Đi kèm với nó là vấn đề khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động thừa phát lại khi xuất hiện những vi phạm về hoạt động thừa phát lại như thực hiện việc tống đạt còn sai sót, vi phạm; lập vi bằng không đúng thẩm quyền, chạy theo lợi nhuận… Bài viết đã nêu lên những quy định cụ thể về việc khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động thừa phát lại cũng như thẩm quyền và trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Theo quy định pháp luật về Thừa phát lại[2], thì Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc cụ thể. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động Thừa phát lại.
Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây được gọi là Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại)[3] quy định về khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động thừa phát lại như sau:
1. Khiếu nại đối với hoạt động của Thừa phát lại
1.1. Chủ thể thực hiện khiếu nại và đối tượng bị khiếu nại
Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định: Đương sự và những người liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thừa phát lại, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc của Thừa phát lại (khoản 1 Điều 45). Theo đó, chủ thể thực hiện khiếu nại là đương sự và những người liên quan; đối tượng bị khiếu nại là quyết định, hành vi của Thừa phát lại, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc của Thừa phát lại.
Các quyết định, hành vi của Thừa phát lại, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại trong quá trình thực hiện các công việc của Thừa phát lại như: Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự đều bị đương sự và những người liên quan khiếu nại. Khiếu nại đối với hoạt động thừa phát lại chia làm 3 loại: Khiếu nại về thi hành án dân sự; khiếu nại trong việc tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính; khiếu nại khác liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại.
1.2. Thẩm quyền và trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại
Khoản 2 Điều 45 Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định việc giải quyết khiếu nại được thực hiện như sau:
Đối với khiếu nại về thi hành án dân sự, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại về hành vi, quyết định của Thừa phát lại thuộc Văn phòng mình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại về hành vi, quyết định của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án đã có hiệu lực thi hành. Các quy định khác về giải quyết khiếu nại về thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Đối với việc giải quyết khiếu nại trong việc tống đạt văn bản của Tòa án, thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính.
Đối với các khiếu nại khác liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại ra quyết định giải quyết lần đầu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp, thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết khiếu nại trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.
2. Tố cáo đối với hoạt động của Thừa phát lại
2.1. Chủ thể thực hiện tố cáo và đối tượng bị tố cáo
Điều 47 Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định: Việc tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Luật Tố cáo và văn bản liên quan. Theo đó, tố cáo là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của của Thừa phát lại, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Người tố cáo có các quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập.
2.2. Thẩm quyền và trình tự thủ tục giải quyết tố cáo
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
Trình tự thủ tục giải quyết tố cáo được thực hiện theo Luật Tố cáo, Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo, Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo, cụ thể: Sau khi tiếp nhận tố cáo thuộc thẩm quyền, thì trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 của Luật Tố cáo, người giải quyết tố cáo phải tổ chức việc kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ của người tố cáo và các nội dung khác theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Tố cáo. Trước khi ban hành kết luận nội dung tố cáo, trong trường hợp cần thiết, người giải quyết tố cáo tổ chức cuộc họp để thông báo trực tiếp hoặc gửi dự thảo kết luận nội dung tố cáo để người bị tố cáo biết và tiếp tục giải trình (nếu có). Căn cứ báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật, người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo.
Tổng cục Thi hành án dân sự
[1]. Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2013 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
[2]. Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực kể từ ngày 09/9/2009 được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực kể từ ngày 05/12/2013.
[3]. Điều 1 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ quy định: Sửa đổi tên gọi của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh như sau: Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.