1. Sự cần thiết của việc ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Trên thực tế, chúng ta thường nhắc đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, hiệu ứng nhà kính, băng tan… mà chưa thực sự quan tâm đến vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, trong khi đây là vấn đề đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Sở dĩ, ô nhiễm tiếng ồn chưa nhận được nhiều sự chú ý là do cường độ tiếng ồn diễn ra thường xuyên đến mức khiến con người quen dần với sự hiện diện của chúng. Tuy nhiên, về lâu dài, ô nhiễm tiếng ồn có thể sẽ để lại những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho sức khỏe con người.
Khi cường độ tiếng ồn tăng thì mức độ ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Theo một công trình khảo sát đại trà trong nhiều năm tại Mỹ đã phát hiện có đến 11,4% trẻ em từ 06 - 19 tuổi bị dị tật ở tai, có khoảng 5,2 triệu trẻ em bị rối loạn thính giác có thể dẫn đến điếc do ô nhiễm tiếng ồn gây ra[1]. Chỉ riêng ở châu Âu, cứ 05 người sẽ có hơn 1,5 người tiếp xúc với tiếng ồn trên đường đến mức đủ để khiến sức khỏe của họ bị tổn hại; ô nhiễm tiếng ồn quá mức có thể dẫn đến các bệnh về chuyển hóa, huyết áp cao, tiểu đường và thậm chí là đau tim; khoảng 48.000 trường hợp mắc bệnh tim và 12.000 ca tử vong sớm ghi nhận mỗi năm là do tiếp xúc với mức độ tiếng ồn quá cao[2]. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong vòng 03 thập kỷ trở lại đây, vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn đang trở nên bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và chất lượng sống của con người[3]. Tiếng ồn gây ra phản ứng căng thẳng cho cơ thể người, thậm chí xảy ra ngay cả trong khi ngủ, từ đó dẫn đến các bệnh về tim mạch, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, cao huyết áp, gây tử vong sớm[4].
Tại Việt Nam, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, đối với khu vực đặc biệt, mức tiếng ồn cho phép từ 06 giờ đến 21 giờ là 55dB, từ 21 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau là 45dB, còn đối với khu vực thông thường, chẳng hạn như khu chung cư, nhà ở trong hẻm, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính... thì từ 06 giờ đến 21 giờ là 70dB, từ 21 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau là 55dB, thế nhưng, trên thực tế, chúng ta phải sống chung với tiếng ồn quá định mức cho phép một cách thường xuyên[5]. Phổ biến là tiếng ồn từ công trình của các khu đô thị, tiếng ồn giao thông và tiếng hát karaoke ở các khu dân cư. Điển hình là tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo kết quả quan trắc do Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp, tiếng ồn tại Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên vượt quá ngưỡng cho phép[6]. Đáng chú ý hơn, tại một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) đã xếp hạng Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố ồn đứng thứ 04 trên thế giới[7]. Còn ở phạm vi tổng thể quốc gia, theo Báo cáo năm 2022 của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc về các vấn đề khẩn cấp đáng lo ngại về môi trường đã chỉ ra rằng, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn hiện nay tại Việt Nam cũng như mức độ tác hại mà ô nhiễm tiếng ồn gây ra cho sức khỏe cộng đồng là rất đa dạng và đáng báo động.
Từ thực trạng nêu trên, có thể thấy rằng, tác hại mà ô nhiễm tiếng ồn gây ra cho sức khỏe con người là rất lớn, điều này có thể đe dọa đến tính mạng, vì vậy, việc ngăn ngừa ô nhiễm tiếng ồn là điều rất quan trọng, cấp thiết bởi khi tình trạng ô nhiễm tiếng ồn được ngăn ngừa hiệu quả sẽ không chỉ giúp duy trì chất lượng môi trường, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân mà còn giúp bảo vệ kịp thời sức khỏe, tính mạng của người dân trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn ngày càng trầm trọng như hiện nay.
2. Thực trạng pháp luật về ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, Việt Nam đã xây dựng, ban hành một số văn bản pháp luật chuyên ngành để điều chỉnh như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn (QCVN 26:2010/BTNMT) ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường... Các văn bản này về cơ bản đã tạo được hành lang pháp lý cần thiết để hỗ trợ cho việc ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế. Tuy nhiên, các quy định về ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn vẫn còn khá hạn chế, chưa đầy đủ, toàn diện, tồn tại một số vướng mắc, bất cập, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế. Cụ thể:
Một là, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đưa ra khái niệm như thế nào là ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn. Hiện nay, liên quan đến vấn đề kiểm soát tiếng ồn, Điều 89 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tổ chức, cá nhân trong khu dân cư gây tiếng ồn phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm tác động xấu đến cộng đồng dân cư; tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường”. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, nội dung quy định này mới chỉ dừng lại ở mức khái quát chung, mang tính định hướng về xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phải thực hiện khi phát sinh tiếng ồn mà chưa có sự quy định cụ thể về vấn đề ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn. Trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Đây là một “lỗ hổng” pháp lý đang tồn tại trong hoạt động ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn tại Việt Nam hiện nay, bởi khi pháp luật chuyên ngành không có các quy định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn và không tạo được tính thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật vào việc ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế.
Hai là, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về cách xác định và phân loại nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn. Mỗi nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn sẽ có những đặc điểm và tính chất riêng nên phương pháp được sử dụng để ngăn chặn phát sinh ô nhiễm tiếng ồn cũng khác nhau. Do đó, việc xác định và phân loại nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Thực tế cho thấy, việc pháp luật chưa quy định rõ về các tiêu chuẩn pháp lý để xác định và phân loại nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn sẽ là một trong những hạn chế không nhỏ trong việc ngăn chặn hiệu quả tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Bởi vì, nếu không xác định được ô nhiễm tiếng ồn phát sinh thuộc nhóm nguồn gốc nào thì việc đưa ra các giải pháp ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn cũng như xác định các chế tài xử phạt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, không thống nhất, thiếu công bằng và thậm chí là không hiệu quả.
Ba là, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đưa ra các quy định cụ thể về cách thức ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn. Hiện nay, các văn bản pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc quy định chung chung về vấn đề kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn theo hướng định khung trong việc xác định trách nhiệm chung cho các tổ chức, cá nhân khi phát sinh tiếng ồn mà chưa có quy định cụ thể về cách thức để thực hiện ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn hiệu quả theo một tiêu chuẩn pháp lý chung. Trên thực tế, để ngăn chặn được vấn đề ô nhiễm tiếng ồn là một công việc không hề dễ dàng, điều này đòi hỏi phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau trong đó có giải pháp pháp lý. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cách thức ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các chủ thể trong việc ngăn chặn loại ô nhiễm này trên thực tế.
Bốn là, các chế tài xử lý đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn còn quy định tản mạn, rời rạc trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận, áp dụng các quy định để xử lý các hành vi vi phạm về ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn. Một trong những giải pháp có thể áp dụng để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn hiệu quả là áp dụng các chế tài pháp lý để xử lý triệt để các hành vi vi phạm, bởi khi các chế tài được áp dụng kịp thời, nghiêm minh sẽ tạo ra sự phòng ngừa, răn đe và giáo dục rất lớn đối với các chủ thể trong xã hội, đặc biệt là các chủ thể gây ra ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, hiện nay, chế tài xử lý các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng... Chính điều này đã gây nhiều khó khăn cho các chủ thể trong việc áp dụng, thực thi các quy định này, dẫn đến việc xử lý chủ thể vi phạm trong việc làm phát sinh ô nhiễm tiếng ồn chưa được tiến hành một cách nhanh chóng, kịp thời, từ đó, làm giảm tính hiệu quả trong việc ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế hiện nay.
3. Một số kiến nghị
Một là, cần hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng tiếp tục xây dựng và ban hành các quy định cụ thể điều chỉnh trực tiếp về vấn đề ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cần đưa ra định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn, theo đó, ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn có thể được hiểu là việc thực hiện các biện pháp cần thiết để kìm hãm vấn đề ô nhiễm tiếng ồn phát sinh. Đồng thời, bên cạnh việc đưa ra định nghĩa về ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn, pháp luật về môi trường cũng cần đưa ra các quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn. Điều này là rất cần thiết để giúp các chủ thể nhận diện và hiểu được như thế nào là ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn cũng như xác định và biết được trách nhiệm cụ thể của mình trong việc ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo căn cứ nền tảng giúp các cơ quan chức năng xác định chính xác trách nhiệm của các chủ thể có hành vi vi phạm, đưa ra được mức chế tài xử lý phù hợp, công bằng, từ đó, nâng cao hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
Hai là, pháp luật về môi trường cần quy định cách xác định và phân định rõ nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn. Khi xác định được những đặc tính cụ thể của từng nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn sẽ giúp chúng ta có được những biện pháp và cách thức cần thiết để ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn hiệu quả. Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã có sự phân định rõ ràng về nguồn phát sinh tiếng ồn trong quy định pháp luật của quốc gia, điều này góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn hiệu quả ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế. Trong đó, có thể kể đến như tại Singapore, pháp luật nước này đã phân chia cụ thể các nguồn phát sinh tiếng ồn như tại nhà máy, nơi làm việc, các phương tiện tham gia giao thông, máy móc, thiết bị và mỗi loại nguồn phát sinh tiếng ồn thì sẽ có khung pháp lý điều chỉnh riêng biệt. Hay tại Canada, việc phân chia nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn và sự tương ứng với luật áp dụng cũng được vận dụng như đối với các sản phẩm tiêu dùng có phát sinh tiếng ồn thì chịu sự điều chỉnh của Đạo luật về các phẩm nguy hiểm hay đối với các phương tiện giao thông thì sẽ chịu sự điều chỉnh của Đạo luật về an toàn xe cơ giới. Đây chính là điểm tích cực mà pháp luật Việt Nam nên tham khảo khi quy định về việc xác định và phân định nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cần xây dựng một điều luật quy định về các nguồn phát sinh tiếng ồn như tiếng ồn từ nhà máy, công trường thi công, phương tiện giao thông, nơi làm việc..., là cơ sở đầu tiên giúp việc quản lý và ngăn chặn hiệu quả nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn.
Ba là, pháp luật về môi trường cần quy định rõ về cách thức ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn. Việc quy định rõ về cách thức ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành là điều cần thiết để giúp các chủ thể dễ dàng xác định và thực hiện được cách thức ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn hiệu quả, thống nhất. Thực tế hiện nay, do pháp luật chưa đưa ra quy định cụ thể về cách thức ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn nên đã dẫn đến tình trạng lúng túng và không thống nhất trong việc thực hiện ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn, thậm chí không có căn cứ, cơ sở để thực hiện. Chính vì vậy, để khắc phục điều này, việc đưa ra các quy định cụ thể về cách thức cần áp dụng để ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn là điều rất cần thiết. Một số quốc gia đã quy định cụ thể hóa về cách thức thực hiện để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Tiêu biểu như Singapore, trong Đạo luật về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc năm 2011 đã liệt kê các hành động cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của ô nhiễm tiếng ồn. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Singapore trong vấn đề này, theo đó, pháp luật môi trường Việt Nam nên quy định từng cách thức cụ thể có thể được sử dụng để ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn bằng những hành vi cụ thể để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn được nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Bốn là, cần hệ thống hóa các quy định về chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn nói chung và ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn nói riêng vào cùng một văn bản pháp luật chuyên ngành để khắc phục tình trạng cát cứ, rời rạc như hiện nay giúp các chủ thể dễ dàng hơn trong việc áp dụng các quy định pháp luật để xử lý hiệu quả, kịp thời các hành vi vi phạm.
ThS. Trần Linh Huân
ThS. Phan Thị Kim Ngân
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. “10 yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ trẻ em”, https://shoptretho.com.vn/tin-tuc/10-yeu-to-anh-huong-xau-den-suc-khoe-tre-em, truy cập ngày 01/10/2023.
[2]. Đan Lê, “Ô nhiễm tiếng ồn, vấn đề của toàn nhân loại”, https://baothuathienhue.vn/the-gioi/o-nhiem-tieng-on-van-de-cua-toan-nhan-loai-113876.html, truy cập ngày 01/10/2023.
[3]. Bảo Châu, “Ô nhiễm tiếng ồn: Mối nguy hiểm đang bị bỏ qua”, http://daidoanket.vn/o-nhiem-tieng-on-moi-nguy-hiem-dang-bi-bo-qua-374120.html, truy cập ngày 01/10/2023.
[4]. Hồng Điển, “Tiếng ồn giao thông đường bộ - Nguồn ô nhiễm âm thanh lớn nhất ở châu Âu”, http://tapchimoitruong.vn/nhin-ra-the-gioi-65/Tiếng-ồn-giao-thông-đường-bộ—-Nguồn-ô-nhiễm-âm-thanh-lớn-nhất-ở-châu-Âu-13065, truy cập ngày 01/10/2023.
[5]. Bảo Châu, “Ô nhiễm tiếng ồn: Mối nguy hiểm đang bị bỏ qua”, http://daidoanket.vn/o-nhiem-tieng-on-moi-nguy-hiem-dang-bi-bo-qua-374120.html, truy cập ngày 01/10/2023.
[6]. Tuổi trẻ online, “TP.HCM bị ô nhiễm tiếng ồn; Ca COVID-19 giảm nhẹ”, https://tuoitre.vn/tin-sang-28-10-tp-hcm-bi-o-nhiem-tieng-on-ca-covid-19-giam-nhe-20221027151028257.htm, truy cập ngày 01/10/2023.
[7]. Trần Trung, “TP HCM ô nhiễm tiếng ồn hàng đầu thế giới”, https://vnreport.vn/tp-hcm-la-mot-trong-nhung-noi-on-ao-nhat-the-gioi/, truy cập ngày 01/10/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 392), tháng 11/2023)