Với mục tiêu như trên, Công ước tiếp cận thông qua thủ tục tố tụng dân sự để xử lý đối với hành vi cha/mẹ hoặc người thân mang trẻ ra nước ngoài trái pháp luật và đưa ra cơ chế hợp tác giữa cơ quan trung ương của các quốc gia thành viên với những quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, quy trình thủ tục, hồ sơ. Mặc dù, quy định của Công ước tương đối chi tiết, cụ thể và Công ước không đưa ra yêu cầu quốc gia thành viên phải sửa đổi pháp luật trong nước để đảm bảo phù hợp với Công ước, nhưng thực tiễn cho thấy, hầu hết các quốc gia thành viên đều phải sửa đổi, hoàn thiện pháp luật trong nước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Công ước. Một số nước thì sửa đổi, bổ sung nội dung có liên quan vào các đạo luật hiện hành (ví dụ như Pháp đã sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình), trong khi đó một số quốc gia khác lại ban hành đạo luật riêng để thực thi Công ước hiệu quả hơn (ví dụ như Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản...). Nhìn chung, dù với một văn bản riêng hay đặt trong số một văn bản pháp luật chung khác thì các nước đều có quy định cụ thể, chi tiết về thủ tục giải quyết yêu cầu trao trả trẻ theo phạm vi của Công ước.
Hiện nay, để giải quyết hậu quả của hành vi bắt cóc trẻ em, Việt Nam mới chỉ tiếp cận ở khía cạnh hình sự còn việc giải quyết hậu quả pháp lý của hành vi đưa trẻ đi hoặc giữ trẻ trái phép từ góc độ dân sự như phạm vi điều chỉnh của Công ước lại là vấn đề hoàn toàn mới. Điều này cũng có nghĩa là, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam còn nhiều khoảng chống hay có sự khác biệt so với quy định của Công ước.
1. Một số khái niệm chính được đề cập tại Công ước
Về quyền nuôi dưỡng, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có một số quy định về quyền nuôi dưỡng trẻ em như xác định người có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em (Điều 71)... Tuy nhiên, Luật này không xác định rõ nội hàm của chăm sóc, nuôi dưỡng là gì, có bao gồm cả quyền quyết định nơi thường trú của trẻ như quy định của Công ước hay không? Tương tự, đối với thuật ngữ “quyền thăm nom”, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng có quy định về quyền của cha/mẹ được thăm nom con trong trường hợp ly hôn (Điều 82) nhưng cũng không xác định cụ thể nội hàm của quyền thăm nom, quyền này có bao gồm cả quyền đưa trẻ đi khỏi nơi trẻ thường trú trong một thời gian nhất định hay không?
Về độ tuổi của trẻ em, Công ước áp dụng đối với trẻ dưới 16 tuổi. Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam cũng xác định trẻ em là người dưới 16 tuổi (Điều 1). Tuy nhiên, theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015, thì quyền nuôi dưỡng của cha/mẹ được duy trì đối với trẻ đến 18 tuổi trở xuống. Như vậy, quy định này có khoảng cách so với Công ước.
Về nơi thường trú, thuật ngữ “nơi thường trú” là một thuật ngữ quan trọng được sử dụng tại Công ước vì gắn với mục đích chính là đảm bảo cho trẻ em được sống tại nơi quen thuộc với trẻ em. Từ các quy định của Công ước, đặc biệt ở Điều 4 và Điều 5[2], có thể hiểu việc xác định nơi thường trú của trẻ em phụ thuộc vào người có quyền nuôi dưỡng, đồng thời thuật ngữ này cũng được sử dụng để đề cập tới nơi trẻ vốn sinh sống thường xuyên cùng cha mẹ, hoặc cùng cha/mẹ với sự đồng ý của người còn lại hoặc bởi quyết định của Tòa án hoặc nơi trẻ sinh sống với những người có trách nhiệm nuôi dưỡng… Công ước không đưa ra khái niệm cụ thể về nơi thường trú mà để cho pháp luật của các quốc gia giải quyết. Pháp luật Việt Nam xác định nơi cư trú của trẻ theo nơi cư trú của người nuôi dưỡng[3]. Tuy nhiên, thuật ngữ “cư trú” theo pháp luật Việt Nam lại bao gồm cả tạm trú và thường trú[4]. Điều này có thể dẫn đến những phức tạp khi áp dụng Công ước.
2. Về căn cứ phát sinh quyền nuôi dưỡng, quyền thăm nom và việc đảm bảo quyền bày tỏ nguyện vọng của trẻ
Theo quy định của Công ước, các quyền nuôi dưỡng được phát sinh theo quy định pháp luật, quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thỏa thuận hợp pháp theo pháp luật của quốc gia thành viên. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 của Việt Nam cũng có quy định tương tự.
Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng có một số quy định liên quan như quy định về chủ thể có quyền thăm nom, nghĩa vụ hợp tác để thực thi quyền này cũng như trường hợp hạn chế quyền thăm nom. Tuy nhiên, cũng tương tự như vấn đề trả lại trẻ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự cũng chưa có được cơ chế đảm bảo thực hiện quyền thăm nom nếu các bên liên quan không tự giác thực hiện.
Trên thực tế, quyền nuôi dưỡng hoặc thăm nom con trong các bản án hôn nhân, gia đình của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tại Việt Nam thường được thực hiện trên cơ sở quyết định của Tòa án Việt Nam về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Đối với những trường hợp chưa có bản án, quyết định được công nhận thì pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để giải quyết hậu quả hành vi đưa trẻ đi trái phép và cũng chưa có cơ chế theo cách tiếp cận Công ước để đảm bảo quyền thăm nom con của cha/mẹ. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam còn lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý quốc tế cũng như trong nước để giải quyết. Điều này là một bất cập cần được sớm giải quyết.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng đã có quy định về đảm bảo quyền bày tỏ nguyện vọng của trẻ trong việc xác định người nuôi dưỡng trong thủ tục ly hôn phù hợp với tinh thần Điều 13 Công ước.
3. Về thủ tục trao trả lại trẻ
Công ước yêu cầu các cơ quan tư pháp hoặc hành chính của quốc gia ký kết phải khẩn trương tiến hành các thủ tục trả lại trẻ khi nhận được đơn yêu cầu từ các quốc gia thành viên khác. Tuy nhiên, việc xác định cơ quan trong nước có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu này và thủ tục giải quyết hoàn toàn do pháp luật mỗi quốc gia tự điều chỉnh. Tại Việt Nam, việc giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, thăm nom trẻ thuộc thẩm quyền của Tòa án, có thể theo thủ tục công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (trường hợp đã có bản án quyết định về quyền nuôi dưỡng) hoặc theo thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài (khi đang có tranh chấp về quyền nuôi dưỡng). Tuy nhiên, hiện nay thời hạn giải quyết các loại vụ việc này theo Bộ luật Tố tụng dân sự khó có thể đáp ứng yêu cầu của Công ước. Bên cạnh đó, Công ước cũng có một số yêu cầu về thủ tục hồ sơ khác với pháp luật trong nước. Chẳng hạn như, kể cả khi Tòa án đã có quyết định việc trao trả lại trẻ thì Luật Thi hành án dân sự cũng chưa có cơ chế đảm bảo thực hiện nếu các bên liên quan không tự giác thực hiện. Thi hành các quyết định về thực hiện quyền nuôi dưỡng thuộc nhóm thi hành án phi tài sản, nên nó có những yêu cầu, đặc thù riêng khác với thi hành án về tài sản. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện hành chưa có quy định về quy trình, cách thức thực hiện các yêu cầu thi hành án phi tài sản ngoại trừ một số quy định về biện pháp xử phạt hành chính trong thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, Luật Thi hành án dân sự hiện hành cũng không có quy định về thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài để điều chỉnh những vấn đề đặc thù riêng của loại vụ việc này, mà vẫn chỉ áp dụng những quy định chung về thi hành án.
4. Về chỉ định cơ quan trung ương
Công ước yêu cầu quốc gia ký kết phải chỉ định một hoặc một số cơ quan trung ương thực hiện các nghĩa vụ do Công ước quy định cho các cơ quan đó bao gồm nhiều nghĩa vụ từ tiếp nhận yêu cầu trả lại trẻ em, tìm kiếm trẻ em, có các hoạt động ngăn chặn tổn hại khác có thể xảy ra với trẻ em… đến dàn xếp hành chính cần thiết và thích hợp nhằm bảo đảm việc trả lại trẻ em một cách an toàn. Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ quan, tổ chức nào được giao các thẩm quyền, chức năng tương tự như cơ quan trung ương theo quy định của Công ước.
Như vậy, so với Công ước, các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam ở một số nội dung là tương đồng. Tuy nhiên, phần nhiều quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc hoặc còn có khoảng trống hay khác biệt. Đặc biệt là về trình tự, thủ tục trao trả trẻ em bị mang đi hoặc giữ lại trái phép và các quy định liên quan đến việc bảo đảm quyền thăm nom trẻ chưa được quy định cụ thể.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập sâu rộng và toàn diện với khu vực và thế giới, các quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài cũng rất phát triển, thì những vụ việc đưa trẻ đi trái pháp hoặc vi phạm quyền thăm nom trẻ có yếu tố quốc tế mà Việt Nam phải giải quyết cũng sẽ phát sinh nhiều hơn. Chính phủ cũng đã có chủ trương gia nhập Công ước trong thời gian tới khi điều kiện chín muồi. Để thực thi Công ước một cách hiệu quả sau khi gia nhập, thì Việt Nam cần nghiên cứu, đánh giá pháp luật trong nước so với các quy định của Công ước để có những giải pháp, lộ trình hoàn thiện pháp luật cụ thể.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Công ước hiện đã có 99 thành viên, trong đó có nhiều quốc gia mà Việt Nam có số lượng lớn các vụ việc về hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia… Xem giới thiệu Công ước tại http://www.hcch.net/upload/outline28e.pdf.
[2]. Điều 4 quy định: “Công ước này áp dụng đối với bất kỳ trẻ em nào thường trú tại một quốc gia ký kết ngay trước khi có bất kỳ sự vi phạm quyền nuôi dưỡng hoặc thăm nom” và khoản a Điều 5 quy định: “Quyền nuôi dưỡng bao gồm các quyền liên quan đến việc chăm sóc bản thân trẻ và đặc biệt, quyền quyết định nơi cư trú của trẻ”.
[3]. Khoản 1 Điều 41 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống”.
[4]. Điều 1 Luật Cư trú quy định: “Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú.