1. Nền kinh tế số và vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp
Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ dựa trên nền tảng internet đã và đang làm biến đổi nhanh chóng nhận thức và hành vi của con người. Nếu như trong cuộc cách mạng lần thứ hai, lần thứ ba, các thành tựu về máy móc chạy bằng hơi nước, điện khí hóa đã thúc đẩy nền sản xuất đại công nghiệp phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu vận hành của nền kinh tế thị trường thì trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, các hành vi kinh doanh truyền thống trước đây đã có những biến đổi mạnh mẽ về hình thức, thậm chí có thể gây lẫn lộn về bản chất. Nền kinh tế số đã tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia nền kinh tế tìm kiếm những lợi ích mà họ hướng tới. Đồng thời cũng đặt ra những tình huống quản lý mới đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những giải pháp hữu hiệu để bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước và bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia vào quan hệ kinh tế của nền kinh tế số, trong đó có quyền lợi thu thuế của chủ thể quản lý. Do nền kinh tế số đang phát triển trên quy mô toàn cầu nên các tình huống quản lý liên quan đến thuế cũng được đặt ra với mọi chủ thể quản lý ở mọi quốc gia khác nhau. Điều này đòi hỏi các chủ thể quản lý ở các quốc gia khác nhau cần có sự liên kết để đề xuất và thực hiện những giải pháp quản lý thuế hữu hiệu. Thực tế, sự phát triển kinh tế của các quốc gia luôn có nhiều điểm khác biệt như sự khác nhau về hệ tư tưởng chính trị, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội, sự chênh lệch về trình độ sản xuất, trình độ quản lý nhà nước… sẽ dẫn đến những chính sách ưu đãi thu hút FDI cũng có những sự chênh lệch nhất định về mức thuế suất. Điều này đã và đang tạo ra kẽ hở về chính sách khiến cho MNCs lợi dụng và tìm kiếm những biện pháp lách luật để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, hạn chế các chi phí gây ảnh hưởng đến nguồn lợi nhuận, trong đó có việc tránh né các loại thuế - đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) - Hành vi tránh né nộp các loại thuế này được xác định là các hành vi BEPS.
Trong thu hút FDI, mọi quốc gia đều có chính sách nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài này, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển đã luôn cân nhắc trong chính sách phát triển kinh tế của quốc gia mình thông qua biện pháp hữu hiệu là giảm thuế TNDN. Trên thế giới, trong giai đoạn từ 2008 - 2017 đã diễn ra cuộc đua xuống đáy về thuế TNDN: “Thuế suất thuế TNDN trên toàn cầu đã giảm từ mức trung bình 27,5% vào 10 năm trước, xuống còn 23,6%”[1]. Và “khối các nước G20 giảm từ 40% xuống 30% trong vòng 25 năm”[2]. Những quốc gia đang phát triển cũng tham gia vào cuộc đua xuống đáy thuế TNDN để thu hút đầu tư. Như Việt Nam tỷ lệ thuế suất thuế TNDN giảm rất sâu, mức áp thuế suất thuế TNDN đối với các loại hình doanh nghiệp phổ biến là 25% vào năm 2008[3] và 05 năm sau giảm xuống mức 22%[4] (áp dụng từ ngày 01/01/2014) và sẽ chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01/01/2016[5]. Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa có mức tổng doanh thu năm thu nhập được áp dụng mức thuế suất 20%[6] ngay từ ngày 01/7/2013[7]. Bắt đầu từ ngày 01/01/2016, thuế suất đối với thuế TNDN áp dụng chung cho mọi doanh nghiệp phổ thông được tính là 20%. Đặc biệt, để thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực, địa bàn mà nhà nước khuyến khích thì mức thuế suất thuế TNDN còn được ưu đãi sâu hơn nữa ở mức 10%[8] (trong đó có doanh nghiệp được quy định cụ thể về thời gian hưởng tùy theo địa bàn, lĩnh vực, quy mô) và đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội tại thì được hưởng mức thuế suất 10% từ ngày 01/7/2013[9].
2. Xác định các hành vi BEPS và vấn đề quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên 15 lĩnh vực chủ đạo như: Cơ sở dữ liệu tập trung; Thành phố thông minh; Tiền ảo; Trí tuệ nhân tạo; Năng lượng tái tạo/Công nghệ sạch; Công nghệ màng mỏng; Thương mại điện tử; Người máy; Công nghệ in 3D; Kết nối thực ảo; Các nền kinh tế chia sẻ; Internet kết nối vạn vật; Công nghệ Nano/Vật liệu 2D; Công nghệ sinh học/Biến đổi gen và cách mạng nông nghiệp; Khử muối lọc nước ngọt từ nước biển và quản lý chất thải rắn. Nền kinh tế số vận hành trên nền tảng internet kết nối vạn vật, chủ yếu áp dụng phương thức trao đổi phi truyền thống thông qua thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy nhân loại phát triển mạnh mẽ hướng đến thỏa mãn các nhu cầu ngày càng cao của con người.
Trên môi trường mạng internet, các chủ thể của nền kinh tế số tiến hành các hành vi có tính chất đầu tư, sản xuất, kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Để đạt được mục đích, các chủ thể này có thể tiến hành các hoạt động quảng cáo trực tuyến thông qua các website, các mạng xã hội, bán hàng qua các app… nhằm thu hút sự chú ý của đông đảo khách hàng và lượng người theo dõi. Việc quảng cáo có thể được các chủ thể của nền kinh tế số tự mình tiến hành quảng cáo hoặc cũng có thể thông qua một chủ thể trung gian cung cấp dịch vụ quảng cáo hay dịch vụ hỗ trợ quảng cáo, bán hàng. Các chủ thể này có thể là pháp nhân, có thể là cá nhân đều có khả năng sử dụng thành thạo các thành tựu về công nghệ số để áp dụng vào công việc của mình để tạo ra thu nhập. Đối với pháp nhân, chủ thể này đã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động và có nộp thuế môn bài, thuế TNDN theo quy định của pháp luật. Đối với cá nhân, họ có thể là người có đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động và nộp thuế theo quy định. Cả hai nhóm chủ thể này nếu hoạt động trên môi trường mạng internet đều đã có được những thuận lợi lớn trong tiết kiệm chi phí về thuê mặt bằng, thuê trụ sở, thuê nhân công, hiệu suất về quảng cáo… nên nếu họ tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế cũng sẽ thực sự tạo ra được lợi nhuận lớn và sẽ rất lý tưởng đối với các nhà quản lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, với môi trường internet kết nối vạn vật rất thông thoáng, mọi cản trở về mặt địa lý, luật pháp dường như không đáng kể đã và đang tạo ra môi trường tốt chưa từng có cho hoạt động kinh tế nên những mong muốn của người kinh doanh là đề cao lợi nhuận đã nhanh chóng được bộc lộ qua việc tránh né các loại thuế, trong đó có thuế TNDN khi họ phát hiện ra các kẽ hở của luật pháp. Khi kết nối với môi trường internet, thế giới trở nên phẳng và bao la vô tận. Các rào cản về mặt địa lý, luật pháp có lẽ cũng chỉ đang tạo ra giới hạn đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet thông qua việc lắp đặt máy chủ cung cấp dịch vụ internet ở một nơi nhất định nào đó. Quốc gia nơi nhà cung cấp dịch vụ intenet đặt máy chủ sẽ thu thuế được đối với các hoạt động của họ. Tuy nhiên, đối với các pháp nhân, cá nhân sau khi mua dịch vụ internet và tiến hành các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên môi trường internet thông qua các mạng xã hội, apps công nghệ có thể đưa các sản phẩm, dịch vụ của mình vượt ra khỏi tầm quản lý của các quốc gia để đến với mọi người tiêu dùng trên thế giới. Thách thức đối với các nhà quản lý của từng quốc gia là rất lớn khi các sản phẩm của nền kinh tế số được đưa vào giao dịch trong môi trường thương mại điện tử có thể không phải là những sản phẩm hữu hình để buộc phải thông quan theo pháp luật về quá cảnh đối với hàng hóa nên khó có thể được kiểm soát về số lượng, chất lượng và thu, nộp thuế theo quy định.
Ứng dụng công nghệ trong nền kinh tế số cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế chia sẻ phát triển. Lợi ích của hoạt động kinh tế chia sẻ mang lại cho xã hội vô cùng lớn, cộng đồng có thể tiết kiệm được nhiều loại chi phí khác nhau để có thể sử dụng nó vào các mục đích khác. Đơn cử việc một ai đó sở hữu ô tô có nhu cầu đi công tác hay du lịch trên một cung đường sẵn sàng đưa ô tô của mình vào “sử dụng chung” bằng việc đăng tin mời một vài người tham gia cùng cung đường đó để chia sẻ chi phí về xăng, phí cầu đường, khấu hao xe… sẽ trở thành một dịch vụ đa tiện dụng với chủ xe. Lợi ích của hoạt động kinh tế chia sẻ này là giảm sự gia tăng của lưu lượng xe ô tô, giảm khí thải ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nhà kinh doanh vận tải thì kinh tế chia sẻ trong trường hợp này sẽ thiệt hại đối với nguồn thu của họ, đồng thời Nhà nước cũng sẽ hạn chế nguồn thu. Đơn giản là trong những trường hợp chia sẻ chi phí này Nhà nước chưa kiểm soát được - thực tế cũng sẽ khó kiểm soát vì đây là hoạt động không thường xuyên, không đòi hỏi các chủ xe phải có đăng kí hoạt động hay đăng kí kinh doanh vận tải.
Trong nền kinh tế số hiện nay có những hoạt động vẫn còn gây tranh cãi về chủ thể kinh doanh để xác định người nộp thuế. Đơn cử như trường hợp xe công nghệ Grab, mặc dù, hiện nay, Nhà nước đã xác định đó là chủ thể kinh doanh vận tải để áp thuế và tạo sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Tuy nhiên, về góc độ Grab, họ luôn đưa ra ý kiến là họ không kinh doanh vận tải nên không thể áp thuế kinh doanh vận tải với họ, họ chỉ là đơn vị kết nối cộng đồng thông qua app xe công nghệ: “Về bản chất, Grab chỉ đóng vai trò là trung gian kết nối tài xế với hành khách”[10]. “Grab chỉ là bên cung cấp dịch vụ kết nối cho các tài xế xe 2 bánh theo mô hình kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử”[11].
Bên cạnh đó, các vấn đề đặt ra đối với MNC trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam đó là hành vi không đặt doanh nghiệp, lập chi nhánh hay văn phòng đại diện kinh doanh tại Việt Nam hoặc không trực tiếp tiến hành hoạt động kinh doanh ở các nước có mức thuế suất thấp nhưng đã thông qua nghiệp vụ kế toán để chuyển phần lợi nhuận đến chi nhánh đặt ở nước có mức thuế suất thấp để được áp mức thuế suất ưu đãi - còn gọi là những thiên đường thuế. Theo nghiên cứu của Oxfam thì: “90% các công ty lớn nhất trên thế giới đang mở các chi nhánh tại ít nhất 1 thiên đường thuế. Bằng cách này, mức thuế suất của 50 công ty tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Hoa Kỳ phải đóng chỉ là 25,9%, thấp hơn gần 10% so mới mức thuế quy định trong luật của nước này”[12] và “20 ngân hàng lớn nhất châu Âu khai báo 26% tổng lợi nhuận của họ (khoảng 25 tỷ Euro) tại các thiên đường thuế”[13].
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu báo cáo tài chính của MNCs trong hoạt động đầu tư FDI thì “số lượng doanh nghiệp FDI có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 báo lỗ lên tới 14.108 doanh nghiệp, tương đương với 56% tổng số doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Số thua lỗ năm 2020 của các doanh nghiệp FDI ghi nhận lên tới khoảng 151.064 tỉ đồng”[14]. Trong đó, một số doanh nghiệp FDI kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, phần mềm, được hưởng lợi khá nhiều từ bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng báo lỗ như Công ty Airpay và Công ty Shopee. Trong đó, Công ty Shopee lại cho thấy có hiện tượng khá nghịch lý là doanh thu tăng nhưng lại lỗ nặng hơn “Tuy doanh thu tăng cao, quy mô vốn đầu tư lớn (Công ty Shopee) và có sự mở rộng về quy mô (Công ty Airpay), nhưng hai doanh nghiệp FDI này vẫn báo lỗ, trong đó Công ty Shopee bị lỗ mất vốn, mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước hạn chế”[15]. Sang đến năm 2021, các doanh nghiệp FDI có “lợi nhuận sau thuế đạt 83.585 tỉ đồng, tăng 29,6% so với năm 2020… Tuy nhiên,… nợ phải trả của doanh nghiệp FDI năm 2021 cũng tăng tới 14,7% so với năm 2020, lên 5,261 triệu tỉ đồng. Một số lĩnh vực có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn như thông tin truyền thông là trên bốn lần… số doanh nghiệp FDI báo lỗ là 14.293, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp FDI của cả nước”[16].
Hậu quả của xói mòn thuế là vô cùng to lớn, nó có thể tăng gánh nặng thuế đối với những doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời có ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng yếu thế đang cần hưởng các chính sách an sinh xã hội của nhà nước do Chính phủ sẽ phải thực hiện các biện pháp nhằm cân bằng lại những xói mòn từ thuế như biện pháp thuế lũy thoái (thuế giá trị gia tăng) để chi cho các dịch vụ công như tái tạo, khắc phục tình trạng suy thoái về môi trường, đất đai, bảo vệ sức khỏe người dân…
Ngày 09/2/2022, Việt Nam đã chính thức gia nhập MLI[17] và sẽ phải thực hiện các kế hoạch hành động của BEPS. Trong Dự án BEPS đưa ra giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (gọi tắt là Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu), cụ thể: (i) Trụ cột 1 là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số cho những quốc gia có người tiêu dùng và thị trường; (ii) Trụ cột 2 đưa ra mức thuế TNDN tối thiểu toàn cầu 15% (GMT) đối với MNCs nhằm ngăn ngừa việc chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp hơn để tránh né thuế. Giải pháp này là cần thiết để tránh xói mòn thuế, tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia, giữa các loại hình doanh nghiệp. Quốc gia nơi có thị trường và người tiêu dùng cần thu đủ thuế để thực hiện chi cho các dịch vụ công ích, an sinh xã hội. Chính vì vậy, vào 11/2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên thủ các quốc gia tham dự đã thông qua gói kế hoạch triển khai 15 hành động cụ thể của Dự án BEPS (Phụ lục 1 - Bảng 1). Đến tháng 7/2021, trong Chương trình hợp tác, đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu với sự tham gia của 134 thành viên đã đồng thuận thông qua giải pháp 2 trụ cột để giải quyết các vấn đề về thuế của quá trình số hóa nền kinh tế trên thế giới và đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với lợi nhuận của MNCs (Phụ lục 2 - Bảng 2).
Về Trụ cột 1: Đối với những MNC đạt doanh thu toàn cầu hàng năm hơn 20 tỷ Euro và lợi nhuận hơn 10% (trừ các công ty trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng và dịch vụ tài chính) sẽ áp dụng cơ chế thực hiện việc phân bổ lại một phần lợi nhuận cho các quốc gia nơi có thị trường và người tiêu dùng. Mức phân bổ lại mà MNCs sẽ thực hiện ước chừng từ 20 - 30% phần lợi nhuận phụ trội vượt trên 10%. Theo đó, trụ cột 1 này sẽ áp dụng cơ chế khấu trừ thuế hoặc miễn thuế để tránh việc đánh thuế hai lần đối với MNCs.
Về Trụ cột 2: Quy tắc về thuế suất tối thiểu toàn cầu nhằm bảo đảm lợi nhuận của MNCs phải nộp ở mức thuế suất tối thiểu, trong trường hợp các khoản lợi nhuận đó đang được hưởng mức thuế suất thấp hơn hoặc thậm chí không phải chịu thuế. Trụ cột 2 này hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế toàn cầu và tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia (không phân biệt nền kinh tế lớn, nhỏ). Xét về tính mới, đây là giải pháp thuế thể hiện bước tiến mới của nhân loại trong nỗ lực hạn chế tình trạng nhiều MNC lập kế hoạch giảm thiểu mức thuế phải nộp thông qua các hành vi chuyển lợi nhuận đến các thiên đường thuế, hay đến các quốc gia có mức thuế suất thấp hơn hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên quốc gia mà không thành lập doanh nghiệp, không lập chi nhánh, văn phòng đại diện. Hoặc có thể thành lập mới các doanh nghiệp FDI để hưởng ưu đãi, hết thời hạn hưởng ưu đãi lại tuyên bố giải thể, phá sản.
3. Khuyến nghị nội luật dự án BEPS và thực hiện một số biện pháp duy trì, phát triển FDI
Do tính chất toàn cầu nên việc đối phó với các hành vi BEPS không thể thực hiện riêng lẻ mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa mọi quốc gia thành viên của MLI, trong đó cần sự tham gia tích cực của các nước đang theo đuổi khát vọng phát triển (như Việt Nam là một ví dụ) - đang mời gọi đối với MNCs thực hiện FDI - tuy nhiên, sự báo lỗ của 55% MNC đã khiến cho các kỳ vọng vào FDI của Việt Nam không đạt. Việc áp dụng mức thuế tối thiểu cho phép Việt Nam bổ sung nguồn thu cho ngân sách, tuy nhiên, việc thực hiện BEPS cũng sẽ gây cản trở đến tính hấp dẫn FDI của Việt Nam. Vì ngoài việc giá nhân công rẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chính trị ổn định, thì thời gian vừa qua cam kết ưu đãi thuế cũng là một biện pháp quan trọng để MNCs quyết định tham gia thị trường Việt Nam. Trước thực trạng đó, Việt Nam cần nghiên cứu cụ thể để nội luật hóa Kế hoạch hành động của BEPS, Hiệp định MLI sao cho bảo đảm cao nhất quyền lợi của quốc gia, đồng thời cũng bảo đảm được quyền lợi của MNCs. Trong đó cần chú ý nghiên cứu các hành động số 5, 6, 12 và 13 của BEPS. Đây là những hành động đòi hỏi sự phối hợp và nỗ lực cao giữa các quốc gia trong quá trình thực hiện Dự án BEPS. Việc một quốc gia không thực hiện BEPS có thể gây ra tác động bất lợi đến toàn bộ các quốc gia khác. Ở châu Á, Hàn Quốc đã ban hành các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu mới (ngày 31/12/2022)[18]; ở châu Âu, Liên minh EU đã ban hành Chỉ thị về thuế tối thiểu (15/12/2022)[19] để phù hợp với Trụ cột thứ 2 của BEPS… Đối với Việt Nam cần xác định thực hiện BEPS là tất yếu, và là nghĩa vụ thành viên nên cần chủ động ban hành luật về thuế tối thiểu và các văn bản hướng dẫn cần thiết. Quá trình đó cần nhất quán và quán triệt:
- Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các hành động trong Kế hoạch của Dự án BEPS và MLI.
- Thể chế các hành động của Dự án BEPS phải luôn bám sát quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Chính phủ trong Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cần sớm ban hành Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
- Đặc biệt chú ý nghiên cứu các hành động 5, 6 của Kế hoạch hành động của Dự án BEPS để loại trừ các thông lệ thuế có hại tìm ra nguyên tắc và cơ chế ưu đãi thuế hợp lý; sửa đổi luật pháp để ngăn ngừa các hành vi lợi dụng ưu đãi thuế, tránh né thuế.
- Xây dựng các quy định bắt buộc MNCs cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp theo hành động 12, 13 của Kế hoạch BEPS. Tuy nhiên, cần tham khảo thông lệ quốc tế, rút kinh nghiệm từ thực tế quản lý trong nước để quy định này đáp ứng được nhu cầu quản lý hành chính nhà nước nhưng không gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Hợp tác quốc tế chặt chẽ, kịp thời đề xuất những khó khăn của nền kinh tế trong nước, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với những nền kinh tế đang phát triển để nâng cao năng lực thu hút FDI, quản lý thuế trong nước để Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đồng thời vẫn có thể giải quyết được những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập với MLI.
- Thực hiện một số biện pháp giữ chân MNCs đã đầu tư tại Việt Nam theo cam kết chính trị (hưởng ứng sự kêu gọi đầu tư của Đảng và Nhà nước Việt Nam trước đây) như: (i) Sau khi thu thuế TNDN tối thiểu sẽ có việc “tặng lại” số thuế đã nộp cho MNCs; (ii) Thực hiện các biện pháp ưu đãi khác để bảo đảm số thuế TNDN được hưởng theo ưu đãi đã cam kết. Tuy nhiên, cũng cần có các biện pháp để các MNCs thấy rõ ưu đãi về thuế TNDN không phải là vấn đề cao nhất mà doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam sẽ được thụ hưởng mà ngoài ra doanh nghiệp còn có thể tận dụng được những thế mạnh khác của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có như:
- Chính trị ổn định, nền hành chính ngày càng minh bạch và giảm thiểu các thủ tục gây cản trở cho hoạt động đầu tư, ngăn ngừa hiệu quả tệ tham nhũng trong quản lý kinh tế, nguồn nhân lực của Việt Nam đang ở giai đoạn vàng có sức khỏe, có ý thức lao động và trình độ lao động ngày càng được tăng cao…
- Địa chính trị trong cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam ngày càng được khẳng định đó là lợi thế lớn cho việc phát triển kinh tế, MNCs nếu đầu tư hay tiếp tục đầu tư tại Việt Nam sẽ tận dụng được sự thuận lợi của địa chính trị trong việc tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, nhanh chóng phân phối hàng hoá đã sản xuất tại Việt Nam đến các thị trường khu vực Đông Nam Á, các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và thế giới.
TS. Lương Văn Tuấn
Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật - Đại học Trà Vinh
[1]. Oxfam (2017), Công bằng Thuế: 15 thiên đường thuế trên thế giới, 50 tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, 20 ngân hàng lớn nhất châu Âu đang gây thất thoát thuế như thế nào?, https://vietnam.oxfam.org/vi/node/718, truy cập ngày 18/7/2023.
[2]. Vũ Như Thăng - Nguyễn Đăng Khoa (2018), Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận: Thách thức toàn cầu và những khuyến nghị đối với Việt Nam, https://mof.gov.vn/, truy cập ngày 18/7/2023.
[3]. Khoản 1 Điều 10 Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2008.
[4]. Đoạn 1, khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013.
[5]. Đoạn 2, khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013.
[6]. Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013.
[7]. Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013.
[8]. Tiết 1 và 2, khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013.
[9]. Khoản 2 Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013.
[10]. Trúc Mai (2023), Grab là loại hình kinh doanh gì?, https://tino.org/vi/grab-la-loai-hinh-kinh-doanh-gi/, truy cập ngày 18/7/2023.
[11]. Công Trung (2020), Grab nói chở khách bằng xe 2 bánh “không mang tính chất kinh doanh”, https://tuoitre.vn/, truy cập ngày 18/7/2023.
[12]. Oxfam (2017), Công bằng Thuế: 15 thiên đường thuế trên thế giới, 50 tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, 20 ngân hàng lớn nhất châu Âu đang gây thất thoát thuế như thế nào?, https://vietnam.oxfam.org/vi/node/718, truy cập ngày 18/7/2023.
[13]. Oxfam (2017), Công bằng Thuế: 15 thiên đường thuế trên thế giới, 50 tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, 20 ngân hàng lớn nhất châu Âu đang gây thất thoát thuế như thế nào?, https://vietnam.oxfam.org/vi/node/718, truy cập ngày 18/7/2023.
[14]. Bảo Ngọc (2022), Vì sao quá nửa số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam báo lỗ?, https://tuoitre.vn/, truy cập ngày 18/7/2023.
[15]. Bảo Ngọc (2022), Vì sao quá nửa số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam báo lỗ?, https://tuoitre.vn/vi-sao-qua-nua-so-doanh-nghiep-fdi-dau-tu-tai-viet-nam-bao-lo-20220314174629078.htm, truy cập ngày 18/7/2023.
[16]. Lê Thanh (2023), 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ tổng 168.334 tỉ đồng, https://tuoitre.vn/55-doanh-nghiep-fdi-bao-lo-tong-168-334-ti-20230107113851273.htm, truy cập ngày 18/7/2023.
[17]. Nhân dân (2022), OECD hoan nghênh Việt Nam tham gia công ước đa phương, https://nhandan.vn/oecd-hoan-nghenh-viet-nam-tham-gia-cong-uoc-da-phuong-post685312.html, truy cập ngày 04/7/2023.
[18]. EY (2023), Korea issues new global minimum tax rules to align with OECD BEPS 2.0 Second Pillar, https://www.ey.com/en_gl/tax-alerts/korea-enacts-new-global-minimum-tax-rules-to-align-with-oecd-bep, update 07/19/2023.
[19]. KPMG (2023), Minimum Tax Directive (Pillar Two) - EU adoption and state of play https://kpmg.com/mt/en/home/insights/2023/01/minimum-tax-directive-pillar-two-eu-adaption-and-state-of-play.html, update 07/19/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 397), tháng 1/2024)