Abstract: Through this article, the author points out political, economical, social,... reasons which may impact legal awareness of Vietnamese and brings out the meaning of the impact of psychophysiological characteristics on their legal awareness.
1. Khái niệm ý thức pháp luật của người Việt Nam
Dưới góc độ khái quát, ý thức pháp luật được định nghĩa là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, tâm trạng, thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý khác, thể hiện mối liên hệ của con người đối với pháp luật, sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp đối với hành vi của các chủ thể trong xã hội[1]. Gắn với chủ thể là người Việt Nam, ý thức pháp luật của người Việt Nam có thể được hiểu là tổng thể những tư tưởng, quan điểm cũng như thái độ và sự đánh giá của người Việt Nam đối với các quy định pháp luật, các hành vi pháp luật và các hiện tượng khác trong thực tiễn đời sống pháp lý Việt Nam, thể hiện mối liên hệ giữa người dân Việt Nam với pháp luật nói chung. Ở góc nhìn vi mô, ý thức pháp luật của mỗi người dân Việt Nam được thể hiện qua hiểu biết pháp luật, tình cảm pháp luật và được phản ánh một phần qua những hành vi pháp luật.
2. Những yếu tố tâm sinh lý ảnh hưởng đến ý thức pháp luật của người Việt Nam
Để có thể đánh giá khách quan, chính xác thực trạng ý thức pháp luật của công dân Việt Nam trước hết chúng ta cần nhận diện những đặc điểm tâm sinh lý của người Việt Nam có ảnh hưởng đáng kể đến ý thức pháp luật.
2.1. Về tâm lý
Thứ nhất, người Việt Nam luôn có tính cố kết cộng đồng cao: Lối sống đề cao cộng đồng ở góc độ tích cực giúp củng cố tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn[2]. Tuy nhiên, đặc tính này cũng dẫn đến một nhược điểm đó là kìm hãm sự phát triển của cá tính, khiến người Việt Nam có xu hướng hay “nhìn trước ngó sau” khi làm một việc gì đó, đôi khi thiếu quyết đoán và thiếu tinh thần trách nhiệm. Tính cố kết cộng đồng cũng dễ biến tướng thành tâm lý cục bộ, địa phương từ đó làm méo mó hành vi của con người và càng trở nên nguy hiểm khi người dân thiếu niềm tin và sự thiện cảm đối với các chủ thể công quyền. Ở nước ta, có hiện tượng người dân liên kết với nhau để cùng “đối phó” với pháp luật và lực lượng chức năng, ví dụ thực tế như: Các lái xe đường dài sử dụng những ký hiệu riêng để báo động cho nhau về các chốt cảnh sát giao thông, điểm bắn tốc độ, trạm cân; các hộ kinh doanh báo động cho nhau về các đợt thanh tra, kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường; các hộ dân biểu tình trái pháp luật để cản trở công tác giải phóng mặt bằng…
Thứ hai, còn ỷ lại và thụ động[3]: Đặc tính này có mối liên hệ mật thiết và phái sinh từ đặc tính đầu tiên đã trình bày. Do thói quen sống theo cộng đồng, sống dựa vào cộng đồng mà người Việt Nam ta đôi khi vẫn có tâm lý dựa dẫm, không tự thân quyết tâm, nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu. Khi gặp khó khăn họ thường hay nhờ vả và có xu hướng đùn đẩy phần khó sang người khác. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng “thiếu trách nhiệm cá nhân, thừa trách nhiệm tập thể”. Sự thụ động này cũng là một nhân tố giúp lý giải vì sao tính tích cực chính trị của công dân Việt Nam hiện nay chưa cao và hiểu biết pháp luật còn mang tính một chiều. Chúng ta thường có tư duy chấp nhận tri thức thay vì tư duy phản biện. Một bộ phận công dân rất yêu mến pháp luật nhưng lại hình thành lối suy nghĩ “luật luôn đúng”, “làm theo luật mới là đúng”, từ đó tự biến mình thành những kẻ phục tùng pháp luật một cách vô điều kiện, biến pháp luật thành một thứ nhất thành, bất biến. Một bộ phận cán bộ, công chức tỏ ra cứng nhắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật mà thiếu đi tính linh hoạt, sáng tạo. Cần thấy rằng, ý thức pháp luật và pháp luật là hai hiện tượng có mối quan hệ tác động qua lại rất phức tạp. Thực tại pháp luật được phản ánh vào trong ý thức pháp luật tạo thành các tri thức và ngược lại, ý thức pháp luật có thể vượt trước để cải tạo thực tại pháp luật[4]. Do đó, việc thiếu vắng tư duy phản biện sẽ làm kìm hãm sự phát triển của cả hai hiện tượng.
Thứ ba, tính dễ lan truyền hay còn gọi là “tâm lý đám đông”: Đây là một đặc điểm thường thấy của người dân Á Đông và được thể hiện đặc biệt rõ nét ở người Việt Nam. Tính cách này cũng chứa đựng trong mình cả những ưu điểm và hạn chế. Ở khía cạnh tích cực, tính lan truyền là chất keo gắn kết để tạo nên dư luận xã hội, một thứ quyền lực có sức mạnh vô cùng to lớn trong xã hội hiện đại. Chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp sự phản ánh và phản kháng gay gắt của người dân trước các hiện tượng vi phạm pháp luật đã buộc nhà chức trách phải vào cuộc và giải quyết một cách triệt để chỉ trong một thời gian ngắn, như vụ cô giáo tông xe vào học sinh ở trường tiểu học Nam Trung Yên hay vụ giáo viên lăng mạ học viên tại Trung tâm Ngoại ngữ MST… Tuy nhiên, ở khía cạnh tiêu cực, “tâm lý đám đông” có thể dẫn tới hiện tượng a dua, hình thành và phát tán những dư luận xấu, phản ánh một cách hời hợt, không đánh giá được chính xác ý nghĩa pháp lý của sự việc hoặc cổ xúy cho những cách hành xử không phù hợp với quy định của pháp luật[5]. Tâm lý đám đông này không chỉ dừng ở việc lên án, chỉ trích vô căn cứ, phản ánh sai tính chất pháp lý của vụ việc mà đôi khi dẫn tới những hành động bột phát, gây mất trật tự xã hội.
Thứ tư, tính tiếp thu và thích nghi nhanh của người Việt Nam: Người Việt Nam được đánh giá là ham học hỏi và có khả năng lĩnh hội rất nhanh. Đây là một ưu điểm khiến cho nhiều doanh nghiệp tầm cỡ thế giới đã quyết định đặt hạ tầng sản xuất ở Việt Nam và sử dụng công nhân Việt Nam làm lực lượng lao động chính. Song, một cái “dở” cũng được chính người nước ngoài chỉ ra là người Việt Nam ít khi học “đến nơi đến chốn” cho nên nhiều kiến thức chỉ nắm được phần vỏ mà chưa hiểu được cái nền tảng và ý nghĩa bên trong. Nói về tri thức pháp luật, phần đông người dân Việt Nam chưa có cơ hội tiếp xúc và nhận thức đầy đủ những học thuyết, quan điểm, quan niệm về nguồn gốc, bản chất, vai trò, chức năng, hình thức của pháp luật hay cơ chế điều chỉnh pháp luật. Ngay đối với những tri thức thuộc về pháp luật thực định, sự hiểu biết và khả năng làm chủ của người Việt Nam cũng chưa cao. Công dân thường nắm rõ các quy định liên quan đến các nghĩa vụ mà mình phải thực hiện hơn là các quyền, lợi ích hợp pháp mà mình được hưởng. Trong bản thân các nghĩa vụ pháp lý, công dân cũng mới chỉ nắm được yêu cầu của Nhà nước về việc “phải làm gì” mà chưa quan tâm đến việc “phải làm như thế nào”. Từ đó, dẫn đến tình trạng biết về các quy định của pháp luật nhưng không nắm rõ được hoặc biết nhưng không vận dụng được.
Thứ năm, người Việt Nam rất coi trọng tình cảm: Tác động tốt của tính cách này là rất rõ ràng và không thể phủ nhận. Một khi coi trọng tình cảm, con người sống với nhau sẽ luôn hướng tới sự nhân bản, trong ứng xử hàng ngày đều luôn có yếu tố hướng thiện, đề cao tinh thần bao dung, chia sẻ, cảm thông với người khác. Tuy nhiên, khi cảm thông quá đến mức “xuề xòa” thì những tác động tốt đẹp này sẽ bị đảo cực. Chúng ta vẫn hay nói đến câu chuyện “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, đây là một lối tư duy rất nguy hiểm khi đã đặt pháp luật xuống sau yếu tố tình cảm[6]. Cho dù là chủ thể áp dụng pháp luật hay là chủ thể thi hành pháp luật, một khi mang tư tưởng như vậy sẽ có những hành vi không đúng mực, vi phạm vào nguyên tắc pháp chế. Nhìn rộng ra, trong một xã hội mà yếu tố tình cảm được coi trọng một cách thái quá thì pháp luật sẽ rất khó chiếm được vị trí thượng tôn trong đời sống xã hội. Sẽ càng nguy hiểm khi tâm lý coi trọng tình cảm lại được kết hợp với sự hiểu biết pháp luật không chính xác. Từ việc nhận thức hời hợt về nội dung pháp luật, không hiểu được ý nghĩa, tinh thần mà nhà làm luật muốn chuyển tải, nhiều trường hợp các quy định của pháp luật đã bị người dân hiểu sai. Đơn cử như trong vụ án Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, khi mức án phạt đối với bị cáo được tuyên ra, có một luồng dư luận cho rằng bản án này là quá nhẹ và pháp luật hình sự Việt Nam còn lỏng lẻo, chưa đủ nghiêm khắc. Từ đó, nhiều ý kiến đề nghị phải xử tử hình đối với kẻ gây án[7]. Chi tiết này phản ánh một thực trạng khá đáng buồn khi một bộ phận không nhỏ người dân hầu như không có hiểu biết gì về nguyên tắc xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, nguyên tắc nhân đạo trong hoạt động xét xử cũng như xu hướng bỏ án tử hình ở nhiều nước trong xã hội đương đại. Hay như trong vụ việc Công ty Formosa xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, nhiều người dân cho rằng, việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công ty này là sự “bao che”, “nể nang” của Nhà nước. Vấn đề nằm ở chỗ, Bộ luật Hình sự Việt Nam tại thời điểm đó chưa thừa nhận pháp nhân là chủ thể của tội phạm. Như vậy, nếu hiểu biết pháp luật đầy đủ và chính xác, người công dân có trách nhiệm lẽ ra phải kiến nghị sửa đổi luật thay vì tỏ thái độ đối với một hoạt động phù hợp với pháp luật của cơ quan công quyền.
Thứ sáu, người Việt Nam vẫn có tâm lý nghi kị, dò xét: Được đánh giá cao bởi sự cởi mở, thân thiện nhưng không ít lần người Việt Nam cũng bị phê bình bởi sự thiếu thật thà, thiếu tin tưởng vào đối phương. Một trong những lý do khiến pháp luật chưa thể vươn tới vị trí tối thượng trong đời sống xã hội là do nó chưa chiếm được niềm tin hoàn toàn của toàn bộ người dân. Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay, vẫn có một bộ phận công dân Việt Nam tỏ ra hoài nghi về tính công bằng, tính minh bạch cũng như tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật. Sở dĩ có tâm lý này không chỉ vì bản thân nội dung pháp luật có nhiều hạn chế mà còn do những bất cập trong cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật. Một bộ phận người dân cho rằng nhiều quy định pháp luật hiện nay xuất phát từ lợi ích nhóm hoặc trong quá trình thực hiện sẽ bị mang màu sắc lợi ích nhóm, từ đó mà lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ, bảo đảm một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, sự hoài nghi không phải không có ý nghĩa tích cực của nó. Khi tiếp nhận thông tin về các hiện tượng xã hội, người dân Việt Nam bắt đầu có xu hướng liên hệ tới các quy định của pháp luật và tự đặt ra những câu hỏi như “liệu có trái pháp luật hay không?”, “vai trò của pháp luật thể hiện ở chỗ nào?”, “có truy cứu trách nhiệm hình sự được không?”… Sự tự hoài nghi những tri thức pháp luật của mình chính là chất xúc tác tốt nhất giúp chủ thể trau dồi, hoàn thiện những tri thức ấy, dần dần hình thành nên lối tư duy bằng pháp luật.
Thứ bảy, thái độ thờ ơ, vô cảm của một bộ phận người dân Việt Nam hiện nay trước các hiện tượng xã hội: Tình trạng này thể hiện đặc biệt rõ ở địa bàn thành thị, nơi tác phong nông nghiệp dần dần nhường chỗ cho lối sống công nghiệp. Khi mà con người có nhiều lợi ích cá nhân cần thỏa mãn hơn, họ ít chú ý đến những lợi ích chung của xã hội, theo thời gian sẽ hình thành nên lối sống ích kỷ, thực dụng và trách nhiệm đối với cộng đồng ngày càng giảm xuống. Tâm lý dĩ hòa vi quý, “tránh voi chẳng xấu mặt nào” khiến người ta có xu hướng “khuất mắt trông coi” khi vô tình chứng kiến những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Thậm chí ngay cả khi họ là người trong cuộc và có những thiệt hại về lợi ích hợp pháp, tinh thần phản ánh, phản kháng cũng bị thui chột bởi nhiều lý do khác nhau như ngại phiền phức, sợ bị trả thù, sợ bị phô bày cái xấu của chính mình… Do đó, trên thực tế có rất nhiều sai phạm diễn ra trong một thời gian dài ở môi trường gia đình, trường học nhưng cơ quan chức năng hầu như không nắm bắt được thông tin. Bạo lực học đường, bạo hành gia đình, trấn lột, gian lận thương mại là những vấn nạn gây nhức nhối xã hội nhưng thường chỉ được phản ánh một cách chậm trễ khi đã ở vào những hoàn cảnh “tức nước, vỡ bờ”. Đơn cử như vụ việc một nam diễn viên Việt Nam bị bắt tại Mỹ và bị cáo buộc với tội danh xâm hại tình dục trẻ em. Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về sự kiện chấn động này thì một loạt nghệ sỹ trong nước mới đồng thanh lên tiếng tố cáo những hành vi tương tự trong quá khứ của bị cáo[8]… Sự thờ ơ, vô cảm cũng dẫn tới tình trạng lười nhác thực hiện nghĩa vụ công dân như thấy người bị nạn nhưng không cứu, thấy hỏa hoạn nhưng không báo… trong nhiều trường hợp đã dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc.
Thứ tám, tâm lý tự ti: Trong cách ứng xử hàng ngày, nhiều người Việt Nam đôi khi vẫn tỏ ra rụt rè, dè dặt, nhất là trong những môi trường mới. Khi nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp người Việt Nam ngại va chạm trực diện, ngại thể hiện rõ chính kiến của bản thân, đôi khi chấp nhận phần thua thiệt để đổi lấy sự bình yên. Trong đời sống pháp luật, đa số người dân Việt Nam không mấy tự tin khi phải tiếp xúc với pháp luật. Ví dụ dễ thấy, khi đến làm thủ tục tại các cơ quan hành chính hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ công, người dân thường có tâm lý lo lắng, hồi hộp đôi khi trở nên khép nép. Khi bị cảnh sát giao thông dừng xe, dù chưa biết lý do nhưng người điều khiển phương tiện thường có thái độ sợ hãi, căng thẳng, tự ức chế về mặt tâm lý. Liên quan đến những tranh chấp dân sự, người Việt Nam phần nhiều còn mang tâm lý ngại quan tụng, không ưa giải quyết bằng con đường tài phán. Biểu hiện cực đoan của sự thiếu tự tin này là xu hướng lẩn tránh pháp luật, cố gắng lựa chọn phương án xử sự ít động chạm đến những khía cạnh pháp lý hơn. Về phía chủ thể xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, tâm lý thiếu tự tin thể hiện ở việc sợ trách nhiệm, đôi khi chấp nhận lựa chọn phương án an toàn thay vì tìm kiếm phương án tối ưu. Một số quy định pháp luật được đưa ra nhưng triển khai còn cầm chừng, không quyết liệt, thời gian thí điểm, thử nghiệm kéo dài.
Thứ chín, không coi trọng thời gian và thiếu tính khoa học trong công việc[9]: Đặc điểm này có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, hiệu suất thực thi pháp luật của các chủ thể trong xã hội, đặc biệt là đối với các chủ thể công quyền. Ở Việt Nam, có nhiều thủ tục hành chính được cho là rườm rà, phức tạp gây tốn thời gian, phiền hà cho cả hai phía. Vấn đề thời hạn, thời hiệu giải quyết các tranh chấp hay các vi phạm pháp luật đôi khi vẫn bị coi nhẹ. Tính khoa học chưa cao trong hoạt động thi hành án cũng gây ra nhiều bất cập. Các quy định của pháp luật dù không bị vi phạm nhưng nếu không được thực hiện một cách tích cực, thường xuyên và linh hoạt thì cũng không thể nói ý thức pháp luật của người dân đã hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Cuối cùng, phải thẳng thắn nhìn nhận, “bệnh hình thức” đã lây nhiễm vào cả những hoạt động pháp lý của nước ta từ khâu xây dựng pháp luật cho đến khâu tổ chức thi hành pháp luật. Biểu hiện dễ thấy là khi nào Nhà nước tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát, chấn chỉnh (trong ngôn ngữ đời thường hay gọi là các đợt “ra quân”) thì tỉ lệ vi phạm giảm đáng kể, nhưng sau đó lại tăng trở lại, các hiện tượng vi phạm lại tái diễn. Hành vi giao thông ở những ngã ba, ngã tư có cảnh sát giao thông đứng điều khiển nghiêm túc hơn nhiều so với những giao lộ vắng bóng cảnh sát giao thông. Do đó, đây cũng phải xem là một “mầm bệnh” cần khắc phục nếu chúng ta muốn nâng cao ý thức pháp luật của người dân.
2.2. Về sinh lý
Người Việt Nam có thể hình nhỏ bé hơn mặt bằng chung trong khu vực cũng như trên thế giới. Chúng ta cũng không có lợi thế về thể lực song lại được đánh giá cao về khả năng chịu đựng, sự bền bỉ. Với đặc điểm sinh lý như vậy, người Việt Nam có xu hướng sử dụng trí tuệ hơn là sức lực trong việc xử lý các tình huống khó khăn. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, người Việt Nam có tư chất thông minh song lại thiên về sự lanh lẹ hay gọi theo một cách dân dã hơn là “khôn vặt”. Điều này cũng ít nhiều góp phần hình thành nên lối tư duy lách luật, đối phó khá đặc trưng của người dân Việt Nam. Với hiểu biết không đủ sâu và thiếu toàn diện về pháp luật, một bộ phận không nhỏ người Việt Nam tuy có ý thức tránh không vi phạm pháp luật nhưng lại chỉ thực hiện pháp luật một cách nửa vời, cầm chừng. Có thể dẫn ra đây vài minh chứng như việc người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không có tác dụng bảo vệ đầu mà chỉ để “làm cảnh”, lắp gương không có tác dụng quan sát mà chỉ “cho có”; người đi đường xả rác bừa bãi ở bất cứ đâu không thấy biển cấm… Ở khía cạnh còn lại, sự yếu thế về thể lực lại có quan hệ biện chứng với tính cố kết cộng đồng, hình thành lối sinh hoạt dựa vào sức mạnh của số đông.
3. Đôi dòng kết luận
Đánh giá về ý thức pháp luật là một hoạt động cần thiết và luôn mang tính thời sự. Trong khoảng hai chục năm trở lại đây, ý thức pháp luật trở thành chủ đề nghiên cứu thu hút nhiều nhà khoa học ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ triết học, xã hội học, tâm lý học cho tới luật học. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực so với thời kỳ trước nhưng vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng ý thức pháp luật của người dân Việt Nam chưa cao so với người dân các nước phát triển, chưa đáp ứng được đòi hỏi của đời sống xã hội. Song sẽ là phiến diện nếu chỉ làm một phép so sánh cơ học mà không tính đến những yếu tố đặc thù thuộc về tâm sinh lý của chủ thể. Qua bài viết, tác giả mong muốn đóng góp thêm một góc nhìn cho vấn đề vốn khá phức tạp này./.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Tư pháp, 2016, tr. 443 - 444.
[2]. Xem Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2001.
[3]. Xem bài viết “Người Việt Nam thuộc văn hóa âm tính nên thụ động” tại địa chỉ http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/gs-tran-ngoc-them-nguoi-viet-thuoc-van-hoa-am-tinh-nen-thu-dong-n20130718130711043.htm.
[4]. Xem Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Tư pháp, 2016, tr. 445.
[5]. Xem bài viết “Hậu quả xã hội khôn lường từ hội chứng tâm lý đám đông” tại địa chỉ: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/hau-qua-xa-hoi-khon-luong-tu-hoi-chung-tam-ly-dam-dong-a22088.html.
[6]. Xem Nguyễn Hồi Loan, Một số đặc điểm tâm lý của người nông dân Việt Nam ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hội nhập kinh tế, Tạp chí Tâm lý học, số 7/2005.
[7]. Xem bài viết “Một triệu chữ ký đòi tử hình Lê Văn Luyện” tại địa chỉ: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/mot-trieu-chu-ki-doi-tu-hinh-le-van-luyen-56589.html.
[8]. Xem bài viết “Nhiều nạn nhân tố cáo Minh Béo quấy rối tình dục lên tiếng” tại địa chỉ: http://baodatviet.vn/van-hoa/tin-tuc-giai-tri/nhieu-nan-nhan-to-minh-beo-quay-roi-tinh-duc-len-tieng-3304225/.
[9]. Xem Trần Ngọc Thêm, sđd.