Abstract: The article focuses on the Law of the elderly people in the relation with the Family and Marriage Law and other legal documents concerning the rights of the elderly people in the family relationship. From there, it also examines the enforcement and application of the law in practice to point out legal shortcomings which cannot ensure the rights and interests of the elderly people. This study serves as a basis for recommendations for completing the law for the protection of the rights and interests of the elderly people in the current Vietnamese families.
Với tư cách là vợ chồng, người cao tuổi (NCT) có toàn bộ quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Trong đó, có một số vấn đề cần bàn như:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác[1]. Vậy cần xác định thế nào là sống chung? Theo cách quy định này thì có thể hiểu sống chung là vợ chồng phải ở cùng một nơi, trong cùng một mái nhà, đặc biệt, đối với NCT, khi con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng thì việc vợ chồng sống chung với nhau là rất cần thiết để chăm sóc nhau, theo như các cụ có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Tuy nhiên, trên thực tế, khi con cái có gia đình, sinh con thì thường họ lại muốn cha hoặc mẹ (mà chủ yếu là mẹ) đến trông con cho mình. Đây được coi là cách giúp đỡ con cháu rất truyền thống của gia đình Việt Nam. Vậy, việc một bên vợ, chồng (là NCT) đến ở với con cháu có được coi là “có lý do chính đáng” hay không? Luật Người cao tuổi năm 2009 cũng quy định một trong những quyền của NCT là có quyền sống chung với con cháu hoặc sống riêng theo ý muốn. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp người chồng không muốn người vợ đến ở với con mà muốn giúp đỡ con bằng cách thuê người giúp việc cho con và yêu cầu vợ phải ở nhà với mình, nhưng người vợ muốn tự tay chăm sóc con cháu và từ đó phát sinh mâu thuẫn giữa vợ, chồng. Thậm chí, người chồng sẽ vi phạm nghĩa vụ chung thủy và cho rằng mình không có lỗi mà người vợ mới là người có lỗi khi vi phạm nghĩa vụ sống chung, không thương yêu, chăm sóc, quan tâm đến chồng. Nếu có tranh chấp sẽ xác định như thế nào? Theo quan điểm của tác giả, trong trường hợp này cần xác định người vợ đã vi phạm nghĩa vụ sống chung, việc người vợ đến nhà người con ở không được coi là “lý do chính đáng”, vì việc chăm sóc con cái là nghĩa vụ của cha mẹ chứ chưa đến lượt ông bà. Vì vậy, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Người cao tuổi cần có hướng dẫn cụ thể trong các trường hợp này. Theo đó, cần kết hợp giữa quyền của cá nhân với quyền và nghĩa vụ giữa vợ, chồng để không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau[2]. Luật Người cao tuổi cũng quy định, NCT được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi[3]. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, NCT quá tín ngưỡng, thậm chí là mê tín dị đoan, theo một đạo nào đó mà bỏ bê gia đình, làm thất thoát tài sản của gia đình và không nghe theo bất kỳ lời khuyên nhủ nào của các thành viên trong gia đình. Vậy có được gọi là quyền tự do tín ngưỡng hay không? Việc can thiệp của các thành viên trong gia đình có bị coi là xâm phạm quyền tự do, tín ngưỡng? Đây là vấn đề rất khó giải quyết trên thực tế đời sống xã hội.
Trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, có nhiều trường hợp, NCT nghỉ hưu rồi mới kết hôn và cho rằng, tiền lương hưu không phải là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng bởi vì tiền lương hưu là số tiền được hưởng sau bao nhiêu năm đã cống hiến và đóng bảo hiểm xã hội, không liên quan đến hôn nhân sau này. Theo quan điểm của tác giả, tiền lương hưu NCT được nhận tại thời điểm quan hệ hôn nhân đang tồn tại, do đó, căn cứ vào Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được coi là một dạng thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, pháp luật hôn nhân và gia đình cũng cần có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên vợ, chồng còn lại.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vì vậy, nhiều trường hợp vợ, chồng NCT khi về già, tâm tính thay đổi, không hợp nhau nên muốn sống riêng và muốn chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nhưng lại vấp phải sự phản đối của một bên vợ, chồng còn lại hoặc của con cháu. Trên thực tế, họ không muốn kiện ra tòa do sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của gia đình. Vì vậy, trong trường hợp này cần phát huy vai trò của tổ hòa giải cũng như các hội ở địa phương như Hội phụ nữ, Hội NCT… để giúp họ giải quyết ổn thỏa việc gia đình.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi NCT là người bị mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ đầu tiên sẽ là chồng hoặc vợ của người đó. Do đó, việc thực hiện quyền nhân thân và tài sản sẽ do vợ hoặc chồng của họ thực hiện. Đối với trường hợp một bên vợ, chồng là NCT có khó khăn trong việc nhận thức và làm chủ hành vi thì ai là người thực hiện quyền nhân thân và tài sản cho họ? Điều này phụ thuộc vào việc ai là người giám hộ cho họ và người đó có thể không phải là vợ, chồng nếu họ thể hiện được ý chí về việc ai làm giám hộ cho mình. Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định người giám hộ đương nhiên cho người có khó khăn trong việc nhận thức, làm chủ hành vi mà người giám hộ sẽ do họ lựa chọn hoặc do Tòa án chỉ định trong số những người giám hộ tương tự như trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự. Điều đó có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng, đặc biệt là trong trường hợp Tòa án chỉ định một trong số các con là người giám hộ và người con này không đặt lợi ích của gia đình lên trên lợi ích cá nhân thì việc gây ra những mâu thuẫn trong gia đình là khó tránh khỏi. Do đó, nên chăng pháp luật dân sự cần đưa ra thứ tự giám hộ cho người có khó khăn trong việc nhận thức và làm chủ hành vi.
2. Trong quan hệ giữa cha mẹ và con
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định mọi thỏa thuận của cha, mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình[4]. Quy định này mang tính nguyên tắc chung nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể với tư cách là cha mẹ và con. Trên thực tế có trường hợp khi con cái đã kết hôn, có gia đình riêng, do phát sinh mâu thuẫn nên cha mẹ là NCT đã yêu cầu con cái đưa cho mình một khoản tiền nhất định, coi như là công sức mà cha mẹ đã nuôi con khôn lớn, sau đó, sẽ dọn ra ngoài ở và coi như con không còn nghĩa vụ gì với cha mẹ nữa. Việc thỏa thuận này được lập thành văn bản, có chữ ký của các bên. Tuy nhiên, thỏa thuận này không thể được xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nếu có thì luôn bị coi là vô hiệu, bởi vì, quan hệ tài sản giữa cha mẹ và con không có tính đền bù ngang giá, nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ là đương nhiên mà con cái phải thực hiện trong suốt cuộc đời mình khi có điều kiện cần và đủ. Trong trường hợp này, khi cha mẹ ra ở riêng là ý muốn tự nguyện của cha mẹ thì con cái không được cản trở theo đúng tinh thần của Luật Người cao tuổi quy định. Do đó, trong quá trình áp dụng và thực hiện pháp luật rất cần sự tư vấn xác đáng, cụ thể, có lý, có tình của các cá nhân, cơ quan, tổ chức đoàn thể có trách nhiệm. Về mặt pháp lý, Luật Hôn nhân và gia đình cũng cần hướng dẫn cụ thể các trường hợp là ví dụ điển hình cho việc thỏa thuận của cha mẹ và con không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể chứ không chỉ riêng những trường hợp theo quy định tại Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ của con đối với cha mẹ là con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật, trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ[5]. Tại Điều 10, Điều 11 Luật Người cao tuổi năm 2009 cũng đã quy định rõ về nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng NCT; ủy nhiệm chăm sóc NCT. Như vậy, khi liên kết các văn bản pháp luật, có thể thấy được về mặt pháp lý, quyền và lợi ích hợp pháp của NCT được đảm bảo tương đối toàn diện. Tuy nhiên, trong mối liên hệ với thực tiễn thì còn một số vấn đề cần bàn, cụ thể:
- Khi nói tới nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ thì thường chúng ta dùng từ “phụng dưỡng”. Thuật ngữ này không chỉ đơn thuần là việc dùng tài sản để nuôi sống cha mẹ với tư cách là NCT mà còn là sự chăm sóc, quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của cha mẹ nhằm đảm bảo và phù hợp với sức khỏe, tâm lý của họ. Mặt khác, phụng dưỡng cha mẹ bao gồm cả hai trường hợp: Khi cha mẹ và con cái sống chung với nhau hoặc không sống chung với nhau, miễn sao các con vẫn qua lại thăm hỏi, quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của cha mẹ.
Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, do con cái bận bịu công việc xã hội nên việc phụng dưỡng cha mẹ không được đảm bảo. Chủ yếu, con cái chỉ chăm sóc được đời sống vật chất mà không đảm bảo được đời sống tinh thần của cha mẹ. Bên cạnh đó, do phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của người Việt Nam, thì vai trò của người con trai trưởng vẫn là quan trọng và chủ yếu trong việc chăm sóc cha mẹ. Đối với các con khác, đặc biệt là con gái thì việc phụng dưỡng cha mẹ không được coi là bắt buộc như người con trưởng. Trong khi đó, pháp luật quy định nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ của con cái là như nhau. Điều này cũng gây ra những mâu thuẫn trên thực tế, đặc biệt là trong quan hệ giữa chị dâu và em chồng, mẹ chồng và con dâu… Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “trong trường hợp con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các điều 69, 70, 71, 72 của Luật này”[6]. Như vậy, chỉ khi hai bên chủ thể là bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ và con dâu hoặc con rể sống chung với nhau thì giữa họ mới phát sinh một số quyền và nghĩa vụ nhất định. Đặt giả thiết họ không sống chung thì con dâu hoặc con rể không có nghĩa vụ gì đối với cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ mà nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ sẽ thuộc về bên chồng hoặc bên vợ là con đẻ. Điều này sẽ dẫn đến một vấn đề là nếu vợ, chồng không thỏa thuận được việc dùng tài sản để phụng dưỡng cha mẹ thì người chồng hoặc người vợ đó chỉ có thể dùng tài sản riêng để thực hiện nghĩa vụ của mình, nếu không có tài sản riêng thì có thể yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để lấy phần tài sản của mình thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ đẻ của mình. Trong trường hợp họ trốn tránh nghĩa vụ, không thực hiện việc chia tài sản chung mà có thu nhập và có yêu cầu khởi kiện thì cơ quan thi hành án có thể khấu trừ lương của họ, đây là cách thức để đảm bảo quyền lợi của cha mẹ với tư cách là NCT. Tuy nhiên, cách thức đó vô hình chung là vi phạm quyền của người vợ hoặc chồng còn lại, vì thu nhập đó thuộc tài sản chung của vợ chồng. Do đó, pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể cho trường hợp này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, đặc biệt là NCT. Cần cho phép họ được khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng khi vợ, chồng không chia nhằm trốn tránh nghĩa vụ về tài sản.
- Khi NCT trong quan hệ cha dượng, mẹ kế với con riêng của vợ hoặc chồng thì họ có được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp không? Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tương tự như trên đã phân tích thì điều kiện để con riêng có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế là khi cùng sống chung. Do đó, nếu cha dượng, mẹ kế không sống chung với con riêng thì con riêng không có nghĩa vụ đó. Trong thực tế đời sống xã hội, khi con riêng đã trưởng thành, kết hôn thì họ thường sống riêng, không còn sống chung với cha mẹ nữa. Khi đó, cha đẻ và mẹ kế hoặc mẹ đẻ và bố dượng của họ sẽ sống ở một nơi khác và họ chỉ có nghĩa vụ phụng dưỡng đối với cha đẻ hoặc mẹ đẻ của họ thôi. Tác giả cho rằng điều đó là không hợp lý. Trên thực tế, người con đó vẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cả cha đẻ và mẹ kế hoặc mẹ đẻ và bố dượng bởi vì đó là cách báo hiếu cho người đã hết lòng chăm sóc họ khi họ còn bé. Vậy trong trường hợp này, khi một bên chết thì bên kia có được thừa kế không? Ngoài ra, có nhiều trường hợp, con cái không sống chung với cha đẻ và mẹ kế hoặc mẹ đẻ và bố dượng, nhưng vẫn có trách nhiệm với cha mẹ, khi cha đẻ hoặc mẹ đẻ mất thì giữa họ và cha dượng hoặc mẹ kế kia chỉ còn là quan hệ giữa những người đã từng là con riêng với cha dượng, mẹ kế thôi, nhưng họ vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi, chăm sóc, phụng dưỡng người đã từng là cha dượng, mẹ kế đó. Vậy khi một trong hai bên chết thì bên còn lại có được hưởng thừa kế không? Hoặc ngược lại, sau khi cha đẻ hoặc mẹ đẻ chết thì người con đó không hề có bất cứ nghĩa vụ gì đối với người đã từng là mẹ kế hoặc cha dượng nữa, trong khi người này đã già yếu, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình và khi còn trẻ họ cũng đã chăm sóc, nuôi dưỡng con riêng của chồng hoặc của vợ. Nếu xét về mặt pháp lý thì người con đó không vi phạm gì, nhưng xét về phong tục tập quán, đạo hiếu trong gia đình là không thể chấp nhận được. Do đó, theo quan điểm của tác giả, pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NCT trong trường hợp này. Trong nhiều trường hợp, NCT còn với tư cách là con riêng, có thể không sống chung với cha dượng, mẹ kế nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng hoặc mẹ kế như thường xuyên qua lại thăm hỏi, “đồng quà tấm bánh”, chuyện trò với cha dượng hoặc mẹ kế nhưng khi cha dượng hoặc mẹ kế chết lại không được hưởng thừa kế tài sản, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Ngoài ra, có trường hợp khi còn trẻ, cha mẹ đã bỏ mặc con cái, không có bất cứ trách nhiệm gì. Sau khi con trưởng thành thì cha mẹ lại quay về muốn sống chung với con, muốn được con phụng dưỡng có được không? Ở đây, tác giả muốn xem xét dưới góc độ quyền sở hữu với quyền hưởng dụng; quyền sống chung với con cái và nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ: Luật Người cao tuổi quy định là NCT có quyền sống chung với con cháu hoặc sống riêng theo ý muốn. Nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 luôn đảm bảo quyền sở hữu của cá nhân, đảm bảo quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ sở hữu. Do vậy, nếu nhà ở thuộc quyền sở hữu của con và con không muốn cha mẹ ở chung có được không? Nhiều người con cho rằng, khi họ còn nhỏ, cha mẹ không chăm sóc, nuôi dưỡng thì khi cha mẹ già yếu, họ cũng không có trách nhiệm và họ có quyền cho hoặc không cho cha mẹ ở chung dưới một mái nhà với mình. Hoặc có người con cho rằng, họ không muốn sống chung với cha mẹ, nên họ có thể thuê nhà hoặc mua một nhà khác để cha mẹ ở và hàng ngày họ qua lại chăm sóc, nuôi dưỡng, chu cấp tài sản cho cha mẹ. Theo quan điểm của tác giả, cần đưa ra giải pháp dung hòa lợi ích của NCT với tư cách là cha mẹ và lợi ích của các con. Nếu nhà ở thuộc quyền sở hữu của người con thì cha mẹ không đương nhiên được sống chung với con khi cha mẹ vẫn còn nhà của mình để sinh sống miễn là người con vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi không sống chung với mình; nếu nhà ở thuộc quyền sở hữu của người con và cha mẹ không có nơi ở nào thì cha mẹ sẽ được ở chung với con trong nhà của người con đó, trừ trường hợp người con có điều kiện thuê nhà ở khác cho cha mẹ đảm bảo được sức khoẻ và tâm lý cho cha mẹ và người con vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ mình, cha mẹ có quyền đến thăm con cháu bất cứ lúc nào theo ý muốn của mình. Ngay cả trong trường hợp cha mẹ đã từng trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì khi cha mẹ già yếu, con cái vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, bởi vì, quan hệ giữa cha mẹ và con không mang tính đền bù ngang giá. Đó chính là đạo hiếu, đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam cần được giữ gìn và phát huy.
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định hành vi cấm cản trở kết hôn[7] và trên thực tế, NCT cũng rất hay bị con cái cản trở việc kết hôn vì nhiều lý do khác nhau. Có nhiều trường hợp, khi một bên cha, mẹ qua đời, con cái sống riêng, đời sống tình cảm của cha hoặc mẹ thiếu thốn, họ cần có người bầu bạn lúc tuổi già nhưng khi có ý định kết hôn thì con cái lại tìm mọi cách ngăn cản với nhiều lý do như: Cha hoặc mẹ đã già mà kết hôn thì bị cười chê hoặc họ sợ tài sản và tình cảm bị san sẻ… làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của NCT. Luật Người cao tuổi đã nghiêm cấm hành vi xúc phạm, cản trở NCT thực hiện quyền về hôn nhân[8]. Do đó, cần có những giải pháp về mặt xã hội để giải thích cho con cháu họ hiểu và đảm bảo quyền tự do kết hôn của NCT.
- Luật Người cao tuổi năm 2009 có quy định về việc ủy nhiệm chăm sóc NCT khi những người có nghĩa vụ phụng dưỡng không có điều kiện trực tiếp chăm sóc NCT và việc ủy nhiệm này phải có sự đồng ý của NCT. Đây là một quy định có tính hợp lý nhất định trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, xét về phong tục tập quán thì nhiều nơi, nhiều gia đình và đặc biệt là NCT khó chấp nhận vấn đề này, đặc biệt là việc đưa NCT vào viện dưỡng lão, nơi chăm sóc NCT mang tính chuyên nghiệp cao. Mặt khác, để xác định thế nào là con cháu không có điều kiện chăm sóc NCT cũng rất khó, chỉ mang tính tương đối. Thông thường khi con cháu bận công việc, học hành không có ở nhà thường xuyên thì họ đã phải thuê người về chăm sóc NCT, việc thuê người giúp việc làm bầu bạn với NCT và chăm sóc họ luôn cũng đảm bảo sức khoẻ và tâm lý của họ. Nhưng nhiều trường hợp, người giúp việc có hành vi ngược đãi, bạo hành với NCT mà người nhà không biết cũng làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần của NCT. Đặc biệt, khi đưa NCT vào các viện dưỡng lão và con cháu sẽ đến thăm cha mẹ, ông bà khi có thời gian rảnh cũng đảm bảo sức khỏe, tinh thần của NCT, tuy nhiên, đôi khi do nhớ con cháu nên NCT không thích và muốn trở về nhà. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn cho người có nghĩa vụ phụng dưỡng NCT, mặt khác, NCT có cảm giác mình là gánh nặng của con cháu và có thể có những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống của mình. Ngoài ra, trong trường hợp NCT không còn minh mẫn, có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi thì việc họ thể hiện ý chí trong việc đồng ý hay không đồng ý có sự ủy nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cho cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ là rất khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của họ một cách nghiêm trọng. Vì vậy, pháp luật cần quy định cụ thể trong những trường hợp nào thì người có nghĩa vụ phụng dưỡng NCT có quyền ủy nhiệm cho người khác hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc NCT khi NCT không có khả năng thể hiện ý chí của mình.
Tóm lại, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NCT trong các quan hệ hôn nhân và gia đình cần phải hoàn thiện chính sách, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Người cao tuổi với các văn bản pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức pháp lý và trách nhiệm của mỗi thành viên gia đình đối với NCT, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế hội nhập và phát triển hiện nay.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[2]. Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[3]. Điều 3 Luật Người cao tuổi năm 2009.
[4]. Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[5]. Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[6]. Điều 80 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[7]. Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[8]. Điều 9 Luật Người cao tuổi năm 2009.