Gia đình luôn là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Những nhân cách ấy đã góp phần tạo nên bộ mặt của mỗi quốc gia. Những gia đình tốt đẹp sẽ xây dựng được một xã hội tiến bộ văn minh, một xã hội tiến bộ văn minh là cơ sở để xây dựng một gia đình tốt đẹp. Tuy nhiên, mặt trái của xã hội đã tạo nên một thực trạng đáng lo ngại, đó là vấn đề ly hôn ngày càng tăng và trở nên phổ biến, trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho các thành viên trong gia đình và cả xã hội. Một khi hôn nhân chấm dứt bằng việc ly hôn sẽ phát sinh quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba. Thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân các cấp cho thấy, chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về quyền tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba cũng như nghĩa vụ của họ đối với người khác. Do đó, cần có cách hiểu và vận dụng được thống nhất.
1. Quy định quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
1.1. Quyền về tài sản của vợ chồng trong trường hợp họ sống chung cùng với gia đình
Tài sản của vợ chồng được xác định căn cứ vào nguồn gốc tài sản và thời kỳ hôn nhân[1]. Khi hôn nhân được xác lập, vợ chồng có thể cùng nhau sống riêng hoặc sống chung với gia đình bên chồng hoặc bên vợ. Trong quá trình sống chung đó, vợ chồng sẽ có khả năng cùng với gia đình tạo lập được khối tài sản chung. Khối tài sản chung này có thể xác định được theo phần. Về bản chất, đây là trường hợp vợ chồng đã có quyền đối với tài sản khi sống chung với gia đình. Do đó, pháp luật đã dự định hai trường hợp phát sinh như sau:
Thứ nhất, tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình bên vợ hoặc bên chồng mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp đối với việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết[2].
Thứ hai, tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần, thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định của pháp luật[3]. Theo đó, việc phân chia phải đảm bảo các nguyên tắc như: Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác, tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được hiện vật thì chia theo giá trị hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình[4]. Để phân chia tài sản, thì đầu tiên phải xác định phần quyền của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình, sau đó mới tiến hành phân chia.
1.2. Quyền về tài sản của vợ chồng đưa vào kinh doanh
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình được thể hiện thông qua việc tổ chức tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của gia đình. Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Điều này đã được khẳng định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013. Khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Xuất phát từ các quy định trên cho thấy, trước khi mối quan hệ hôn nhân được xác lập thì nam, nữ thực hiện hoạt động kinh doanh một cách riêng lẻ, tuy nhiên, sau khi kết hôn, quyền tự do kinh doanh của nam, nữ có thể mang danh nghĩa vợ chồng. Mối quan hệ vợ chồng có thể chấm dứt bằng sự kiện ly hôn, điều này đặt ra vấn đề cần được giải quyết là quyền tài sản của vợ chồng được xác định như thế nào khi tài sản đã đưa vào kinh doanh. Theo quy định của pháp luật, vợ chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác. Trên thực tế, vợ chồng có thể thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp để kinh doanh. Đặt trong bối cảnh đó, sẽ đặt ra nghĩa vụ của người thứ ba (doanh nghiệp) đối với vợ chồng liên quan đến phần vốn của họ trong doanh nghiệp đó[5].
1.3. Nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
Theo quy định của pháp luật, “nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”[6]. Khi xác lập mối quan hệ hôn nhân, vợ chồng có sự gắn kết rất chặt chẽ với nhau trong các lĩnh vực về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, vợ chồng lúc này vẫn có tư cách độc lập của riêng mình trong các mỗi quan hệ xã hội. Do đó, đối với những giao dịch dân sự do một bên vợ chồng xác lập, về cơ bản, vợ chồng phải chịu trách nhiệm riêng đối với những nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch này. Nhưng bên cạnh đó, xuất phát từ mục đích xây dựng, chăm sóc gia đình của việc kết hôn, pháp luật đã quy định một trường hợp ngoại lệ làm phát sinh trách nhiệm liên đới của hai vợ chồng, đó là việc một bên vợ chồng xác lập giao dịch dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình: “Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện” quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc “... giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình”; “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”; “Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây: …Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”; “Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây: …Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình”[7]. Nói cách khác, đối với những giao dịch dân sự nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình, một bên vợ chồng được tự mình xác lập giao dịch. Trong trường hợp này, bên vợ chồng xác lập giao dịch được xem là đang đại diện cho cả hai vợ chồng trong mối quan hệ đó.
1.4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng
Theo quy định của pháp luật, về nguyên tắc, việc định đoạt tài sản chung sẽ do vợ chồng thỏa thuận. Sự thỏa thuận đó có thể được thực hiện bằng văn bản, lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Cá biệt, đối với các tài sản gồm: (i) Bất động sản; (ii) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; (iii) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình, thì việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Đồng thời, pháp luật cũng đưa ra nguyên tắc nếu giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình, thì được xem là nghĩa vụ riêng của người đã xác lập, thực hiện giao dịch đó[8]. Như vậy, về nguyên tắc, việc định đoạt tài sản chung đối với các bất động sản cũng như động sản phải đăng ký phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Đối với tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình, pháp luật không có sự giải thích, tuy nhiên, theo nguyên tắc loại trừ, có thể đây là các động sản không cần phải đăng ký nhưng đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Khi vợ, chồng định đoạt tài sản chung sẽ dẫn đến phát sinh quyền lợi của bên thứ ba. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi[9].
2. Thực tiễn giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
Một là, đối với quyền về tài sản của vợ chồng trong trường hợp sống chung với gia đình. Trên thực tế, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng liên quan đến khối tài sản chung của gia đình cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ luôn là công việc khác nhau. Pháp luật quy định, vợ chồng có phần quyền trong trường hợp sống chung với gia đình nhưng không hướng dẫn cụ thể như thế nào là sống chung. Việc sống chung đó có nhất thiết ở chung thường xuyên một nhà hay không? Chính vì không quy định cụ thể, nên trong thực tiễn, đã có nhiều cách hiểu khác nhau khi thực hiện xét xử, khiến việc giải quyết chưa thống nhất.
Hai là, đối với tài sản của vợ chồng đưa vào kinh doanh. Thực tiễn xét xử cho thấy, cách phân chia tài sản chung đôi khi có sự khác nhau. Tuy nhiên, nhiều bản án cũng không nhận định rõ có sự thỏa thuận bằng văn bản trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó theo như quy định tại Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Bởi lẽ, khi đánh giá được vấn đề này thì sẽ đánh giá được việc thực hiện hoạt động kinh doanh có hướng tới mục đích chung của vợ chồng hay không cũng như làm cơ sở xác định công sức đóng góp của các bên khi phân chia tài sản, chính vì sự đánh giá chưa rõ ràng nên dẫn đến tranh chấp kéo dài.
Ba là, đối với nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Thực tiễn vẫn còn có cách xác định khác nhau về phạm vi khái niệm “nhu cầu thiết yếu của gia đình” và xác định giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa giải thích cho phạm vi áp dụng khái niệm “nhu cầu thiết yếu của gia đình” một cách rõ ràng, gây khó khăn trong việc áp dụng. Cụ thể, nếu giao dịch dân sự do một bên vợ chồng thiết lập không nhằm mục đích trực tiếp đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình mà chỉ để tạo ra những công cụ hỗ trợ cho việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu thì có phát sinh trách nhiệm liên đới của vợ chồng hay không. Nói cách khác, trong trường hợp này, một bên vợ chồng có quyền đại diện cho bên còn lại để xác lập các giao dịch dân sự hay không?
Bốn là, đối với nghĩa vụ phát sinh từ việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng. Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành đã quy định rõ về đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản để xác định chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng tài sản. Tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên cả vợ và chồng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp có những tài sản là tài sản chung của vợ chồng nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng chỉ ghi tên của một bên[10]. Do đó, việc xác định người còn lại có được định đoạt đối với tài sản đó hay không cũng gặp nhiều khó khăn. Theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì việc định đoạt tài sản là bất động sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của vợ, chồng nhưng không đề cập đến việc trong trường hợp vợ, chồng đang có nghĩa vụ đối với người thứ ba thì có cần sự đồng ý của người thứ ba khi vợ chồng định đoạt tài sản hay không[11]. Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng khi là: “Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”. Đồng thời, theo quy định tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong giao dịch với người thứ ba ngay tình, thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật Dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình. Vậy giả sử, gia đình đó có một khoản tiền lớn gửi trong ngân hàng, đứng tên một bên vợ hoặc chồng, lãi từ tiền gửi hiện đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình. Người đứng tên trên tài khoản tự mình xác lập giao dịch được coi là trường hợp giao dịch với người thứ ba ngay tình hay trường hợp phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng? Hay như trong trường hợp động sản có đăng ký quyền sở hữu khi định đoạt phải có sự đồng ý bằng văn bản của vợ, chồng. Nhưng ở trường hợp một gia đình có nhiều vàng, đá quý có giá trị lớn, phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Một bên đưa ra giao dịch với bên thứ ba, thì căn cứ theo quy định của Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu trên, giao dịch đó có hiệu lực. Vậy vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích của bên kia sẽ như thế nào?
3. Một số kiến nghị
Từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn ở trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau đây:
(i) Tòa án nhân dân tối cao cần phải hướng dẫn rõ đối với việc giải quyết quyền về tài sản của vợ chồng trong trường hợp sống chung với gia đình.
(ii) Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cần được sửa đổi, bổ sung và quy định rõ mục đích kinh doanh theo hướng trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh riêng, thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
(iii) Khoản 1 Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cần bổ sung quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập giao dịch dân sự vì nhu cầu thiết yếu của gia đình theo hướng vợ chồng không còn sống chung, nhưng một bên thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, thì bên còn lại vẫn phải có trách nhiệm liên đới.
(iv) Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cần quy định việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng không cần phải có sự đồng ý của người thứ ba, nếu có tranh chấp về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng, thì được giải quyết theo Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Ngoài ra, Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cần loại trừ trường hợp quy định tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để có cách hiểu thống nhất.
ThS. Châu Thanh Quyền
Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang
[1]. Nguyễn Thị Lan (2012), “Một số vấn đề về hợp đồng mua bán tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng”, Luật học, (8), tr.8-16.
[2]. Khoản 1 Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[3]. Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[4]. Khoản 2 Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[5]. Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[6]. Khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[7]. Điều 27; khoản 1 Điều 30; các khoản 1, 2 Điều 37; khoản 3 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[8]. Điều 35, khoản 3 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[9]. Khoản 2 Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[10]. Ngô Thị Hường (2008), “Đăng ký quyền sở hữu tài sản và việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng”, Luật học, (10), tr.22-28.
[11]. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn các gia đình người chồng vẫn là người có quyền quyết định đối với việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất của gia đình (xem Lê Thị Hồng Hải, Phạm Thanh Vân (2012), “Quyền quyết định đối với nhà, đất ở của vợ và chồng trong gia đình hiện nay (qua cuộc khảo sát tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc)”, Nghiên cứu gia đình và giới, (5), tr.54-64).