Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án quyết định tạm ngưng việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý trong một thời hạn khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn Tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án dân sự đó. Bài viết đã chỉ ra được những điểm mới về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đồng thời tác giả cũng phân tích kỹ một số căn cứ cần được tiếp tục nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể hơn như: Căn cứ đương sự là cá nhân đã chết mà chưa có cơ quan, tổ chức, các nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; căn cứ chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế…, thời hạn và hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
1. Căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Về cơ bản, các căn cứ tạm đình chỉ được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tương đối cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011)[1]. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung thêm ba căn cứ mới quy định tại các điểm đ, e, g khoản 1 Điều 214[2]. Tuy nhiên, có một số căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án cần được tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể hơn:
- Đối với căn cứ đương sự là cá nhân đã chết mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó
Căn cứ trên được áp dụng khi một trong các đương sự là cá nhân đang tham gia vào việc giải quyết vụ án đã chết mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đó. Theo Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền và nghĩa vụ tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”. Như vậy, chỉ trong trường hợp quyền và nghĩa vụ của đương sự đã chết là quyền và nghĩa vụ về tài sản thì người thừa kế sẽ tham gia tố tụng, còn đối với các quan hệ về nhân thân thì không có sự kế thừa về quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự, nên nếu quyền và nghĩa vụ đương sự đang yêu cầu Tòa án giải quyết là quyền nhân thân mà có một trong các đương sự chết thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Đối với vụ việc có nhiều quan hệ pháp luật vừa có quan hệ nhân thân, vừa có quan hệ tài sản cần giải quyết (ly hôn, chia tài sản của vợ chồng đồng thời giải quyết yêu cầu của chủ nợ đối với vợ chồng…) thì việc một trong các đương sự chết cũng không làm chấm dứt việc giải quyết các quan hệ tài sản. Trong những trường hợp này, Tòa án chỉ đình chỉ giải quyết yêu cầu đối với quan hệ nhân thân, tạm đình chỉ đối với việc giải quyết quan hệ tài sản mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, điều này cần được giải thích rõ.
Ngoài ra, cũng giống như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định đối với trường hợp đương sự chết khi Tòa án đang giải quyết vụ án dân sự mà quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ theo pháp luật quy định là được kế thừa nhưng không có người thừa kế. Theo Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017) thì trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước. Do đó, cần hướng dẫn cụ thể, trường hợp vụ án tranh chấp về tài sản mà đương sự là cá nhân chết không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản mà chưa xác định được cơ quan nhà nước nhận tài sản kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự đã chết thì Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
- Đối với căn cứ đương sự là cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó
Đây là trường hợp đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sáp nhập, chia, tách cơ quan, tổ chức, nhưng cơ quan, tổ chức mới chưa được thành lập hoặc đã được thành lập nhưng chưa có đủ điều kiện để hoạt động theo quy định của pháp luật đối với loại hình cơ quan, tổ chức đó. Cần phân biệt với trường hợp các cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn, bị đơn chấm dứt hoạt động trên thực tế (do bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản) nếu “không có” cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng bị giải thể, bị tuyên bố phá sản thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Việc xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, so với Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì căn cứ tạm đình chỉ tại Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn bỏ sót trường hợp tổ chức chuyển đổi hình thức tổ chức, thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới, trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết[3]. Do đó, việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần bổ sung thêm căn cứ tạm đình chỉ cho phù hợp với Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Đối với căn cứ đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật
Trong trường hợp này, khi chưa xác định được người đại diện theo pháp luật của đương sự thì Tòa án phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Quy định này là phù hợp, bởi nếu Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ việc mà chưa có người đại diện thay đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự thì sẽ không bảo đảm quyền tiếp cận công lý của công dân, việc giải quyết vụ án dân sự khó có thể chính xác và đúng đắn. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ[4]. Việc bổ sung này là hợp lý nhằm đáp ứng thực tế hiện nay. Vì vậy, để tương thích với Bộ luật Dân sự năm 2015, cần quy định hướng dẫn thêm trường hợp đương sự là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật.
- Đối với căn cứ chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, trường hợp chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự nhưng chưa có người thay thế ngay, thì Tòa án quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật của đương sự là cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng dân sự mà đương sự là cá nhân được đại diện đã thành niên hoặc đã khôi phục năng lực hành vi dân sự, thì đương sự sẽ tiếp tục tham gia tố tụng hoặc có thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Ngoài ra, khi quan hệ ủy quyền chấm dứt thì đương sự hoặc người thừa kế của đương sự sẽ tiếp tục hoặc ủy quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng. Vì vậy, trong trường hợp quan hệ ủy quyền đã chấm dứt, nhưng đương sự hoặc người thừa kế của đương sự lại tiếp tục tham gia tố tụng hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án mà không ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết.
- Đối với căn cứ cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án
Đối với trường hợp sau khi Tòa án thụ lý vụ án thì phát hiện được sự việc mà đương sự yêu cầu phải do cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền giải quyết trước, nhưng đương sự chưa yêu cầu hoặc đã yêu cầu mà chưa có kết quả giải quyết, thì Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và hướng dẫn đương sự gửi đơn yêu cầu đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết đó. Sau khi có kết quả giải quyết, đương sự không đồng ý hoặc không được giải quyết trong thời hạn, thì Tòa án lại tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án.
Theo quy định hiện nay, các trường hợp cần phải yêu cầu cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước là:
+ Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án, trong đó quy định đối với tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết. Quy định này là tương thích với Điều 201 và 204 Bộ luật Lao động năm 2012.
+ Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định quyền khởi kiện tại Tòa án của người bị thiệt hại trong trường hợp không tán thành với quyết định giải quyết bồi thường.
+ Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành, thì đương sự có quyền khởi kiện đến Tòa án. Như vậy, khi đơn kiện về các tranh chấp đất đai mà chưa được hòa giải theo quy định của pháp luật đất đai, Tòa án đã thụ lý vụ án và phát hiện ra căn cứ này, thì Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và hướng dẫn đương sự nộp đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết trước. Theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tuy nhiên, có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã trước khi khởi kiện đến Tòa án hay không là vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể. Theo tác giả, việc hướng dẫn thi hành vấn đề này nên kế thừa hướng dẫn của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự[5].
- Đối với căn cứ cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì mới giải quyết được vụ án
Đây là căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mới được áp dụng đối với những vụ án mà việc giải quyết vụ án phải thực hiện bằng biện pháp ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ thì thời gian để chờ kết quả ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ thường mất nhiều thời gian nên việc bổ sung căn cứ này là phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
- Đối với căn cứ cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ
Quy định mới này phù hợp với Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật.
- Đối với căn cứ theo Điều 41 của Luật Phá sản năm 2014
Điều 41 Luật Phá sản năm 2014 quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý vụ việc phá sản, Tòa án nhân dân phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự. Vì vậy, việc bổ sung căn cứ này nhằm bảo đảm sự đồng bộ với quy định của Luật Phá sản năm 2014.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật
Đây là quy định mở, mang tính dự phòng đối với những trường hợp phát sinh lý do mà Tòa án cần thiết phải ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự mới bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Theo quy định tại khoản 18 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Quy định này chưa thực sự rõ ràng, bởi đề nghị này có cần phải phù hợp với các căn cứ quy định tại Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay không và có cần phải tất cả các đương sự khác đồng ý hay không? Theo tác giả, quy định tại khoản 18 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là quyền của đương sự, nhưng việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án lại ảnh hưởng tới quyền lợi của các đương sự khác, nhất là khi vụ án có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Do vậy, khi đương sự đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì thẩm phán phải xem xét đề nghị đó có hợp lý không và có phù hợp với các quy định của pháp luật không. Nếu phù hợp thì Tòa án mới chấp nhận yêu cầu đề nghị của đương sự. Tuy nhiên, từ góc nhìn này, tác giả cho rằng, nếu trong trường hợp tất cả các đương sự trong vụ việc dân sự đều thỏa thuận và cùng đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự trong một thời hạn nhất định để các bên có thời gian hòa giải hoặc một bên đương sự yêu cầu và các đương sự khác đều đồng ý, thì nhà lập pháp cũng nên ghi nhận sự kiện này là một căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự. Sự ghi nhận này là phù hợp với quyền tự định đoạt của đương sự.
2. Thời hạn và hậu quả tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
So với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), thời hạn Tòa án phải gửi quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 rút ngắn hơn, còn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Quy định này là nhằm bảo đảm tốt hơn quyền kháng cáo của đương sự và quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) nhưng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa khắc phục được. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) không quy định về thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi xuất hiện căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự dẫn đến hậu quả khi áp dụng trong thực tiễn, một số Tòa án chậm ra quyết định, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần thiết phải quy định thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi xuất hiện căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Về cơ bản, hậu quả pháp lý của tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được giữ nguyên theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011):
- Tòa án không xóa tên vụ án trong sổ thụ lý mà chỉ ghi vào sổ thụ lý ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ.
- Tiền tạm ứng án phí, lệ phí đương sự đã nộp được gửi tại kho bạc và được xử lý khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.
- Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Bên cạnh đó, do Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung thêm căn cứ tạm đình chỉ quy định tại điểm e khoản 1, nên Điều 215 Bộ luật Tố tụng dân sự bổ sung thêm hậu quả pháp lý trong trường hợp này là trước khi tạm đình chỉ, Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án phải có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này. Trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn này mà cơ quan có thẩm quyền không có văn bản trả lời, thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Ngoài ra, để bảo đảm giải quyết nhanh chóng vụ án dân sự, Điều 215 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung quy định, trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án.
So với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể hơn về thời hạn Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự là trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn, đồng thời Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn quy định Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên, theo chúng tôi, sẽ hợp lý hơn nếu quy định cụ thể thời hạn Tòa án phải gửi quyết định tiếp tục giải quyết vụ án cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và gửi choViện kiểm sát cùng cấp.
Điểm mới quan trọng nữa của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là đã quy định cụ thể ngày hết hiệu lực của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án kể từ khi ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.
TS. Bùi Thị Huyền
Đại học Luật Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
[1]. Như các căn cứ: Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật; chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế; cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
[2]. Đó là các căn cứ: Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án; cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; theo quy định tại Điều 41 của Luật Phá sản năm 2014.
[3]. Xem Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[4]. Xem Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5]. Trên thực tế, các tranh chấp đất đai thường là tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung là quyền sử dụng đất, các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: Đối với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất thì phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 135 của Luật Đất đai năm 2003. Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất… thì không phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hòa giải theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo tác giả, hướng dẫn trên của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là hợp lý, không làm hạn chế quyền khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Đại học Luật Hà Nội