Tóm tắt: Bài viết về những nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước và đưa ra những giải pháp để giảm việc bội chi ngân sách nhà nước góp phần tăng hiệu quả quản lý của Chính phủ trong điều kiện mới.
Abstract: The paper is concerned with causes leading to state budget deficit and recommends solutions for reducing state budget deficit in order to contribute to improving state management efficiency of the Government under new situation.
1. Những căn nguyên dẫn tới bội chi ngân sách nhà nước
Tình hình bội chi ngân sách ở các nước trên thế giới đang trở thành hiện tượng phổ biến, là một vấn đề nan giải chưa tìm ra lối thoát. Đối với Việt Nam, theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.300 tỷ đồng, tổng chi ngân sách nhà nước là 1.633.300 tỷ đồng. Như vậy, dự toán mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương 209.500 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương 12.500 tỷ đồng[1]. Những con số trên thể hiện được việc bội chi là một vấn đề nan giải của nước ta. Đối với quốc gia, chi ngân sách nhà nước luôn là một áp lực rất lớn cho các nhà lãnh đạo, vì Nhà nước sẽ phải chi để phục vụ đời sống nhân dân, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng… Do đó, việc giải quyết vấn đề bội chi luôn là một thách thức lớn, là mục tiêu hướng tới của các nhà lãnh đạo. Chính phủ luôn phấn đấu giảm tỉ lệ thâm hụt ngân sách bằng cách giảm các chi tiêu công của quốc gia. Tuy nhiên, để làm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước thì đó không chỉ riêng là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, mà đó còn là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội. Mỗi chủ thể phải có ý thức tiết kiệm, đầu tư hiệu quả, cống hiến hết mình cho đất nước phát triển, khi đó mới có thể kiểm soát được tình trạng bội chi ngân sách nhà nước. Bội chi ngân sách nhà nước có thể kể đến những nguyên nhân như:
1.1. Chi cho dự án đầu tư phát triển nhưng thua lỗ, bỏ hoang dự án
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, để có tiền cho các dự án đầu tư phát triển, Nhà nước phải đi vay nhưng khi nhận được nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho thì rất nhiều doanh nghiệp triển khai dự án chỉ xây nửa vời rồi bỏ không. Việc đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, lãng phí đã trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Điển hình trong năm 2017 có tới 12 dự án đầu tư thua lỗ, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, có thể kể đến như: Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng[2]... Từ đó cho thấy, chi đầu tư phát triển như “con dao hai lưỡi”, Nhà nước cần thiết phải chi để đầu tư, phát triển đất nước, nhưng nếu chi không đúng thì dự án thua lỗ, để lại những tổn thất nặng nề, ảnh hưởng tới nhiệm vụ khác và cuộc sống của người dân.
1.2. Sự cồng kềnh của bộ máy nhà nước
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ công chức, viên chức nhà nước cao nhất Đông Nam Á, với tỷ lệ 4,8% trên tổng số dân cư (tương đương mức 20 người dân sẽ có 01 công chức - viên chức hưởng lương)[3]. Công chức nhiều dẫn tới mức chi trả ngân sách nhà nước quá lớn. Theo Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2017, quỹ lương chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách[4]. Bộ máy nhà nước cồng kềnh, số lượng cán bộ, công chức quá đông so với yêu cầu công việc, năng suất công việc không cao, Nhà nước phải chi quá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước.
1.3. Chi lãng phí cho các công trình tiện ích
Công trình tiện ích là một trong những phương diện thể hiện bộ mặt quốc gia. Nó như là một biểu hiện của văn minh, tiến bộ khoa học kỹ thuật, biểu hiện sự hiện đại của đất nước. Chính vì thế mà mục đích xây dựng các công trình tiện ích quốc gia cũng được các quốc gia quan tâm. Ở nước ta, một ví dụ tại tỉnh Thanh Hóa, khi Thanh Hóa đang là một tỉnh có số hộ nghèo nhiều nhất cả nước, chưa tự chủ được ngân sách mà phải nhận “viện trợ” từ ngân sách trung ương thì lại muốn xây công viên văn hóa hàng ngàn tỷ[5] cũng gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh việc gây tốn kém, những công trình đắt tiền còn có thể bị bỏ hoang như: Dự án cầu Bến Kẹm bắc qua sông Mã (Thanh Hóa) có tổng vốn đầu tư hơn 75 tỷ đồng, được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2009, thời gian thi công dự kiến kéo dài 02 năm, bắt đầu từ tháng 03/2013 nhưng sau khi khởi công được ít tháng và đã chi hết 30 tỷ thì bỏ hoang[6]… Tất cả điều này đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
1.4. Nguồn thu ngân sách nhà nước giảm do thất thu thuế
Thuế là nguồn thu chính cho ngân sách nhà nước, nên việc thu thuế được coi là một hoạt động quan trọng giúp ổn định nguồn ngân sách nhà nước. Nguồn thuế từ người dân và doanh nghiệp là một trong những đảm bảo cho nội lực của ngân sách. Tuy nhiên, không phải công dân nào cũng hiểu rõ được nghĩa vụ và trách nhiệm của việc đóng thuế mà đôi khi có nhận thức phiến diện rằng đóng thuế cho Nhà nước là mất đi một khoản nhất định trong thu nhập của mình. Vì vậy, họ thường có tư tưởng tìm cách tránh né việc đóng thuế, từ đó đã phát sinh rất nhiều thủ đoạn tinh vi, đa dạng để trốn thuế dẫn tới ngân sách nhà nước bị thất thu.
1.5. Chi lãng phí cho nhu cầu ăn, mặc, ở của cá nhân
Đối với một cá nhân, nhu cầu ăn, mặc, ở là những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Về nguyên tắc, đó là quyền hiển nhiên của con người không ai được cấm cản. Tuy nhiên, nhu cầu ăn, mặc ngày càng trở thành phương tiện tạo nên sự phân biệt các tầng lớp trong xã hội. Có thể nói, hưởng thụ luôn là sự thúc đẩy mạnh mẽ trong tâm trí con người khi họ trở nên sung túc hơn. Tâm lý “sính ngoại” của người Việt trong tiêu dùng hiện nay trở thành lực cản đối với sự phát triển các doanh nghiệp trong nước, sản xuất hàng hóa nhưng không bán được, dẫn tới làm ăn thua lỗ, tổng sản phẩm quốc nội cũng theo đó mà tuột dốc, ảnh hưởng chung đến nền kinh tế quốc gia.
2. Giải pháp giảm bội chi ngân sách nhà nước trong bối cảnh xây dựng Chính phủ liêm chính
2.1. Bàn về Chính phủ liêm chính
Thuật ngữ này là một thông điệp từ Chính phủ được nhắc nhiều trên các diễn đàn kinh tế, chính trị trong vài năm vừa qua. Chính phủ liêm chính thường đi liền với Chính phủ kiến tạo với một nghĩa thô sơ nhất, đó là nói đi đôi với làm, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Về bản chất, Nhà nước liêm chính là một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Xây dựng Chính phủ liêm chính cũng đồng nghĩa với việc xây dựng một Chính phủ hiệu quả, một Chính phủ làm gương cho xã hội, nói đi đôi với làm. Những biện pháp để xây dựng Chính phủ liêm chính là những hệ giải pháp đồng bộ, trong đó, trước tiên là gỡ các nút rối về thể chế; giải quyết triệt để ngay những vụ việc có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm hại đến quyền lợi của người dân; sau đó là giải pháp để giải phóng nguồn lực tăng trưởng; tiếp đó là tránh xa hoa, chống lãng phí.
Một Chính phủ liêm chính phải là một chỉnh thể thống nhất từ phương châm đến hành động, có mối tương tác, quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa các thành viên với nhau và với toàn hệ thống để có một cơ chế vận hành đồng nhất, hiệu quả. Không chỉ có vậy, những cam kết mạnh mẽ cần phải đi liền với những quyết sách cụ thể, hữu hiệu để thực hiện lời hứa, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân. Trong thời kỳ xã hội cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, nền hành chính công có ba chữ “e” kinh điển là kinh tế (economy), hiệu quả (efficiency) và hiệu lực (effectiveness). Kinh tế là mua sắm được loại hàng hóa, dịch vụ có chất lượng với mức giá thấp nhất và kịp thời. Hiệu quả có nghĩa là sản xuất với chi phí đơn vị thấp nhất có thể được (để đạt chất lượng nhất định) và hiệu lực là mức độ đạt được mục đích cuối cùng mà hoạt động này hướng đến[7]. Trong quản trị nhà nước, tính hiệu quả được hiểu là “tạo ra các kết quả đáp ứng các yêu cầu của xã hội trong khi sử dụng tối ưu nguồn lực của mình”[8]. Tính liêm chính là một điều kiện cơ bản để Chính phủ đưa ra một khuôn khổ hiệu quả và có thể dự đoán trước đời sống kinh tế và xã hội của công dân của mình. Tính liêm chính cần được đảm bảo rằng hành vi của công chức phải phù hợp với mục đích của tổ chức liên quan, hoạt động công vụ phải đáng tin cậy, nguồn lực công phải sử dụng một cách đúng đắn, đảm bảo cho công dân có quyền giám sát và tiến hành nghiêm việc khắc phục, bồi thường khi có vi phạm xảy ra. Một trong các biện pháp để có “liêm chính” được nhấn mạnh là tăng cường đạo đức, duy trì đạo đức trong hoạt động tài chính.
2.2. Giải pháp xây dựng Chính phủ liêm chính dưới góc độ đạo đức tài chính
2.2.1. Xác lập nền tảng đạo đức tài chính đối với người lãnh đạo
Trách nhiệm của người lãnh đạo đối với việc thu - chi trong ngân sách là rất lớn. Người lãnh đạo chính là các chủ thể có thẩm quyền quyết định về chi tiêu ngân sách quốc gia. Trong quản trị ngân sách, hiệu quả của việc huy động, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính công rất được chú trọng. Nếu không tính toán và kiểm soát tốt, ngân sách nhà nước và nguồn tài chính công rất có nguy cơ bị lạm dụng dẫn đến tình trạng lãng phí, tham nhũng. Người lãnh đạo phải sắp xếp hợp lý, cân nhắc kỹ lưỡng khi phê duyệt các dự án cũng như khi hoạch định chiến lược, phải đảm bảo tính dự báo, khả năng phát triển lâu dài, cần tính toán cẩn trọng về chuyên môn, để đánh giá tính hiệu quả đầu tư của các dự án. Bên cạnh đó, cần xác lập cơ chế giám sát đầu tư chặt chẽ như công khai thông tin dự án; phát huy vai trò giám sát của nhân dân; đa dạng hóa các cơ chế giám sát (giám sát công khai, giám sát kín) để tránh tình trạng hối lộ, mua chuộc cán bộ giám sát.
2.2.2. Xác lập nền tảng đạo đức tài chính đối với cán bộ, công chức
Một trong những quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương là được Nhà nước đảm bảo tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Xét dưới góc độ đạo đức, bên cạnh việc được hưởng thành quả lao động của mình với số tiền kiếm được, người cán bộ, công chức mực thước, nghĩ đến lợi ích chung của xã hội, làm việc nhiệt tình sẽ được mọi người kính trọng, nể phục hơn là chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Xét dưới góc độ tài chính, người lao động đều mong khoản tiền lương nhận được phải tương xứng với công sức đã bỏ ra. Vì thế, để đòi hỏi một người nỗ lực, tích cực lao động thì Nhà nước phải tạo ra được một nguồn động lực lớn, tức là mức thu nhập tốt, đảm bảo cho công chức, viên chức có mức sống ổn định để họ không phải chịu áp lực về tài chính, toàn tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, không có tư tưởng vụ lợi cá nhân, tham nhũng. Bên cạnh giải pháp cắt giảm biên chế, thì cần xã hội hóa dịch vụ công và cải thiện từng bước mức chi trả lương cho cán bộ, công chức để động viên sự cống hiến hết mình từ phía cán bộ, công chức, viên chức. Một đất nước mà mọi cán bộ, công chức đều yêu thích lao động, năng nổ, chịu khó trong công việc, có tinh thần phụng sự, cống hiến hết mình thì nền kinh tế quốc gia có khả năng phát triển mạnh, trước hết chính là việc tăng khả năng thu hút đầu tư, kích thích sự tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định thị trường giá cả, chống lạm phát, giúp ngân sách nhà nước đủ khả năng chi trả các hoạt động sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội...
2.2.3. Xây dựng đạo đức tài chính cho doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp, hai mục tiêu hoạt động sau đây rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, của đất nước nói chung: (i) Thứ nhất, sự phát triển của doanh nghiệp góp phần tạo nên sự thúc đẩy phát triển xã hội. Vì thế, doanh nghiệp phải đầu tư có hiệu quả vì sự phát triển của đất nước chứ không chỉ riêng vì lợi nhuận của cá nhân, doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh, tất cả các công ty thành công, bền vững trên thế giới đều xuất phát từ việc đi tìm “nhu cầu thực sự” của xã hội chứ không chỉ xuất phát vì lợi nhuận công ty. (ii) Thứ hai, doanh nghiệp là ngôi nhà chung của người lao động. Việc phát triển và duy trì doanh nghiệp ổn định, phát triển sẽ đảm bảo đời sống cho những nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp của mình. Nếu như không có những người công nhân lành nghề, thạo việc đó thì doanh nghiệp không phát triển được, vì vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp là chăm lo cho đời sống của những người công nhân làm việc cho doanh nghiệp mình được đảm bảo, ổn định. Làm được như vậy, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững, đất nước giàu mạnh, đời sống người lao động ấm no hơn.
2.2.4. Định hướng và tạo lập nhận thức về đạo đức tài chính đối với công dân
Việc giảm bội chi ngân sách quốc gia không chỉ là vai trò của riêng người lãnh đạo mà nó còn phải là ý thức của người dân. Đối với mỗi cá nhân, gia đình cũng cần tiết kiệm chi tiêu để giảm chi cho xã hội. Tiết kiệm được hiểu là sự chi tiêu vừa phải, không vượt quá nhu cầu cá nhân của mình dẫn đến sự lãng phí. Người dân cần phải được tuyên truyền, đánh thức về giá trị để không chạy theo những giá trị ảo, không đầu tư vào những thị trường có nguy cơ rủi ro cao. Cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, định hướng cho việc củng cố đạo đức người dân trong sinh hoạt hàng ngày, giữ gìn và tiết kiệm tài sản chung, hạn chế những chi phí của Nhà nước cho những dịch vụ xã hội (vệ sinh môi trường, an ninh trật tự…) bằng cách hạn chế những hành vi ý thức hay vô thức (xả rác, chặt cây, gây rối, dùng rượu bia và chất kích thích...). Bên cạnh đó, mỗi cá nhân phải ý thức luôn góp phần chung tay cùng Nhà nước phát triển và bảo vệ Tổ quốc này thông qua việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế và các nghĩa vụ công ích khác. Đất nước có phát triển tốt thì đời sống nhân dân mới được no đủ, yên bình.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 09/11/2018 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
[2]. http://baodautu.vn/hien-trang-12-du-an-thua-lo-nganh-cong-thuong-d69997.html.
[3]. https://vnexpress.net/goc-nhin/viet-nam-dong-cong-chuc-vien-chuc-nhat-dong-nam-a-3669338.html.
[4]. http://laodongthudo.vn/quy-luong-chiem-khoang-20-tong-chi-ngan-sach-61413.html.
[5]. https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thanh-hoa-xay-cong-vien-hon-2000-ty-phai-tao-bao-3329759/.
[6]. https://vnexpress.net/thoi-su/cau-75-ty-xay-giua-chung-bo-hoang-o-thanh-hoa-3579314.html.
[7]. S.Chiavo- Campowa và P.S.A. Sandaram, Hành chính công trong thế kỷ 21, Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 35.
[8]. PGS.TS. Đặng Minh Tuấn, Quản trị nhà nước theo nguyên tắc hiệu quả, đáp ứng kịp thời và định hướng đồng thuận, Quản trị tốt - Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 223.