Xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước
Với mục tiêu bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều quy định, quy phạm hóa chính sách đã được Chính phủ thông qua, theo đó ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa trong 06 lĩnh vực (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa) nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hoá. Việc xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa gắn với xây dựng Thành phố sáng tạo, xứng tầm là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước.
Tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóacác khu vực, di tích và di sản1 (khoản 4 Điều 23 Dự thảo). Điều này nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia.
Hà Nội là địa phương có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu cao quý nhất và có nhiều đóng góp cho thể thao của cả nước[1]. Dự thảo Luật giao Hội đồng nhân dân Thành phố quy định cơ chế hỗ trợ với phạm vi, mức cao hơn quy định hiện hành của Trung ương theo khả năng cân đối ngân sách của Thành phố đối với huấn luyện viên, vận động viên; văn nghệ sỹ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể (khoản 5 Điều 23 Dự thảo) sẽ là nguồn động viên vật chất, tinh thần to lớn, khuyến khích họ tiếp tục cống hiến, tạo động lực cho đội ngũ nghệ nhân kế cận tin tưởng vào việc giữ nghề và truyền nghề, tạo sự ổn định cho các làng, địa phương có nghề, thúc đẩy tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động tại chỗ. Đây cũng là động lực góp phần lan tỏa việc xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân
Với mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, hiện đại, hướng tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu. Huy động, thu hút, phát huy mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh, bền vững; nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của Thành phố. Dự thảo Luật quy định về các hình thức hỗ trợ an sinh xã hội cho nhiều đối tượng như hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng chính sách của Thành phố Hà Nội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, quy định về việc tổ chức khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi - đây là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Thành phố đối với người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô. Nội dung này góp phần ngăn chặn bệnh tật từ sớm, từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp khi Thành phố Hà Nội có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp./.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp
Ảnh: internet
1. Năm 2022, cả nước có 628 nghệ nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó, 65 Nghệ nhân nhân dân (Hà Nội dẫn đầu với 11/65 nghệ nhân) và 563 Nghệ nhân ưu tú (Hà Nội dẫn đầu với 54/563 nghệ nhân).
Năm 2023, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 có 1.003 thành viên, trong đó có hơn 700 vận động viên thi đấu xuất sắc giành vị trí Nhất toàn đoàn trên 11 quốc gia tham dự Đại hội với 136 Huy chương vàng, 105 Huy chương bạc, 118 Huy chương đồng. Hà Nội đóng góp 226 thành viên, trong đó có 161 vận động viên; các vận động viên Hà Nội đóng góp 99 huy chương các loại, gồm 40 Huy chương vàng, 27 Huy chương bạc, 32 Huy chương đồng, đóng góp gần 30% số lượng Huy chương vàng của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, phá 4/14 kỷ lục SEA Games.