1. Nguồn gốc, khái niệm, ý nghĩa của quyền tùy nghi truy tố
Tùy nghi truy tố là thuật ngữ có nguồn gốc từ các nước theo hệ thống Common Law mà cụ thể là từ pháp luật tố tụng hình sự của Anh và Hoa Kỳ. “Ngay từ thế kỷ XVI, ở Anh, Tổng chưởng lý đã có quyền quyết định đình tố để chấm dứt quá trình truy tố đang diễn ra, nếu thấy rằng việc truy tố là phù phiếm hoặc trái với lợi ích của hoàng gia. Sau này, quyết định đình tố (Nolle) được coi là một quyết định tố tụng nhưng cũng là một quyết định hành pháp, vì cơ quan công tố được coi là cơ quan thuộc nhánh hành pháp”[1]. “Pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ đã tiếp thu khái niệm đình tố từ nước Anh nhưng có những cải biến để tạo nên một phiên bản khác”[2]. Thuật ngữ “quyền tùy nghi truy tố” của tố tụng hình sự hiện đại lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống án lệ của Hoa Kỳ vào năm 1961, đến năm 1975, thuật ngữ “quyền tùy nghi truy tố” đã xuất hiện trong hàng trăm vụ án cấp liên bang và ít hơn một chút ở các vụ án cấp tiểu bang[3]. Hiện nay, quyền tùy nghi truy tố đang hiện diện rộng rãi trong đời sống tố tụng hình sự Hoa Kỳ.
Khi thuật ngữ “discretion prosecution” được dịch sang tiếng Việt, khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam chấp nhận cách dịch thuật ngữ này là “tùy nghi truy tố”. Theo đó, “tùy nghi” được hiểu theo Từ điển tiếng Việt là “theo hoàn cảnh để làm cho thích hợp”[4]. Truy xuất lại trong tiếng Anh, theo Từ điển Black’s Law thì “discretion prosecution” - tùy nghi truy tố được hiểu là quyền của công tố viên trong việc lựa chọn cách giải quyết vụ án hình sự, như khởi tố bị can, truy tố, không truy tố, thỏa thuận nhận tội, đề xuất với Tòa án mức án[5]. Như vậy, về chủ thể quyền, định nghĩa trên chỉ ra quyền tùy nghi truy tố thuộc về công tố viên, về cơ quan công tố, mà không thuộc về cảnh sát, Tòa án hay chủ thể nào khác. Về nội dung quyền, quyền này có bản chất là quyết định việc truy tố: Truy tố bị can hay không truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử hoặc thậm chí là một lựa chọn khác. Tuy nhiên, nhận thức như trên về quyền tùy nghi truy tố là đúng nhưng vẫn chưa đầy đủ nếu không xem xét các yếu tố khác tạo nên đặc điểm và những giá trị, ý nghĩa rất riêng quyền tùy nghi truy tố sau đây:
Thứ nhất, chủ thể của quyền tùy nghi truy tố là công tố viên nhưng cần nhấn mạnh rằng đây là quyền tự quyết của công tố viên, quyền tự quyết này tiệm cận mức độ tuyệt đối - toàn quyền quyết định, chỉ phụ thuộc ý chí của công tố viên và không ai có thể can thiệp vào quyết định của công tố viên.
Thứ hai, quyền tùy nghi truy tố chỉ phụ thuộc vào ý chí của công tố viên nhưng không có nghĩa là công tố viên có thể quyết định một cách tùy tiện, họ phải cân nhắc trả lời câu hỏi có cần thiết truy tố không, nếu việc truy tố có thể tiêu tốn quá nhiều nguồn lực tố tụng và bất lợi cho lợi ích công. Nói cách khác, phải cân nhắc yếu tố nguồn lực tố tụng và lợi ích công. Thay vì truy tố tất cả tội phạm, cơ quan công tố chỉ lựa chọn truy tố một số tội phạm. Khi áp dụng nguyên tắc tùy nghi truy tố, công tố viên có quyền không truy tố một tội phạm ngay cả khi đủ chứng cứ buộc tội, từ đó, công tố viên có đủ nguồn lực để tập trung vào các tội phạm thực sự cần thiết phải truy tố, để bảo đảm việc truy tố là chắc chắn và chắc thắng. “Nhờ áp dụng nguyên tắc này mà phán quyết có tội ở các nước Cộng hòa Pháp, Nhật Bản, Vương Quốc Anh rất cao, tại Nhật Bản hơn 99%. Tại Trung Quốc, khi đã đầy đủ chứng cứ và xét thấy cần truy tố bị can ra Tòa thì Viện kiểm sát mới quyết định việc truy tố”[6]. Việc linh hoạt quyết định truy tố hay không truy tố cho phép cơ quan công tố chỉ đưa ra Tòa án để xét xử những tội phạm nghiêm trọng, không truy tố những vụ phạm tội ít nghiêm trọng, giải quyết một cách mềm dẻo vấn đề tội phạm, cân bằng giữa lợi ích công và lợi ích cá nhân, hơn nữa, còn giảm tải được một số lượng khổng lồ các vụ án tồn đọng ở các Tòa án.
Thứ ba, quyền tùy nghi truy tố cùng với thủ tục thỏa thuận nhận tội còn tiết kiệm đáng kể nguồn lực cho Tòa án và bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử của Tòa án. Việc công tố viên trong thẩm quyền của mình có thể đưa ra quyết định đình chỉ vụ án và quyết định áp dụng thủ tục thỏa thuận nhận tội giúp tiết kiệm được chi phí cho hoạt động xét xử, cho Bồi thẩm đoàn. Theo Thẩm phán Burger trong vụ án hình sự Santobello kiện Bang New York: “Nếu mọi trường hợp buộc tội đều được đưa ra xét xử tại Tòa án thì các tiểu bang và chính quyền Liên bang sẽ cần bổ sung thêm rất nhiều thẩm phán và cơ sở vật chất cho Tòa án”. Ngay từ đầu những năm 1970 tại Hoa Kỳ, gần 90% các vụ án hình sự được giải quyết thông qua thủ tục “mặc cả” nhận tội. Thống kê ở thời điểm hiện nay cho thấy, có đến 97% các vụ án hình sự cấp Liên bang được giải quyết bằng hình thức thỏa thuận “ngoài Tòa án” và hoàn toàn không thông qua việc xét xử[7].
Thứ tư, đối với người bị buộc tội và người bị hại, quyền tùy nghi truy tố của công tố viên cũng có thể đem lại những lợi ích không nhỏ khi họ không phải ra trước Tòa án để xét xử. “Vụ án được kết thúc sớm là một kết thúc đẹp, đặc biệt với những người không muốn phải ra hầu Tòa, không muốn mất thời gian theo đuổi một vụ án cùng với những thủ tục xét xử dài ngày, giúp giảm bớt sự chờ đợi, lo lắng, đem lại sự hài lòng cho bị hại cũng như cho người bị buộc tội khi họ có cơ hội nhận được một phán quyết có lợi hơn”[8]. “Thông thường, những người nhận tội thông qua thủ tục thương lượng nhận tội sẽ được hưởng hậu quả pháp lý nhẹ hơn so với việc bị xét xử tại Tòa để đổi lại việc họ từ bỏ quyền im lặng và chấp nhận cáo buộc phạm tội, từ đó, con đường đi đến sự thật của vụ án cũng dễ dàng hơn”[9].
2. Quyền tùy nghi truy tố trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới
Quyền tùy nghi truy tố được chấp nhận rộng rãi tại Hoa Kỳ gắn chặt với các đặc điểm cố hữu của mô hình tố tụng tranh tụng và cơ chế giải quyết các tranh chấp. Trong mô hình tố tụng tranh tụng, Tòa án không tham gia vào quá trình điều tra, thay vào đó, được hiểu là một thiết chế giải quyết tranh chấp, Tòa án khách quan, trung lập và thụ động, chỉ xét xử trên cơ sở các chứng cứ các bên mang đến phiên tòa. “Vụ án hình sự được coi là tranh chấp giữa Chính phủ/Nhà nước/chính quyền Liên bang hay từng bang và các cá nhân bị cáo buộc phạm tội. Uy lực của quyền tùy nghi truy tố thể hiện ở hai điểm mấu chốt: (i) Mang tính quyết định đối với các cơ quan khác trong hệ thống tư pháp hình sự (cảnh sát phải chấp nhận việc thu thập đủ chứng cứ có tội nhưng bị can vẫn không bị cơ quan công tố truy tố; Tòa án phải chấp nhận đưa vụ án ra xét xử khi bị can bị truy tố và đương nhiên phải chấp nhận “thất nghiệp” khi cơ quan công tố quyết định không truy tố); (ii) Công tố viên có quyền tự chủ rất cao, không bị xem xét lại quyết định không truy tố. Cơ sở lý luận cho việc trao quyền tùy nghi truy tố cho cơ quan công tố được cho là xuất phát từ việc học thuyết phân chia quyền lực được đề cao. Theo đó, Tòa án là cơ quan tư pháp nên không được can thiệp vào sự tự do thực hiện quyền năng truy tố của cơ quan công tố, việc thực hiện quyền tùy nghi tố chịu sự điều chỉnh của các quy tắc hành chính nội bộ của Bộ Tư pháp là cơ quan hành pháp”[10].
Mặt khác, công tố viên là những người đại diện cho lợi ích cộng đồng, quyết định truy tố hay không truy tố là sự phản ánh lợi ích công và ý chí của số đông, của cộng đồng mà công tố viên là đại diện.
2.2. Pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức
Liên bang Đức là quốc gia theo mô hình tố tụng thẩm vấn, do đó, hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức cũng đang quy định nguyên tắc truy tố bắt buộc. Khoản 2 Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức quy định về cơ quan có thẩm quyền truy tố và nguyên tắc truy tố bắt buộc: “Cơ quan công tố có thẩm quyền thực hiện quyền công tố. Ngoại trừ khi pháp luật có quy định khác, cơ quan công tố có nghĩa vụ phải truy tố mọi hành vi phạm tội nếu có đủ căn cứ thực tế”. Tuy nhiên, theo dòng chảy của lịch sử và sự giao thoa giữa các hệ thống pháp luật, tại Cộng hòa Liên bang Đức, yếu tố tranh tụng được ít nhiều tích hợp, tiếp nhận và thừa nhận quyền tùy nghi truy tố. Các quy định về quyền tùy nghi truy tố được thiết kế ngay sau quy định về nguyên tắc truy tố bắt buộc. “Quyền tùy nghi truy tố được xem như những ngoại lệ của nguyên tắc truy tố bắt buộc”[11]. Quyền tùy nghi truy tố cho phép cơ quan công tố có thể loại bỏ những vụ án nhỏ đối với tội phạm ít nghiêm trọng hoặc các vụ án liên quan đến chính trị hoặc an ninh quốc gia. Cụ thể như: Cơ quan công tố có thể miễn truy tố với sự phê chuẩn của Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án, nếu xét thấy tính chất của hành vi phạm tội là ít nghiêm trọng và lợi ích của cộng đồng không đòi hỏi việc truy tố. Không cần phải có sự phê chuẩn của Tòa án đối với một tội phạm ít nghiêm trọng, không bị áp dụng hình phạt tối thiểu tăng nặng (an increased minimum penalty) và hậu quả của tội phạm là không đáng kể. Trong trường hợp đã khởi tố, với sự đồng ý của cơ quan công tố và bị can, Tòa án có thể đình chỉ vụ án tại bất cứ giai đoạn nào đối với các trường hợp: (i) Đối với các tội phạm ít nghiêm trọng (Điều 153); (ii) Nếu việc tiến hành tố tụng sẽ gây ra nguy cơ tổn hại nghiêm trọng cho Cộng hòa Liên bang Đức; (iii) Nếu các lợi ích quan trọng khác của xã hội cho thấy không cần thiết phải truy tố - quy định miễn truy tố vì lý do chính trị (Điều 153d). Ngoài ra, còn có các quy định khác như: Miễn xét xử có điều kiện; tạm đình chỉ thủ tục tố tụng (Điều 153a); miễn xét xử; đình chỉ (Điều 153b); miễn truy tố tội phạm thực hiện ở nước ngoài (Điều 153c).
2.3. Pháp luật Cộng hòa Pháp
Bộ luật Tố tụng hình sự Cộng hòa Pháp quy định căn cứ, điều kiện cụ thể của vụ án (nhân thân, tiền án, tiền sự của bị cáo, tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, tính có lỗi của chính nạn nhân hay việc bồi thường đã giải quyết) để công tố viên quyết định không truy tố hướng tới việc bảo đảm tốt nhất lợi ích công. “Quyết định không truy tố sau đó có thể phục hồi. Quyết định không truy tố là một quyết định mang tính hành chính và không phải là đối tượng để kháng cáo mặc dù nó có thể bị xem xét lại bởi một công tố viên cấp cao hơn”[12] (Điều 40 và Phần quyết định truy tố trong Bộ luật Tố tụng hình sự). Qua đó cho thấy, Cộng hòa Pháp không quy định trực tiếp quyền tùy nghi truy tố nhưng có thể hiểu Viện công tố được toàn quyền quyết định việc truy tố hoặc không truy tố. Cơ sở đưa ra quy định về quyền tùy nghi truy tố là quan niệm về vai trò quan trọng của cơ quan công tố khi đại diện cho lợi ích công, vì vậy, các Viện công tố được toàn quyền quyết định việc truy tố hay không truy tố.
2.4. Pháp luật Liên bang Nga
Bộ luật Tố tụng hình sự Liên bang Nga mặc dù không đề cập nguyên tắc tùy nghi truy tố, nhưng có quy định thủ tục thỏa thuận trước khi xét xử, theo đó bị can nhận tội được khuyến khích, được công nhận và được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Có thể không khởi tố vụ án trên cơ sở thỏa thuận với người bị tình nghi, bị can, bị cáo về hợp tác trước khi xét xử, cũng như đối với loại án tư tố do các bên tự hòa giải[13]. Cụ thể quy định tại Mục 40 Chương X Bộ luật Tố tụng hình sự Liên bang Nga quy định: Người bị tình nghi, bị can gửi đơn yêu cầu về giao kết thỏa thuận hợp tác trước khi xét xử dưới hình thức văn bản cho kiểm sát viên. Người bào chữa cũng ký vào đơn yêu cầu. Sau đó, kiểm sát viên giải quyết đơn yêu cầu về giao kết thỏa thuận hợp tác trước khi xét xử và quyết định của dự thẩm viên về đề nghị kiểm sát viên giải quyết đơn yêu cầu về giao kết thỏa thuận hợp tác trước khi xét xử với người bị tình nghi, bị can, trong thời hạn 03 ngày. Theo kết quả xem xét, kiểm sát viên ra một trong các quyết định sau: (i) Chấp nhận đơn yêu cầu về giao kết thỏa thuận hợp tác trước khi xét xử; (ii) Từ chối đơn yêu cầu về giao kết thỏa thuận hợp tác trước khi xét xử (Điều 317). Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự Liên bang Nga cũng đặt ra hai trường hợp đình chỉ vụ án hình sự (đình tố): Một là, quyết định đình chỉ trong đó không chỉ dựa trên việc thỏa mãn các điều kiện luật định mà còn dựa trên sự cân nhắc và quyết định của các quan chức thực thi pháp luật (Điều 25, Điều 25.1, phần 1 Điều 28, Điều 427 Bộ luật Tố tụng hình sự); hai là, quyết định phù hợp được đưa ra chỉ dựa trên các điều kiện luật định xuất hiện trong các vụ án cụ thể (Điều 27, phần 2 Điều 28, Điều 28.1 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Có thể thấy, sự dịch chuyển mô hình tố tụng từ thẩm vấn sang tranh tụng khi thừa nhận yếu tố mới như “thỏa thuận” hay thừa nhận quyền tùy nghi truy tố của công tố viên trong một số trường hợp nhất định đã cho thấy sự thay đổi trong quan điểm lập pháp của các nhà làm luật quốc gia này khi chuyển từ mô hình tố tụng thẩm vấn sang mô hình tố tụng tranh tụng phiên bản Liên bang Nga như hiện nay.
2.5. Pháp luật Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Bộ luật Tố tụng hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định, Viện kiểm sát khi thẩm tra các vụ án cần phải làm rõ các yếu tố quy định tại Điều 137: Tình tiết, sự việc phạm tội có rõ ràng hay không, chứng cứ có đáng tin cậy và đầy đủ hay không, việc buộc tội và tính chất của tội phạm có được xác định đúng hay không; có bỏ lọt hành vi phạm tội và người phải truy cứu trách nhiệm hình sự nào không; vụ án có thuộc trường hợp không đến mức cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự hay không; vụ án có liên quan đến vụ kiện dân sự hay không; hoạt động điều tra vụ án có được tiến hành hợp pháp không. Như vậy, việc Trung Quốc ghi nhận trường hợp “không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự” đã phần nào thừa nhận Viện kiểm sát có quyền không truy tố đối với những vụ án ít nghiêm trọng và không cần phải xử lý hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Với những vụ án mà Viện kiểm sát quyết định không truy tố, Viện kiểm sát phải đồng thời hủy bỏ việc thu giữ và phong tỏa tài sản hoặc đồ vật có giá trị (nếu có) trong quá trình điều tra. Nếu thấy cần xử phạt hành chính người không bị truy tố hoặc cần tịch thu những tài sản bất hợp pháp của người ấy, Viện kiểm sát sẽ kiến nghị việc đó và chuyển vụ án cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện ngay và thông báo cho Viện kiểm sát biết việc xử lý (Điều 142 Bộ luật Tố tụng hình sự).
3. Một số gợi mở cho Việt Nam
Tại Việt Nam, Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; Viện kiểm sát thực hành quyền công tố với nguyên tắc truy tố bắt buộc, không có quyền tùy nghi truy tố. Tuy nguyên tắc truy tố bắt buộc không được quy định cụ thể về câu chữ nhưng tinh thần của nguyên tắc này lại được thể hiện rất rõ, trước hết là ở quy định về nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015): “Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” (Điều 2 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Sau đó là Điều 18 về nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự, Điều 20 về nguyên tắc trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự... Theo đó, mọi hành vi phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội cần phải được phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử theo pháp luật với điều kiện chứng cứ đủ để buộc tội. Nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm, chứng minh tội phạm được giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra). Các cơ quan này đều có chung nhiệm vụ không được bỏ lọt tội phạm, không để tội phạm xảy ra mà không được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử.
Việc ghi nhận tinh thần của nguyên tắc truy tố bắt buộc phù hợp với các nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam, “góp phần tạo nên diện mạo của tố tụng hình sự Việt Nam hiện đại, và suy cho cùng, cũng phù hợp với truyền thống tố tụng hình sự Việt Nam”[14]. Tuy nhiên, việc “độc tôn” nguyên tắc bắt buộc truy tố dẫn đến trong thực tiễn tố tụng, Viện kiểm sát không được quyết định truy tố hay không truy tố trong những trường hợp như: Thiệt hại mà tội phạm gây ra cho xã hội không lớn nhưng vẫn phải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Ngoài ra, có những trường hợp bất lợi cho bị hại, thậm chí đi ngược lại ý chí của bị hại. Bên cạnh đó, còn có những trường hợp thực tế nếu truy tố sẽ bất lợi cho lợi ích công nhưng lại không có căn cứ để đình tố.
Có thể thấy, nếu trao quyền quyết định lựa chọn việc truy tố cho kiểm sát viên một cách hợp lý thì sẽ giải quyết được phần nào những hạn chế nêu trên, nhất là khi các nguồn lực tố tụng của Việt Nam còn hạn chế, việc bắt buộc truy tố mọi tội phạm sẽ dẫn tới sự lãng phí rất lớn các nguồn lực tố tụng và tình trạng quá tải tố tụng, quá tải trại giam. Trong bối cảnh giao thoa, học hỏi giữa các mô hình tố tụng, làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ của quyền tùy nghi truy tố tới cả các quốc gia theo mô hình tố tụng thẩm vấn lâu đời và theo hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa như đã phân tích ở trên thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu để tiếp thu, chắt lọc những yếu tố phù hợp của quyền tùy nghi truy tố, từ đó có cơ sở “cấy ghép” vào pháp luật Việt Nam. Việc “cấy ghép” này không thể tiến hành một cách rập khuôn, máy móc mà phải có sự linh động, sáng tạo. Việt Nam cũng có thể tham khảo cách làm của Đức, Pháp, Nga hay Trung Quốc là từng bước tiếp thu, “cấy ghép” những yếu tố phù hợp của quyền tùy nghi truy tố. Tuy nhiên, trước khi có sự tiếp thu về mặt thực tế, thì về mặt lý luận, cần nghiên cứu giải quyết hai vấn đề cơ bản:
Vấn đề thứ nhất: Giải quyết sự mâu thuẫn giữa quyền tùy nghi truy tố - cái ngoại lai, và nghĩa vụ bắt buộc truy tố - cái nội sinh;
Vấn đề thứ hai: Giải quyết các nhược điểm của quyền tùy nghi truy tố, vì nếu không, lợi có thể bất cập hại.
Về vấn đề thứ nhất, phải thừa nhận có sự mâu thuẫn giữa quyền được tùy nghi truy tố của cơ quan công tố trong pháp luật nước ngoài và nghĩa vụ bắt buộc truy tố của Viện kiểm sát trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Bắt buộc truy tố là một trong những yếu tố định tính của tố tụng hình sự Việt Nam, do đó, nếu “cấy ghép” tùy nghi truy tố vào tố tụng hình sự Việt Nam hiện tại thì tùy nghi truy tố chỉ là sự bổ khuyết mà không phải là sự thay thế cho bắt buộc truy tố. Sự bổ khuyết này sẽ góp phần khắc phục những hậu quả, mặt trái của việc truy tố tất cả mọi tội phạm như đã phân tích ở trên.
Về vấn đề thứ hai, cũng phải thừa nhận, quyền tùy nghi truy tố có nhiều nhược điểm, đó là nguy cơ bị tùy tiện áp dụng dẫn tới hiện tượng bỏ lọt tội phạm hoặc sự lạm quyền của cơ quan công tố; về phía người tham gia tố tụng, nếu quyền tùy nghi truy tố bị áp dụng tùy tiện, quyền được xét xử công bằng của người tham gia tố tụng sẽ bị xâm phạm. Vì thế, sẽ phải đặt ra được giới hạn phạm vi của quyền tùy nghi truy tố và cơ chế kiểm soát quyền tùy nghi truy tố.
Từ các phân tích ở phần trên, một số vấn đề mang tính gợi mở sau đây được đặt ra để nghiên cứu khả năng “cấy ghép” pháp luật về quyền tùy nghi truy tố, đó là:
Thứ nhất, trao quyền không truy tố cho Viện kiểm sát đối với những trường hợp phạm tội đã đủ chứng cứ buộc tội và cũng đủ chứng cứ để chứng minh việc truy tố có thể gây phương hại tới lợi ích công. Nói cách khác, luật nội dung (luật hình sự) cần quy định rõ những trường hợp cụ thể nào không truy tố vì lợi ích công; luật hình thức (luật tố tụng hình sự) cần quy định rõ chỉ khi có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và chứng cứ chứng minh lợi ích công sẽ bị phương hại. Hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành cũng đã dự liệu những trường hợp phạm tội nhưng sau đó không còn đe dọa lợi ích công - không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, cụ thể là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự do “khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” (điểm a khoản 1 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 - gọi chung là Bộ luật Hình sự năm 2015) và trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự do “khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” (điểm a khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015). Tuy nhiên, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự tại cả hai quy định trên đều chưa bao hàm căn cứ quyết định không truy tố của quyền tùy nghi truy tố đã được đề cập tại các phần trước của bài viết. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá (điểm b khoản 1 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015) nhưng thẩm quyền thuộc về Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Điều 70 Hiến pháp năm 2013) và chỉ áp dụng một cách hãn hữu vào những thời điểm quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, do đó, cũng khó có thể cho rằng căn cứ quyết định không truy tố có thể tích hợp vào quyết định đại xá.
Thứ hai, trao quyền không truy tố cho Viện kiểm sát đối với những trường hợp phạm tội đã đủ chứng cứ buộc tội nhưng việc truy tố có thể gây lãng phí nguồn lực tố tụng, đặt ra với hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, sự việc phạm tội đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ đầy đủ, quá trình thu thập chứng cứ được tiến hành nhanh gọn, thuận lợi, bị can nhận tội, bị hại đồng thuận với Viện kiểm sát nếu quyết định không truy tố. Những trường hợp này khá gần với các vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn (Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) hoặc cho phép hòa giải giữa người phạm tội với nạn nhân (khoản 4 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015). Do đó, có thể nghiên cứu theo hướng tích hợp các yếu tố trên để giải quyết bài toán quá tải cho tố tụng hình sự của bắt buộc truy tố cũng như mở rộng cơ chế hòa giải và tư pháp phục hồi (restorative justice).
Như vậy, đối với cả hai trường hợp quyết định không truy tố nêu trên, thời điểm quyết định không truy tố phải là thời điểm vụ án đã qua các thủ tục khởi tố, điều tra để các chứng cứ chứng minh căn cứ không truy tố đã được thu thập, kiểm tra, đánh giá. Quyết định không truy tố không phải là quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra hay cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà là của Viện kiểm sát; quyết định không truy tố cũng không phải một quyết định tố tụng được ban hành khi không đủ chứng cứ để truy tố. Nhận thức này có ý nghĩa rất quan trọng để loại trừ nguy cơ cơ quan tiến hành tố tụng cố ý biến các trường hợp đủ chứng cứ buộc tội thành chưa đủ chứng cứ buộc tội nhằm bỏ lọt tội phạm. Quyết định không truy tố phải bằng văn bản, phải xác định rõ căn cứ áp dụng, quyết định không truy tố cũng phải là đối tượng của cơ chế kiểm soát bên trong hệ thống Viện kiểm sát và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như là đối tượng của khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, qua đó bảo đảm tối đa hóa trách nhiệm giải trình của Viện kiểm sát khi quyết định không truy tố.
Nhìn chung, có thể thấy, đặc tính và giá trị cốt lõi của quyền tùy nghi truy tố là quyền linh hoạt quyết định việc truy tố trên cơ sở luật định, bảo đảm một cách thực tế lợi ích công trong từng trường hợp cụ thể, giảm tải áp lực về khối lượng công việc cho Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp khác. Việc “cấy ghép” quyền tùy nghi truy tố vào Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam không phải là không thể khi nhiều nước có mô hình tố tụng tương tự Việt Nam cũng đã tiếp thu quyền tùy nghi truy tố. Tuy nhiên, để áp dụng thành công quyền tùy nghi truy tố cũng như hạn chế những “tác dụng phụ” kèm theo, rất nhiều vấn đề lý luận cần được nghiên cứu trong thời gian tới, bài viết này chỉ mang tính chất gợi mở cho một vấn đề không mới trong tố tụng hình sự thế giới nhưng còn rất mới trong tố tụng hình sự Việt Nam.
ThS. Tiêu Thị Hà Phương
Ban Thanh tra - Pháp chế, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ảnh: Internet
[1]. Rebecca Krauss (2012), Theory of prosecutorial discretion in Federal law: Origins and Developments, Published by Seton Hall Law eRepository, Vol. 6 [2012], Iss. 1, Art. 1, tr. 16.
[2]. Rebecca Krauss (2012), Theory of prosecutorial discretion in Federal law: Origins anh Developments, Published by Seton Hall Law eRepository, Vol. 6 [2012], Iss. 1, Art. 1, tr. 17.
[3]. Rebecca Krauss (2012), Theory of prosecutorial discretion in Federal law: Origins anh Developments, Published by Seton Hall Law eRepository, Vol. 6 [2012], Iss. 1, Art. 1, tr. 26.
[4]. Từ điển tiếng Việt, https://tratu.coviet.vn/hoc-tieng-anh/tu-dien/lac-viet/V-V/tuỳ%20nghi.html.
[5]. Tiếng Anh là: “A prosecutor’s power to choose from the options available in a criminal case, such as filling charges, prosecuting, not prosecuting, plea-bargaining, and recommending a sentence to the court”, xem: Black’s Law Dictionary, 4th ed, ST. Paul, Minn.West Publishing Co.1968, tr. 1385.
[6]. Lê Hữu Thể (Chủ biên), Đỗ Văn Đương, Nguyễn Thị Thủy, Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của việc đổi mới thủ tục tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2013, tr. 348.
[7]. Tham khảo: Defending the Human Rights to a Fair Trial, "What is plea bargaining? A simple guide", https:// www.fairtrials.org/what-is-plea-bargaining-asimple-guide/, truy cập ngày 30/5/2022.
[8]. Lê Huỳnh Tấn Duy (2018), Chế định mặc cả nhận tội theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý (05), 2018, tr. 51.
[9]. Lê Huỳnh Tấn Duy (2018), Chế định mặc cả nhận tội theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý (05), 2018, tr. 50
[10]. Nguyên tắc Truy tố Liên bang, http://www.justice.gov/usao/eousa/foia_reading_room/ usam/title9/27merm.htm, truy cập ngày 30/9/2022.
[11]. Đàm Quang Ngọc, Chức năng công tố trong tố tụng hình sự Việt Nam và Đức, Luận án Tiến sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, 2020, tr. 119.
[12]. Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Báo cáo tham khảo pháp luật tố tụng hình sự của một số nước trên thế giới năm 2015.
[13]. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát năm 2014.
[14]. Lê Lan Chi, Nguyên tắc bắt buộc truy tố trong hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa và sự thể hiện trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Sách “Các nguyên tắc của Luật tố tụng hình sự Việt Nam: Quá trình tiếp biến và hoàn thiện” (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr. 190.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 397), tháng 1/2024)