Abstract: The paper analyzes insufficiencies in current legal provisions on environment protection in setting-up, approval, assessment report on environment impact and some proposals for law completion in this issue.
Trên thực tế, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều bất cập và hạn chế cần phải hoàn thiện, cụ thể như sau:
1. Về đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường
Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm: (i) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (ii) Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; (iii) Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Như vậy, có thể thấy, quy định đối tượng trong luật này phải lập báo cáo ĐTM quá rộng và không cần thiết, đôi khi còn trùng lắp, gây tốn kém cho doanh nghiệp và không hiệu quả xét về khía cạnh bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như khu công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo ĐTM trong khi đó các dự án trong khu công nghiệp lại tiếp tục phải thực hiện ĐTM. Qua thực tiễn, có nhiều ý kiến đề nghị rà soát lại đối tượng phải thực hiện ĐTM theo hướng thu gọn đối tượng ở trong Luật và trong danh mục quy định ở nghị định của Chính phủ, nhiều dự án trên thực tế không cần thiết phải lập báo cáo ĐTM, gây khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo điểm a khoản 1 Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đối tượng phải thực hiện ĐTM. Quy định như vậy là chưa hợp lý, vì việc phân loại các dự án nêu trên hoàn toàn dựa vào quy mô vốn trong khi không phải tất cả các dự án có quy mô vốn lớn thì có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới môi trường và ngược lại. Bên cạnh đó, trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án trên cùng một địa điểm với nhiều cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khác nhau (hoặc một dự án nhưng lại phê duyệt nhiều ĐTM khác nhau cho các hạng mục khác nhau) và công tác ĐTM đối với những dự án này không được xem xét, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện các vấn đề môi trường, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao khi các dự án này đi vào hoạt động. Do đó, cần quy định chủ dự án có trách nhiệm lập báo cáo ĐTM đối với toàn bộ tổ hợp các dự án triển khai trên cùng một địa điểm.
2. Về thực hiện đánh giá tác động môi trường
Theo khoản 2 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì việc lập báo cáo ĐTM phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Tuy nhiên, khái niệm “giai đoạn chuẩn bị dự án” chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong xác định thời điểm chủ dự án phải lập báo cáo ĐTM (trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư hay chuẩn bị xây dựng dự án). Do đó, cần thiết phải làm rõ khái niệm này để xác định đúng thời điểm lập báo cáo ĐTM, tránh tùy tiện. Việc xây dựng 01 báo cáo ĐTM phục vụ cho cả giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư và giai đoạn thực hiện dự án là không phù hợp, cần phải có quy định yêu cầu thực hiện ĐTM theo 02 bước là ĐTM sơ bộ phục vụ phê duyệt chủ trương đầu tư và ĐTM chi tiết phục vụ phê duyệt đầu tư. Cùng với việc xây dựng ĐTM theo 02 bước, cần điều chỉnh các nội dung tương ứng về đối tượng, nội dung, thẩm quyền thẩm định ĐTM sơ bộ, các dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì chỉ cần ĐTM một bước trước khi cấp giấy phép xây dựng, đồng thời cần có sự lồng ghép ĐTM trong giai đoạn xem xét, thẩm định cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với nhóm dự án do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các dự án có khả năng gây tác động lớn về môi trường (như nhiệt điện, hóa chất, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất thép…), pháp luật cần quy định các dự án này phải là đối tượng lập báo cáo ĐTM sơ bộ trước khi cấp quyết định chủ trương đầu tư.
3. Về lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các trường hợp phải lập lại báo cáo ĐTM là tương đối nhiều và trong nhiều trường hợp không rõ ràng tiêu chí hay ranh giới giữa lập lại báo cáo ĐTM hay chấp thuận điều chỉnh báo cáo ĐTM bằng văn bản của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM, dẫn đến tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật.
Điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: “Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong trường hợp không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường” là chưa rõ về khái niệm “không triển khai dự án”. Trên thực tế, có nhiều dự án không triển khai xây dựng các hạng mục chính của dự án, chỉ xây dựng các hạng mục phụ trợ (như san lấp mặt bằng, xây hàng rào, văn phòng,...) nên khó xác định dự án đã triển khai hay chưa. Bên cạnh đó, có trường hợp dự án trong thời gian quá 24 tháng sau khi được phê duyệt báo cáo ĐTM chỉ tiến hành xây dựng các hạng mục phụ trợ, không tiếp tục thi công các hạng mục chính của dự án, nhưng quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM lại không quy định thời hạn phải lập lại báo cáo ĐTM hoặc thu hồi quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, nhất là đối với trường hợp bất khả kháng như thay đổi chính sách của Nhà nước (không phải lỗi của doanh nghiệp) thì việc yêu cầu lập lại báo cáo ĐTM là bất công cho doanh nghiệp, chẳng hạn như tạm dừng cấp phép khai thác một số khoáng sản trong thời hạn nhất định.
Theo điểm b khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì chủ dự án phải lập lại báo cáo ĐTM trong trường hợp thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Trên thực tế, những dự án lớn có nhiều hạng mục công trình và chủ dự án không thay đổi địa điểm của dự án nhưng thay đổi vị trí giữa các công trình trong nội bộ dự án nên gây ra những tác động tiêu cực lớn, thậm chí là rất lớn đối với môi trường. Vì vậy, pháp luật cần quy định bổ sung việc chủ dự án phải lập lại báo cáo ĐTM trong trường hợp thay đổi vị trí nguồn tiếp nhận chất thải của dự án (chẳng hạn như đã phê duyệt xả ra sông nhưng sau đó lại thay đổi thải ra biển) vì tác động đến môi trường là rất khác nhau.
Theo điểm c khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, thì chủ dự án phải lập lại báo cáo ĐTM trong trường hợp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Quy định về tăng quy mô, công suất hiện mang tính chất định tính và rất khó xác định dự án nào cần phải lập lại báo cáo ĐTM và dự án nào không? Việc thay đổi công nghệ là thay đổi công nghệ sản xuất của dự án hay thay đổi công nghệ xử lý chất thải của dự án, điều này chưa được Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể. Vì vậy, cần xem xét quy định việc điều chỉnh, thay đổi nội dung báo cáo ĐTM liên quan đến phạm vi, quy mô, công suất, công nghệ sản xuất, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án (nhưng không thuộc trường hợp phải lập lại báo cáo ĐTM) là một thủ tục hành chính. Mặc khác, pháp luật về bảo vệ môi trường không quy định cụ thể hồ sơ, thời hạn, trình tự và kết quả giải quyết... dẫn đến vướng mắc trong thực thi cho cả cơ quan quản lý nhà nước và chủ dự án. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định khi thẩm định báo cáo ĐTM thì có hội đồng để thẩm định, tuy nhiên, khi dự án có nội dung thay đổi lại không được đưa ra hội đồng để xem xét hoặc lấy ý kiến của chuyên gia. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ, quy trình, thời hạn... xem xét, chấp thuận của thay đổi này. Ngoài ra, pháp luật cũng không quy định rõ ranh giới nào là phải lập lại báo cáo ĐTM và chấp thuận điều chỉnh bằng văn bản nên dẫn đến nguy cơ tùy tiện trong việc quyết định. Theo đó, cần làm rõ ranh giới và chỉ nên giới hạn một số trường hợp cụ thể xem xét, chấp thuận bằng văn bản, các trường hợp còn lại thì phải lập lại báo cáo ĐTM.
Hiện nay, việc điều chỉnh chủ trương, quyết định đầu tư hay điều chỉnh giấy phép xây dựng là khá phổ biến. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng chưa quy định có cần phải đánh giá tác động môi trường đối với các điều chỉnh đầu tư, điều chỉnh xây dựng hay không? Đề nghị cần tính toán các trường hợp này bởi các điều chỉnh đầu tư, xây dựng sẽ dẫn đến các tác động tiêu cực đến môi trường.
4. Về tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường
Khoản 2 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: Chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Tuy nhiên thực tế, dự án có nhiều giai đoạn với mức độ tác động khác nhau, tới các nhóm, đối tượng khác nhau và hiện đang giao cho chủ dự án thực hiện tham vấn, xác định đối tượng tham vấn. Quy định như hiện nay gây khó khăn khi xác định đối tượng bị tác động để tổ chức tham vấn, do vậy cần bổ sung quy định về phân kỳ, phân loại tác động (loại tác động, phạm vi, thời điểm tác động...), từ đó xác định rõ các đối tượng chịu tác động để tham vấn.
Khoản 3 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: Các dự án không phải thực hiện tham vấn khi phù hợp với quy hoạch hạ tầng đã được phê duyệt ĐTM và thuộc danh mục bí mật nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn có một số dự án không xác định được địa giới hành chính, xa khu dân cư như các dự án dầu khí trên biển nên thực hiện tham vấn là không khả thi. Do vậy, cần bổ sung “các dự án không xác định được địa giới hành chính và xa khu dân cư” thuộc đối tượng không phải thực hiện tham vấn. Đồng thời, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng chưa có tiêu chí để xác định thế nào là “ý kiến khách quan, hợp lý” mà chủ dự án cần tiếp thu và có trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện tham vấn. Cho nên, các chủ dự án có thể tiếp thu hoặc không tiếp thu các ý kiến, gây khó khăn cho việc giám sát của các tổ chức, cộng đồng chịu tác động trong quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc tham vấn cộng đồng và các bên liên quan trong quá trình lập báo cáo ĐMT còn mang tính hình thức, vì vậy cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giải quyết các kiến nghị của cộng đồng dân cư.
5. Về nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường
Điều 22 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về nội dung chính của ĐTM nhưng vẫn còn chung chung, giải pháp bảo vệ môi trường còn mơ hồ, chưa rõ trách nhiệm cụ thể của chủ dự án trong việc lựa chọn công nghệ, giải pháp để xử lý chất thải phát sinh kể từ khi xây dựng đến khi dự án đi vào hoạt động chính thức. Việc đánh giá môi trường tự nhiên, xã hội còn rất sơ sài và hầu như không có đánh giá tác động của dự án đến các thành phần môi trường này; đánh giá tác động đa dạng sinh học hiện đang bị xem nhẹ hoặc đang bị lảng tránh trong các báo cáo ĐTM. Mặt khác, nội dung báo cáo ĐTM hiện nay đang dùng chung cho tất cả các loại hình cơ sở là không bảo đảm tính đặc thù và tính chất ô nhiễm của các ngành công nghiệp, vì vậy, cần xem xét, quy định các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải có các hướng dẫn kỹ thuật riêng.
Các khoản 4, 5 và 7 Điều 22 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là không phù hợp thực tế vì trong thời gian vừa qua, việc xác định, đánh giá, dự báo tác động đến sức khỏe cộng đồng của các dự án chưa được chú trọng, dẫn đến việc thực hiện các nội dung theo cam kết tại báo cáo ĐTM được phê duyệt chưa cao. Do vậy, để có cơ sở hướng dẫn thực hiện chế định này, các văn bản hướng dẫn Luật ra đời trong thời gian tới cần xem xét tách nội dung “nhận biết, đánh giá, dự báo tác động của các dự án và đề xuất các biện pháp giảm thiểu, quản lý rủi ro đến sức khỏe cộng đồng” thành một khoản riêng trong Điều 22 và làm rõ nhiệm vụ của Ngành Y tế đối với nội dung này. Mặt khác, cần nghiên cứu, bổ sung nội dung và đánh giá tác động môi trường đối với việc đóng cửa nhà máy hay kết thúc dự án (tương tự như dự án khai thác khoáng sản) bởi các dự án sử dụng hóa chất khi kết thúc dự án thì vấn đề môi trường sẽ được đánh giá hoặc có giải pháp thế nào cũng cần phải quy định cụ thể.
6. Về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa có quy định về tiêu chí thẩm định báo cáo ĐTM cho nên mục tiêu và chất lượng của thẩm định còn nhiều vấn đề, vì vậy rất cần xem xét, quy định rõ tiêu chí thẩm định báo cáo ĐTM, chẳng hạn như tiêu chí về công nghệ, tiêu chí về địa điểm... Thẩm định công nghệ và thẩm định báo cáo ĐTM của dự án lại đang được thực hiện độc lập theo các quy định pháp luật khác nhau (Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Bảo vệ môi trường), trong khi đó, thẩm định công nghệ là một nội dung quan trọng, chủ yếu của thẩm định báo cáo ĐTM và cần phải có sự thống nhất và bao quát vấn đề thẩm định công nghệ trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM. Ngoài ra, vấn đề thẩm định các nội dung liên quan đến phóng xạ, bức xạ nên quy định trong Luật giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc có thành phần của Bộ Khoa học và Công nghệ trong hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM.
Theo khoản 2 Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, thì bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình hoặc ủy quyền cho ban quản lý các khu công nghiệp thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM. Việc quy định các bộ khác có chức năng thẩm định báo cáo ĐTM dẫn đến chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định các báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của bộ, cơ quan ngang bộ, trừ trường hợp các bộ, cơ quan ngang bộ có bộ phận chuyên môn về môi trường (như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương...), còn các cơ quan khác thì giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định theo phân cấp của Chính phủ. Mặt khác, cũng cần quy định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cơ quan nào sẽ đứng ra thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM để bảo đảm khách quan, độc lập.
Khoản 3 Điều 24 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: Trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, Luật không xác định rõ các trường hợp cần thiết là những trường hợp nào? Vì vậy, việc tổ chức khảo sát thực tế hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tính chủ quan của hội đồng thẩm định, nên cũng cần quy định tiêu chí và lập danh mục dự án phải kiểm tra thực tế.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, quy định xã hội hóa việc thẩm định báo cáo ĐTM cho các tổ chức dịch vụ đủ năng lực thực hiện với những quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm để bảo đảm hiệu quả và nâng cao chất lượng thẩm định, đồng thời giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước.
7. Về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
Khoản 2 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định việc lập ĐTM trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 25 Luật này lại quy định rằng, quyết định phê duyệt ĐTM là căn cứ để chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng. Như vậy, hai quy định này không có sự thống nhất, dễ hiểu lầm trong việc lựa chọn thời điểm lập báo cáo ĐTM (trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư hay trong giai đoạn từ chấp thuận chủ trương đầu tư đến cấp phép xây dựng).
Điểm đ khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: “Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này”. Tuy nhiên, trên thực tế có những dự án cần phải thực hiện cả 03 việc tại 03 thời điểm khác nhau (quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và cấp giấy phép xây dựng) thì quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để thực hiện việc nào trong 03 việc nêu trên, bởi vì quy định này liên quan đến thời điểm dự án phải có báo cáo ĐTM được phê duyệt. Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư là không khả thi, bởi thời điểm này chưa rõ nội dung của dự án một cách chi tiết, đặc biệt khó khăn với các dự án đầu tư công vì phê duyệt chủ trương chỉ với các nội dung mang tính nguyên tắc nên không biết phải thực hiện ĐTM như thế nào. Vì vậy, chỉ nên quy định báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp phép xây dựng là phù hợp với thực tế, tuy nhiên, Luật Xây dựng lại không có quy định về vấn đề này.
Về thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM, cũng cần rà soát và điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất thẩm quyền cấp phép khoáng sản, tài nguyên nước, biển đảo ở trung ương và địa phương. Đồng thời, cần xem xét việc tăng cường phân cấp thẩm quyền phê duyệt ĐTM cho các địa phương, qua đó tăng cường trách nhiệm của địa phương trong giám sát, thanh tra, kiểm tra các dự án trên địa bàn quản lý.
8. Về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và trước khi đưa dự án vào vận hành
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM (khoản 1 Điều 27). Điều này chưa hợp lý và chưa phù hợp với thực tế, vì báo cáo ĐTM là công cụ dự báo, chỉ phục vụ cho cấp phép đầu tư, xây dựng. Do vậy, chỉ cần quy định trách nhiệm của chủ đầu tư phải thực hiện theo giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường là đủ. Các công trình xử lý chất thải sẽ bị xuống cấp và việc cải tạo, bổ sung các công trình này thường xuyên diễn ra, do đó, các công trình bảo vệ môi trường trong giấy xác nhận theo đó cũng sẽ không còn phù hợp thực tế. Vì vậy, cần quy định việc cấp lại giấy xác nhận để đảm bảo các công trình bảo vệ môi trường nêu trong giấy này là có thật và đúng với thực tế hoạt động của cơ sở.
9. Về trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa quy định về giám sát sau phê duyệt ĐTM (hậu thẩm), nên các cơ quan quản lý nhà nước không có căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát. Pháp luật cần quy định rõ thẩm quyền, nội dung của hoạt động hậu thẩm để kịp thời phát hiện hành vi không tuân thủ của chủ dự án và điều chỉnh các báo cáo ĐTM nếu cần thiết, vì đây là giai đoạn dễ gây ra sự cố môi trường. Công tác kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án là tập hợp các nội dung công việc kỹ thuật phức tạp và cần có đủ thời gian để thực hiện, nên việc quy định cấp giấy xác nhận trong thời hạn 15 ngày (trường hợp không cần lấy mẫu phân tích) và không quá 30 ngày (trường hợp cần lấy mẫu phân tích) tại khoản 2 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là chưa phù hợp. Luật cần quy định theo hướng tất cả các dự án đều phải lấy mẫu phân tích để đánh giá hiệu quả của các công trình xử lý chất thải và thời hạn cấp giấy xác nhận là 30 ngày.
Từ những phân tích ở trên cho thấy, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về ĐTM giúp cho các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp, người dân dễ dàng trong triển khai thực hiện, góp phần bảo vệ môi trường trong lành, hướng tới xây dựng một đất nước phát triển bền vững.
Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean