Tóm tắt: Bài viết phân tích sự cần thiết ban hành, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), đồng thời, đề cập đến đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh của Luật Công chứng (sửa đổi).
Abstract: The article analyzes the need for promulgation, objectives and guiding viewpoints for the development of the Notarization Law (amended), at the same time, referring to the subject of application, the scope of regulation of the Notarization Law (amended).
Thực hiện nhiệm vụ được xác định tại Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (ban hành kèm theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tư pháp đã thực hiện các công việc cần thiết để xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
1. Sự cần thiết ban hành Luật Công chứng (sửa đổi)
1.1. Cơ sở chính trị, pháp lý
Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp (trong đó có hoạt động bổ trợ tư pháp, bao gồm lĩnh vực công chứng). Nhiều nghị quyết, văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước đã xác định rõ chủ trương, định hướng cũng như giải pháp, quy định về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng như: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW); Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW (Kết luận số 84-KL/TW); Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tác động trực tiếp đến việc chuyển đổi, giải thể các Phòng Công chứng; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc Ngành Tư pháp; Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Các văn bản nêu trên có nhiều quy định tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công chứng. Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công chứng bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan là cần thiết.
1.2. Cơ sở thực tiễn
Trước yêu cầu thực tiễn đổi mới hoạt động công chứng và để tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW, tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm thực hiện tốt các nghĩa vụ thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế, Luật Công chứng năm 2014 ra đời kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2006, đồng thời bổ sung một số quy định nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, hoàn thiện một bước thể chế công chứng theo định hướng xã hội hóa, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia các hợp đồng, giao dịch, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Luật Công chứng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Luật Công chứng), đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng nước ta ngày càng phát triển (số lượng công chứng viên tăng khoảng gần 2,7 lần, số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng hơn 02 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành). Chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân. Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành, Luật Công chứng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, cụ thể như: Hoạt động công chứng ở Việt Nam còn có điểm chưa phù hợp, chưa bảo đảm điều kiện cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra để thực hiện công chứng nội dung; chất lượng đội ngũ công chứng viên có mặt còn chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao; việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng còn chưa nhất quán; phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn có điểm chưa rõ ràng, quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan...
Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng, việc xác định những chính sách mới phù hợp, tiến bộ để tạo nền tảng sửa đổi toàn diện Luật Công chứng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa là rất cần thiết.
2. Mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi)
2.1. Mục tiêu
- Mục tiêu chung: Việc sửa đổi Luật Công chứng nhằm tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động và quản lý về công chứng; bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hoạt động công chứng nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, bảo đảm tính xác thực của giấy tờ, tài liệu trong tình hình mới, góp phần vào việc khẳng định vị trí, vai trò của hoạt động công chứng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Mục tiêu cụ thể: (i) Xác định đúng vai trò của hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; khẳng định rõ nét hơn mô hình công chứng nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn của nước ta; tiếp tục tiến thêm một bước trong quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực với sự chuẩn bị đầy đủ và lộ trình phù hợp; (ii) Xây dựng đội ngũ công chứng viên theo định hướng phát triển nghề công chứng bền vững; xác định đầy đủ, rõ nét các tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh công chứng viên để bảo đảm trình độ chuyên môn, đạo đức, kinh nghiệm, trách nhiệm nghề nghiệp, khẳng định và nâng cao vị trí, vai trò của công chứng viên trong xã hội; (iii) Phát triển các tổ chức hành nghề công chứng phù hợp về số lượng, năng lực và phân bổ để hỗ trợ tốt nhất cho công chứng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; (iv) Quy định chặt chẽ nhưng vẫn có tính linh hoạt đối với thủ tục công chứng để vừa bảo đảm nguyên tắc cơ bản của công chứng nội dung, vừa tạo điều kiện tối đa cho quá trình hành nghề của công chứng viên; tạo lập nền tảng pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp với với xu thế và yêu cầu của thời kỳ mới; (v) Có các giải pháp, công cụ quản lý phù hợp, hiệu quả nhằm bảo đảm phát triển hoạt động công chứng đúng định hướng, có sự kiểm soát và điều tiết hợp lý; phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu của quản lý nhà nước về công chứng và hành nghề công chứng.
2.2. Quan điểm chỉ đạo
Một là, tiếp tục thể chế hóa chính xác, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng theo bước đi và lộ trình phù hợp, chuyển đổi số, phát huy vai trò của công chứng trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 84-KL/TW.
Hai là, hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, nhất là giao dịch về bất động sản; phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cá nhân, tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh và thực tế hiện nay đang phát sinh ngày càng nhiều tranh chấp và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, bất động sản; hỗ trợ hoạt động xét xử; tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hành nghề công chứng, thành lập các Văn phòng Công chứng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, tăng cường trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng để công chứng thực sự trở thành công cụ “bảo vệ” giao dịch, tạo thuận tiện cho công dân, tổ chức tiếp cận và sử dụng dịch vụ công chứng trong điều kiện các giao dịch dân sự, thương mại ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong quản lý hoạt động công chứng từ góc độ nghề nghiệp, tham gia, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về công chứng.
Năm là, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, thông lệ quốc tế về công chứng, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động công chứng ở Việt Nam; tạo điều kiện để công chứng nước ta hội nhập quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh Công chứng quốc tế.
3. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh của Luật Công chứng (sửa đổi)
- Đối tượng áp dụng của Luật Công chứng (sửa đổi) là tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng.
- Phạm vi điều chỉnh: Về cơ bản, Luật Công chứng (sửa đổi) tiếp tục kế thừa, phát triển một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Bên cạnh đó, Luật Công chứng (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung các quy định: (i) Xác định rõ hơn khái niệm, nội hàm hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; (ii) Phát triển đội ngũ công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn (về số lượng và chất lượng) để vừa tiếp tục thực hiện xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại những vùng, địa bàn khó khăn, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu về số lượng và phân bổ hợp lý, nhất là tại những vùng, địa bàn khó khăn; (iii) Tăng cường quản lý nhà nước về công chứng nhằm bảo đảm phát triển hoạt động công chứng đúng định hướng và bản chất; (iv) Phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; (v) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.
Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp
Ảnh: internet