1. Quy định pháp luật Việt Nam về quyền điều hành kinh doanh của thành viên hợp danh trong công ty đấu giá hợp danh trong mối tương quan so sánh với pháp luật Cộng hòa Pháp
Một là, ở Việt Nam, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 không có quy định đặc thù về quyền điều hành kinh doanh của thành viên hợp danh trong công ty đấu giá hợp danh. Do đó, vấn đề này chủ yếu được thực hiện theo các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Cụ thể:
- Thành viên hợp danh trong công ty đấu giá hợp danh có quyền tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty. Tham gia họp theo quy định này là họp Hội đồng thành viên. Công ty hợp danh ở Việt Nam, không phân biệt quy mô, đều phải có Hội đồng thành viên trong cơ cấu tổ chức quản lý công ty. Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả các công việc kinh doanh của công ty thông qua biểu quyết của thành viên (khoản 3 Điều 182 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Tính chất “đối nhân” của công ty hợp danh được thể hiện rất rõ thông qua quy định về tỷ lệ biểu quyết các vấn đề của công ty. Theo đó, tỷ lệ biểu quyết trong Hội đồng thành viên của công ty hợp danh không phụ thuộc vào tỷ lệ phần vốn góp mà mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết như nhau nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
Trong công ty hợp danh, các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Các thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhận các chức danh quản lý và kiểm soát công ty. Trường hợp một số hoặc tất cả các thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh của công ty thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số chấp thuận (khoản 1, khoản 2 Điều 184 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Nguyên tắc đa số mà Luật Doanh nghiệp năm 2020 đề cập ở đây là căn cứ vào biểu quyết của thành viên hợp danh. Thành viên hợp danh có thể thực hiện các hoạt động ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh của công ty và công ty chịu trách nhiệm về các hoạt động này nếu được sự chấp thuận của các thành viên còn lại (khoản 2 Điều 184 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 không quy định hình thức nào khác về việc chấp thuận của thành viên trong các trường hợp này ngoài cuộc họp Hội đồng thành viên.
Đối với công ty đấu giá hợp danh ở Việt Nam, công ty luôn phải có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên (khoản 3 Điều 23 Luật Đấu giá tài sản năm 2016). Đấu giá viên với tư cách là thành viên hợp danh luôn là một trong những người quản lý công ty. Bởi lẽ, Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 không ghi nhận quyền thuê người quản lý đối với công ty hợp danh. Đây chính là điểm khác biệt giữa công ty hợp danh với doanh nghiệp tư nhân cũng như các loại hình công ty khác.
Ở Pháp, theo quy định của Bộ luật Thương mại, hợp danh thông thường (SNC) chỉ bao gồm thành viên hợp danh. Hợp danh thông thường là một trong những hình thức kinh doanh phổ biến nhất ở Pháp, đặc biệt là các công ty gia đình[1]. Thành viên của hợp danh thông thường có số lượng tối thiểu là 02 (Điều L221-1) và chịu trách nhiệm chung vô hạn đối với các khoản nợ của công ty. Hợp danh hữu hạn (SCS) có hai loại thành viên, đó là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Trong hợp danh hữu hạn luôn phải có ít nhất là một thành viên hợp danh và một thành viên góp vốn. Hai loại thành viên này có tư cách pháp lý khác nhau. Thành viên hợp danh có trách nhiệm như thành viên hợp danh trong hợp danh thông thường (Điều L222-2). Thành viên góp vốn cũng có thể là cá nhân hoặc tổ chức, chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty đối với số tiền họ đóng góp (Điều L222-1). “Intuitu personae là một nguyên tắc chủ đạo trong quản trị công ty hợp danh hữu hạn. Theo đó, chỉ có các thành viên hợp danh mới được phép điều hành và quản lý hợp danh hữu hạn”[2].
Theo quy định của Bộ luật Thương mại Pháp, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh thông thường hay công ty hợp danh hữu hạn có quyền trực tiếp điều hành và quản lý công ty hoặc thuê người quản lý. Trường hợp người quản lý là thành viên hợp danh, nếu công ty có một người quản lý và Điều lệ công ty không giới hạn quyền của thành viên hợp danh, người quản lý có thể thực hiện tất cả các hành vi quản lý vì lợi ích của công ty; nếu có nhiều hơn một người quản lý, mỗi người sẽ nắm giữ quyền hạn riêng biệt. Mỗi người quản lý có quyền phản đối bất kỳ giao dịch nào trước khi kết thúc (Điều L221-4). Các quyết định vượt quá quyền hạn được giao cho người quản lý sẽ được thực hiện theo sự nhất trí của các thành viên hợp danh (Điều L221-6). Như vậy, theo quy định của pháp luật Pháp, mỗi người quản lý sẽ có quyền hạn riêng biệt chứ không theo nguyên tắc đa số chấp thuận như pháp luật Việt Nam.
Pháp luật của Pháp không đặt ra điều kiện về loại hình doanh nghiệp đối với công ty đấu giá. Công ty đấu giá có thể được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức của một trong các loại hình công ty thương mại được Bộ luật Thương mại Pháp điều chỉnh, trong đó có các mô hình hợp danh trên. Hơn nữa, khác với Việt Nam, pháp luật ở Pháp không bắt buộc người quản lý công ty đấu giá phải là đấu giá viên. Các công ty bán đấu giá phải có Giám đốc, thành viên hoặc nhân viên là người có trình độ chuyên môn cần thiết để tiến hành bán hàng hoặc có chứng chỉ, bằng cấp hoặc được Hội đồng đấu giá công nhận là tương đương để bán đấu giá theo các điều kiện nhất định (Điều L321-8).
Hai là, thành viên hợp danh có quyền yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty, kiểm tra tài sản, sổ kế toán và tài liệu khác của công ty khi thấy cần thiết. Pháp luật Việt Nam không quy định tần suất thực hiện quyền này. Điều đó có nghĩa, quyền này của thành viên hợp danh được thực hiện bất cứ khi nào mà họ thấy cần thiết.
Ở Pháp, Bộ luật Thương mại quy định quyền nhận các thông báo về tài liệu và sổ sách kế toán của công ty hợp danh thông thường và công ty hợp danh hữu hạn chỉ dành cho thành viên hợp danh không điều hành công việc kinh doanh và thành viên góp vốn, với tần suất 02 lần/năm. Ngoài ra, các thành viên này còn có thể đặt câu hỏi bằng văn bản cho người quản lý công ty để được hồi đáp về bất kỳ vấn đề nào của công ty (Điều L221-8, Điều L222-2 và Điều L222-7). Đối với thành viên hợp danh là người quản lý công ty, mặc dù mỗi người có quyền hạn riêng biệt trong trường hợp công ty có nhiều người quản lý, nhưng mỗi người đều có quyền phản đối bất kỳ giao dịch nào do người quản lý thực hiện (Điều L221-4 và Điều L222-2).
2. Một số hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền điều hành kinh doanh của thành viên hợp danh trong công ty đấu giá hợp danh
Nhìn chung, mô hình công ty hợp danh ở Việt Nam chịu ảnh hưởng và tiếp thu nhiều từ các quy định pháp luật của Pháp. Tuy nhiên, công ty hợp danh theo quy định của pháp luật ở Pháp có hai loại hình như pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới (Nhật Bản, Hoa Kỳ...), trong khi đó, mô hình công ty hợp danh ở Việt Nam lại mang tính “hỗn hợp”. Chính vì vậy, vấn đề về quyền điều hành kinh doanh của thành viên hợp danh trong quy định pháp luật Việt Nam sẽ khó tránh khỏi những hạn chế nhất định. Cụ thể:
Một là, trong khi công ty hợp danh theo pháp luật các nước phân định rõ hai loại hợp danh cơ bản, đó là công ty hợp danh thông thường và công ty hợp danh hữu hạn, mô hình công ty hợp danh ở Việt Nam tuy chỉ có một nhưng bao hàm trong đó cả hai loại hình công ty đối nhân theo pháp luật các nước. Quy định mang tính “hỗn hợp” và cơ cấu tổ chức cồng kềnh - luôn phải có Hội đồng thành viên của công ty hợp danh theo pháp luật Việt Nam cũng gây ra không ít khó khăn cho việc hội nhập quốc tế của mô hình công ty này.
Với quy định hiện nay của pháp luật Việt Nam, cơ cấu tổ chức quản lý công ty đấu giá hợp danh cũng phải có Hội đồng thành viên. Việc quyết định các công việc kinh doanh của công ty cũng phải thông qua họp Hội đồng thành viên. Kinh doanh các ngành dịch vụ thường đòi hỏi vốn ít, quay vòng nhanh. Quy mô của doanh nghiệp, theo đó, cũng rất hạn chế. Với quy mô nhỏ nhưng lại phải có cơ cấu tổ chức quản lý cứng nhắc thì thực sự là không cần thiết.
Hai là, ở Việt Nam, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp danh phải là một trong các thành viên hợp danh, tức là công ty không được thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc như các loại hình doanh nghiệp khác. Riêng đối với công ty đấu giá hợp danh, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty phải là đấu giá viên. Ở đây, có hai vấn đề cần bàn: (i) Không ghi nhận quyền thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đối với công ty hợp danh đã làm hạn chế đi quyền của công ty, đồng thời phần nào làm hạn chế bản chất “đối nhân” của công ty hợp danh. (ii) Đối với công ty đấu giá hợp danh, đấu giá tài sản là hoạt động nghề nghiệp của đấu giá viên, không thể đồng nhất hoạt động nghề nghiệp với hoạt động quản trị công ty. Một đấu giá viên có thể giỏi về chuyên môn nhưng không có nghĩa người đó có khả năng quản trị công ty tốt, bởi bên cạnh hoạt động kinh doanh đấu giá, trong công ty đấu giá hợp danh còn có nhiều hoạt động khác cần đến năng lực quản trị công ty như nhân sự, kế toán, tài chính, lao động...
Ba là, pháp luật Việt Nam không ghi nhận quyền của thành viên hợp danh phản đối bất kỳ hoạt động nào của các thành viên thực hiện hoạt động kinh doanh trước khi hoàn thành công việc đó. Đối với công ty đấu giá hợp danh, ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, một hoặc các thành viên hợp danh còn lại không nhất thiết là đấu giá viên. Thành viên hợp danh là đấu giá viên, bên cạnh quyền quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, còn là người thực hiện các cuộc đấu giá. Trường hợp công ty chỉ có duy nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên thì thành viên hợp danh này đồng thời cũng là Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty. Như vậy, sẽ dễ dẫn đến tình trạng thành viên hợp danh đó nắm nhiều quyền hành trong công ty. Đôi khi họ có những quyết định sai lầm mà không có sự phản đối kịp thời của các thành viên khác.
3. Một số đề xuất
Thứ nhất, đối với công ty hợp danh, Luật Doanh nghiệp Việt Nam cần ghi nhận hai loại hình công ty hợp danh là công ty hợp danh thông thường và công ty hợp danh hữu hạn. Khi đó, doanh nghiệp đấu giá tài sản có thể thành lập theo một trong các loại hình: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh thông thường hoặc công ty hợp danh hữu hạn.
Thứ hai, pháp luật Việt Nam nên bỏ quy định về Hội đồng thành viên. Tức là, trong công ty hợp danh thông thường và công ty hợp danh hữu hạn, thành viên hợp danh đều nắm quyền điều hành và quản lý công ty. Việc lấy ý kiến biểu quyết để thông qua các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh của công ty cũng được thực hiện theo nguyên tắc đa số thành viên hợp danh tán thành. Hình thức lấy ý kiến có thể thông qua cuộc họp các thành viên hoặc các hình thức khác được quy định trong Điều lệ công ty. Cơ cấu tổ chức quản lý gọn nhẹ này cũng phù hợp với quy mô nhỏ và vừa của đại đa số công ty hợp danh nói chung, công ty đấu giá hợp danh nói riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động đấu giá tài sản ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự phổ biến và tạo được niềm tin cho các bên liên quan. Do đó, quy định công ty đấu giá hợp danh phải có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên cần tiếp tục được duy trì. Tức là phải có ít nhất một người trong những người quản lý công ty là đấu giá viên.
Thứ ba, Luật Doanh nghiệp Việt Nam nên mở rộng ghi nhận quyền thỏa thuận của thành viên hợp danh trong việc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty hợp danh. Đã từng có ý kiến cho rằng, “điều kiện đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp là rất mơ hồ và khá chung chung. Vai trò của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong doanh nghiệp rất quan trọng, có thể tác động đến đến tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh, do đó tự bản thân doanh nghiệp sẽ lựa chọn các cá nhân có năng lực để bổ nhiệm. Nhà nước không cần/không nên can thiệp vào vấn đề này”[3]. Đối với công ty đấu giá hợp danh, hoạt động nghề nghiệp của đấu giá viên và hoạt động điều hành kinh doanh là hai phạm trù khác nhau, đòi hỏi kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ khác nhau. Chính vì vậy, quy định “Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên” là không cần thiết, thậm chí còn có thể dẫn đến tình trạng thao túng quyền lực của đấu giá viên tại công ty đấu giá hợp danh, đặc biệt đối với những công ty chỉ có duy nhất một đấu giá viên. Khi Luật Doanh nghiệp ghi nhận quyền thỏa thuận thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của thành viên hợp danh, công ty đấu giá hợp danh, các thành viên hợp danh cũng có thể thỏa thuận thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Thứ tư, Luật Doanh nghiệp Việt Nam nên bổ sung thêm quyền phản đối của thành viên hợp danh đối với bất kỳ hoạt động nào của thành viên hợp danh khác trước khi công việc kết thúc. Nếu thành viên hợp danh được ghi nhận quyền phản đối thì khả năng gây thiệt hại sẽ phần nào được ngăn chặn. Đối với thành viên hợp danh trong công ty đấu giá hợp danh, quyền này càng thực sự cần thiết, đặc biệt là phản đối thành viên hợp danh là đấu giá viên tiến hành cuộc đấu giá không đúng trình tự, thủ tục luật định, từ khâu ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản cho đến khi hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết. Theo đó, khoản 1 Điều 181 Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 nên bổ sung một điểm quy định về quyền này đối với thành viên hợp danh: “Phản đối bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của thành viên hợp danh khác trước khi hoạt động đó kết thúc, khi có căn cứ cho rằng hoạt động đó có khả năng gây thiệt hại cho công ty”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là, cơ chế điều chỉnh của pháp luật phải bảo vệ và thực thi được các quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên hợp danh - người thành lập chính của công ty và chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi nghĩa vụ của công ty đấu giá hợp danh. Khi nhận thấy quyền điều hành kinh doanh được bảo đảm, việc thu hút nhà đầu tư thành lập và kinh doanh dịch đấu giá tài sản là tất yếu.
Ths. Ngô Thị Phương Thảo
Trường Đại học Trà Vinh
[1]. Frank Wooldridge, The general partnership under French law, Amicus Curiae, số 77/2009, tr. 29.
[2]. Đồng Thị Huyền Nga, Các loại hình hợp danh theo pháp luật thương mại của Cộng hòa Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 46/2021, tr. 41.
[3]. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB), “Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam”, 2017, tr. 19.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 386), tháng 8/2023)