Abstract: Midterm elections for the Senate and House of Representatives in the United States play an important role in the re-selection of delegates to Congress in the hope of finding a team with legislative experience and bringing democracy to the United States. The article analyzes the legal, political, socio-economic factors affecting the results of the midterm elections of the US Congress.
1. Yêu cầu của Hiến pháp về điều tra dân số ở Mỹ năm 2020 và vai trò của đảng phái
Về yêu cầu của Hiến pháp Mỹ, bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ là quá trình bầu cử bắt buộc theo Điều I của Hiến pháp Hoa Kỳ, theo đó, tất cả các thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ và khoảng một phần ba số thành viên của Thượng viện Hoa Kỳ đều có tên trong lá phiếu, diễn ra hai năm một lần. Hiện tại, Hạ viện có 435 thành viên và Thượng viện có 100 thành viên. Các cuộc bầu cử được diễn ra vào giữa nhiệm kỳ bốn năm của Tổng thống và tổ chức cùng với cuộc bầu cử Thống đốc của bang.
Số ghế trong Hạ viện được quy định theo luật không nhiều hơn 435 ghế, nhưng cứ sau 10 năm, khi Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ tiến hành cuộc điều tra dân số. Kết quả điều tra dân số được sử dụng để xác định phân bổ lại đại diện trong Quốc hội, tức là có bao nhiêu “ghế” trong Hạ viện Mỹ mà một bang được quyền cử đại diện. Do đó, một bang có thể giành được “ghế” trong Hạ viện Mỹ nếu dân số của bang đó tăng lên hoặc mất “ghế” nếu dân số của bang đó giảm so với dân số ở các bang khác. Số “ghế” được chỉ định hoặc phân bổ cho các bang có thể thay đổi. Những thay đổi về dân số này thường đòi hỏi phải vẽ lại các khu vực bầu cử. Ở nhiều bang, các cơ quan lập pháp vẽ các bản đồ quận, điều đó mang lại quyền lực to lớn cho đảng nắm quyền kiểm soát để tạo ra các bản đồ có lợi cho đảng chính trị của họ.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 là cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên được tổ chức kể từ khi những thay đổi do điều tra dân số được thực hiện. Khi nhận được dữ liệu từ Cục Điều tra dân số năm 2020, các tiểu bang sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để vẽ lại các khu vực bầu cử của họ. Cuộc điều tra dân số năm 2020 đã làm xáo trộn chính trị ở một số bang, gây khó khăn trong tiến trình phân chia khu vực bầu cử. Theo Hội nghị Quốc gia của các cơ quan lập pháp tiểu bang, 25 tiểu bang khác có các yêu cầu theo Hiến pháp hoặc theo luật định để tái phân chia khu vực vào năm dương lịch 2021. Có 35 cơ quan lập pháp bang bỏ phiếu về việc tái phân chia khu vực của Quốc hội nhận được dữ liệu họ cần trước ngày 30/9 để vẽ bản đồ mới, Đảng Cộng hòa thúc đẩy quá trình đó ở 20 bang, so với 11 bang của Đảng Dân chủ. Bang Virginia và New Jersey, nơi sẽ tổ chức các cuộc bầu cử Thống đốc bang, đã điều hành theo các bản đồ hiện có. Các cử tri ở New Jersey đã thông qua kế hoạch trì hoãn việc tái phân chia khu vực cho đến khi có dữ liệu và thực hiện các bản đồ mới vào năm 2023. Nhưng Virginia tiến hành xem xét các cuộc bầu cử Hạ viện trong ba năm liên tiếp. Tại Louisiana, Pennsylvania và Wisconsin, các cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa điều hành phải thống nhất với các thống đốc Đảng Dân chủ về bản đồ Quốc hội mới.
Đảng chính trị là trung tâm của cuộc bầu cử các quan chức. Việc lựa chọn và đề cử các ứng cử viên, giai đoạn đầu tiên quan trọng của quá trình bầu cử, thường nằm trong tay các đảng phái chính trị. Do đó, hệ thống đảng có thể được coi là một phần mở rộng của quá trình bầu cử. Các đảng chính trị cung cấp nguồn tài năng để thu hút các ứng cử viên, đồng thời đơn giản hóa và định hướng lựa chọn bầu cử cũng như huy động cử tri ở giai đoạn đăng ký và bầu cử.
Các đảng chính trị của Mỹ tập trung vào chiến lược tranh cử nhằm thu hút cử tri bỏ phiếu ủng hộ cho ứng cử viên của mình. Năm 2022, Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ nhận được sự ủng hộ và có nhiều lợi thế giành chiến thắng tại Hạ viện, trong bối cảnh cử tri Mỹ thất vọng về nền kinh tế dưới sự điều hành của Tổng thống Biden. Ngoài ra, Đảng Cộng hòa còn có lợi thế từ quá trình tái phân chia khu vực được thực hiện 10 năm một lần. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ cũng đang tích cực vận động cử tri để duy trì thế đa số tại Hạ viện, chủ yếu “nhắm” vào các vấn đề “nóng” hiện nay như quyền phá thai và kiểm soát súng đạn. Cuộc đua vào Thượng viện khá căng thẳng. Một số cuộc đua ở các bang chiến trường quan trọng diễn ra sít sao.
2. Quan điểm bỏ phiếu của cử tri
Cách lựa chọn bầu cử của cử tri bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là bản sắc nhóm xã hội, giúp hình thành bản sắc đảng phái lâu dài. Ngoài ra, các cử tri ở mức độ lớn hơn hoặc ít hơn dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngắn hạn và ngẫu nhiên hơn, chẳng hạn như các sự kiện chiến dịch tranh cử hay các vấn đề của đời sống yêu cầu. Đặc biệt, năng lực quản lý được nhận thức của các ứng cử viên và các đảng phái chính trị thường ảnh hưởng rất nhiều đến lựa chọn của cử tri. Cuộc bầu cử năm 2022 diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt với tình trạng lạm phát cao, sự chia rẽ về các vấn đề nóng như quyền phá thai và quyền kiểm soát súng đạn... Bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 ở Mỹ rất quan trọng bởi việc Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden có kiểm soát được cả hai viện hay không có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành chương trình nghị sự hoặc chính sách của ông Biden trong thời gian tới. Trong thời gian năm qua, Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chiếm đa số “ghế” ở cả Hạ viện và Thượng viện, tạo điều kiện để ông Biden có thể dễ dàng thông qua những điều luật và chính sách mà ông muốn. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện là không đáng kể và điều này đang tạo ra sự cạnh tranh gay cấn trong cuộc bầu cử sắp tới. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ được coi là một cuộc trưng cầu dân ý toàn liên bang đối với kết quả điều hành Chính phủ của Tổng thống Joe Biden nói riêng và Đảng Dân chủ nói chung trong gần hai năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất hai năm tới.
Các cuộc bầu cử cho phép cử tri lựa chọn các nhà lãnh đạo và buộc họ phải chịu trách nhiệm về hiệu suất khi đương nhiệm. Trách nhiệm giải trình có thể bị suy giảm khi các nhà lãnh đạo được bầu không quan tâm đến việc họ có được bầu lại hay không. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát các nhà lãnh đạo bằng cách yêu cầu họ tuân theo các cuộc bầu cử thường xuyên và định kỳ giúp giải quyết vấn đề kế nhiệm lãnh đạo, do đó góp phần duy trì nền dân chủ. Năm 2022, trong cuộc chạy đua vào “ghế” Thượng viện Mỹ của bang Colorado, Thượng nghị sĩ Michael Bennet đã sử dụng các chiến thắng khi tập trung quan điểm về các vùng đất công. Trong khi một số ứng cử viên như Joe O’Dea ở Colorado và Alexis Martinez Johnson ở New Mexico đề cập đến các vấn đề môi trường trong các chiến dịch tranh cử của họ. Cuối cùng họ đã thua đối thủ - lần lượt là Michael Bennet và Teresa Leger Fernandez[1] - những người có kế hoạch cụ thể hơn để bảo vệ miền Tây, không gian ngoài trời và về bảo tồn. Kết quả bầu cử phản ánh cuộc thăm dò do Trung tâm Ưu tiên miền Tây tiến hành vào tháng 5/2022. Sự ủng hộ đối với đất công cộng được 87% đảng viên Đảng Cộng hòa và 81% đảng viên Đảng Dân chủ muốn bảo vệ không gian ngoài trời và tiếp cận với việc đi bộ hay cắm trại tại khu vực mà họ rất quan tâm[2]. Nhìn chung, kết quả cho thấy mặc dù lạm phát gia tăng, nhưng vấn đề bảo tồn vẫn được các cử tri quan tâm và các nghị sĩ Quốc hội phải đưa chương trình này trở thành một phần trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của họ. Các ưu tiên của Đảng Dân chủ như tiếp cận phá thai, giải quyết biến đổi khí hậu và kiểm soát súng chặt chẽ hơn sẽ ngay lập tức bị gạt sang một bên.
Cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội năm 2022 được cử tri lựa chọn đại biểu đa dạng về chủng tộc và sắc tộc nhất trong lịch sử. Nhìn chung, 133 nhà lập pháp được xác định là người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Ấn, người Alaska bản địa hoặc đa chủng tộc. Cùng với nhau, các nhà lập pháp này chiếm một phần tư Quốc hội, bao gồm 28% Hạ viện và 12% Thượng viện. Để so sánh, khi Đại hội lần thứ 79 nhậm chức vào năm 1945, các nhà lập pháp không phải da trắng chỉ chiếm 1% tổng số Hạ viện và Thượng viện cộng lại. Người Mỹ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha chiếm 75% số thành viên bỏ phiếu trong Quốc hội mới, nhiều hơn đáng kể so với tỷ lệ 59% của họ trong dân số Hoa Kỳ[3].
Năm 2022 có thể là một năm kỷ lục về số cử tri đi bỏ phiếu với người Mỹ gốc Á dẫn đầu. Là nhóm dân tộc phát triển nhanh nhất ở Hoa Kỳ, với sự tăng trưởng 35,5% trong thập kỷ qua, người Mỹ gốc Á đang đóng góp vào việc tham gia bầu cử của cử tri. Trên thực tế, vào năm 2020, 58% người Mỹ gốc Á đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống. Hơn nữa, người Mỹ gốc Việt là nhóm dân tộc châu Á lớn thứ tư, chiếm khoảng 10% tổng dân số châu Á[4]. Mặc dù chiếm một phần nhỏ hơn so với những nhóm dân số châu Á khác, người Mỹ gốc Việt ở California, Texas, tiểu bang Washington và Georgia có thể thay đổi rất nhiều các chính sách ảnh hưởng đến việc làm, giáo dục và y tế ở cấp tiểu bang và địa phương.
Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng, cùng với tác động ngày càng giảm của các ảnh hưởng nhóm xã hội, sự lựa chọn của cử tri giờ đây bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các yếu tố ngắn hạn liên quan đến các chiến dịch bầu cử cụ thể. Sự thay đổi từ khuynh hướng dài hạn sang đánh giá ngắn hạn đã tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri khi tham gia vào cuộc bầu cử lựa chọn đại biểu cho họ tại Quốc hội Mỹ.
3. Tính hợp pháp của kết quả kiểm phiếu
Trong các cuộc bầu cử, hàng triệu phiếu bầu của từng cá nhân được kiểm đếm để bảo đảm rằng kết quả là hợp lệ, đáng tin cậy và hợp pháp. Sự ra đời của máy bỏ phiếu và công nghệ máy tính đã không thay đổi đáng kể quy trình bỏ phiếu, mặc dù nhìn chung nó đã làm cho kết quả kiểm phiếu nhanh hơn và tiết kiệm hơn. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, các điểm bỏ phiếu ở hầu hết các bang ở Mỹ đóng cửa trong khoảng từ 19 - 20 giờ tối, giờ địa phương, trừ một số bang ở bờ Tây nơi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào buổi trưa hoặc đầu giờ chiều ngày 9/11 theo giờ Việt Nam. Ngay sau khi đóng cửa, các điểm bỏ phiếu bắt đầu quá trình kiểm phiếu và những quy định về bầu cử ở các bang không giống nhau, do đó, kết quả bỏ phiếu sẽ không có cùng một lúc mà thậm chí còn có thể kéo sang vài ngày sau đó ở một số bang. Có tới gần một nửa số bang ở Mỹ cho phép cử tri đăng ký và bỏ phiếu trong ngày bầu cử, điều đó có nghĩa lá phiếu của những người bỏ phiếu qua bưu điện vẫn được tính nếu dấu bưu điện là ngày 8/11, với những trường hợp này, kể cả lá phiếu của họ tới sau ngày bầu cử thì vẫn có giá trị.
Trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2022, theo thống kê toàn quốc, Đảng Cộng hòa đã giành được tổng cộng 54,4 triệu phiếu bầu trên toàn quốc, so với 51,4 triệu của Đảng Dân chủ. Những con số này khác xa so với tổng số phiếu bầu mà cựu Tổng thống Donnal Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden bảo đảm trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, lần lượt là 74,2 triệu và 81,3 triệu. Các ứng cử viên Tổng thống được trao tổng số đại biểu ở mỗi bang mà họ giành được. Số lượng đại biểu này được xác định bằng cách cộng: Hai Thượng nghị sĩ, cộng với tổng số khu vực bầu cử ở mỗi bang, tỷ lệ thuận với dân số. Cần 270 đại biểu để được bầu vào chức vụ Tổng thống. Các bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất là California (54), Texas (40), Florida (30) và New York (28). Một số bang có dân số ít - chẳng hạn như Delaware, Wyoming, Vermont, Alaska hoặc Washington D.C. - mỗi bang chỉ có ba đại biểu[5].
Với tình hình kinh tế và chính trị, Đảng Cộng hòa đã giành được Hạ viện với tỷ số cách biệt rất nhỏ - 222 “ghế” so với 213 “ghế” và mất Thượng viện, với Đảng Dân chủ và các đảng viên độc lập thân với Đảng Dân chủ kiểm soát 51 trên 100 “ghế”.
4. Tài chính cho ứng cử viên tranh cử
Tài chính cho chiến dịch là vấn đề cơ bản của chế độ dân chủ. Các quy định và giới hạn về tài chính có thể được đặt ra một cách hợp lý cho chiến dịch tranh cử để ngăn ngừa tham nhũng. Ngoài việc ngăn chặn hoàn toàn tham nhũng, quy định về tài chính cho chiến dịch tranh cử còn tìm cách hạn chế ảnh hưởng quá mức của tiền bạc trong chính trị. Chi tiêu cho chiến dịch đã tăng lên ở nhiều quốc gia kể từ đầu thế kỷ 21. Chi phí bầu cử ngày càng tăng thể hiện đặc biệt rõ ràng ở Mỹ. Từ năm 2000 đến năm 2012, tổng chi tiêu ước tính cho các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã tăng gần gấp đôi, từ 3,1 tỷ USD lên 5,8 tỷ USD. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ về tài chính cho chiến dịch tranh cử này không phải là đặc thù của nước Mỹ, mà là một hiện tượng toàn cầu.
Tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với vấn đề về vai trò và ảnh hưởng của tài chính trong chính trị, nhưng mỗi quốc gia giải quyết vấn đề này bằng các giá trị và chính sách khác nhau. Tại Hoa Kỳ, các quy định về tài chính cho chiến dịch tranh cử tập trung vào việc hạn chế các khoản đóng góp của đảng phái, thay vì hạn chế chi tiêu của các chiến dịch. Trong vụ kiện Buckley kiện Valeo (1976), Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã đánh giá rằng, mặc dù giới hạn đóng góp thực sự hạn chế quyền tự do ngôn luận, nhưng những biện pháp đó là hợp lý bởi Chính phủ cần phải ngăn chặn tham nhũng. Mặt khác, do thiếu bằng chứng về mối liên hệ giữa tham nhũng và việc sử dụng tài sản cá nhân của ứng cử viên để vận động tranh cử, Tòa án đã bãi bỏ các hạn chế đối với chi tiêu của các ứng cử viên trong chiến dịch tranh cử của họ. Trong vụ tranh cãi giữa Công dân và Ủy ban bầu cử Liên bang (2010), Tòa án Tối cao phán quyết rằng các tổ chức như công đoàn và tập đoàn cũng được bảo vệ khỏi một số hạn chế chi tiêu bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, cụ thể là cấm chi tiêu không được phối hợp với bất kỳ chiến dịch chính trị nào. Bốn năm sau, Tòa án đã hủy bỏ các giới hạn đối với các khoản đóng góp của các cá nhân cho các ứng cử viên cho chức vụ liên bang, các đảng phái chính trị và các ủy ban chính trị trong vụ McCutcheon kiện Ủy ban bầu cử Liên bang (2014). Như vậy, tài trợ cho chính trị ở Mỹ đã trở nên dễ dàng hơn nhiều sau phán quyết của Tòa án tối cao cho phép các công ty và các nhóm lợi ích bên ngoài chi tiêu không giới hạn để gây quỹ cho các cuộc bầu cử.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2022, để giành 06 “ghế” tại bang New York mà Đảng Cộng hòa đã lật đổ Đảng Dân chủ và chiếm lại Hạ viện, một nhóm đảng viên của Đảng Dân chủ đã chi 45 triệu USD cho khu vực bầu cử tại New York. Đây là khoản tiền kỷ lục được sử dụng với hy vọng có thể đưa đảng này trở lại nắm quyền. Tại thời điểm đó, Quỹ lãnh đạo Quốc hội của Đảng Cộng hòa cũng đã chi 21 triệu USD cho New York[6].
Không có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nào đã sử dụng chi tiêu tài chính ở cấp tiểu bang, cấp liên bang như cuộc bầu cử năm 2022 và trở thành cuộc bỏ phiếu đắt đỏ nhất. Do quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ đều được định đoạt tại cuộc bầu cử lần này nên cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều rất coi trọng. Đảng Cộng hòa được đánh giá có ưu thế giành lại quyền kiểm soát Hạ viện từ tay Đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Joe Biden, trong khi cuộc đua thâu tóm Thượng viện có vẻ khó dự đoán hơn. Điều này làm cho cả sáu cuộc đua căng thẳng nhất vào Thượng viện đều có thể mang tính quyết định và kết quả là chúng đang thu hút một lượng tiền lớn đầu tư. Theo OpenSecrets, một tổ chức phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ cho biết tổng chi tiêu của Mỹ cho các cuộc đua trong chu kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 vượt quá 16,7 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục 13,7 tỷ USD đã điều chỉnh theo lạm phát được chi vào năm 2018[7]. Các ứng cử viên và Ủy ban liên bang chi 8,9 tỷ USD khi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tranh giành quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện. Đảng Dân chủ đã huy động được nhiều tiền hơn Đảng Cộng hòa ở cấp liên bang trong chu kỳ bầu cử, nhưng Đảng Cộng hòa đang chi tiêu nhiều hơn Đảng Dân chủ khi đảng này nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ.
Qua nghiên cứu về các nhân tố tác động đến cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ cho thấy, cuộc cạnh tranh giành số “ghế” ở Quốc hội Mỹ rất căng thẳng. Mức độ đạt được niềm tin của cử tri là yếu tố quan trọng, trong đó Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa phải thuyết phục cử tri thông qua cương lĩnh tranh cử khi chú trọng đến lợi ích của cộng đồng. Không chỉ có vậy, ứng cử viên của Đảng cũng phải chứng minh năng lực cá nhân nên đã đặt chi tiêu tài chính rất lớn cho bầu cử giữa kỳ để giành quyền kiểm soát Thượng viện cũng như Hạ viện. Dù đảng nào giành quyền kiểm soát trong Quốc hội Mỹ, họ vẫn phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu để không bị chuyển giao số phiếu cho đảng đối lập trong cuộc bầu cử tiếp theo.
TS. Phạm Thị Thu Huyền
TS. Nguyễn Văn Đáp
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn
[1]. Michael Bennet, SenatorBennet. (July 16, 2022). After years of collaboration with leaders in Southwest Colora- do, I introduced legislation this week to protect a portion of the Dolores River... Twitter, https://twitter.com/Sena- torBennet/status/ 1548434803078205442, truy cập ngày 13/3/2023.
[2]. Center for Western Priorities (2023), Winnig the West: Election 2022, https://westernpriorities.org/resource/winning-the-west-election-2022/?gclid=Cj0KCQjwk7ugBhDIARIsAGuvgPZ-HpI3b4YsF-iLw0KZV-Pt7Bh1t9KRKW064_ okvRRh62Hst4AZYDgaAjnyEALw_wcB, truy cập ngày 13/3/2023.
[3]. Katherine Schaeffer (2023), The changing face of Congress in 8 charts, https://www.pewresearch.org/fact-tank/2023/02/07/the-changing-face-of-congress/, truy cập ngày 14/3/2023.
[4]. Vietfact (2022), Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là gì? Tại sao chúng lại quan trọng, https://vietfactcheck.org/2022/10/23/cac-cuoc-bau-cu-giua-nhiem-ky-la-gi-va-tai-sao-chung-lai-quan-trong/, truy cập ngày 14/3/2023.
[5]. Miguel Jimenez (2022), Based on the US midterms, which party will win the 2024 presidential elections? https://archive.ph/2022.12.13-144505/https://english.elpais.com/usa/2022-12-13/based-on-the-us-midterms-which-party-will-win-the-2024-presidential-elections.html, truy cập ngày 14/3/2023.
[6]. Nicholas Fandos, To retake the House, Democrats put early money on New York, https://www.nytimes.com/ 2023/02/22/nyregion/new-york-democrats-congress.html, truy cập ngày 16/3/2023.
[7]. Chinadaily (2022), Total cost os US midterm elections to set record, https://global.chinadaily.com.cn/a/ 202211/08/WS63698df0a3105ca1f2274970.html, truy cập ngày 15/3/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)