Trong bối cảnh tình hình đất nước chiến tranh loạn lạc xảy ra liên miên, các vụ việc tranh chấp phần ruộng đất công xảy ra ngày càng nhiều khi người dân phiêu tán lại trở về cố hương, các hợp đồng về mua bán, cầm cố, cho thuê ruộng đất tư cũng phát sinh nhiều vụ kiện cáo, Quốc triều khám tụng điều lệ ra đời đã tạo ra cơ sở pháp lý thuận tiện cho công việc xét xử, ngăn chặn việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, thiếu công bằng, từ đó, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, “khiến dân có chỗ nương nhờ”. Việc phân cấp thẩm quyền xét xử trong Quốc triều khám tụng điều lệ với việc bảo vệ quyền con người được thể hiện ở mấy điểm sau đây:
Thứ nhất, Quốc triều khám tụng điều lệ phân cấp xét xử căn cứ vào tính chất vụ việc, hạn chế việc kiện tụng vượt cấp, giữ gìn trật tự làng xã, bảo đảm truyền thống dân tộc
Vấn đề khởi kiện cùng thẩm quyền khám tụng, Quốc triều khám tụng điều lệ quy định theo từng lĩnh vực. Nguyên tắc chung là gửi đơn kiện và xét xử theo đúng việc, đúng thẩm quyền, không được kiện, nhận khiếu kiện, xét xử vượt cấp, nhằm đảm bảo trật tự tố tụng, hạn chế sự lạm quyền: “Tất cả các việc kiện tụng tranh chấp của dân đều chiếu lệ khiếu nại ở quan huyện sở tại, quan phủ, quan ngự sử tam ty, các nha môn chịu trách nhiệm khám tụng rồi đến quan chánh đường. Các việc kiện tụng chưa kinh qua lần khám nào mà khiếu nại vượt cấp, khiếu nại lần cuối thì các nha môn đều không được nhận khám”[1]. Quy định này ngày nay cũng được kế thừa trong pháp luật tố tụng hiện đại. Bởi, nếu cho phép kiện vượt cấp thì không chỉ làm ảnh hưởng đến sự độc lập của cơ quan làm nhiệm vụ phân xử, làm đảo lộn rối loạn cả trình tự tố tụng vốn có đã được phân định rõ ràng mà còn tăng nguy cơ lạm quyền.
Các quy định về thẩm quyền xét xử trên đã giúp cho việc khiếu kiện và xét kiện vào nề nếp, theo đúng thẩm quyền của pháp luật, không để kiện cáo tràn lan và ngăn chặn những người xấu lợi dụng xúi bẩy kiện cáo, gây khó khăn cho hoạt động xét xử của các cơ quan pháp luật, làm tốn kém thì giờ, tiền của của dân và nhà nước, thậm chí gây mất đoàn kết trong dân chúng và trong cả đội ngũ quan lại. Đặc biệt trong bối cảnh sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc và tiếp đó là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân, những mắc mớ, tranh chấp trong dân có chiều hướng ngày càng tăng, số các hành vi phạm tội cũng có xu hướng phát triển, các vụ kiện tụng tăng lên quá nhanh, hiện tượng dồn ứ hồ sơ rất phổ biến.
Nguyên tắc chung được thể hiện trong Quốc triều khám tụng điều lệ là gửi đơn kiện và xét xử theo đúng việc, đúng thẩm quyền, không được kiện, nhận khiếu kiện, xét xử vượt cấp, nhằm đảm bảo trật tự tố tụng, hạn chế sự lạm quyền. Tuy vậy, Quốc triều khám tụng điều lệ cũng cho phép một số trường hợp ngoại lệ, nhằm đảm bảo quyền con người, hạn chế những oan ức, thiệt thòi cho dân: “Mọi trường hợp bị người quyền quý ức hiếp thiệt hại nặng, cùng các trường hợp oan, không biết khám lệ ở nha môn nào, không có đường nào có thể kêu cầu. Cùng các trường hợp đã qua công luận, phúc đính nhưng chưa giải tỏ được lý, cho khua chuông gióng mõ để kêu lên”. Đây là hình thức thích hợp để nhân dân thấu tỏ được nỗi oan khiên của mình.
Về vấn đề hòa giải[2], Quốc triều khám tụng điều lệ có quy định khá linh hoạt, với mục tiêu bảo vệ hợp lý nhất quyền, lợi ích hợp pháp của con người. Với những tội ít nghiêm trọng, như cố ý gây thương tích ở mức độ nhẹ, Bộ luật khuyến khích giải quyết bằng con đường hòa giải: “Phàm các vụ kiện tụng về ẩu đả phải cho người bị thương kịp thời đến xin xã trưởng, thôn trưởng của bản xã khám nghiệm lập biên bản ngay tại chỗ đánh nhau và ngay sau lúc đánh nhau…Nếu vết thương nhẹ thì răn dạy rồi xử lý không quá 10 ngày”[3]. Giải quyết thông qua con đường hòa giải góp phần quan trọng trong việc giữ gìn tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Tiến hành hòa giải thành công tại cấp cơ sở có thể kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước. Không chỉ có vậy, hòa giải cơ sở còn là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, đối với trường hợp nghiêm trọng, tính chất phức tạp như kiện tụng về nhân mạng thì về nguyên tắc không được tự hòa giải riêng với nhau[4]. Quy định này nhằm hạn chế các vi phạm pháp luật khác liên quan. Đây cũng là một nguyên tắc mang tính giáo dục cao, thể hiện tinh thần vì công lý của pháp luật. “Cũng có việc trót giết người rồi ngầm đưa cho bên khổ chủ nhận được tiền của, khổ chủ nhận được tiền tài, ruộng nương của người ấy, thiện tiện tư hòa không phát cáo. Cũng có việc sau khi phát cáo, mà hai bên thuận tình, khám quan bèn cho tư hòa, luận qua quýt cho xong, để đến nỗi kẻ điêu toa nhờ đó mà hống hét, kẻ giàu có cầu của mà giết người đều được lọt lưới pháp luật…”. Tinh thần vì con người, tôn trọng và bảo vệ con người đã được thể hiện rất rõ trong thông lệ về nhân mạng. Mặc dù khuyến khích giải quyết bằng con đường hòa giải nhưng việc kiện tụng về nhân mạng là không được tư hòa, khám quan cũng không được cho hòa.
Thứ hai, Quốc triều khám tụng điều lệ ghi nhận, bảo vệ quyền kháng cáo cho các chủ thể có quyền kháng cáo
Kháng cáo là hoạt động tố tụng của các chủ thể có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật nhằm chống lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án. Dưới góc độ là quyền con người, quyền kháng cáo thể hiện khả năng của những nguời tham gia tố tụng được bày tỏ trong đơn kháng cáo sự không đồng ý của mình đối với phán quyết của Toà án đã xét xử sơ thẩm và đề nghị Toà án cấp trên trực tiếp của Toà án đã ra phán quyết đó xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.
Quy định và đảm bảo thực hiện có hiệu quả quyền của những người tham gia tố tụng được kháng cáo yêu cầu xét xử phúc thẩm tại Toà án cấp cao hơn là hình thức, phương thức tối ưu để phát hiện nhanh chóng, chính xác và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Điều này có ý nghĩa chính trị, pháp lý và xã hội hết sức to lớn. Xét xử phúc thẩm xét về bản chất là hình thức kiểm tra của Tòa án cấp trên trực tiếp đối với hoạt động xét xử của Tòa án cấp dưới trực tiếp nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những sai lầm thiếu sót có thể có trong bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp dưới trực tiếp chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Chính vì thế mà tất cả các Nhà nước văn minh đều thừa nhận chế độ hai cấp xét xử: Xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm đối với vụ án mà chưa có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Tất nhiên, xét xử phúc thẩm chỉ đặt ra khi có kháng cáo, kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp dưới trực tiếp chưa có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, kháng cáo là một trong những cơ sở để mở phiên tòa phúc thẩm.
Tựu trung lại, quyền kháng cáo có ý nghĩa vô cùng quan trọng thể hiện ở những điểm sau đây: Một là, quyền kháng cáo tạo ra một trong những điều kiện làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án cấp trên trực tiếp đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới trực tiếp. Thông qua việc xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp trên trực tiếp không chỉ kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp 1uật mà còn phát hiện, khắc phục kịp thời các thiếu sót, sai lầm về xét xử của Tòa án cấp dưới. Hai là, quyền kháng cáo là một trong những phương tiện hữu hiệu để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là của bị cáo trong tố tụng hình sự. Ba là, thông qua việc xét xử các vụ án do công dân thực hiện quyền kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm góp phần đảm bảo nhận thức và áp dụng thống nhất pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử, tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật và củng cố niềm tin vào công lý, công bằng xã hội cho nhân dân, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Tuy vẫn còn ở hình thức sơ khai nhưng vấn đề về kháng cáo đã được đề cập trong Quốc triều khám tụng điều lệ và đã thể hiện được một số nội dung cơ bản so với các quy định về kháng cáo trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay. Theo quy định tại Thông lệ về khám tụng, các chủ thể có quyền kháng cáo thực hiện quyền kháng cáo của mình tương ứng với hệ thống các cơ quan tài phán được tổ chức ở ba cấp: Cơ quan tài phán ở các phủ, huyện; các Thừa ty và Hiến ty; các cơ quan tài phán ở kinh đô:
- Các việc về ruộng đất công tư, hôn nhân, tài sản, đánh nhau, chửi nhau, tiền nợ, tiền tô… tất cả những việc không phải là tạp tụng đều phải cáo trình ở quan huyện, phúc thẩm tại quan phủ, không giải quyết được thì phúc thẩm tại Thừa ty. Nếu còn chưa phục tình mới phúc thẩm ở Ngự sử đài. Nếu tình lý có điều gì bức bách, chưa được làm sáng tỏ, mới cho khải trình, kêu trình ở Chính đường.
- Các vụ án mạng do thù sát, dâm sát, ẩu sát đều cáo trình tại quan phủ để cùng với quan huyện khám xét, phúc thẩm tại Thừa ty, không giải quyết được thì đến Ngự sử đài, rồi mới đến Chính đường.
- Các vụ kiện tụng đã qua Lục bộ, Ngự sử đài và Chính đường công minh khám xét xử án, nếu chưa phục tình thì cho vào ngày Thị chính làm tờ khải khiếu nại và cho cam kết nếu sai xin chịu trọng hình.
Quốc triều khám tụng điều lệ đã quy định một cách có hệ thống quyền kháng cáo cho các chủ thể có quyền kháng cáo. Đây là một điểm tiến bộ của quy định kháng cáo trong hệ thống pháp luật thời kỳ hậu Lê nói chung và Quốc triều khám tụng điều lệ nói riêng. Sự hình thành và phát triển của quyền kháng cáo trong hoạt động tố tụng gắn liền với sự hình thành và phát triển các tư tưởng, các nguyên tắc dân chủ và tiến bộ của tố tụng như công bằng; nhân đạo; suy đoán vô tội; bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, xét xử công khai, trực tiếp và bằng lời nói... Quy định này thể hiện sự quan tâm đến đời sống của nhân dân nói chung, cũng như người khởi kiện, người kháng cáo nói riêng, đảm bảo cho họ có quyền kháng cáo, quyền phúc cáo để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người dân nếu không đồng ý (chưa phục) có quyền làm đơn lên cấp có thẩm quyền để xét xử lại (phúc thẩm).
Tuy nhiên, để tránh việc kiện tụng kéo dài, phức tạp, kháng cáo vượt cấp, phúc kiện, phúc cáo bừa bãi, Quốc triều khám tụng điều lệ cũng đã đặt ra những quy định hướng dẫn thủ tục, căn cứ, thời hạn… tiến hành kháng cáo. Các vụ kiện tụng chưa qua các cấp khám xét mà kêu trình loanh quanh, kêu trình vượt cấp, thì các nha môn hậu thớ không được thụ án khám xét. Trong trường hợp, các bên đương sự khiếu nại lên cấp trên xét xử lại, nếu việc kiện đó cấp dưới đã xử đúng thì người kiện sẽ bị phạt tiền tạ lỗi. Việc quy định số tiền tạ lỗi này nhằm ngăn ngừa và giảm bớt sự kiện cáo dai dẳng, các bản án, quyết định đã giải quyết vụ kiện được ổn định, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, cũng như hạn chế được sự lãng phí, mất thời gian cho việc xét xử một vụ kiện.
Thứ ba, sự kiểm soát công việc xét xử của các cấp nhằm đảm bảo việc xét xử được công bằng đúng luật, qua đó góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích của người dân
Sự kiểm soát công việc xét xử của các cấp được quy định ở Điều 33 (Điều cuối cùng của Thông lệ về khám tụng) và ở lệ soát tụng. Đó thường là quan trên soát quan dưới: Tri phủ soát Tri huyện, Thừa ty soát quan phủ, riêng Thừa ty đặt dưới sự kiểm soát của Hiến ty, Ngự sử đài soát Hiến ty… Sự giám sát đối với mỗi vụ kiện thông qua việc xử phúc thẩm. Quan án nếu xử đúng thì được hưởng tiền tạ, nếu xử sai thì phạt tiền và có thể còn bị hạ hoặc cách chức. Như vậy, việc xử phúc thẩm mang tính chất kiểm soát công việc xét xử của các cấp. Ngoài ra, đối với việc xét xử các vụ kiện, nhà vua còn quy định lệ soát tụng cuối năm. Theo lệ này hàng năm các cấp xét xử phải làm sổ kê khai đủ các việc kiện, bao nhiêu án đã xử xong, bao nhiêu án chưa xử, bao nhiêu án xử đúng, bao nhiêu án bị phúc thẩm lại; số vụ án đã được tiền tạ lỗi cũng như số vụ án bị phạt tiền do xử sai… Quan trên sẽ căn cứ vào số tiền tạ lỗi và số tiền phạt đó để đánh giá công việc xét xử của quan dưới. Nếu số tiền tạ lỗi bằng số tiền phạt, quan trên sẽ phê chữ “thượng”. Nếu số tiền tạ lỗi bằng số tiền phạt thì được phê chữ “trung”. Còn nếu số tiền tạ lỗi ít hơn số tiền phạt thì bị phê chữ “hạ”. Căn cứ vào đó, Phủ chúa có thể ra quyết định thưởng.
Các quan lại cấp trên tiến hành thẩm tra, soát lại các việc kiện đã được cấp dưới xét xử rồi nộp lên cấp có thẩm quyền. Điều này nhằm đảm bảo cho vụ việc được xem xét kỹ lưỡng và tạo được cơ chế tố tụng luôn có sự kiểm tra, giám sát làm cho việc xét xử được công bằng đúng luật, qua đó góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích của người dân. Quy định về soát tụng cũng được xem như một đảm bảo chung cho thời hạn của cả quy trình tố tụng “tra soát các vụ án có xét xử đúng kỳ hạn hay không… hễ nha môn nào 01 năm thụ lý bao nhiêu vụ án, giải quyết bao nhiêu vụ án, trong đó gửi về xử lại bác trả, hay thu lưu hoặc xét xử mỗi loại bao nhiêu vụ án, theo từng loại khai rõ sự tình, khai rõ kỳ hạn tra khám xét xử và kết quả xử án đều chép vào sổ tra soát đến kỳ đệ nạp lên”[5]. Với thời hạn hợp lý được quy định sẽ nhằm tăng cường trách nhiệm của các quan án khi giải quyết vụ việc tố tụng và từ đó sẽ đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của người dân.
Có thể thấy, với rất nhiều những quy định chặt chẽ, rõ ràng, nhân văn, Quốc triều khám tụng điều lệ là sự kế tục xuất sắc tư tưởng nhân văn, vị con người của rất nhiều văn bản pháp luật, điển chế của triều đại. Giá trị lớn nhất mà Quốc triều khám tụng điều lệ để lại chính là tinh thần của Bộ luật. Các nhà “lập pháp” thời Hậu Lê đã thiết kế một bộ luật tố tụng theo tinh thần đưa ra một hệ thống các quy tắc tố tụng để cán bộ tư pháp chỉ được phép thực hiện trong phạm vi đó, không được vượt quá và phải luôn thể hiện trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của con người, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong quan hệ tố tụng, chứ không phải là tạo ra một hệ quy tắc để bảo vệ hoạt động tố tụng của Nhà nước[6].
[1]. Lệ khám tụng, Quốc triều khám tụng điều lệ.
[2]. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt, Nxb. Công an nhân dân 2007, tr.270.
[3]. Lệ kiện tụng đánh nhau, Quốc triều khám tụng điều lệ.
[4]. Lệ kiện tụng về nhân mạng, Quốc triều khám tụng điều lệ.
[5]. Lệ soát tụng, Quốc triều khám tụng điều lệ.
[6]. TS. Phạm Thị Duyên Thảo, Tư tưởng liêm chính tư pháp trong bộ Quốc triều khám tụng điều lệ triều Lê, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14(318)T7/2016, tr. 27.