Do còn non nớt về thể chất và trí tuệ nên trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả việc bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý, trước cũng như sau khi ra đời . Chính vì vậy, bên cạnh các văn kiện quốc tế về quyền con người , nhiều điều ước quốc tế và văn kiện quốc tế khác về trẻ em và người chưa thành niên đã được ban hành như: Tuyên bố Geneva về quyền trẻ em năm 1924; Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1959; Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1989 (Công ước về quyền trẻ em); Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000; Những quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh) năm 1985; Các hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên (Các hướng dẫn Ri-at) năm 1990; Các quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do năm 1990, Các nguyên tắc và hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự năm 2012… Như vậy, trong số các văn kiện về quyền trẻ em thì Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1989 là một điều ước quốc tế chuyên biệt về tất cả các quyền của trẻ em, có tính ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia thành viên. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990 mà không bảo lưu điều khoản nào. Từ đó cho đến nay, Việt Nam đã nỗ lực trong việc xây dựng pháp luật trong nước phù hợp với các cam kết trong Công ước về quyền trẻ em, hài hòa hơn với các hướng dẫn, quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ quyền trẻ em, trong đó có quyền được hỗ trợ, trợ giúp pháp lý.
Điều 1 Công ước về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp dụng đối với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”[1]. Quy định này đưa ra định nghĩa mang tính nguyên tắc chung nhưng có tạo sự linh hoạt về độ tuổi của trẻ em, theo hướng quy định độ tuổi tối đa của trẻ em là dưới 18 tuổi, “trừ” trường hợp pháp luật của quốc gia thành viên quy định độ tuổi trưởng thành sớm hơn[2]. Vế sau của Điều 1 Công ước về quyền trẻ em có nghĩa là các quốc gia thành viên có thể quy định độ tuổi thành niên sớm hơn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của quốc gia đó. Theo thống kê của Tổ chức Unicef tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2015, trong số 66 quốc gia có được thông tin về độ tuổi trẻ em, có 10 quốc gia quy định độ tuổi trẻ em khác với Công ước về quyền trẻ em, trong đó có 02 quốc gia quy định độ tuổi dưới 21, có 08 quốc gia quy định tuổi trẻ em thấp hơn tuổi quy định của Công ước về quyền trẻ em. Ở châu Á, có 03 quốc gia (Việt Nam, Myanmar, Singapore) quy định tuổi của trẻ em dưới 16 tuổi.
Công ước về quyền trẻ em không có quy định về người chưa thành niên. Theo Các quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do thì: “Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Giới hạn độ tuổi thấp hơn mức này theo đó không được phép tước tự do của trẻ em cần được pháp luật quy định”[3]. Như vậy, quy tắc của Liên Hợp Quốc xác định nguyên tắc chung người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, tuy nhiên, một số quốc gia vẫn có thể quy định độ tuổi của người chưa thành niên thấp hơn trong pháp luật của quốc gia đó. Ở một hướng dẫn khác, Quy tắc Bắc Kinh năm 1985 xác định: “Người chưa thành niên là trẻ em hay thanh thiếu niên mà tùy theo từng hệ thống pháp luật có thể bị xử lý khi phạm tội, theo một phương thức khác với người lớn”[4]. Như vậy, Quy tắc Bắc Kinh năm 1985 giải thích khái niệm “người chưa thành niên” theo mục đích của Quy tắc là các tiêu chuẩn tối thiểu về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên và nhấn mạnh các quy định này “phải được các quốc gia thành viên áp dụng một cách tương ứng với hệ thống và quan niệm pháp luật riêng của quốc gia mình”.
Pháp luật Việt Nam quy định độ tuổi trẻ em thấp hơn quy định chung của Công ước về quyền trẻ em. Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Tiếp đó, Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004) quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy, tương tự như một số nước, quy định về độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi của Luật Trẻ em Việt Nam không trái với quy định của Công ước về quyền trẻ em vì thuộc phần “ngoại lệ” Điều 1 Công ước này.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi” (Điều 21). Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định cụ thể các mức độ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi khác nhau trong việc xác lập giao dịch dân sự của người chưa thành niên. Tương tự, Bộ luật Hình sự năm 2015 có những quy định về các nguyên tắc xử lý khác nhau đối với các độ tuổi khác nhau của người dưới 18 tuổi phạm tội (Chương XII). Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng có quy định liên quan đến việc tham gia tố tụng hình sự của người dưới 18 tuổi và dành hẳn một chương quy định về thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi (Chương XXVIII). Như vậy, quy định của pháp luật Việt Nam về người thanh niên hoàn toàn phù hợp với các hướng dẫn của Liên Hợp Quốc.
Nhìn chung, trên bình diện quốc tế, các điều ước quốc tế và văn kiện quốc tế liên quan đến quyền của “trẻ em” và “người chưa thành niên” quy định khác nhau tại các văn bản khác nhau. Tương tự, pháp luật Việt Nam cũng quy định khái niệm và quyền của “trẻ em” và “người chưa thành niên” tại các văn bản pháp luật khác nhau. Tuy vậy, khi nghiên cứu các văn kiện quốc tế thì thấy rằng, trong một số trường hợp, quyền của trẻ em và của người chưa thành niên trong trợ giúp pháp lý có sự giao thoa nếu áp dụng “ngưỡng” thống nhất “dưới 18 tuổi”. Ở Việt Nam, khái niệm “người chưa thành niên” có nội hàm rộng hơn so với khái niệm “trẻ em”; người chưa thành niên bao gồm cả trẻ em và những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên tùy thuộc vào quan hệ pháp luật mà người đó tham gia. Do đó, việc nắm vững các khái niệm và đặc thù của trẻ em và người chưa thành niên rất quan trọng vì liên quan đến việc xác định năng lực pháp luật, năng lực hành vi, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của một người khi tham gia vào các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính; năng lực chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em và người chưa thành niên; cũng như trách nhiệm của Nhà nước đối với các đối tượng này.
2. Quy định về trợ giúp pháp lý đối với trẻ em và người chưa thành niên trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
2.1. Quy định trong các điều ước quốc tế đa phương
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền con người (ví dụ Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) cũng như điều ước quốc tế về quyền của một số nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương (ví dụ: phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người lao động di trú…). Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Do vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em cũng có những đặc thù riêng. Ngoài việc được hưởng các quyền cơ bản của con người nói chung, trong đó có quyền được hỗ trợ, trợ giúp pháp lý được quy định tại các điều ước quốc tế áp dụng chung cho tất cả các đối tượng[5], trẻ em còn được hưởng các quyền chuyên biệt quy định tại Công ước về quyền trẻ em. Công ước này là một điều ước quốc tế đa phương quy định toàn diện các quyền trẻ em, từ quyền được sống, được phát triển, được tham gia, được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt, trong đó có sự hỗ trợ về pháp luật. Công ước này có giá trị bắt buộc thực hiện đối với các quốc gia thành viên.
Liên quan đến quyền được trợ giúp pháp lý, Điều 37.d Công ước về quyền trẻ em quy định: “Mọi trẻ em bị tước tự do có quyền được nhanh chóng tiếp cận sự giúp đỡ pháp lý và những giúp đỡ thích hợp khác, cũng như quyền được chất vấn tính chất hợp pháp của việc tước tự do đó trước một Tòa án hay cơ quan có thẩm quyền, độc lập, vô tư khác và có quyền đòi hỏi một quyết định nhanh chóng liên quan đến bất kỳ hành động nào như vậy”[6]. Công ước không có quy định giải thích một số khái niệm sử dụng trong Công ước cũng như quy định tại Điều 37.d này. Khi nghiên cứu Điều 37.d của Công ước về quyền trẻ em chúng tôi thấy rằng, có một số thuật ngữ cần có sự nghiên cứu thêm. Chẳng hạn, cụm từ “bị tước tự do” cần được hiểu như thế nào? Hướng dẫn số 10 (năm 2007) của Ủy ban về quyền trẻ em (mục F đoạn 78-84) giải thích rõ hơn các nguyên tắc cơ bản trong quy định “tước tự do” tại Điều 37.d Công ước về quyền trẻ em, bao gồm việc bắt, giam giữ, bỏ tù hoặc đưa vào nơi canh giữ trẻ em (placement in custodial settings). Tương tự, Các quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do cũng giải thích rõ hơn thuật ngữ này. Theo đó, “tước tự do” nghĩa là bất kỳ hình thức giam giữ hoặc cầm tù nào, hay đưa một người vào nơi giam giữ chung hoặc riêng, mà người đó không được tự ý rời bỏ nơi giam giữ trừ khi có quyết định của cơ quan tư pháp, hành chính hoặc cơ quan công quyền[7]. Như vậy, thuật ngữ “bị tước tự do” đối với trẻ em và người chưa thành niên được giải thích khá rộng, không chỉ gồm việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù mà cả các biện pháp tư pháp khác như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở phục hồi, cơ sở chữa trị bắt buộc… Nói cách khác, theo lời văn của hướng dẫn này thì bất kỳ việc hạn chế quyền tự do có sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền đều có thể bị coi là “tước tự do” của trẻ em. Hội đồng Kinh tế, xã hội Liên Hợp Quốc nhấn mạnh các quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do và Điều 37.d của Công ước về quyền trẻ em cũng được áp dụng đối với bất kỳ cơ sở công hoặc tư nhân nào đang quản chế trẻ em mà tại đó trẻ em không thể rời khỏi nơi quản chế theo ý chí hoặc mệnh lệnh của bất kỳ cơ quan tư pháp, hành chính hay cơ quan công quyền nào khác[8]. Khi bị tước tự do, trẻ em có quyền được nhanh chóng tiếp cận sự hỗ trợ pháp lý và những hỗ trợ thích hợp khác. Công ước về quyền trẻ em cũng như Hướng dẫn số 10 không giải thích cụm từ “legal and other appropriate assistance”. Các bản dịch tiếng Việt về khái niệm “legal assistance” cũng khác nhau: “Trợ giúp pháp lý”, “giúp đỡ pháp lý” hoặc “hỗ trợ pháp lý”. Theo quan điểm của chúng tôi, nên hiểu cụm từ “legal assistance” theo nghĩa rộng hơn, đó là “hỗ trợ/giúp đỡ pháp lý”, có thể là sự giúp đỡ về mặt pháp lý của các luật sư, chuyên gia pháp luật hoặc sự trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước nếu pháp luật quốc gia đó có quy định về vấn đề này. Cách giải thích này cũng phù hợp với cách giải thích của Công ước về các quyền dân sự và chính trị và Các quy tắc của Liên Hợp Quốc về tư pháp người chưa thành niên[9].
Điều 40 (khoản 2 điểm b) của Công ước về quyền trẻ em khẳng định mọi trẻ em bị coi là hay bị buộc tội đã vi phạm pháp luật hình sự phải được bảo đảm tối thiểu sau: ... (ii) Được thông báo nhanh chóng và trực tiếp về lời buộc tội… và được hỗ trợ pháp lý hoặc hỗ trợ thích hợp khác để chuẩn bị và trình bày sự biện hộ/bào chữa của mình; (iii) Được nhà chức trách hoặc cơ quan tư pháp có thẩm quyền, độc lập và vô tư xem xét vụ việc một cách khẩn trương tại một phiên tòa công bằng theo pháp luật có sự hỗ trợ về mặt pháp lý hoặc hỗ trợ thích hợp khác...[10]. Như vậy, Điều 40 này quy định các biện pháp hỗ trợ trẻ em trong tố tụng hình sự; các biện pháp này tương tự như quy định tại khoản 3 Điều 14 của Công ước về các quyền dân sự và chính trị. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 14 Công ước về các quyền dân sự và chính trị quy định rõ hỗ trợ pháp lý theo chỉ định và hỗ trợ pháp lý miễn phí[11]. Trong khi đó, Điều 40 Công ước về quyền trẻ em không giải thích rõ “hỗ trợ pháp lý” và “hỗ trợ khác” là gì, có được miễn phí hay không. Theo Hướng dẫn số 10 thì khoản 2 điểm b đoạn ii Điều 40 Công ước về quyền trẻ em không yêu cầu sự hỗ trợ trong mọi trường hợp nhưng phải phù hợp. Các quốc gia thành viên tự quyết định cách thức hỗ trợ nhưng “nên miễn phí”. Người hỗ trợ pháp lý có thể là các luật sư chuyên nghiệp hoặc các chuyên gia/luật sư bán chuyên (paralegal professional) phải được đào tạo phù hợp. Các biện pháp hỗ trợ thích hợp khác có thể được thực hiện bởi các nhà hoạt động xã hội có kiến thức chuyên môn và hiểu biết pháp luật về tư pháp hình sự. Thêm vào đó, khoản 2 điểm b đoạn iii Điều 40 yêu cầu phải có sự hỗ trợ pháp lý hoặc hỗ trợ thích hợp khác trong quá trình quyết định đưa vụ việc ra xét xử[12].
Ngoài ra, Công ước về quyền trẻ em còn quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc thực thi các cam kết trong Công ước, phổ biến rộng rãi các quy định của Công ước, ban hành các đạo luật, quy định thủ tục và biện pháp, thiết lập các cơ quan và thể chế thực thi…
Về trợ giúp pháp lý đối với người chưa thành niên, qua rà soát các điều ước quốc tế đa phương thì thấy rằng, hiện nay chưa có điều ước quốc tế đa phương nào mà Việt Nam là thành viên có quy định về trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên. Hầu hết các quy định về tư pháp đối với người chưa thành niên được quy định trong các văn kiện quốc tế như các quy tắc, hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về tư pháp người chưa thành niên. Các văn bản này mang tính khuyến nghị các quốc gia thực hiện trong phạm vi khả năng và điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, pháp luật của quốc gia đó.
2.2. Quy định trong các điều ước quốc tế song phương
Hiện nay, Việt Nam đã ký 16 hiệp định tương trợ tư pháp có liên quan đến trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, tất cả các hiệp định này đều không quy định cụ thể về việc trợ giúp pháp lý đối với đối tượng là người chưa thành niên đặc biệt là trẻ em; thay vào đó, hầu hết các hiệp định này quy định một cách khái quát nguyên tắc: Công dân của nước ký kết này được hưởng sự trợ giúp pháp lý theo những điều kiện và mức độ như đối với công dân của bên ký kết kia[13].
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 của Việt Nam quy định trẻ em không nơi nương tựa là đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí. Do đó, về nguyên tắc, không chỉ trẻ em là công dân Việt Nam không nơi nương tựa mà cả trẻ em (dưới 16 tuổi, không nơi nương tựa) mang quốc tịch của nước đã ký hiệp định tư pháp với Việt Nam có quy định về trợ giúp pháp lý (ví dụ: Trung Quốc, Campuchia, Pháp…) cũng có quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý tại Việt Nam như trẻ em Việt Nam và ngược lại.
2.3. Quy định trong các văn kiện quốc tế khác
Hiện nay, nhiều văn kiện quốc tế khác (không phải là điều ước quốc tế) có những quy định mang tính khuyến nghị, hướng dẫn về trợ giúp pháp lý cho trẻ em và người chưa thành niên[14]. Trong các văn kiện này, quyền được hỗ trợ, trợ giúp pháp lý của trẻ em, người chưa thành niên và trách nhiệm của các quốc gia trong việc bảo đảm các quyền này được giải thích theo hướng rộng hơn Công ước về quyền trẻ em, khuyến khích các quốc gia thành viên ghi nhận và thực hiện các biện pháp bảo đảm tối đa quyền lợi của các đối tượng này.
- Về trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự, theo khuyến nghị của Liên Hợp Quốc thì trẻ em phải được miễn thẩm tra thu nhập xác định điều kiện được trợ giúp pháp lý; trẻ em bị tước tự do được tiếp cận trợ giúp pháp lý từ giai đoạn trước khi xét xử (bị tạm giam, bị bắt, bị tình nghi, bị cáo buộc hoặc bị truy tố hình sự) đến giai đoạn sau khi xét xử, được thông tin về quyền và các dịch vụ trợ giúp pháp lý hiện có[15]. Để làm được việc đó, các quốc gia thành viên cần đảm bảo các biện pháp đặc biệt đối với trẻ em, trong đó có việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em ở tất cả các giai đoạn kể cả khi chuyển hướng không xử lý vi phạm qua hệ thống tư pháp hình sự nhằm thúc đẩy sự tiếp cận công lý cho trẻ em. Các quốc gia cần tiến hành các biện pháp phù hợp để thiết lập “hệ thống trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em” (child-friendly legal aid system). Hệ thống này được giải thích là việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự, hành chính có thể tiếp cận được, phù hợp với độ tuổi, đa ngành, có hiệu quả, đáp ứng một loạt các nhu cầu pháp lý và xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên. Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em được thực hiện bởi các luật sư và những người không phải luật sư nhưng được đào tạo về pháp luật liên quan đến trẻ em và sự phát triển của trẻ em và người vị thành niên, người có khả năng giao tiếp hiệu quả với trẻ em và người chăm sóc của trẻ[16]. Đồng thời, các quốc gia thành viên cần ban hành pháp luật, chính sách và các quy định về trợ giúp pháp lý có tính đến quyền và nhu cầu phát triển đặc biệt của trẻ, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý và hỗ trợ phù hợp khác trong việc chuẩn bị và trình bày biện hộ cho trẻ; Ưu tiên thành lập cơ quan và chương trình nhằm cung cấp hỗ trợ pháp lý và các hỗ trợ khác cho trẻ em; các hỗ trợ này “sẽ miễn phí nếu cần thiết”. Như vậy, theo Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự thì việc trợ giúp pháp lý miễn phí với tư cách là trách nhiệm của Nhà nước cho trẻ em tùy thuộc vào quy định của mỗi quốc gia “nếu cần thiết” trên cơ sở các điều kiện kinh tế, xã hội và khả năng của mỗi quốc gia.
- Về hỗ trợ pháp lý cho trẻ em là nạn nhân hoặc nhân chứng, theo các khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự và Hướng dẫn hành động về trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự thì trẻ em là nạn nhân cần có đại diện pháp lý để đưa vụ việc ra trước một cơ quan Tòa án hay tài phán thích hợp; phải được hỗ trợ để đáp ứng các nhu cầu của trẻ, chẳng hạn như nhu cầu về bào chữa, bảo vệ, hỗ trợ về kinh tế, pháp lý, sức khỏe, các dịch vụ xã hội, tái hòa nhập xã hội. Trẻ em bị khuyết tật và ốm đau cần được cung cấp những trợ giúp đặc biệt. Trẻ em là nhân chứng cần được trợ giúp trong tất cả các quy trình hành chính và tư pháp[17]. Tuy nhiên, các văn kiện này không giải thích rõ các hình thức hỗ trợ pháp lý cụ thể và việc hỗ trợ pháp lý trong những trường hợp này có được miễn phí hay không. Có lẽ việc này tùy vào khả năng của mỗi quốc gia thành viên.
- Về người chưa thành niên, Các quy tắc của Liên Hợp Quốc[18] về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do khuyến nghị: Người chưa thành niên bị tạm giam có quyền có luật sư bào chữa và có thể yêu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí, nếu sự trợ giúp đó sẵn có và có quyền tiếp xúc thường xuyên với cố vấn pháp lý của mình[19]. Tương tự, Quy tắc Bắc Kinh năm 1985 nêu rõ: Trong suốt quá trình tố tụng, người chưa thành niên có quyền được đại diện bởi một luật sư/cố vấn pháp lý hoặc có quyền yêu cầu sự trợ giúp pháp lý miễn phí, trong điều kiện có dịch vụ trợ giúp pháp lý như vậy ở quốc gia đó[20]. Như vậy, cả hai văn bản hướng dẫn của Liên Hợp Quốc đều là những quy tắc linh hoạt, mang tính mở, khuyến nghị các quốc gia thành viên trong việc tạo điều kiện cho người chưa thành niên bị tước tự do hoặc khi tham gia các thủ tục tố tụng được quyền có luật sư bào chữa hoặc yêu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí nếu quốc gia đó có trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng này. Nói cách khác, việc cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí cho người chưa thành niên khi bị tước tự do không phải là nghĩa vụ bắt buộc của các quốc gia nhưng được Liên Hợp Quốc khuyến nghị thực hiện.
Quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em đã được ghi nhận trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006. Theo quy định tại Điều 10 của Luật thì trẻ em không nơi nương tựa là một trong những đối tượng được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức trong các lĩnh vực như các đối tượng khác[21]. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 2 của Luật này thì trẻ em theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý nếu điều ước quốc tế đó có quy định về trợ giúp pháp lý cho trẻ em. Tuy nhiên, đối tượng “trẻ em không nơi nương tựa” không được đề cập trong Công ước về quyền trẻ em và các nguyên tắc, hướng dẫn của Liên Hợp Quốc có liên quan đến hỗ trợ/trợ giúp pháp lý cho trẻ em.
Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; ...” (Điều 30). Tiếp theo, Điều 70 quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có yêu cầu “bảo đảm quyền được bào chữa, trợ giúp pháp lý cho trẻ em”. Như vậy, theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 thì quyền được bào chữa, trợ giúp pháp lý của trẻ em là một trong những quyền chung của trẻ em và yêu cầu được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em. Xét về mặt từ ngữ thì quy định này trong Luật Trẻ em của Việt Nam có nội hàm khá rộng, rộng hơn cả lời văn trong Công ước về quyền trẻ em. Ngay cả Công ước về các quyền dân sự và chính trị cũng chỉ đề cập đến việc hỗ trợ pháp lý theo chỉ định trong trường hợp “lợi ích của công lý đòi hỏi và người được trợ giúp không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả”.
Trước đây, quy định trong các dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) hay trong nhiều ý kiến đề xuất đã đưa ra điều kiện đối với trẻ em thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý. Đến nay, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã được thông qua ngày 20/6/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, theo đó, mọi trẻ em (dưới 16 tuổi) đều là đối tượng được trợ giúp pháp lý mà không kèm thêm điều kiện gì. Trên cơ sở phân tích thực tiễn điều kiện kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật của đất nước ta trong bối cảnh hiện nay thì đây được coi là quy định lý tưởng. Quy định này vừa phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đặc biệt là Công ước về quyền trẻ em, vừa phù hợp với các luật được ban hành trước đó nhất là Luật Trẻ em năm 2016. Tuy nhiên, để thực thi quy định được hiệu quả trên thực tiễn thì chúng ta cần có sự chuẩn bị khá lớn về nguồn lực, phải có đủ điều kiện về nhân lực, kinh phí và các điều kiện khác để có thể cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí cho tất cả các trẻ em có nhu cầu trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực pháp luật hình sự, dân sự, hành chính…
Về trợ giúp pháp lý đối với người chưa thành niên (dưới 18 tuổi): Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 không có điều khoản nào quy định về trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên. Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc tiến hành tố tụng, trong đó có nguyên tắc “bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi“. Quy định này mang tính nguyên tắc chung về việc bảo đảm các quyền của người dưới 18 tuổi trong thủ tục tố tụng hình sự, phù hợp với các quy tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc (lưu ý các quy tắc này của Liên Hợp Quốc mang tính khuyến nghị, không phải là cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên). Điều 31 Luật Thanh niên năm 2005 khẳng định Nhà nước thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn áp dụng đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ở đây, cần lưu ý vế sau “phù hợp với điều kiện của Việt Nam”. Quy định này tạo điều kiện cho Việt Nam có thể đưa ra các biện pháp cụ thể về mặt thể chế quy định phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và pháp luật trong nước trong quá trình nội luật hóa và thực thi quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp chỉ định người bào chữa, trong đó có người dưới 18 tuổi bị buộc tội. Theo quy định tại khoản 2 điều này thì Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư bào chữa trong trường hợp họ thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Vì vậy, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 là hoàn toàn hợp lý khi bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý là “người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”, điều này sẽ tạo sự thống nhất quản lý cả về nhân lực và kinh phí. Bên cạnh đó, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý là “người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự” có khó khăn về tài chính. Quy định sẽ bảo đảm tối đa hơn quyền được hỗ trợ pháp lý cho người chưa thành niên, nhất là trong trường hợp vì lý do công lý. Đây cũng là khuyến nghị của Liên Hợp Quốc đối với các quốc gia trong việc bảo vệ tư pháp người chưa thành niên.
Vũ Thị Thu, Cục Trợ giúp pháp lý
Các tin khác
Bàn về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế Một số vấn đề về quản lý và sử dụng đất ở Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào hiện nay Đưa Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống theo lời Bác Hồ Một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Hợp tác xã Những vấn đề cần chứng minh trong tố tụng hành chính Công tác phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-Pu-Chia đánh bạc thực trạng và giải pháp