Nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, phát hiện và xử lý vi phạm, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an cơ bản đã quy định đầy đủ, chuyên sâu về TTATGTĐB; thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo của Đảng; đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phòng ngừa tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, phát hiện và xử lý vi phạm, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGTĐB. Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) và đề xuất quy định về điểm và trừ điểm GPLX đối với tài xế có hành vi vi phạm vào dự thảo như sau:
1. Đề xuất quy định về điểm và trừ điểm giấy phép lái xe đối với tài xế có hành vi vi phạm vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Từ thực tiễn tình hình tham gia giao thông tại Việt Nam hiện nay, tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, phần lớn nguyên nhân đều do lỗi của con người. Việc thay đổi hành vi ứng xử của người tham gia giao thông cần được ưu tiên, nhằm làm cho vấn đề ATGTĐB có tính chất quy phạm.
Điều này có nghĩa, văn hóa giao thông phải được thay đổi, tăng cường các quy định cụ thể để người dân có hành vi đúng mực khi tham gia giao thông. Thực tế hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; các vi phạm về TTATGT còn diễn ra phổ biến, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng; cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe. Đồng thời, hiện nay, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm GPLX đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông…
Về các quy định pháp luật cụ thể để trực tiếp tác động đến ý thức người tham gia giao thông thì từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng “bấm lỗ”. Nếu GPLX bị đánh dấu 02 lần thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi GPLX; nếu bị đánh dấu 03 lần, GPLX hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới. Tuy nhiên sau 04 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ. Bộ Công an cho rằng, việc bấm lỗ trên GPLX không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Ngoài ra, việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách có được bằng lái mới.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cấp thiết đó, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung quy định trừ điểm GPLX vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cụ thể: Điểm sẽ được gán cho bằng lái xe, dự kiến mỗi người có 12 điểm/năm và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại GPLX.
Theo đề xuất, vi phạm nhiều lần, trừ hết điểm, GPLX sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn được cấp GPLX mới thì 6 tháng sau sẽ phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu. Việc đề xuất quy định mới này trong dự thảo Luật sẽ là một biện pháp quản lý Nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. Đồng thời, quy định này sẽ góp phần quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm và tái phạm, việc trừ điểm GPLX cũng sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
2. Đề xuất bỏ hạng giấy phép lái xe A4, gộp hạng B1 và B2 thành hạng B
Các quy định cụ thể về GPLX hiện nay được quy định cụ thể tại Điều 59 Luật Giao thông đường bộ (Số 15/VBHN-VPQH ngày 05/7/2019) như sau:
“1. Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.
2. Giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm các hạng sau đây:
a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
b) Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
c) Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
3. Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.
4. Giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng sau đây:
a) Hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg;
b) Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;
c) Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;
d) Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2;
đ) Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C;
e) Hạng E cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D;
g) Giấy phép lái xe hạng FB2, FD, FE cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2, D, E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa; hạng FC cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.
5. Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận giấy phép lái xe của nhau”.
Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã đề xuất thay đổi một số hạng giấy phép lái xe như:
Theo quy định đang có hiệu lực tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, giấy phép lái xe bao gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC. Trong đó, Hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg; Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.
Trong dự thảo báo cáo mới Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, hiệp hội về dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đã đề xuất bỏ hạng A4 và không quy định hạng GPLX cho người điều khiển máy kéo vì căn cứ vào kiểu loại, công dụng của phương tiện, loại phương tiện này sẽ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng. Đồng thời, Bộ Công an cũng đề xuất đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B do căn cứ để phân hạng GPLX là từ công suất, kiểu loại, động cơ, số chỗ ngồi.
Việc đề xuất thay đổi một số hạng GPLX như trên nhằm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nội luật hóa các quy định về phân hạng GPLX quy định tại Công ước Viên năm 1968, đảm bảo cam kết của Việt Nam khi ký kết, gia nhập Công ước. Đồng thời, việc phân hạng GPLX sẽ tạo thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành viên của Công ước Viên; không mất chi phí đổi và học để được cấp GPLX. Qua đó góp phần phát triển kinh tế, du lịch, thương mại, hợp tác quốc tế, đồng thời phát triển đầu tư, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện trong nước và quốc tế do có sự đồng bộ về phân hạng phương tiện và GPLX.
Đồng thời, để tránh tác động xã hội tại điều khoản chuyển tiếp, Bộ Công an cho biết sẽ quy định đối với GPLX cấp trước khi luật này có hiệu lực thi hành sẽ được tiếp tục sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên GPLX. Việc chuyển đổi chỉ thực hiện đối với sát hạch, cấp mới và các trường hợp cấp đổi, cấp lại, chuyển đổi thực hiện theo hướng có lợi cho người dân, không gây mất an toàn giao thông./.
Phúc Bảo
Ảnh: internet