Đơn giản, gọn nhẹ, hoạt động theo đúng quy trình, quy phạm; thích ứng với từng loại đối tượng, từng loại công việc; phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi chúng ta đang phải tuân thủ rất nhiều quy định về thủ tục hành chính, trong số đó, có rất nhiều thủ tục hành chính đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức và đời sống của nhân dân, gây tốn kém nguồn lực xã hội và ảnh hướng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Abstract: Administrative formalities reform is a part of the state administrative institution reform with a view to establish and implement administrative formalities following certain simple, ordered norms that operate in accordance with process, norms and are suitable to every object and work, to real practice and meet the demand of a socialist-oriented economy. People should now conform with many regulations of the administrative formalities in their daily life, in which many of administrative formalities are barriers for the production and business of organizations and people's life which may cause waste to social resources and affect the competitive ability of the economy.
Nhận thức rõ những bất cập của thủ tục hành chính (TTHC) trong nền hành chính nhà nước, ngày 04/5/1994, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38-CP về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Mục đích là đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính. Đây chính là bước đột phá trong hoạt động nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực, là sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng và hoàn thiện thể chế nhà nước.
Nhằm tạo hành lang pháp lý cơ bản để triển khai thực hiện công cuộc cải cách TTHC, đáp ứng nhu cầu xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản: Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010; Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27/4/2006 phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 phê duyệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30); Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 (Nghị quyết số 30c/NQ-CP), trong đó quy định nhiệm vụ quan trọng liên quan tới cải cách TTHC, cụ thể là: “Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật”. Như vậy, cải cách TTHC đang là một trong những yêu cầu cấp bách và trọng tâm của cải cách hành chính theo yêu cầu của Chính phủ. Cải cách hành chính có đạt kết quả hay không phụ thuộc một phần của kết quả cải cách TTHC. Cải cách TTHC là điều kiện cần thiết để tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, tăng cường sự tham gia quản lý nhà nước của nhân dân. Cải cách TTHC được coi là khâu đột phá trong cải cách nền hành chính nhà nước, nghĩa là tạo ra sự chuyển động của toàn bộ hệ thống nền hành chính quốc gia. TTHC là khâu lựa chọn đầu tiên, cải cách TTHC sẽ gây ra sự chuyển động của toàn bộ hệ thống.
Trong những năm gần đây, cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về giáo dục nói riêng ngày càng được quan tâm chú trọng hơn. Tháng 4/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ giai đoạn 2012 - 2015 trên cơ sở cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 30c/NQ-CP. Theo đó, thủ tục hành chính liên quan đến người dân, cơ sở giáo dục được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản và minh bạch. Công tác kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của Bộ và các đơn vị trực thuộc, sắp xếp lại cho phù hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống, trùng lặp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố được Bộ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (Quyết định số 5076/QĐ-BGDĐT ngày 12/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quyết định số 698/QĐ-BGDĐT ngày 07/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Theo Quyết định số 698/QĐ-BGDĐT ngày 07/3/2016, danh mục TTHC được chuẩn hóa gồm 185 TTHC: 92 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, 54 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh, 35 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và 04 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã. TTHC được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, nơi tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Như vậy, khi thực hiện TTHC với cơ quan hành chính nhà nước, cá nhân, tổ chức có quyền được biết và được hướng dẫn đầy đủ để thực hiện, có quyền từ chối những yêu cầu của cán bộ, công chức nếu TTHC không quy định. Hệ thống TTHC từng bước được cải cách theo hướng đơn giản, công khai; đội ngũ cán bộ, công chức được quan tâm bồi dưỡng về năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân. Những cải cách đó cũng đã góp phần tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đồng thời làm cho bộ máy nhà nước khắc phục được những bất cập trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Tuy nhiên, cải cách TTHC trong quản lý nhà nước về giáo dục còn một số hạn chế, cụ thể như: Nhiệm vụ rà soát, đánh giá và đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC của một số đơn vị chủ trì thuộc Bộ chưa chủ động và tích cực; việc công bố, cập nhật thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế và TTHC mới ban hành vào cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm so với yêu cầu. Với khối lượng công việc khá lớn mà bộ máy quản lý lại yêu cầu tinh giản, gọn nhẹ nếu không thực hiện theo hướng cải cách các thủ tục hành chính ngay từ khi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có chứa thủ tục hành chính đến khi ban hành và tổ chức thực hiện trên thực tế sẽ dẫn đến chậm trễ, gây phiền hà cho dân. Do vậy, việc xem xét, làm rõ những yếu tố ảnh hưởng đến cải cách TTHC trong quản lý nhà nước về giáo dục là một đòi hỏi khách quan.
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về giáo dục
Thứ nhất, năng lực nhận thức của chủ thể thủ tục hành chính
Bất kỳ một quan hệ xã hội nào cũng đòi hỏi có sự tham gia của các chủ thể mối quan hệ đó. Căn cứ vào dấu hiệu quyền lực, chủ thể của TTHC gồm chủ thể thực hiện TTHC và chủ thể tham gia TTHC.
Chủ thể thực hiện TTHC là chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước, nhân danh Nhà nước tiến hành các TTHC, bao gồm các cơ quan, cán bộ, công chức, tổ chức xã hội, cá nhân được Nhà nước trao quyền quản lý trong trường hợp cụ thể do pháp luật quy định. Còn chủ thể tham gia TTHC là chủ thể phục tùng quyền lực nhà nước khi tham gia vào TTHC, bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc phân chia thành hai nhóm chủ thể chỉ mang tính tương đối. Tùy từng TTHC cụ thể mà xác định là chủ thể thực hiện TTHC hay chủ thể tham gia TTHC.
Cơ quan hành chính nhà nước là cơ quan có chức năng quản lý hành chính nhà nước nên trong hầu hết các hoạt động của mình, cơ quan hành chính nhà nước nhân danh quyền lực nhà nước thực hiện hoạt động quản lý. Những hoạt động này được thực hiện bởi các TTHC. Khi đó, cơ quan nhà nước chính là chủ thể thực hiện TTHC. Các chủ thể này thực hiện nhiều TTHC khác nhau. Khi thực hiện TTHC cấp giấy phép thành lập trung tâm tin học, ngoại ngữ, Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập các trung tâm tin học, ngoại ngữ. Các tổ chức, cá nhân muốn thành lập trung tâm tin học, ngoại ngữ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, gửi hồ sơ đến Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị cho phép được thành lập trung tâm. Lúc này, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc thẩm định hồ sơ của trung tâm. Nếu đáp ứng sẽ ban hành Quyết định cho phép trung tâm ngoại ngữ, tin học được thành lập và hoạt động. Các cán bộ, công chức được Sở Giáo dục và Đào tạo phân công sẽ là chủ thể thực hiện TTHC. Tuy nhiên, trong TTHC khác, cán bộ, công chức sẽ là chủ thể tham gia TTHC. Để thực hiện TTHC khiếu nại về quyết định nâng lương hay bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác của mình, cán bộ, công chức của Sở Giáo dục và Đào tạo trong trường hợp này là chủ thể tham gia TTHC.
TTHC sẽ không được thực hiện nếu không có các chủ thể tiến hành. Nói cách khác, TTHC chỉ là những quy định trên giấy tờ khi không có chủ thể tham gia hay chủ thể thực hiện. Vì vậy, các chủ thể tham gia và thực hiện vào quá trình cải cách TTHC được nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tầm quan trọng của công cuộc cải cách TTHC thì sẽ có thái độ tích cực làm thúc đẩy quá trình cải cách nhanh chóng đạt được mục đích đặt ra. Các nhóm chủ thể xác định được vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền lợi của mình khi tham gia TTHC sẽ làm quá trình giải quyết TTHC trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Công cuộc cải cách TTHC muốn thành công đòi hỏi con người hay chủ thể thực hiện TTHC phải nhận thức được tầm quan trọng của cải cách TTHC trong hệ thống hành chính, từ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đến đội ngũ cán bộ, công chức tiếp xúc trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp hay tổ chức. Công cuộc cải cách TTHC sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu chỉ có cơ quan hay đơn vị ban hành quy định TTHC hay cán bộ, công chức thực hiện TTHC hay chủ thể tham gia TTHC mà không đề cập tới người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị có liên quan. Trên thực tế, việc nâng cao ý thức phục vụ và chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức là yếu tố có tính quyết định. Bởi vì, các chủ trương, biện pháp dù hay và thiết thực đến mấy mà đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết các TTHC không thực hiện hoặc thực hiện không nhiệt tình thì hiệu quả của cải cách TTHC không được như mong muốn. Cải cách muốn thành công thì trước hết nằm ở yếu tố con người. Khi TTHC được rút gọn nhưng các loại phí “ bôi trơn” vẫn còn thì TTHC vẫn chỉ là phương tiện để một số người trục lợi. Do đó, cần giám sát thường xuyên, có hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong tiếp nhận, xử lý công việc của cá nhân và tổ chức; thiết lập cơ chế giám sát từ bên trong, từ trên xuống dưới. Khi triển khai Đề án 30, tất cả các cơ quan từ trung ương đến địa phương đều phải tích cực tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập một Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Vụ và các cán bộ, công chức tham gia làm thành viên. Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố được Bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền giải quyết của mình. Từ những phân tích ở trên, có thể khẳng định, con người vẫn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả chương trình cải cách TTHC hiện nay.
Thứ hai, hệ thống các quy định về thủ tục hành chính
Theo đánh giá chương trình đơn giản hóa TTHC của Việt Nam, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng: “Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện quản trị công, nâng cao chất lượng thể chế, kích thích năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bình đẳng. Rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện được chương trình cải cách có quy mô như Đề án 30”.
Kết quả của Đề án 30 đã giúp Chính phủ nhận diện được khiếm khuyết, bất cập của hệ thống các quy định về TTHC, đặc biệt là vấn đề chất lượng của các quy định này. Đề án 30 cho thấy, có thể loại bỏ rất nhiều quy định hành chính là rào cản cho hoạt động kinh doanh và đời sống của nhân dân mà vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước. Các quy trình xây dựng, ban hành các quy định hành chính trước đây nặng về tính hợp pháp của văn bản và các quy định mà chưa chú trọng đến các yếu tố kinh tế, kỹ thuật. Bên cạnh đó, những yêu cầu hội nhập, những thách thức của cạnh tranh trong hội nhập quốc tế và các biến động kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu cũng đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực cải cách TTHC bằng việc nâng cao chất lượng hệ thống thể chế TTHC. Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.
Thứ ba, truyền thông và sự tham gia của các nguồn lực xã hội
Từ trước đến nay, truyền thông luôn là một trong những công cụ hữu hiệu nhất trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, bao gồm cả trong và ngoài bộ máy hành chính. Việc huy động các đối tượng chịu ảnh hưởng cùng tham gia vào quá trình cải cách TTHC nếu thiếu truyền thông thì nhận thức của tất cả các đối tượng sẽ không đầy đủ, do đó, sẽ có những thiếu sót hoặc hành vi không đúng. Hoạt động tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là con đường ngắn nhất để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho nhân dân, cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức giáo dục, cho sự phát triển của đất nước.
Để công tác cải cách TTHC của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt được hiệu quả cao, chúng ta phải biết huy động, phát huy sức mạnh của lãnh đạo và chuyên viên trong tất cả các Vụ, Cục thuộc Bộ trong việc quy định, thực hiện và tuân thủ TTHC. Các cán bộ, công chức thuộc Bộ cũng như những đối tượng tham gia TTHC trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và các TTHC khác thuộc chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tích cực giám sát việc thực hiện TTHC, kịp thời phản ánh, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc thực hiện TTHC không đúng quy định của cán bộ, công chức hoặc những TTHC không phù hợp với thực tế và chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Việc huy động các đối tượng chịu sự tác động của TTHC tham gia vào việc xây dựng các quy định hành chính sẽ bổ sung thêm nguồn lực cho cải cách TTHC, từ việc đóng góp các sáng kiến cải cách TTHC đến việc giám sát thực hiện TTHC theo đúng các quy định của pháp luật. Để nhấn mạnh cho tầm quan trọng của yếu tố huy động mọi lực lượng tham gia vào cải cách TTHC, Thủ tướng Chính phủ đưa ra một thông điệp để thực hiện thành công mục tiêu của cải cách TTHC: “Huy động toàn xã hội tham gia vào quá trình kiểm soát TTHC để thực hiện tốt mục tiêu cải cách TTHC, đảm bảo nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì các TTHC thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất”.
Có thể nói, một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách TTHC là phát hiện và xóa bỏ những TTHC thiếu tính đồng bộ, chồng chéo, rườm rà, phức tạp trong quá trình tiếp nhận và xử lý công việc giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, công dân. Để đạt được mục tiêu của cải TTHC thì cần thiết phải xem xét đến những yếu tố ảnh hưởng đến cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, tác giả đã tập trung phân tích làm rõ các quan điểm chỉ đạo và những yếu tố ảnh hưởng đến cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về giáo dục.
Bộ Giáo dục và đào tạo
[1]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2008), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
[2]. Chính phủ (2010), Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính.
[3]. Chính phủ (1994), Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 04/5/1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức.
[4]. Chính phủ (2011), Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
[5]. Thủ tướng Chính phủ (2001), Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.
[6]. Thủ tướng Chính phủ (2003), Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “ một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
[7]. Thủ tướng Chính phủ (2006), Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27/4/2006 phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010.
[8]. Thủ tướng Chính phủ (2007), Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 phê duyệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010.
[9]. Thủ tướng chính phủ (2015), Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015.