Tóm tắt: Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề pháp lý về biện pháp bảo đảm của Việt Nam và so sánh với pháp luật của một số nước trên thế giới, từ đó đưa ra kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về biện pháp bảo đảm ở Việt Nam.
Abstract: The article focuses on some legal issues with respect to secured measures of Vietnam and comparision with the law of some countries in the world, from that point, puts forward proposals for completing law on secured measures in Vietnam.
1. Chủ thể tham gia biện pháp bảo đảm
Đa số các biện pháp bảo đảm (BPBĐ) đều được xác lập qua các hợp đồng bảo đảm (HĐBĐ)[1]. Các bên tham gia HĐBĐ bao gồm bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm (chủ nợ có bảo đảm). Ngoài ra, thực tiễn ở các nước cho thấy, HĐBĐ còn xuất hiện bên thứ ba như bên quản lý tài sản bảo đảm, người đại diện của bên nhận bảo đảm, bên xử lý tài sản mà không phải là bên nhận bảo đảm. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về nội dung này. Theo Luật mẫu về giao dịch bảo đảm của Ngân hàng Tái thiết và phát triển Châu Âu (Luật mẫu EBRD), người quản lý là người đại diện của bên nhận bảo đảm, thay mặt bên nhận bảo đảm thực hiện các giao dịch với các bên thứ ba liên quan đến việc thực hiện giao dịch bảo đảm. Cũng theo luật này, người quản lý giao dịch bảo đảm do bên nhận bảo đảm chỉ định. Người này có quyền giám sát việc thanh toán nợ của con nợ, tiến hành các thủ tục xử lý tài sản theo quy định pháp luật, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm đối với các bên thứ ba liên quan đến việc thực thi giao dịch bảo đảm (không phải là việc chuyển nhượng quyền đối với nghĩa vụ được bảo đảm)[2]. Việt Nam chỉ dừng lại ở quy định các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản trong trường hợp thế chấp và người này có quyền, nghĩa vụ giữ gìn tài sản thế chấp mà không có quy định về việc có thể đại diện cho người nhận thế chấp (Điều 317, Điều 324 Bộ luật Dân sự năm 2015). Quy định về người quản lý đáp ứng được thực tiễn là bên nhận bảo đảm vì lý do nào đó, chẳng hạn như cư trú ở nước ngoài không thể trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm, nhưng không muốn chuyển nhượng quyền đối với nghĩa vụ bảo đảm cho người khác, khi đó, họ muốn giao cho người tin cậy quản lý tài sản bảo đảm. Người này có thể đại diện cho họ khi thực hiện các quyền liên quan đến nghĩa vụ được bảo đảm, bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho họ. Do vậy, tác giả cho rằng, đây là một quy định có thể xem xét để đưa vào pháp luật Việt Nam.
2. Hình thức của hợp đồng bảo đảm
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định hình thức của HĐBĐ dựa trên BPBĐ thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo đó, các HĐBĐ phải lập thành văn bản bao gồm hợp đồng bảo lưu quyền sở hữu, hợp đồng tín chấp. Các BPBĐ còn lại không thể hiện rõ hình thức pháp lý nên về nguyên tắc các bên có thể áp dụng quy định về hình thức của giao dịch dân sự là hình thức của HĐBĐ, gồm: Hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng đặt cọc, ký cược, ký quỹ, hợp đồng bảo lãnh[3]. Và như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, có những HĐBĐ được quy định phải lập bằng văn bản và có những HĐBĐ không nêu ra yêu cầu về hình thức[4], khi đó về nguyên tắc chúng ta áp dụng quy định về hình thức của giao dịch dân sự để xác định, tức là có thể giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi. Tất nhiên, hình thức của HĐBĐ còn phụ thuộc vào đối tượng của hợp đồng, đối với những tài sản bảo đảm thuộc đối tượng phải lập thành văn bản hoặc buộc công chứng, chứng thực thì phải theo quy định đó (khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015). Ví dụ, tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, là nhà ở, khi xác lập BPBĐ phải lập thành văn bản. Trong pháp luật tín dụng ngân hàng, mặc dù không nêu trực tiếp BPBĐ phải lập thành văn bản, nhưng có yêu cầu lưu giữ hồ sơ gồm có hợp đồng tín dụng và hồ sơ về BPBĐ (Điều 96 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010), điều này gián tiếp buộc HĐBĐ phải được thể hiện dưới dạng văn bản[5]. Về hình thức của giao dịch bảo đảm, theo Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (Uncitral): “Luật nên quy định thỏa thuận bảo đảm có thể bằng miệng nếu bên nhận bảo đảm chiếm hữu tài sản bảo đảm. Trong trường hợp khác, thỏa thuận bảo đảm phải được lập thành văn bản, hoặc phải được chứng minh bởi sự kết hợp giữa văn bản và hành vi của các bên xác định ý chí của bên bảo đảm là muốn xác lập một lợi ích bảo đảm”[6]. Ở Việt Nam, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định hầu hết các HĐBĐ phải được lập thành văn bản, còn đến Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quy định mở hơn, loại HĐBĐ buộc lập thành văn bản ít hơn như đã nêu. Điều này có xu hướng thống nhất với Uncitral. Tuy nhiên, đối với những HĐBĐ có đối tượng bảo đảm là quyền tài sản, đa số là những tài sản vô hình thì việc cho phép thỏa thuận bằng lời nói sẽ không hợp lý, rất khó để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Vấn đề đặt ra là, trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại có nên cho phép các bên có thể tự do chọn lựa hình thức của HĐBĐ không? Do vậy, tác giả cho rằng, pháp luật Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể về hình thức của HĐBĐ. Cụ thể:
- Đối với các loại tài sản, pháp luật chỉ cho phép áp dụng hình thức HĐBĐ bằng lời nói khi bên nhận bảo đảm chiếm hữu tài sản bảo đảm;
- Trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại, cần phải quy định “tường minh” HĐBĐ được lập thành văn bản (điều này có thể quy định trong luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động ngân hàng);
- Cần xác định khi tài sản bảo đảm là quyền tài sản thì HĐBĐ cần phải lập thành văn bản ngay cả trong HĐBĐ không thuộc lĩnh vực tín dụng ngân hàng.
3. Hiệu lực của biện pháp bảo đảm
HĐBĐ phải tuân thủ các điều kiện của hợp đồng nói chung, bên cạnh đó còn phải tuân thủ các điều kiện riêng của HĐBĐ trong những trường hợp nhất định. Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên cạnh các điều kiện về nội dung để một giao dịch có hiệu lực, điều luật này cũng xác định rõ hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp luật có quy định. Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Hiện nay, Bộ luật Dân sự đã tiếp cận vấn đề đăng ký BPBĐ theo hướng xem đó là quyền công dân, theo đó, việc đăng ký chủ yếu giúp xác lập hiệu lực đối kháng với bên thứ ba chứ không nhằm xác lập quyền đối với tài sản bảo đảm. Đây có thể nói là một điểm mới quan trọng trong quy định của pháp luật Việt Nam về giao dịch bảo đảm, điều này phù hợp với quan điểm của Uncitral[7]. Có thể thấy, cách tiếp cận này đã xuất hiện từ lâu ở nhiều nước trên thế giới[8]. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, hiệu lực của HĐBĐ vẫn phụ thuộc vào việc đăng ký BPBĐ. Theo đó, BPBĐ chỉ phát sinh hiệu lực giữa các bên khi đã được đăng ký, tức khi đó mới phát sinh quyền của chủ thể. Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 298) có quy định việc đăng ký là điều kiện có hiệu lực của BPBĐ chỉ trong trường hợp luật có quy định, điều này được hiểu là đối với những BPBĐ luật có quy định đăng ký nhưng không đăng ký sẽ là cơ sở để Tòa án tuyên vô hiệu. Tức là, khi đó không phát sinh quyền của chủ thể bảo đảm đối với tài sản và tất nhiên không phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba. Các trường hợp buộc đăng ký BPBĐ được thể hiện trong các luật hiện hành[9] và được rà soát, ghi nhận tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định số 102/2017/NĐ-CP), Pháp luật Anh cũng có quy định về các trường hợp bắt buộc phải đăng ký BPBĐ và nếu rơi vào các trường hợp này mà không đăng ký thì BPBĐ sẽ vô hiệu, bên nhận bảo đảm sẽ không được hưởng quyền ưu tiên thanh toán so với các bên thứ ba khác. Ví dụ, giao dịch bảo đảm được xác lập trên chứng từ bán hàng phải được đăng ký, nếu không đăng ký giao dịch sẽ vô hiệu[10]. Hoặc Luật Công ty của Vương quốc Anh có quy định các trường hợp bắt buộc đăng ký đối với giao dịch bảo đảm của công ty (company charges), trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày xác lập giao dịch mà không đăng ký sẽ bị vô hiệu, không làm phát sinh quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm[11]. Chẳng hạn, đặc quyền bảo đảm cho các chứng khoán nợ; đặc quyền trên vốn cổ phần chưa phát hành của công ty; đặc quyền trên sổ nợ của công ty; đặc quyền trên tàu biển hoặc máy bay hoặc phần giá trị của tàu biển; đặc quyền trên uy tín hoặc quyền sở hữu trí tuệ[12].
Thiết nghĩ, Việt Nam cũng nên có những quy định về đăng ký bắt buộc đối với các tài sản bảo đảm là phần vốn góp, trái phiếu, tài sản trí tuệ để đảm bảo việc được cung cấp thông tin của chủ thể thứ ba đối với các tài sản này. Hiện nay, các tài sản này chỉ được đăng ký bảo đảm khi có yêu cầu (Điều 4 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP). Bên cạnh đó, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP có khả năng gây nên sự ngộ nhận cho người đọc theo hướng cho rằng văn bản dưới luật có thể áp đặt các trường hợp bắt buộc đăng ký BPBĐ. Do vậy, nội dung này nếu được ghi nhận trong một văn bản ở cấp độ luật về đăng ký BPBĐ sẽ hợp lý hơn, trong đó tập hợp tất cả các trường hợp buộc đăng ký BPBĐ, cả những trường hợp chưa được quy định ở bất kỳ luật nào khác.
Có thể nhận thấy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã rất tiến bộ khi phân biệt rạch ròi hiệu lực của HĐBĐ ở hai khía cạnh: Một là, hiệu lực của HĐBĐ trong mối quan hệ giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; hai là, hiệu lực đối kháng của BPBĐ đối với bên thứ ba. Theo đó, với quy định hiện hành, có thể chia thành 03 trường hợp: (i) Đối với HĐBĐ luật không yêu cầu đăng ký BPBĐ và các bên cũng không tự nguyện đăng ký BPBĐ thì thời điểm BPBĐ phát sinh hiệu lực là thời điểm xác lập HĐBĐ và không làm phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba[13]; (ii) Đối với những BPBĐ luật không buộc đăng ký nhưng được đăng ký tự nguyện theo yêu cầu của các bên thì thời điểm có hiệu lực của HĐBĐ phát sinh từ khi xác lập HĐBĐ, nhưng hiệu lực đối kháng với bên thứ ba phát sinh vào thời điểm đăng ký BPBĐ có hiệu lực[14] (khác với Việt Nam, theo Điều 2074, 2075 Bộ luật Dân sự Pháp năm 2005, đối với việc cầm cố động sản vô hình[15], văn bản công chứng hoặc chứng thư được đăng ký hợp lệ còn phải được tống đạt cho người có nghĩa vụ được đảm bảo bằng cầm cố hoặc được người đó chấp nhận bằng một văn bản công chứng); (iii) Đối với HĐBĐ có BPBĐ luật buộc phải đăng ký thì thời điểm HĐBĐ có hiệu lực phụ thuộc vào thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký BPBĐ, khi đó, hiệu lực giữa các bên và hiệu lực đối kháng với bên thứ ba phát sinh cùng lúc vào thời điểm việc đăng ký có hiệu lực. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 (khoản 2 Điều 407) cũng xác định rõ, HĐBĐ là một dạng ngoại lệ của hợp đồng phụ ở khía cạnh hiệu lực của HĐBĐ không phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính (hợp đồng vay, hợp đồng tín dụng). Nói cách khác, khi hợp đồng tín dụng vô hiệu không làm chấm dứt BPBĐ, tức không làm vô hiệu HĐBĐ.
4. Tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong biện pháp bảo đảm
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung nhưng phải xác định; tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu (Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra là khi tài sản bảo đảm có sự sáp nhập vào tài sản khác, trộn lẫn hoặc chế biến thành tài sản mới thì liệu BPBĐ trên tài sản bảo đảm vẫn duy trì hiệu lực hay một BPBĐ mới được xác lập? Theo Uncitral (2016) lợi ích bảo đảm trên tài sản hữu hình được xác lập trước khi bị trộn lẫn hoặc chế biến thành sản phẩm mới vẫn tiếp tục có hiệu lực trên tài sản bị trộn lẫn (a mass) hoặc sản phẩm mới (a product). Giá trị của lợi ích bảo đảm được giới hạn trong phạm vi giá trị tài sản bảo đảm trước khi được trộn lẫn hoặc chế biến thành sản phẩm mới[16]. Giao dịch bảo đảm tự động có hiệu lực đối với bên thứ ba sau khi tài sản bảo đảm là tài sản hữu hình sáp nhập vào tài sản khác tạo thành hỗn hợp hay sản phẩm mới mà không phải thực hiện thêm bất kỳ thủ tục nào[17]. Trong trường hợp có nhiều tài sản bảo đảm bị trộn lẫn hoặc chế biến thành tài sản mới thì thứ tự ưu tiên của các lợi ích bảo đảm trên tài sản mới được xác định theo thứ tự phát sinh quyền lợi bảo đảm trước khi tài sản bị trộn lẫn hoặc chế biến[18]. Cho đến nay, dù với sự ra đời của Bộ luật Dân sự năm 2015, Việt Nam vẫn chưa đề cập đến vấn đề này. Thiết nghĩ, Việt Nam cần quy định cụ thể về vấn đề này trong văn bản hướng dẫn thi hành về giao dịch bảo đảm.
5. Quyền ưu tiên của chủ thể trong biện pháp bảo đảm
Quyền ưu tiên được hiểu là quyền được ưu tiên thanh toán trước chủ thể khác khi xử lý tài sản bảo đảm. Quyền ưu tiên cho phép thoát khỏi sự chi phối của pháp luật phá sản và được thanh toán trước tiên trên giá của tài sản.
Khoa học pháp lý trên thế giới đều thừa nhận một nguyên tắc chung trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán, đó là nguyên tắc “first in time rule” (thứ tự về thời gian). Thứ tự thời gian được xác định dựa vào thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm. Luật của Anh quy định trong trường hợp có xung đột quyền yêu cầu thanh toán giữa các chủ nợ có bảo đảm có lợi ích bảo đảm ngang nhau trên cùng một tài sản thì chủ nợ có lợi ích bảo đảm được xác lập trước hưởng quyền ưu tiên trừ trường hợp quyền ưu tiên bị mất bởi các quy tắc pháp lý khác. Luật của Mỹ cũng quy định bên nhận bảo đảm đăng ký trước được hưởng quyền ưu tiên so với các bên nhận bảo đảm đăng ký sau trên cùng một tài sản bảo đảm[19]. Luật mẫu EBRD cũng thừa nhận quy tắc thứ tự về thời gian, tức là thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm về mặt thời gian được sử dụng để xác định quyền ưu tiên của các chủ nợ có bảo đảm trên cùng một tài sản bảo đảm. Việt Nam cũng không ngoại lệ, theo đó, pháp luật Việt Nam cũng áp dụng quy tắc thứ tự về thời gian để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhiều chủ nợ có bảo đảm trên cùng một tài sản bảo đảm dựa trên hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
5.1. Thứ tự ưu tiên được xác lập dựa trên cơ sở đăng ký biện pháp bảo đảm
Hiệu lực đối kháng được xác lập dựa trên cơ sở đăng ký hoặc nắm giữ tài sản. Trường hợp luật buộc đăng ký thì BPBĐ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký và thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng. Trường hợp có BPBĐ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có BPBĐ không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có BPBĐ có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước (Điều 298, Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015). Điều này cũng dẫn đến hệ quả, đối với cùng một tài sản bảo đảm không buộc đăng ký, nhưng có BPBĐ đăng ký, có BPBĐ không đăng ký thì BPBĐ có đăng ký được ưu tiên thanh toán (Điều 298 Bộ luật Dân sự năm 2015), trừ trường hợp hiệu lực đối kháng được xác lập trên cơ sở nắm giữ tài sản (Điều 310, Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015). Điều 29.1 Công ước Cape Town[20] cũng quy định: “Lợi ích bảo đảm đăng ký trước hưởng quyền ưu tiên so với các lợi ích bảo đảm đăng ký sau và các lợi ích bảo đảm không đăng ký”.
5.2. Thứ tự ưu tiên được xác lập dựa trên cơ sở nắm giữ, kiểm soát tài sản bảo đảm
Bên cạnh xác định thứ tự về thời gian và quy tắc ưu tiên đăng ký, pháp luật các nước cũng quy định quy tắc chiếm hữu, kiểm soát tài sản bảo đảm để xác định thứ tự ưu tiên. Việt Nam cũng có những trường hợp quyền ưu tiên phát sinh trên cơ sở nắm giữ tài sản. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với trường hợp biện pháp cầm cố động sản không buộc đăng ký thì thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố; trường hợp biện pháp cầm giữ tài sản thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba phát sinh kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản (Khoản 2 Điều 347, khoản 2 Điều 310 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, pháp luật Việt Nam có vẻ còn thiếu những quy định cụ thể so với các nước. Theo phần 9.327(1) Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ (UCC) thì: “Lợi ích bảo đảm của người kiểm soát tài khoản ký quỹ hưởng quyền ưu tiên so với lợi ích bảo đảm trên tài khoản ký quỹ của người không kiểm soát tài sản ký quỹ”. Uncitral cũng áp dụng quy tắc kiểm soát để xác định quyền ưu tiên đối với quyền yêu cầu thanh toán từ tài khoản ngân hàng. Lợi ích bảo đảm trên quyền yêu cầu thanh toán từ tài khoản ngân hàng được xác lập bằng kiểm soát thì chủ nợ có bảo đảm kiểm soát quyền này hưởng quyền ưu tiên so với các bên nhận bảo đảm khác. Nếu ngân hàng nơi mở tài khoản ký hợp đồng kiểm soát với nhiều bên nhận bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ xác định theo thứ tự giao kết hợp đồng kiểm soát. Nếu ngân hàng nơi mở tài khoản là bên nhận bảo đảm thì bên này hưởng quyền ưu tiên so với các bên nhận bảo đảm khác trừ trường hợp một bên nhận bảo đảm khác là chủ tài khoản[21]. Việt Nam cũng có quy định về BPBĐ ký quỹ, tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa hướng dẫn cụ thể về thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp ngân hàng nơi mở tài khoản ký hợp đồng kiểm soát với nhiều bên nhận bảo đảm. Tác giả cho rằng, thời gian tới cần có quy định cụ thể vấn đề này trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
5.3. Một số xung đột thứ tự ưu tiên trong các biện pháp bảo đảm
Bộ luật Dân sự năm 2015 có ghi nhận BPBĐ bảo lưu quyền sở hữu, theo đó, trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ với điều kiện có sự thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hoặc lập thành văn bản riêng và nó chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Pháp luật Việt Nam chưa đề cập đến việc điều chỉnh xung đột lợi ích giữa người được bảo lưu quyền sở hữu với các chủ nợ có bảo đảm khác, đặc biệt là đối với đặc quyền cầm giữ tài sản (Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015). Ví dụ, trong trường hợp một người sửa chữa máy móc cầm giữ máy móc (đang là đối tượng bảo đảm của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu), khi bên yêu cầu sửa chữa không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ về chi phí sửa chữa, ai được ưu tiên đối với tài sản bảo đảm này, bên bảo lưu hay bên sửa chữa. Hoặc xung đột giữa người nhận thế chấp với chủ thể có đặc quyền cầm giữ tài sản. Tương tự ví dụ trên, khi người sửa chữa tàu bay, tàu biển cầm giữ tài sản thì người nhận thế chấp hay người sửa chữa sẽ được ưu tiên thanh toán đối với tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển. Vấn đề này, Luật mẫu EBRD cho rằng lợi ích bảo đảm xác lập theo pháp luật cho khoản tiền công dịch vụ hưởng quyền ưu tiên so với các lợi ích bảo đảm khác trên cùng một tài sản, nói cách khác, người có đặc quyền này không phải quan tâm đến các BPBĐ khác[22]. Do vậy, theo tác giả, Việt Nam cần có quy định hướng dẫn rõ vấn đề này và nên theo xu hướng chung của các nước, điều này hoàn toàn hợp lý, lợi ích của người cung cấp dịch vụ cần được bảo vệ.
Hoặc một trường hợp khác, để bảo đảm lợi ích của các nhà tài trợ vốn, pháp luật Mỹ có quy định một BPBĐ, đó là lợi ích bảo đảm trên tài sản mua (purchase-money security interest)[23]. Lợi ích bảo đảm trên tài sản mua dành cho chủ nợ quyền ưu tiên so với các chủ nợ có bảo đảm khác và chủ nợ không có bảo đảm[24]. Ví dụ, bên mua mua sắm máy móc mà tiền mua máy móc được trả bằng tiền vay ngân hàng, lợi ích bảo đảm của ngân hàng trên máy móc này nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ được gọi là lợi ích bảo đảm trên tài sản mua. Việt Nam chưa quy định đặc quyền này cho bên tài trợ vốn, thiết nghĩ đây là một quy định hợp lý, người cấp vốn cần được ưu tiên. Vì thế, Việt Nam có thể xem xét bổ sung quy định này.
Đại học An Giang
[1]. Trừ BPBĐ “cầm giữ tài sản” được phát sinh không trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên mà trên cơ sở một đặc quyền do luật định.
[2]. Xem: European Bank for Reconstruction and Development, Model Law on Secured Transactions 2004, Điều 16 (phần giải nghĩa).
[3]. Xem từ Điều 309 đến Điều 345 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Xem từ Điều 309 đến Điều 350 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5]. Trong thực tiễn, BPBĐ có thể lập thành văn bản riêng hoặc được ghi nhận trong hợp đồng tín dụng.
[6]. United Nation Commission on International Trade Law (2009), Uncitral Legislative guide on secured Transaction - Terminology Recommendations, Vienna, điểm 15, tr. 10.
[7]. United Nations Commission on International Trade Law (2016), Uncitral Model Law On Secured Transactions, Vienna, Điều 18.
[8]. United Nation Commission on International Trade Law (2010), Uncitral Legislative guide on secured Transaction, New York , tr. 103.
[9]. Xem khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013; khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 29 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); khoản 2 Điều 39 Bộ luật Hàng hải năm 2015.
[10]. Điều 8 Luật Bán hàng năm 1878 của Vương quốc Anh (sửa đổi năm 1882); xem thêm sách của Beale, H., Bridge, M., Gullifer, L., & Lomnicka, E. (2012). The law of security and title-based financing, OUP Oxford, tr. 627.
[11]. Điều 874 Luật Công ty năm 2006 của Vương Quốc Anh; xem thêm sách của Beale, H., Bridge, M., Gullifer, L., & Lomnicka, E. (2012). The law of security and title-based financing, OUP Oxford, tr. 627, 638.
[12]. Điều 860 Luật Công ty năm 2006 của Vương quốc Anh.
[13]. Trừ trường hợp cầm cố động sản hoặc đặc quyền cầm giữ tài sản.
[14]. Theo Điều 298 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp được đăng ký thì BPBĐ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Thời điểm đăng ký được hướng dẫn cụ thể trong Điều 5 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.
[15]. Theo pháp luật Việt Nam, đây là biện pháp thế chấp động sản vô hình, vì cầm cố tài sản ở Việt Nam phải có sự chuyển giao (Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015), nhưng tài sản vô hình vốn không thể chuyển giao.
[16]. United Nations Commission on International Trade Law (2016), Uncitral Model Law On Secured Transactions, Vienna, Điều 11, tr. 11.
[17]. United Nations Commission on International Trade Law (2016), Uncitral Model Law On Secured Transactions, Vienna, Điều 20, tr. 14.
[18]. United Nations Commission on International Trade Law (2016), Uncitral Model Law On Secured Transactions, Vienna, Điều 33, tr. 42.
[19]. Donald B. King, Calvin A. Kuenzel, Bradford Stone, W.H. Knight, Jr. Commercial transactions under the Uniform Commercial Code and other laws, New York [etc.]: Mathew Bender, Cop. 1997, tr. 928.
[20]. Công ước về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng thiết bị di động ngày 16/11/2001 tại Cape Town đề cập đến vấn đề áp dụng các BPBĐ bằng thiết bị di động bao gồm “khung tàu bay, máy móc của tàu bay, máy bay trực thăng, các phương tiện, thiết bị chạy trên đường ray và các thiết bị không gian”.
[21]. Xem United Nation Commission on International Trade Law, Uncitral Legislative guide on secured Transaction - Terminology Recommendations - United Naitons, Uncitral Legislative guide, Vienna, 2009, điểm 103, tr. 40.
[22]. European Bank for Reconstruction and Development, Model Law on Secured Transactions 2004, Điều 17.6 (phần giải nghĩa).
[23]. Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, West Group, A Thomson Company, 2001, tr. 630.
[24]. Xem phần 9-103, phần 9-304 UCC.