Abstract: The work of prevention and fight against crime and crime re-committing has been today more and more diversified and complicated, among them, prevention of crime re-committing is an important duty. This paper clearly makes the co-ordination relationship in prevention and fight against those who have served their sentence returning to residence, and from this, puts forward solutions for improving effect of preventing crime re-committing.
Những năm gần đây, dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế và mặt trái của kinh tế thị trường, tình hình hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp. Trong tình hình đó, đấu tranh phòng chống tội phạm và tái phạm tội sẽ càng đa dạng, phức tạp, khó khăn hơn. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Phòng ngừa các loại tội phạm có ý nghĩa hàng đầu, làm cơ sở nền tảng cho quá trình đấu tranh chống tội phạm, đồng thời là nhiệm vụ không thể thiếu đang được toàn xã hội quan tâm. Hiện nay, tình hình người chấp hành xong hình phạt tù trở về nơi cư trú tái phạm tội ngày càng gia tăng, chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trong số đó, các loại tội phạm có tỷ lệ tái phạm cao như: Cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, mê tín dị đoan…; tỷ lệ tái phạm cao nhất tập trung ở lứa tuổi từ 18 đến 30 tuổi, người tái phạm tội ở lứa tuổi từ 40 trở lên chiếm tỷ lệ thấp hơn nhưng thường tỏ ra nguy hiểm hơn… Tình hình này đã và đang làm bức xúc dư luận xã hội và tác động nhiều mặt về an sinh xã hội.
1. Sự cần thiết phòng ngừa tái phạm tội đối với người chấp hành xong án phạt tù
Việc phòng ngừa tái phạm tội đối với người chấp hành xong án phạt tù là một hoạt động phối hợp bởi nhiều ngành, nhiều cấp, từng lực lượng, ban ngành, tùy theo chức năng của mình có những trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể. Mục tiêu hướng tới là không để cho người chấp hành xong án phạt tù có hành vi tái phạm tội, cảm hóa, giáo dục những người có án tích tại cộng đồng dân cư… giúp họ từ bỏ con đường phạm tội, trở thành con người lương thiện, cùng vun đắp trách nhiệm với xã hội.
Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nói chung và các lực lượng khác nói riêng đã chủ động tham mưu cho chính quyền phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức đoàn thể và quần chúng cộng đồng dân cư làm tốt công tác phòng ngừa tái phạm tội, chủ động, kịp thời có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa đối với từng loại đối tượng cụ thể và đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa lực lượng này và các lực lượng khác còn nhiều bất cập trong thực thi nhiệm vụ, cụ thể như thông tin về đối tượng sau khi chấp hành bản án trở về địa phương chưa kịp thời phản ánh, đặc biệt là các đối tượng ở địa phương khác đến. Việc phòng ngừa tái phạm tội đối với người chấp hành xong án phạt tù những năm qua còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động phòng ngừa còn mang tính hành chính theo diện rộng. Khi xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tái phạm tội đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương của các lực lượng chưa chặt chẽ, mang nặng tính hình thức và chưa gắn với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình xây dựng và sử dụng mạng lưới bí mật để giám sát, nắm bắt tình hình, di biến động và những biểu hiện của hoạt động của những người chấp hành xong án phạt tù chưa được xóa án tích để phòng ngừa, ngăn chặn tái phạm tội còn hạn chế, thiếu sót và có những lỗ hổng. Chưa phát huy hết được vai trò nòng cốt của các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội và cộng đồng dân cư trong giáo dục cảm hóa đối tượng này. Các biện pháp giáo dục, cảm hóa, cải tạo những người có án tích, có quá khứ phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt về địa phương còn hạn chế, chưa đồng bộ, vẫn chủ yếu tập trung ở vai trò của lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Nhận thức của một bộ phận quần chúng và một bộ phận thành viên trong các ban ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội chưa đồng đều, còn định kiến, mặc cảm về quá khứ phạm tội của những người có án tích; coi công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa những đối tượng này là việc của công an, của chính quyền và gia đình đối tượng tái phạm tội.
2. Những biện pháp nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp
Để nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp trong thực hiện công tác phòng ngừa tái phạm tội đối với người chấp hành xong án phạt phạt tù, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền cho các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, tập thể, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, thống nhất việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án tái hòa nhập cộng đồng. Xây dựng ý thức trách nhiệm trong việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương về nhận thức xã hội, trách nhiệm của họ đối với bản thân và đối với xã hội, giúp họ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức nghĩa vụ công dân khi tham gia vào cuộc sống xã hội. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục để người chấp hành xong án nhận thức rõ chính sách của Nhà nước, sự chia sẻ, giúp đỡ của xã hội, cộng đồng… để họ trở lại là một công dân tốt.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, gia đình trong tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù. Phối hợp hiệu quả trong việc xây dựng cơ sở vật chất, lập quỹ hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi cư trú nhất định tái hòa nhập cộng đồng. Có biện pháp trợ giúp cả về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho những người gặp khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh, có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tự tin phấn đấu trở thành công dân tốt[1].
Thứ ba, xây dựng cơ chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội với lực lượng công an cơ sở, chính quyền, cơ quan, tổ chức xã hội… tham gia vào công tác quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù tại địa bàn cư trú.
Thứ tư, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt trong công tác quản lý, giúp đỡ và phòng ngừa tái phạm tội đối với người chấp hành xong án phạt tù ở địa bàn cơ sở như: Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề cho người chấp hành án phạt tù trong trại giam để chuẩn bị những điều kiện cần thiết để họ tái hòa nhập cộng đồng; tiến hành tốt công tác nghiệp vụ để quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ, bố trí hợp lý cán bộ trong tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù[2].
Thứ năm, cần xây dựng mô hình: “Vận động, giáo dục đối tượng tù tha về không tái phạm tội”[3]. Việc làm này cần có sự phối hợp của các lực lượng Công an cấp xã, phường chủ trì phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... trực tiếp đến gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền, giáo dục, động viên người chấp hành xong án phạt tù trong việc tự giác chấp hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế ngăn ngừa tái phạm tội.
[1]. Web: csnd.vn/.../Cong-tac-quan-ly-giao-duc-nguoi-chap-hanh-xong-an-... ngày 5/5/2015.
[2]. Vũ Văn Hòa (2012), “Tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù theo chức năng của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong phòng ngừa tội phạm ở Việt Nam”, Học viện Cảnh sát nhân dân, Hà Nội.
[3]. http://congankontum.gov.vn/hdccat/quy-an-ninh-trat-tu/53743-ket-qua-3-nam-thu, ngày 12/3/2015.