1. Kinh nghiệm về thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Canada, Philippines và Nam Phi
Kinh nghiệm về thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên (NCTN) vi phạm pháp luật ở Canada, Philippines và Nam Phi được phân tích và đánh giá trên hai khía cạnh: Kinh nghiệm về xây dựng pháp luật và kinh nghiệm về xây dựng, triển khai các mô hình tái hòa nhập.
1.1. Về kinh nghiệm xây dựng pháp luật
Canada, Philippines và Nam Phi đều xây dựng một khung pháp lý về tư pháp NCTN riêng biệt. Cụ thể, các quốc gia này đều có những đạo luật riêng điều chỉnh đối tượng là NCTN vi phạm pháp luật, cũng như đề cập đến hoạt động tái hòa nhập cho NCTN ở những mức độ khác nhau trong các đạo luật của mình.
Tại Canada, Luật Tư pháp hình sự thanh thiếu niên năm 2003 (YCJA năm 2003) có hiệu lực từ ngày 01/4/2003, bao gồm nhiều điều khoản hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng. Với nền tảng là niềm tin NCTN có thể được phục hồi và tái hòa nhập thành công vào cộng đồng, YCJA năm 2003 quy định trọng tâm của mọi bản án giam giữ phải là tái hòa nhập và các biện pháp nhằm hỗ trợ NCTN không tái phạm[2]. YCJA năm 2003 có hai quy định cụ thể liên quan tới tái hòa nhập cộng đồng cho NCTN bị kết án giam giữ, bao gồm kế hoạch tái hòa nhập và ra ngoài tái hòa nhập. Cụ thể, kế hoạch tái hòa nhập bao gồm việc chuẩn bị và đưa ra các chương trình hiệu quả nhất cho thanh thiếu niên nhằm tối đa hóa cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Về biện pháp ra ngoài tái hòa nhập, từ Điều 91 đến Điều 105 YCJA năm 2003 cho phép NCTN thi hành án phạt được ra khỏi cơ sở giam giữ trong khoảng thời gian nhất định (dưới 30 ngày) vì mục đích tái hòa nhập cộng đồng. Trong thời gian này, NCTN có thể tham gia vào các chương trình giáo dục; về gia đình để phụ giúp các công việc trong nhà; tham gia các khóa trị liệu hoặc các chương trình khác để giải quyết những nhu cầu, vấn đề của NCTN.
Hiện nay, tư pháp NCTN ở Philippines được quy định bởi Đạo luật Cộng hòa số 9344 (R.A. 9344) hay Đạo luật Phúc lợi và Tư pháp người chưa thành niên năm 2006. Về tái hòa nhập đối với NCTN vi phạm pháp luật, R.A. 9344 dành Chương VI - “Phục hồi và tái hòa nhập” để ghi nhận tầm quan trọng của hoạt động này. Cụ thể, Điều 44 R.A. 9344 quy định: “Mục tiêu của việc phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em vi phạm pháp luật là cung cấp cho các em những biện pháp can thiệp, cách tiếp cận và chiến lược giúp các em cải thiện chức năng xã hội với mục tiêu cuối cùng là tái hòa nhập với gia đình và trở thành thành viên hữu ích của cộng đồng”. Đạo luật R.A. 9344 cũng đặt ra yêu cầu về việc thực hiện các chương trình dựa vào cộng đồng và các cơ sở phục hồi chức năng (điển hình như xây dựng hệ thống các Trung tâm Phục hồi Thanh niên tại các địa phương trên toàn quốc) để giúp trẻ vi phạm pháp luật có thể tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, các chương trình và cơ sở này phải được thực hiện bởi các chủ thể có chuyên môn phù hợp, phải cung cấp các hoạt động vì sự tái hòa nhập của trẻ em và phải bảo đảm cách ly với người đã thành niên vi phạm pháp luật. Sau khi trẻ rời khỏi cơ sở giam giữ, các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sẽ được Văn phòng Phát triển phúc lợi xã hội địa phương (LSWDO) hoặc do các tổ chức phi Chính phủ được cấp phép cung cấp trong thời gian ít nhất 06 tháng để ngăn ngừa tình trạng tái phạm tội[3].
Tại Nam Phi, kể từ ngày 01/4/2010, tất cả NCTN đều bị xét xử theo Đạo luật Tư pháp Trẻ em năm 2008[4] (CJA năm 2008). Mặc dù không đưa ra định nghĩa cụ thể về tái hòa nhập cộng đồng, nhưng trong phần Mở đầu CJA năm 2008 đã chỉ ra: “Đạo luật này hướng tới: Thừa nhận thực tế hiện nay của tội phạm trong nước và sự cần thiết phải chủ động phòng ngừa tội phạm bằng cách tăng cường chú trọng đến việc phục hồi và tái hòa nhập hiệu quả cho trẻ em nhằm giảm thiểu khả năng tái phạm”. Mục đích của tái hòa nhập cộng đồng trong CJA năm 2008 là thúc đẩy tinh thần Ubuntu[5] trong hệ thống tư pháp NCTN của Nam Phi, cụ thể tại Mục 2(b)(iv): “Mục tiêu của Đạo luật này là thúc đẩy tinh thần của Ubuntu trong hệ thống tư pháp trẻ em thông qua cha mẹ, gia đình, nạn nhân và các thành viên khác của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tội phạm sẽ tiến hành các thủ tục theo Đạo luật này để khuyến khích sự tái hòa nhập của trẻ em”. Mục 51(d) và Mục 69(1)(c) CJA năm 2008 xác định việc thúc đẩy sự tái hòa nhập của trẻ em với gia đình và cộng đồng là một mục tiêu xử lý chuyển hướng và cũng là mục tiêu của hoạt động tuyên án.
Điểm chung của các đạo luật trên là đều được xây dựng phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, cả ba đạo luật (YCJA năm 2003 của Canada, R.A. 9344 của Philippines, CJA năm 2008 của Nam Phi) đều phù hợp với các giá trị được xác định trong Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Đối với vấn đề tái hòa nhập cộng đồng cho NCTN vi phạm pháp luật, mặc dù không đưa ra khái niệm cụ thể của “tái hòa nhập cộng đồng” nhưng cả ba đạo luật đều đề cập đến tái hòa nhập như một mục tiêu của hệ thống tư pháp NCTN.
Về mức độ điều chỉnh của các đạo luật đối với hoạt động tái hòa nhập cộng đồng, Canada đã xác định chủ thể chuyên trách thực hiện và đặt ra quy định cụ thể về kế hoạch tái hòa nhập và biện pháp ra ngoài tái hòa nhập đối với NCTN bị kết án giam giữ. Pháp luật của Philippines đặt ra quy định và hướng dẫn triển khai các chương trình và cơ sở phục hồi chức năng nhằm hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật tái hòa nhập trên thực tế. Trong khi đó, Nam Phi không có quy định riêng về việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng cho NCTN nhưng đã có quy định về tái hòa nhập cộng đồng nói chung (bao gồm cả người đã thành niên và NCTN) tại Đạo luật Dịch vụ cải huấn số 111 năm 1998 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 (CSA).
1.2. Về kinh nghiệm xây dựng và triển khai mô hình
Mô hình tái hòa nhập tiêu biểu của các quốc gia bao gồm: Chương trình Trị liệu đa hệ thống (MST) tại Canada, Hiệp hội Giới trẻ châu Á nhân ái (ACAY) tại Philippines và Chương trình Tough Enough (TEP) tại Nam Phi.
Về mục tiêu, mô hình tái hòa nhập cộng đồng tại các quốc gia được nghiên cứu, đều hướng tới 02 mục đích chủ yếu: (i) Hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật tái hòa nhập với xã hội thành công; (ii) Ngăn ngừa họ tái phạm.
Cụ thể, MST là một biện pháp can thiệp chuyên sâu, ngắn hạn, có sự tham gia của cả gia đình, nhằm mục đích giảm hành vi tái phạm của NCTN vi phạm pháp luật và cải thiện chức năng gia đình, quan hệ bạn bè và kết quả học tập của thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi[6]. ACAY là tổ chức phi Chính phủ cung cấp các phương pháp phục hồi toàn diện với sứ mệnh mang lại cơ hội thứ hai cho thanh thiếu niên có nguy cơ, giúp khôi phục phẩm giá và giúp các em tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống của mình. TEP thuộc Chương trình Tái hòa nhập người phạm tội của Viện Phòng chống tội phạm và tái hòa nhập người phạm tội quốc gia (NICRO) với mục tiêu mang lại cho các tù nhân cơ hội có một cuộc sống thân thiện với xã hội sau khi họ được trả tự do.
Về cơ cấu nhân sự, đội ngũ nhân viên thực hiện mô hình đều có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản và có chứng chỉ hành nghề trong các lĩnh vực liên quan như công tác xã hội, giáo dục, y tế, tâm lý học… hoạt động chuyên trách, có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc với NCTN, đặc biệt là NCTN vi phạm pháp luật.
Tiêu biểu là đội ngũ nhân sự thực hiện chương trình MST gồm các nhà trị liệu có bằng thạc sĩ trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần (tư vấn, tâm lý học, công tác xã hội…). Các chương trình của ACAY được thực hiện bởi một đội ngũ đa ngành (công tác xã hội, y tế, luật pháp…) được đào tạo chuyên nghiệp và có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực chuyên môn[7]. Tại Nam Phi, mỗi chương trình TEP cần có một nhân viên của NICRO và ít nhất một nhân viên xã hội hỗ trợ. Nhân viên của TEP cần là người tận tâm với hoạt động phát triển thanh thiếu niên và có thể tương tác với NCTN vi phạm pháp luật, thông thạo ngôn ngữ địa phương và có mối quan hệ tốt với người tham gia. Ngoài ra, nhân viên cũng cần có trình độ chuyên môn, tốt nhất là về công tác xã hội để làm việc với những người tham gia TEP.
Về kinh phí hoạt động, nguồn thu chủ yếu của các mô hình trên đến từ nguồn tài trợ của Chính phủ hoặc các cơ quan nhà nước tại trung ương và địa phương. Tuy nhiên, các mô hình ở Philippines thì chủ yếu được duy trì nhờ nguồn kinh phí đến từ các quỹ tài chính và do các tổ chức, cá nhân tài trợ. Ngoài ra, các mô hình tái hòa nhập có một nguồn thu quan trọng đến từ các tổ chức từ thiện và doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.
Nguồn kinh phí hoạt động của các chương trình MST bền vững thường dựa vào sự kết hợp của các nguồn tài trợ. Chính quyền nhiều tiểu bang, thành phố và quận tại Canada sẵn sàng cung cấp các khoản trợ cấp cho MST. Các nguồn tài chính khác bao gồm tài trợ từ các quỹ và tổ chức tư nhân, các dự án đầu tư như trái phiếu tác động xã hội và tiền thuế[8]. Một số tổ chức được thành lập để phục vụ thanh thiếu niên có nguy cơ cao và cải cách hệ thống tư pháp dành cho NCTN có thể cung cấp các nguồn lực cho chương trình MST. Việc bảo đảm sự hỗ trợ của cộng đồng là cần thiết. Các luồng doanh thu bổ sung có thể đến từ việc trưng cầu dân ý của người đóng thuế, các khoản thuế và phí mới hoặc các luồng doanh thu chuyên dụng như kiểm tra biểu mẫu thuế.
Về phương pháp thực hiện, mô hình tại mỗi quốc gia áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng, nhưng nhìn chung, một số phương pháp cơ bản được áp dụng rộng rãi trong hầu hết các mô hình, có thể kể đến như: Cung cấp các dịch vụ xã hội, giáo dục, đào tạo nghề, tư vấn tâm lý...
Về sự tham gia của cộng đồng, các mô hình tại Philippines đều đề cao sự hỗ trợ của cộng đồng (đặc biệt là gia đình) trong quá trình tái hòa nhập của NCTN vi phạm pháp luật. Trong khi đó, các mô hình của Nam Phi và Canada lại hầu như không có sự tham gia của cộng đồng mà chủ yếu dựa vào hoạt động của các nhân viên chuyên trách trong tổ chức, chương trình.
Điển hình như Chương trình Gia đình - một chương trình được ACAY phát triển kể từ năm 2005, với sự tham gia của phụ huynh những ứng viên được hưởng lợi từ Chương trình Cơ hội Thứ hai. Chương trình giúp thúc đẩy sự tham gia của phụ huynh hoặc người giám hộ vào quá trình tái hòa nhập của con em họ, cung cấp các mô-đun đào tạo, các buổi đối thoại, hội thảo gia đình và kết nối với các tổ chức phi Chính phủ và cơ quan Chính phủ khác.
2. Thực tiễn về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam
Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam luôn cam kết bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em và đặc biệt là nỗ lực không ngừng trong xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện các mô hình về tái hòa nhập cộng đồng đối với NCTN vi phạm pháp luật.
Về pháp luật, Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng đối với NCTN vi phạm pháp luật. Pháp luật chưa đặt ra định nghĩa về “tái hòa nhập cộng đồng” nhưng đã ghi nhận việc hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng là một yêu cầu quan trọng về bảo vệ trẻ em (khoản 6 Điều 47 Luật Trẻ em năm 2016). Để tạo điều kiện cho NCTN vi phạm pháp luật nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, pháp luật cũng quy định những nguyên tắc định hướng, xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan và đặt ra các yêu cầu, các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật trong quá trình tái hòa nhập.
Tuy nhiên, việc chưa có một đạo luật về tư pháp đối với NCTN vẫn chưa thực sự bảo đảm một tầm nhìn tổng thể, nhất quán và đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật. Ngoài ra, việc triển khai thi hành các quy định của pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng được tiến hành theo ngành dọc mà thiếu sự điều phối chung, do đó, dễ gây ra phân tán, thiếu sự phối hợp và làm giảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý, giáo dục và phục hồi cho NCTN vi phạm pháp luật[9].
Về xây dựng và thực hiện mô hình, nhiều địa phương ở Việt Nam hiện nay đã và đang phát triển nhiều mô hình tái hòa nhập dành cho NCTN vi phạm pháp luật mang lại nhiều kết quả tích cực, tiêu biểu như: Dự án “Ngăn ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” tại tỉnh Đồng Nai; Dự án “Hỗ trợ tâm lý cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật” tại thành phố Hải Phòng.
Nhìn chung, các mô hình tái hòa nhập cộng đồng tại Việt Nam đều hướng tới mục tiêu ổn định cuộc sống cho NCTN vi phạm pháp luật và đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn. Các mô hình cũng áp dụng đa dạng phương pháp để hỗ trợ NCTN tái hòa nhập hiệu quả và hạn chế tái phạm. Tuy nhiên, việc thực hiện các mô hình tái hòa nhập tại Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế như thiếu sự tham gia của các nhân viên công tác xã hội, nhân viên có chuyên môn phù hợp, được đào tạo bài bản, có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc với NCTN vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn kinh phí hoạt động ổn định, lâu dài cũng gây nhiều khó khăn cho việc duy trì và mở rộng mô hình.
3. Đề xuất tăng cường hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam
Thứ nhất, cần đẩy nhanh quá trình xây dựng và thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Việc có một đạo luật toàn diện về tư pháp NCTN là vô cùng cần thiết, vì NCTN chưa phát triển hoàn thiện về thể chất, tình cảm, nhận thức, tư duy, là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội và để hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật tái hòa nhập thành công đòi hỏi phải có cách tiếp cận chuyên biệt. Việc nhanh chóng thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ bảo đảm sự tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục NCTN vi phạm pháp luật, cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động tái hòa nhập đối với nhóm đối tượng này.
Để nâng cao hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng, Luật Tư pháp người chưa thành niên cần có quy định về bộ máy thực hiện với nguồn lực xác định: Thành lập các đơn vị chuyên môn hoặc chuyên trách, thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành và bảo đảm tất cả cơ quan, tổ chức trong bộ máy được định hướng bởi hệ thống các nguyên tắc. Việc thực hiện các mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho NCTN vi phạm pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể, bao gồm: Quy định về mục tiêu của mô hình; chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể thực hiện; nguồn kinh phí hoạt động và các phương pháp thực hiện tái hòa nhập. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật tái hòa nhập thành công.
Thứ hai, nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng. Để thực hiện hoạt động và vận hành mô hình tái hòa nhập cộng đồng đối với NCTN vi phạm pháp luật, cần có một đội ngũ nhân sự chuyên trách bao gồm các cán bộ, nhân viên công tác xã hội và các tình nguyện viên hỗ trợ.
Các cán bộ, nhân viên công tác xã hội phải có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản và chuyên sâu về các lĩnh vực phù hợp như tâm lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý… hoạt động chuyên trách, có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc với NCTN, đặc biệt là NCTN vi phạm pháp luật. Việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự cần tiến hành thường xuyên và theo các chuyên đề như: Pháp luật về tư pháp NCTN, trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc với NCTN, hỗ trợ tâm lý xã hội cho NCTN nhằm bảo đảm NCTN được đối xử công bằng, bình đẳng, tôn trọng, phù hợp với độ tuổi và mức độ trưởng thành của các em.
Thứ ba, cần phát triển các mô hình cung cấp phương pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho NCTN vi phạm pháp luật, nhất là tại các địa phương có tỷ lệ NCTN vi phạm pháp luật cao. Các phương pháp này có thể bao gồm: (i) Tạo điều kiện để NCTN được tiếp tục tiếp cận với hệ thống giáo dục và tổ chức các lớp học về kỹ năng sống; (ii) Tổ chức các buổi trị liệu hoặc tư vấn tâm lý nhằm đánh giá nhu cầu tâm lý, cảm xúc của NCTN; (iii) Tư vấn học nghề, tìm việc làm cho NCTN vi phạm pháp luật và phối hợp với các cơ sở dạy nghề hỗ trợ dạy nghề cho các em; (iv) Tổ chức các hoạt động tập thể với sự tham gia của NCTN như diễn đàn giao lưu, hội trại; (v) Tuyên truyền, giáo dục cảm hóa NCTN vi phạm pháp luật với các chuyên đề pháp luật, lý tưởng sống, vận động giải thích cho các em hiểu biết hơn về chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Bên cạnh đó, cần có các phương pháp như tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hỗ trợ NCTN tái hòa nhập trở về địa phương. Hoạt động này hướng tới thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về NCTN vi phạm pháp luật: Không coi các em là những trẻ em hư, cần phải trừng trị nghiêm khắc, mà là đối tượng cần được quan tâm, giúp đỡ đặc biệt. Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm của gia đình NCTN thông qua việc tổ chức các lớp học, đào tạo về kỹ năng quản lý, chăm sóc, giáo dục và nuôi dạy con một cách hiệu quả.
Thứ tư, bảo đảm có nguồn kinh phí ổn định, đáp ứng nhu cầu xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình tái hòa nhập cộng đồng đối với NCTN vi phạm pháp luật. Hằng năm, các địa phương cần tiến hành lập kế hoạch xây dựng mô hình và đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kinh phí để triển khai thực hiện. Bên cạnh việc bố trí ngân sách hợp lý, địa phương cũng cần phối hợp với các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp trong nước và ngoài nước để triển khai, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình./.
TS. Đào Lệ Thu
Viện Luật So sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội
Nhóm sinh viên
Lê Bảo Ngọc và Nguyễn Duy Hà Ngân - sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học: “Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhìn từ kinh nghiệm của một số quốc gia và giải pháp cho Việt Nam”.
[2]. Department of Justice Canada (2013), The Youth Criminal Justice Act: Summary and Background.
[3]. Section 56 of R. A. 9344.
[4]. Republic Of South Africa (2009), Child Justice Act of 2008 (Act 75 of 2008).
[5]. Ubuntu là một triết lý Nam Phi, nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng, lòng nhân ái và sự tôn trọng lẫn nhau. Chia sẻ, nhân ái và quan tâm là những đặc điểm nổi bật của Ubuntu.
[6]. Henggeler, S.W., Schoenwald, S.K., Borduin, C.M., Rowland, M.D., & Cunningham, P.B. (2009), Multisystemic Therapy for Antisocial Behavior in Children and Adolescents (2nd ed), New York, NY: The Guilford Press.
[7]. ACAY Missions Philippines, Meet our team, at: https://acaymission.com/en/meet-our-team/.
[8]. MST Services, How to Fund MST Programs, https://info.mstservices.com/white-paper/funding-juvenile-programs.
[9]. Bộ Tư Pháp và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) (2019), Báo cáo nghiên cứu pháp luật về phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng đối với NCTN vi phạm pháp luật và tình hình NCTN vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)