ quan quản lý cạnh tranh thụ lý; (2) Cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh. Vụ việc cạnh tranh được điều tra và đưa ra xử lý theo trường hợp thứ (1) thì bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có thể được xác định là bên khiếu nại (tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm[10]), người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc bên bị điều tra (trong trường hợp người bị điều tra không vi phạm pháp luật cạnh tranh nhưng bị thiệt hại trong quá trình điều tra xử lý đối với chủ thể này thì họ trở thành người được hưởng quyền, lợi ích trong quyết định được thi hành) vì các chủ thể này có thể được hưởng quyền, lợi ích trong quyết định được thi hành. Vụ việc cạnh tranh được điều tra và đưa ra xử lý theo trường hợp thứ (2) thì vấn đề xác định bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là rất khó vì không có người khiếu nại, có thể không có người có quyền và nghĩa vụ liên quan, bên bị điều tra không thuộc như phân tích ở trường hợp (1) bởi việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo trường hợp thứ (2) căn cứ vào dấu hiệu hành vi[11] tức là chủ thể bị điều tra có hành vi vi phạm hay không mà không xét tới hậu quả là có tổ chức, cá nhân nào có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại hay không để từ đó xác định bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là cá nhân, cơ quan, tổ chức sẽ được hưởng quyền, lợi ích trong quyết định được thi hành. Mặt khác, cơ quan quản lý cạnh tranh không thể là bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh vì cơ quan này tham gia với tư cách người tiến hành tố tụng, nếu kiêm luôn cả bên được yêu cầu thi hành án thì xem ra là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Vì vậy theo tôi, pháp luật về cạnh tranh cần quy định rõ bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là một hoặc một số các chủ thể sau: Người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người bị điều tra (trong trường hợp người bị điều tra không vi phạm pháp luật cạnh tranh nhưng bị thiệt hại trong quá trình điều tra xử lý đối với chủ thể này thì họ trở thành người được hưởng quyền, lợi ích trong quyết định được thi hành).
Trên đây tôi đã có những phân tích về một số trong nhiều vấn đề còn tồn tại, bất cập ở những quy định của các văn bản pháp luật cạnh tranh cũng như kiến nghị giải pháp để hoàn thiện những quy định đó nhằm góp phần đảm bảo tính hiệu quả trong việc áp dụng pháp luật cạnh tranh, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng.
Trường Đại học Tài chính kế toán Quảng Ngãi
1. Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 1992, được sửa đổi theo Nghị quyết 38/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội khoá XIII.
2. Luật Cạnh tranh năm 2004.
3. Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
4. Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật cạnh tranh.
5. Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
6. http:// www.qlct.gov.vn.
7. http://www.vca.gov.vn.