Tóm tắt: Lao động di cư là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu và hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn từ đại dịch Covid-19. Bài viết phân tích khái niệm và vai trò của lao động nữ di cư của Việt Nam ở một số quốc gia trên thế giới; thực trạng và giải pháp trước những tác động của đại dịch Covid-19.
Abstract: Migrant workers are an inevitable trend in the period of global economic integration and are currently facing many challenges and difficulties from the Covid-19 pandemic. The article analyzes the concept and role of Vietnamese female migrant workers in some countries around the world; the current situation and solutions to the impacts of the Covid-19 pandemic.
1. Khái niệm và vai trò của lao động nữ di cư
1.1. Định nghĩa về lao động nữ di cư
Theo định nghĩa của Liên Hợp quốc: “Di cư là một hình thức di chuyển trong không gian của con người từ một đơn vị lãnh thổ này tới một đơn vị lãnh thổ khác, hoặc sự di chuyển với khoảng cách tối thiểu quy định. Sự di chuyển này diễn ra trong khoảng thời gian di cư xác định và đặc trưng bởi sự thay đổi nơi cư trú thường xuyên”[1].
Bên cạnh đó, Công ước quốc tế về quyền của người lao động di cư và thành viên trong gia đình họ (International Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families - ICRMW) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua năm 1990 có đưa ra định nghĩa người lao động di cư là một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương từ một quốc gia mà người đó không phải là công dân[2]. Có thể thấy, khái niệm người lao động di cư trong Công ước quốc tế về quyền của người lao động di cư và thành viên trong gia đình họ (International Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families - ICRMW) không bao hàm người lao động đến làm việc ở nơi khác vẫn thuộc nước mà người đó là công dân.
Tương tự như quan điểm của Liên Hợp quốc, theo Tổ chức Lao động quốc tế (International Labour Organization - ILO), lao động di cư “là khái niệm chỉ một người di cư từ một nước này sang một nước khác để làm việc vì lợi ích của chính mình và bao gồm bất kỳ người nào đã được thường xuyên thừa nhận là lao động di cư”[3].
Từ những định nghĩa trên, có thể đưa ra định nghĩa về lao động nữ di cư là những người lao động nữ di chuyển từ nơi này đến nơi khác làm một công việc có hưởng lương từ một quốc gia mà người đó không phải là công dân; mục đích chủ yếu của việc di cư đó là làm việc, kiếm tiền, tăng thu nhập từ việc lao động; có nhiều hình thức lao động di cư khác nhau như: Thông qua hợp đồng lao động cá nhân, di cư tự do…
1.2. Đặc điểm lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài
Thứ nhất, đa số những người lao động nữ di cư đến từ các vùng kém phát triển hoặc đang phát triển của Việt Nam. Do điều kiện kinh tế của nơi xuất cư khó khăn, dân số đông dẫn tới thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng mức lương lại thấp không đủ đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, người lao động nữ Việt Nam muốn có cơ hội làm việc tại một đất nước khác với mức lương cao hơn và chế độ đãi ngộ tốt hơn để tăng thu nhập, trang trải cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp người lao động nữ di cư đến từ các thành phố lớn, phát triển của Việt Nam (ví dụ như, các chuyên gia hoặc nhân viên được người sử dụng lao động cử đi làm việc tại nước ngoài theo dự án).
Thứ hai, người lao động nữ di cư của Việt Nam có trình độ học vấn khác nhau từ trình độ thấp đến trình độ cao tùy thuộc vào hoàn cảnh, công việc. Tuy nhiên, chiếm phần lớn trong số đó là những người lao động trẻ, có trình độ học vấn và tay nghề thấp. Vì vậy, mặc dù là những người phụ nữ “chân yếu, tay mềm” nhưng họ thường phải làm những công việc tay chân nặng nhọc như giúp việc gia đình, phục vụ hay công nhân đứng máy tại các xưởng… Ngoài ra, do trình độ học vấn thấp, không am hiểu về pháp luật nước ngoài nên khó tránh được việc họ bị xâm phạm đến các quyền và lợi ích trực tiếp của mình.
Thứ ba, người lao động nữ di cư của Việt Nam là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Họ thường là những người mẹ, người vợ nhưng phải rời xa quê hương để đến một đất nước xa lạ, xa chồng, xa con vì “miếng cơm manh áo”, gánh vác trách nhiệm trụ cột gia đình. Bên cạnh đó, họ dễ gặp phải những bất đồng về văn hóa và dễ bị cưỡng bức, bóc lột. Đặc biệt, trong những tình thế bất khả kháng như đại dịch Covid-19, họ bị mắc kẹt vào tình thế đặc biệt khó khăn, vừa lo nhiễm bệnh, vừa lo kế sinh nhai, vì mất việc làm dẫn đến không có thu nhập hoặc thu nhập không ổn định.
1.3. Vai trò của người lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài
Có thể nói, lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế ở cả nước xuất cư và nước nhập cư, cụ thể như sau:
Một là, đối với nền kinh tế Việt Nam, lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài góp phần cung cấp nguồn lao động với trình độ chuyên môn cao sau khi về nước bởi đã được trau dồi, đào tạo và tích lũy kinh nghiệm làm việc từ nước họ tới di cư. Do đó, khi trở về, họ sẽ là nguồn lao động có trình độ chuyên môn cao hơn, tay nghề tốt hơn, kinh nghiệm dày dặn hơn, góp phần thúc đẩy hiệu suất công việc, năng suất sản phẩm, đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài giúp tăng ngân sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Hai là, đối với nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận lao động, lao động nữ di cư của Việt Nam đã cung cấp cho những nước có nền kinh tế phát triển thiếu hụt lao động phổ thông nguồn lao động giá rẻ, siêng năng, cần cù, nhất là một số ngành đặc thù tại quốc gia tiếp nhận[4], qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tại quốc gia này.
Ba là, lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào nước tiếp nhận lao động di cư. Cùng với việc đầu tư vốn và công nghệ cao vào hoạt động sản xuất tại các quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có nhu cầu sử dụng lao động với trình độ tương ứng. Bên cạnh nguồn lao động của quốc gia, nguồn lao động di cư (nguồn nhân lực trình độ cao hoặc lao động phổ thông từ nước ngoài) cũng sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc tuyển dụng lao động. Đây cũng chính là việc tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy kinh tế quốc gia tăng trưởng.
Bốn là, lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài tạo môi trường cạnh tranh giữa người lao động di cư với người lao động tại quốc gia tiếp nhận, qua đó, kích thích năng suất lao động.
2. Tác động của đại dịch Covid-19 đối với lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài và thực trạng chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài
2.1. Tác động của đại dịch Covid-19 đối với lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài
Đại dịch Covid-19 là đại dịch về bệnh truyền nhiễm, với tác nhân là vi-rút SARS-CoV-2, diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đã có tác động nặng nề đến nền kinh tế và thị trường lao động toàn cầu. Sự tàn phá của đại dịch không chỉ với các nền kinh tế dễ bị tổn thương mà còn khiến cho nhiều nền kinh tế lớn rơi vào tình trạng bế tắc: Tài chính suy giảm, nghèo đói và thất nghiệp gia tăng[5]… Lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực đó.
Có thể khẳng định rằng, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm những bất bình đẳng, các rào cản xã hội ở nước sở tại đối với lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài thêm trầm trọng. Cụ thể, lao động nữ di cư của Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều hình thức phân biệt đối xử và bạo lực như những bất bình đẳng về giới tính trong thị trường lao động và trong các chính sách di cư, cũng như phân biệt đối xử về kinh tế và xã hội dựa trên chủng tộc, dân tộc, quốc tịch, tuổi tác, tình trạng di cư.
Dưới khía cạnh ngành nghề, lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài làm việc trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, bao gồm dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống, sản xuất, bán buôn, bán lẻ, giúp việc gia đình, dịch vụ điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe y tế, dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp... Các thống kê chỉ ra rằng, 41% lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ cao bị mất việc làm hoặc giảm giờ làm, giảm thu nhập; trong khi đó, tỷ lệ này ở nam giới là thấp hơn (35%)[6]. Việc họ phải đối mặt với vấn đề thất nghiệp, giảm thu nhập đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân họ và những người liên quan. Ví dụ, do quy định giãn cách xã hội và đóng cửa hàng loạt các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu như làm đẹp spa, làm nails... liên quan trực tiếp đến lao động nữ di cư của Việt Nam tại một số quốc gia châu Á như: Nhật Bản[7], Trung Quốc[8], Hàn Quốc, Philippines[9]...; một số nước châu Âu như: Đức, Nga, Cộng hòa Séc… và Hoa Kỳ đóng cửa một số dịch vụ trên trong một thời gian khá dài.
Mặt khác, đối với những ngành nghề thiết yếu như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế thì trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, những người lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài lại phải đối mặt với nguy cơ quá tải công việc và khả năng nhiễm bệnh cao, ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe. Ví dụ, tại Đức, nhân viên nữ Việt Nam làm việc nhiều trong các bệnh viện hoặc trung tâm dưỡng lão dưới vai trò điều dưỡng, là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ vi-rút SARS-CoV-2.
Đặc biệt, những người phụ nữ giúp việc gia đình thường không được bảo vệ bởi các biện pháp theo quy định của luật lao động nước sở tại và có nguy cơ bị vi phạm hợp đồng lao động. Đối với lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài làm công việc giúp việc gia đình và sống tại gia đình người sử dụng lao động thì mất việc làm cũng dẫn đến mất nơi ở trong thời điểm hạn chế việc đi lại về nước do biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19, thách thức về tài chính và gây ra rủi ro về sức khỏe. Còn đối với một số phụ nữ giúp việc gia đình khác lại có khả năng phải làm việc nhiều giờ hơn, ít ngày nghỉ hơn do trường học và dịch vụ chăm sóc trẻ em bị đóng cửa nên họ phải nhận thêm trách nhiệm chăm sóc trẻ em tại nhà. Hơn nữa, họ thường xuyên bị hạn chế về khả năng đi lại, thiếu các bảo trợ xã hội, trợ cấp sức khỏe và ốm đau. Người giúp việc gia đình có thể không được phép ra ngoài trong thời gian rảnh rỗi, vì chủ của họ sợ họ mang vi-rút về nhà. Điều này có thể làm giảm khả năng tiếp cận của lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài với các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu và có thể làm tăng khả năng bị bạo lực, bóc lột trong công việc. Các vi phạm về quyền lao động của người giúp việc gia đình khó phát hiện hơn vì thanh tra lao động thường không kiểm tra nhà riêng[10].
Bên cạnh đó, lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài trong khu vực kinh tế phi chính thức thường không được tham gia các chương trình bảo hiểm xã hội, vốn là mạng lưới an toàn quan trọng, đặc biệt là, dưới tác động của đại dịch Covid-19 thì quyền tiếp cận với chăm sóc sức khỏe của những người lao động này lại gặp phải những khó khăn hơn các công dân ở quốc gia sở tại.
2.2. Chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài dưới tác động của đại dịch Covid-19
Có thể nói, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài nói chung, lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, là một trong những mục tiêu hàng đầu của pháp luật nước ta, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Sau nhiều năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã xác định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có lao động nữ di cư ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội của nước sở tại[11].
Bên cạnh đó, từ góc độ pháp luật lao động, ngoài các quyền cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp, lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài còn có một số quyền đặc thù được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thêm vào đó, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 là văn bản quy định cụ thể hơn về các quyền và nghĩa vụ đặc thù của lao động nữ di cư. Theo đó, người lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài có các quyền như: Quyền hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; quyền hưởng chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật… Ngoài ra, Luật này cũng đã lồng ghép những quy định nhằm giải quyết các vấn đề về giới, bất bình đẳng giới vào những nội dung, chính sách như sửa đổi, bổ sung các quy định về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ các hoạt động mang tính chất phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức cho lao động nữ di cư có cân nhắc đến các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ nông thôn và phụ nữ thuộc nhóm yếu thế khác.
Hơn nữa, Chính phủ nước ta cũng đã có những hoạt động tích cực nhằm bảo vệ lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia Chương trình “An toàn và Bình đẳng: Thực hiện quyền và cơ hội của nữ lao động di cư trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”. Chương trình này được thực hiện thông qua quan hệ đối tác giữa ILO và Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với mục tiêu ưu tiên là bảo đảm di cư lao động an toàn và công bằng cho tất cả phụ nữ trong khu vực ASEAN. Trên cơ sở đó, ngày 17/12/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo Hợp tác thúc đẩy di cư lao động an toàn và bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam nhằm giải quyết các thách thức mà lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài gặp phải trong toàn bộ tiến trình di cư lao động của mình, đặc biệt là những khó khăn xuất phát từ đại dịch Covid-19[12].
Như vậy, dưới những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có những cơ chế phù hợp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong chính sách và pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng này, cụ thể: Chưa có quy định thống nhất và hiệu quả về trung tâm hỗ trợ nguồn nhân lực ở địa phương; chưa có quy định về hỗ trợ tín dụng cho lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài, tư vấn kinh doanh hoặc đào tạo kinh doanh cho những người có đủ vốn và muốn mở doanh nghiệp; mức trợ cấp thất nghiệp cho lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài nói riêng và người lao động nói chung còn thấp. Do đó, chỉ khi Nhà nước có những sửa đổi, bổ sung vào hạn chế về chính sách và pháp luật nêu trên, quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ di cư của Việt Nam ở nước ngoài mới được bảo đảm tối đa.
3. Một số giải pháp hỗ trợ lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài đối phó với tác động của đại dịch Covid-19
Từ những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài như đã phân tích ở trên, có thể đưa ra một số giải pháp hỗ trợ lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài đối phó với tác động của đại dịch Covid-19 như sau:
Thứ nhất, ILO đã kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, quyết liệt trên diện rộng và đồng bộ trên các trụ cột: Bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; kích thích nền kinh tế, việc làm; hỗ trợ việc làm và thu nhập. Những phản ứng chính sách phải bảo đảm sự hỗ trợ đến được với những người lao động cần sự hỗ trợ nhất, đặc biệt là lao động nữ di cư. Do vậy, các biện pháp phòng ngừa và ứng phó Covid-19, các gói cứu trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội cũng phải bảo đảm khả năng tiếp cận và sự hòa nhập của lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài. Ví dụ, Chính phủ Đức đã có một số chính sách hỗ trợ cho người lao động nói chung và lao động nữ của Việt Nam làm việc tại Đức nói riêng trong đại dịch Covid-19 như sau: Theo các Đạo luật Lohnersatzleistung bei Kinderbetreuung zu Hause và Kinderzuschlag (KiZ) về trợ cấp trong đại dịch Covid-19, một số người lao động nữ đã có gia đình sẽ được nhận một khoản trợ cấp lên đến 690 Euro để trang trải chi phí thuê nhà, sưởi ấm. Bên cạnh đó, khi các công ty phải giảm giờ làm việc của nhân viên do đại dịch Covid-19, nhân viên có thể nhận được các khoản trợ cấp trong thời gian ngắn từ Bộ Lao động Việc làm Cộng hòa Liên bang Đức để hỗ trợ bảo đảm mức sống tối thiểu.
Thứ hai, dưới góc độ pháp lý, Việt Nam - mà đại diện là Đại Sứ quán tại các quốc gia mà lao động Việt Nam nói chung và lao động nữ nói riêng đã và đang làm việc, sinh sống - cần có những chính sách và hành động cụ thể để hỗ trợ đối tượng này giảm bớt những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Mặt khác, Việt Nam cũng xem xét hoàn thiện chính sách pháp luật Việt Nam về giải quyết việc làm cho người lao động di cư hồi hương trong trường hợp người lao động Việt Nam nói chung và lao động nữ nói riêng có nhu cầu hồi hương do không thể tiếp tục lao động tại nước ngoài vì mất việc làm.
Thứ ba, Việt Nam cần có quy định và phát triển các trung tâm hỗ trợ nguồn nhân lực một cách thống nhất và hiệu quả ở tất cả các địa phương. Mặc dù ở Việt Nam đã có các Trung tâm dịch vụ việc làm, nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả do chưa có tính thống nhất từ trung ương đến địa phương, cũng như chưa chú trọng trong việc giải quyết việc làm cho lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài. Vì vậy, cần bổ sung thêm các quy định về chức năng, nhiệm vụ và các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động hiệu quả của các trung tâm này. Đây phải là nơi lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài tìm đến để tìm hiểu về thị trường việc làm, được tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo kiến thức, kỹ năng liên quan tới nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài, tăng năng suất, hiệu quả lao động cũng như để họ dễ dàng thích nghi và đáp ứng các nhu cầu của nước sở tại.
Thứ tư, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài, tư vấn kinh doanh hoặc đào tạo kinh doanh cho những người có đủ vốn và muốn mở doanh nghiệp. Chính sách này sẽ phần nào hỗ trợ lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tạo nguồn sinh kế cho họ và gia đình cũng như bảo vệ toàn diện hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy, có thể bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ tín dụng cho lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài vào trong các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động cũng như Luật Các tổ chức tín dụng, các văn bản về chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội và các Quỹ tín dụng nhân dân.
Thứ năm, Việt Nam nên chú trọng hơn nữa việc đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm thất nghiệp và tăng mức trợ cấp thất nghiệp cho lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài nói riêng và người lao động nói chung. Do đa phần những người lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài là những người có trình độ học vấn thấp và di cư tới nơi khác để tìm kiếm cơ hội việc làm với mức lương cao hơn ở quê hương, nên khi trở về họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong hành trình tìm kiếm việc làm, hay nói cách khác là rơi vào tình trạng thất nghiệp. Lúc này, bảo hiểm thất nghiệp sẽ là vấn đề họ quan tâm hơn bao giờ hết, là chiếc phao cứu sinh cho không ít người lao động. Vì vậy, Việt Nam cần có quy định tăng mức trợ cấp thất nghiệp để san sẻ gánh nặng kinh tế cũng như tạo điều kiện hỗ trợ hơn nữa cho lao động nữ di cư của Việt Nam tại nước ngoài sớm ổn định cuộc sống của họ và gia đình trong giai đoạn khó khăn, đồng thời thể hiện tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
ThS. NCS. Đỗ Thị Ánh Hồng
Viện Luật So sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội
ThS. Hoàng Thị Tú Anh
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
[1]. Liên Hợp quốc (1958), Dẫn theo: Vũ Quốc Hương (2000), “Di dân tự do từ nông thôn đến đô thị Hà Nội và ảnh hưởng kinh tế - xã hội của nó”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Tổ chức Di cư Quốc tế - IOM (2011), Giải thích thuật ngữ về di cư, Tái bản lần thứ 2, https://publications.iom.int/system/files/pdf/glossary27_2ndedvietnamese.pdf, truy cập ngày 27/9/2022.
[2]. United Nations Human Rights Office of the High Commisioner, International Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families, https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/international-convention-protection-rights-all-migrant-workers, truy cập ngày 27/09/2022.
[3]. International Labour Organization, International Labour Standards on Migrant workers, https://www.ilo.org/global/standards/subjects-covered-by-international-labour-standards/migrant-workers/lang—en/index.htm, truy cập ngày 28/9/2022.
[4]. Ví dụ: Cộng hòa Liên bang Đức có nhu cầu cao về lao động trong ngành dịch vụ khách sạn, điều dưỡng, dịch vụ làm đẹp (nails, massage…).
[5]. Lê Thị Thanh Bình (2021), Tác động của đại dịch Covid-19 tới lao động, việc làm ở một số nhóm dễ bị tổn thương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/Tac-dong-cua-dai-dich-Covid-19-125, truy cập ngày 28/9/2022.
[6]. International Labour Organization (2021), Supporting migrant workers during the pandemic for a cohesive and responsive ASEAN Community, ISBN Print: 9789220350218, ISBN Web PDF: 9789220350225, p.16.
[7]. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản - MHLW (2022), Annual Health, Labour and Welfare Report 2021 (Báo cáo thường niên của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản năm 2021), mhlw.go.jp, https://www.mhlw.go.jp/english/wp/wp-hw14/dl/05e.pdf, truy cập ngày 26/9/2022.
[8]. Vodopivec, M., & Tong, M. (2008). China. Social Protection and Labour discussion paper. World Bank. https://pdfs.semanticscholar.org/c168/f80fdfff1bfbb852bbf6caff6d49f09459..., truy cập ngày 28/9/2022.
[9]. Bộ Lao động và Việc làm Philippines - DOLE. About LMI (Giới thiệu về Hệ thống Thông tin Thị trường lao động), dole.gov.ph, https://www.dole.gov.ph/about-lmi/, truy cập ngày 26/9/2022.
[10]. UN Women. (2020), “Addressing the Impacts of the COVID-19 Pandemic on Women Migrant Workers”, UN Women Guidance Note.
[11]. Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới, Hà Nội, ngày 27/11/2020.
[12]. Chí Tâm (2021), Hợp tác thúc đẩy di cư lao động an toàn và bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Lao động và Xã hội, http://m.laodongxahoi.net/hop-tac-thuc-day-di-cu-lao-dong-an-toan-va-binh-dang-cho-phu-nu-viet-nam-1322140.html, truy cập ngày 14/10/2022.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 379), tháng 4/2023)