Abstract: Execution of prison sentences against minors in Vietnam is currently one of the amended and supplemented provisions in the Law on Execution of Criminal Judgments in 2019 to ensure the basic rights and obligations of a juvenile prisoner. The content of the article focuses on analyzing the theoretical issues and provisions of Vietnamese law on the execution of prison sentences for minors.
Thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người chưa thành niên là hoạt động phức tạp, có tính chất đặc thù, là hoạt động “lưỡng tính”, vừa có yếu tố của hoạt động tư pháp, vừa có yếu tố của hoạt động hành chính[1]. Chính vì vậy, pháp luật về thi hành án hình sự đã có những quy định đặc thù cho nhóm đối tượng này khi họ bị Tòa án kết án phạt tù. Các cơ quan, người có thẩm quyền khi thi hành án phạt tù đối với người chưa thành niên, bên cạnh việc tuân thủ những nguyên tắc về thi hành án hình sự nói chung, còn phải tuân thủ các nguyên tắc riêng.
1. Về chế độ quản lý đối với phạm nhân là người chưa thành niên
Phạm nhân là người chưa thành niên được giam giữ theo chế độ riêng phù hợp với sức khỏe, giới tính và đặc điểm nhân thân. Theo quy định của pháp luật thi hành án hình sự hiện hành, phạm nhân là người chưa thành niên sẽ được tổ chức giam giữ ở khu riêng. Quy định này thể hiện sự cần thiết của việc xử lý khác biệt giữa phạm nhân là người thành niên và phạm nhân là người chưa thành niên dựa trên những lý do sau đây:
Thứ nhất, theo thống kê, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện từ năm 2016 đến năm 2019 đang có xu hướng ngày càng phức tạp, nguy hiểm và hình phạt được áp dụng đối với họ chủ yếu là hình phạt tù, cụ thể: (i) Năm 2018: Tổng số bị cáo là người chưa thành niên bị xét xử là 2.743 bị cáo (tội ít nghiêm trọng: 2.298 bị cáo, tội nghiêm trọng: 338 bị cáo, tội rất nghiêm trọng: 96 bị cáo, tội đặc biệt nghiêm trọng: 11 bị cáo). (ii) Năm 2019: Tổng số bị cáo bị xét xử là 2.260 bị cáo (tội ít nghiêm trọng: 1.764 bị cáo, tội nghiêm trọng: 339 bị cáo, tội rất nghiêm trọng: 131 bị cáo, tội đặc biệt nghiêm trọng: 26 bị cáo)[2]. Trong khi đó, trong giai đoạn từ 2016 - 2018 có 8.085 người chưa thành niên bị xét xử sơ thẩm hình sự và bị kết án. Số người chưa thành niên bị xét xử và kết án trung bình mỗi năm trong giai đoạn này là 2.695 người (đã giảm 41% so với giai đoạn 2011 - 2015). Từ năm 2016 trở đi, các quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tăng cường miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để giám sát, giáo dục tại cộng đồng cũng như việc hạn chế áp dụng hình phạt tù có thời hạn đã bắt đầu có hiệu lực trong thực tế. Thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, ở giai đoạn này, tỷ lệ người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng biện pháp tư pháp có tăng, nhưng cũng chưa đến 1%. Như vậy, hình phạt tù có thời hạn vẫn được áp dụng hết sức phổ biến (hơn 91%) tuy có giảm nhẹ (2%) so với giai đoạn 2011 - 2015 (hơn 93%)[3]. Như vậy, thực tiễn đã đặt ra yêu cầu cần phải có một khu giam giữ riêng đối với phạm nhân là người chưa thành niên.
Thứ hai, xuất phát từ việc nhận thức rõ khả năng dễ bị tổn thương, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, việc giam giữ riêng đối với họ là thực sự cần thiết. Khi một phạm nhân là người chưa thành niên được giam giữ chung với người đã thành niên thì khả năng họ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực từ phạm nhân đã thành niên là rất cao. Nhất là khi phạm nhân thành niên đó là người đã từng bị kỷ luật. Hơn nữa, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người chưa thành niên thực hiện tội phạm đó chính là do người đã thành niên xúi giục. Vì vậy, quy định về việc giam giữ tách biệt này còn có ý nghĩa ngăn chặn tất cả những yếu tố có khả năng tác động xấu đến phạm nhân là người chưa thành niên. Từ đó, góp phần phòng ngừa tội phạm, hạn chế việc bị tác động để chống đối các quy định trong trại giam gây khó khăn cho việc thi hành án, việc giáo dục, thay đổi họ.
Thứ ba, việc tách biệt trong giam giữ sẽ giúp tăng hiệu quả giám sát, quản lý, giáo dục và bảo đảm chế độ đối với phạm nhân là người chưa thành niên. Giám sát, quản lý phạm nhân là người chưa thành niên và người đã thành niên cần phải có phương pháp khác nhau. Đối với người chưa thành niên, việc quản lý, giám sát cần mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh sự giám sát từ các cán bộ thi hành án, sự hỗ trợ từ phía gia đình, xã hội sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với phạm nhân là người chưa thành niên trong quá trình chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Ngược lại, việc giám sát nghiêm khắc như người đã thành niên hoặc chung với người đã thành niên khiến người chưa thành niên khó chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng hơn và thậm chí dễ tái phạm khi chịu ảnh hưởng không tích cực từ người đã thành niên.
Như vậy, bên cạnh tình hình tội phạm chưa thành niên tăng cao, kết hợp với một thực tế rằng hình phạt tù có thời hạn vẫn là hình phạt chủ đạo được áp dụng đối với họ, tác giả nhận thấy, việc tổ chức giam giữ người chưa thành niên riêng biệt là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật thi hành án hình sự hiện hành vẫn chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 chỉ quy định một cách chung chung. Những hướng dẫn trong Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự (Nghị định số 133/2020/NĐ-CP) cũng chưa đưa ra hướng thực hiện cụ thể. Trong khi đó, theo quan điểm của tác giả, phạm nhân là người chưa thành niên cũng có thể được coi như một “xã hội loài người” thu nhỏ. Ở đó, bao gồm hầu hết các nhóm được quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 - nhóm phạm nhân cần được bố trí khu giam giữ riêng. Ví dụ: Phạm nhân là người chưa thành niên có thể là: Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân là người đồng tính, người chưa xác định rõ giới tính; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân; phạm nhân là người nước ngoài… Trong khi đó, ở một số trại giam, mặc dù người chưa thành niên được giam trong phòng riêng, nhưng lại trong cùng khu vực giam người thành niên, có cùng cổng ra vào và sân chung, do đó, không tránh được sự tiếp xúc giữa người chưa thành niên với phạm nhân là người thành niên[4]. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là, cần phải có một giải pháp hợp lý và quy định cách thức tổ chức trại giam hợp lý hơn để bảo đảm việc giam giữ riêng được thực hiện trên thực tế một cách hiệu quả.
2. Quy định về giáo dục, học văn hóa, học nghề và lao động cho phạm nhân là người chưa thành niên
2.1. Quy định về giáo dục, học văn hóa, học nghề
Phạm nhân là người chưa thành niên có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Tại Việt Nam, đây là độ tuổi tương đương với học sinh trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông. Tuy nhiên, cũng có những người thuộc độ tuổi này nhưng chưa học xong chương trình tiểu học hoặc thậm chí là không biết chữ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc nhận thức của phạm nhân, là một trong những nguyên nhân khiến họ đi vào con đường phạm pháp. Chính vì vậy, để việc giáo dục, cải tạo có hiệu quả thì cần tạo điều kiện cho họ học tập, nâng cao kiến thức, rèn luyện đạo đức và đặc biệt là xóa mù chữ (trong trường hợp không biết chữ). Từ đó, giúp họ nhận thức được mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội của mình gây ra và xác định lại hướng đi đúng đắn. Bên cạnh việc giáo dục, dạy dỗ nâng cao ý thức và nhận thức cho phạm nhân là người chưa thành niên, pháp luật thi hành án hình sự hiện hành cũng quan tâm đến việc trang bị những điều kiện cần thiết để họ chuẩn bị cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau khi đã chấp hành xong án phạt tù.
Xuất phát từ sự cần thiết đó, pháp luật thi hành án hình sự đã có những quy định phù hợp, tạo điều kiện cho việc giáo dục phạm nhân là người chưa thành niên về văn hóa, pháp luật và dạy nghề thông qua việc quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức, cá nhân:
Trách nhiệm chung của trại giam: Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người chưa thành niên về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, học vấn, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với phạm nhân chưa học xong chương trình tiểu học. Chương trình, nội dung học tập, học nghề của phạm nhân dưới 18 tuổi do Chính phủ quy định[5].
Trách nhiệm của cá nhân là người trực tiếp dạy văn hóa cho phạm nhân: Giáo viên dạy văn hóa cho phạm nhân là cán bộ, chiến sĩ của các cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc của các cơ sở giáo dục địa phương. Những phạm nhân đã cải tạo tiến bộ, có trình độ học vấn, khả năng sư phạm, nhân thân tốt, không phải là đối tượng chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu, lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ, hung hãn, mắc bệnh truyền nhiễm, nghiện ma tuý, không phải là phạm nhân xâm phạm an ninh quốc gia có thể bố trí hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ dạy văn hóa xóa mù chữ cho phạm nhân[6].
Về trách nhiệm phối hợp của cơ quan tổ chức khác trong việc dạy văn hóa cho phạm nhân: Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi có cơ sở giam giữ phạm nhân phối hợp thực hiện, cử giáo viên đến dạy văn hóa cho phạm nhân; quản lý, chỉ đạo thực hiện các chương trình học văn hóa, tổ chức xét công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho phạm nhân; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho cán bộ dạy văn hóa cho phạm nhân. Cơ sở giam giữ phạm nhân bố trí hội trường, phòng học bảo đảm việc dạy và học cho phạm nhân[7].
Đồng thời, cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện phải bồi dưỡng chuyên môn công tác văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, hoạt động thư viện cho cán bộ chiến sĩ cơ sở giam giữ phạm nhân[8].
Những quy định cụ thể về nhiệm vụ của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức đã giúp nâng cao trách nhiệm của họ trong việc giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Việc giáo dục văn hóa cho phạm nhân là người chưa thành niên đã được quan tâm, chú trọng. Các trại giam ở một số tỉnh trên cơ sở áp dụng linh hoạt quy định của pháp luật, đã chủ động phối hợp với cơ quan, tổ chức khác, tạo được những môi trường giáo dục, học tập thoải mái, vui vẻ. Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đoàn Thanh niên Công an của một số tỉnh cũng thể hiện được vai trò của mình trong việc phối hợp với trại giam để giáo dục những phạm nhân trong độ tuổi thanh niên thông qua việc tổ chức những chương trình giao lưu định kỳ. Chương trình bao gồm nhiều hoạt động sôi nổi như giao lưu văn nghệ; nghe chuyên gia chia sẻ về những định hướng nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp cho người sắp chấp hành xong án phạt tù; xem các phóng sự về nghề nghiệp, việc làm; xem tiểu phẩm ý nghĩa về khát vọng hoàn lương; giao lưu, gặp gỡ với những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt và người thân của họ. Đây là những hoạt động ý nghĩa nhằm đồng hành, hỗ trợ cũng như tiếp thêm nguồn động lực cho những thanh niên đã mắc sai lầm, vấp ngã, đang cố gắng cải tạo tốt, tái hòa nhập cộng đồng, hướng về một tương lai tốt đẹp phía trước[9]. Thông qua việc tạo một không gian thoải mái vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục cho những phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, việc cảm hóa, giáo dục họ đã đem lại những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu chương trình học tập văn hóa của phạm nhân chưa thành niên được hướng dẫn tại Điều 12 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, tác giả nhận thấy rằng, chương trình học tập của người chưa thành niên thực sự rất “nặng” và chưa phù hợp. Những nội dung học tập còn mang tính khái quát, chung chung hoặc “cao siêu”, chưa phù hợp với trình độ văn hóa của người học. Nội dung chương trình lớn, nhiều bài học có nội dung là các quy định chi tiết của rất nhiều văn bản pháp luật nhưng thời lượng ngắn, đòi hỏi giáo viên phải vừa có kiến thức chuyên sâu, vừa có năng lực và kinh nghiệm sư phạm. Trong khi đó, cán bộ giáo dục (người thầy) chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và trại giam cũng chưa có cơ chế nâng cao năng lực sư phạm cho họ[10]. Chính vì vậy, việc dạy học văn hóa tại các trại giam vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu khiến chất lượng dạy - học vẫn chưa thực sự hiệu quả có liên quan đến những tài liệu giảng dạy chưa phù hợp với những đối tượng người học, chưa có sự phân hóa rõ ràng giữa chương trình học tập của người chưa thành niên và người thành niên. Tác giả cho rằng, với sự phát triển chưa đầy đủ cả về thể chất, tinh thần, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức, việc đơn giản hóa tài liệu học tập là điều thực sự cần thiết để đem lại hiệu quả giáo dục cho phạm nhân là người chưa thành niên.
2.2. Quy định về lao động
Song song với việc được bảo đảm quyền tiếp cận về giáo dục, học tập văn hóa, phạm nhân là người chưa thành niên cũng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ lao động của mình. So với người đã thành niên, người chưa thành niên sẽ được lao động ở khu riêng; được bố trí các công việc phù hợp với độ tuổi và không phải làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại. Quy định này nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, bảo đảm về sức khoẻ cho bản thân họ. Đồng thời, thông qua quá trình lao động, người chưa thành niên sẽ nhận thức được giá trị của sức lao động nói chung và giá trị lao động của bản thân nói riêng. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc rèn luyện, hoàn thiện về nhận thức, nhân cách.
3. Quy định về chế độ gặp, liên lạc điện thoại với thân nhân
Sự động viên, khuyến khích, quan tâm của người thân và gia đình chính là động lực để các phạm nhân vượt qua mặc cảm, yên tâm tiếp tục lao động, học tập, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội. Chính vì vậy, pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam hiện hành đã có những quy định cụ thể về chế độ gặp, liên lạc điện thoại với thân nhân của phạm nhân là người chưa thành niên:
Đối với việc gặp trực tiếp: Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân không quá 03 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 03 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, giám thị trại giam quyết định kéo dài thời gian gặp nhưng không quá 24 giờ. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng[11].
Đối với việc liên lạc bằng điện thoại: Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân không quá 04 lần trong 01 tháng, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ trại giam và tự chịu chi phí[12]. Phạm nhân sẽ được liên lạc với thân nhân bằng điện thoại thêm 01 lần trong tháng và không quá 10 phút; trong trường hợp cấp bách, Thủ trưởng cơ sở giam giữ xem xét, giải quyết cho phạm nhân được liên lạc bằng điện thoại với thân nhân nhưng không quá 10 phút. Phạm nhân chỉ được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân theo số điện thoại và nội dung liên lạc đã được đăng ký[13]. Cán bộ trại giam giám sát chặt chẽ nội dung trao đổi của phạm nhân với thân nhân; nếu phát hiện nội dung trao đổi không đúng với đăng ký thì phải dừng cuộc gọi; lập biên bản và đề xuất xử lý kỷ luật nếu xét thấy cần thiết[14].
Đối với việc liên lạc với thân nhân qua thư từ: Mỗi tháng phạm nhân được gửi 02 lá thư dưới sự kiểm tra, kiểm duyệt của người có thẩm quyền.
Như vậy, pháp luật thi hành án hình sự đã ghi nhận những quy định cần thiết nhằm tạo điều kiện cho việc gặp gỡ, duy trì mối quan hệ tình thân giữa người chưa thành niên và thân nhân của họ.
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. TS. Lê Hữu Thể, TS. Đỗ Văn Đương, ThS. Nguyễn Thị Thủy (đồng chủ biên), Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của việc đổi mới thủ tục tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 422.
[2]. Nguồn: Văn phòng tổng hợp, Tòa án nhân dân tối cao, (2020).
[3]. Bộ Tư pháp, UNICEF, Báo cáo nghiên cứu pháp luật về phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam, 2019, tr. 81; 82.
[4]. Bộ Tư pháp, UNICEF, Báo cáo nghiên cứu pháp luật về phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam, 2019, tr. 92. https://www.unicef.org/vietnam/media/4391/file/JJ%20Sitan%20VN%20full%20report.pdf (truy cập ngày 09/11/2021).
[5]. Khoản 2 Điều 74 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
[6]. Khoản 3 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP.
[7]. Khoản 4 Nghị định số 133/NĐ-CP.
[8]. Điểm đ khoản 2 Điều 25 Nghị định số 133/2020/NĐ.
[9]. Chương trình giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ thanh niên tái hoà nhập cộng đồng năm 2019, báo điện tử Đăk Nông, http://baodaknong.org.vn/thoi-su-trong-tinh/chuong-trinh-giao-duc-pham-nhan-trong-do-tuoi-thanh-nien-va-giup-do-thanh-nien-tai-hoa-nhap-cong-dong-nam-2019-76129.html.
[10]. Nguyễn Quang Vũ (2019), Thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người chưa thành niên, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 94.
[11]. Điều 76 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
[12]. Điều 76 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
[13]. Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 14/2020/TT-BCA ngày 10/2/2020 của Bộ Công an quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân.
[14]. Khoản 6 Điều 12 Thông tư số 14/2020/TT-BCA ngày 10/2/2020 của Bộ Công an quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân.