1. Thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp
Quy trình xây dựng pháp luật tại Bộ Tư pháp được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cho đến nay, các quy trình này về cơ bản bao gồm 02 bước: (i) Lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (quy trình xây dựng, phân tích chính sách); (ii) Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (quy phạm hóa chính sách). Trong đó, từng công đoạn cụ thể bao gồm: Xây dựng nội dung chính sách; tổ chức đánh giá tác động chính sách; lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản; tổ chức lấy ý kiến/tham vấn về đề nghị xây dựng văn bản; tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng văn bản; hoàn thiện hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền thông qua đề nghị xây dựng văn bản; tổ chức soạn thảo dự án, dự thảo văn bản; lập hồ sơ dự án, dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến tham vấn về dự án, dự thảo; tổ chức thẩm định dự án, dự thảo; trình thông qua dự án, dự thảo văn bản cấp Chính phủ. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các bước này mới chỉ ở mức cơ bản, đó là số hóa thông tin trên từng máy tính riêng lẻ của người thực hiện thông qua các phần mềm soạn thảo đơn giản như word, powerpoint. Ngoại trừ công đoạn tổ chức lấy ý kiến tham vấn về dự án, dự thảo hiện nay đã được số hóa ở mức độ cao hơn thông qua việc đăng tải dự án, dự thảo lên chuyên trang lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc Cổng thông tin Bộ Tư pháp[1].
Hiện nay, các quy trình liên quan đến quản lý nhà nước về thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp đang được thực hiện bởi nhiều đơn vị thuộc Bộ, bao gồm: Theo dõi, đôn đốn, kiểm tra việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính; theo dõi thi hành pháp luật. Trong đó, một số quy trình đã có phần mềm chuyên biệt để xử lý, bao gồm: Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (thông qua phần mềm hỗ trợ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản); quy trình pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật (thông qua phần mềm hỗ trợ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật); quy trình phổ biến, giáo dục pháp luật (thông qua Cổng thông tin điện tử về phổ biến, giáo dục pháp luật). Bên cạnh đó, một số quy trình mới chỉ ứng dụng công nghệ thông tin ở mức cơ bản nhất thông qua số hóa thông tin trên từng máy tính riêng lẻ của người thực hiện thông qua các phần mềm soạn thảo đơn giản như word, powerpoint, đó là: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết; quản lý xử lý vi phạm hành chính; theo dõi thi hành pháp luật[2].
Mặc dù, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuyển đổi số hoạt động của Bộ, Ngành nói chung thông qua xây dựng một số chuyên trang, phần mềm để thực hiện một số công đoạn trong hoạt động xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các công đoạn trong quy trình xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật mới chỉ ở mức độ ứng dụng công nghệ thông tin cho từng máy tính riêng lẻ, thông qua sử dụng các phần mềm soạn thảo, quản lý văn bản thông dụng, kết hợp sử dụng mạng internet để kết nối, trao đổi thông tin. Bên cạnh đó, các phần mềm hiện hành thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản cũng như công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật cũng chưa kết nối, liên thông hiệu quả đối với cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật do Cục Công nghệ thông tin xây dựng, quản lý.
2. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp
Thứ nhất, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp chưa có định hướng cụ thể với tầm nhìn dài hạn. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số thời gian qua thường chú trọng vào tăng cường mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân hoặc nâng cao khả năng xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng của công chức, viên chức thông qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tư pháp, phần mềm này được kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia[3].
Thứ hai, các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ Tư pháp đã được xây dựng, triển khai nhưng còn rời rạc, thiếu kết nối dẫn đến việc khai thác, sử dụng các phần mềm, ứng dụng liên quan đến quá trình xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp chưa thực sự hiệu quả.
Thứ ba, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số tại Bộ Tư pháp chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trên thực tế, trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Tư pháp chưa có dự án đầu tư tổng thể về hạ tầng kỹ thuật và an toàn thông tin. Việc đầu tư hạ tầng chỉ được thực hiện lồng ghép trong các dự án khác hoặc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên còn rất hạn chế. Do đó, hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ không đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử, yêu cầu chuyển đổi số của Ngành Tư pháp.
Thứ tư, số lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của Bộ Tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu. Về nhân lực vận hành các hệ thống phần mềm, hiện nay, Cục Công nghệ thông tin đang quản trị, vận hành, duy trì hoạt động các hệ thống thông tin phục vụ số lượng lớn người dùng[4] trong khi việc quản trị, vận hành bao gồm rất nhiều các công việc phức tạp liên quan đến kỹ thuật, công nghệ cũng như phải nắm rõ nghiệp vụ liên quan của Ngành Tư pháp như: Quản trị phần mềm, cơ sở dữ liệu; theo dõi, cập nhật các bản nâng cấp, vá lỗi của phần mềm hệ thống; phân tích log hệ thống, người dùng, dữ liệu, đánh giá, chỉnh sửa dữ liệu; giám sát hoạt động; phân tích log hệ thống, người dùng, dữ liệu; giải quyết, khắc phục sự cố do phần cứng, phần mềm gây ra; kiểm tra, sửa chữa các lỗi cơ sở dữ liệu, sao lưu dữ liệu định kỳ; nghiên cứu, đề xuất nâng cấp, phát triển phần mềm cũng như phối hợp đề xuất điều chỉnh quy trình nghiệp vụ. Để bảo đảm vận hành ổn định, an toàn, thông suốt, với 16 hệ thống quy mô từ trung ương đến địa phương nêu trên, mỗi hệ thống có quy mô triển khai từ trung ương đến địa phương cần tối thiểu 01 công chức thực hiện nhiệm vụ quản trị, vận hành. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có 03 công chức kiêm nhiệm nên không thể đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, đề xuất giải pháp, giám sát xây dựng, quản lý, vận hành, hỗ trợ kỹ thuật cho các phần mềm trên.
Thứ năm, nhận thức, kỹ năng, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp còn hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp chưa tương xứng với các yêu cầu cũng như lộ trình Bộ Tư pháp đề ra trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ, Ngành.
Thứ sáu, việc huy động kinh phí phục vụ xây dựng các phần cứng, phần mềm, bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số tại Bộ Tư pháp còn gặp nhiều khó khăn. Do không có điều kiện đầu tư tổng thể nên đa phần các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các phần mềm diễn ra cắt khúc, manh mún, dàn trải. Điều này dẫn đến thiếu tính đồng bộ, liên kết giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, từ đó dẫn tới hầu hết các phần mềm hiện hành đang phục vụ hoạt động xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp chưa có tính liên thông, làm giảm hiệu quả khai thác, sử dụng.
3. Mục tiêu và yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền tảng số phục vụ công tác xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật
Mục tiêu tổng quát trung hạn của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật đó là xây dựng một nền tảng số thống nhất phục vụ công tác xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật với sự tham gia tương tác của công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật.
Hướng tới mục tiêu tổng quát dài hạn là kết nối cung cấp mọi thông tin liên quan đến Bộ Tư pháp, các đơn vị liên quan thuộc Bộ, các quy trình xử lý công việc, kết nối với người dân, doanh nghiệp phục vụ hoạt động của Bộ Tư pháp được thực hiện trên cùng một nền tảng. Từ đó, giảm thiểu sự trùng lặp, chồng chéo về thông tin, tăng cường chất lượng trải nghiệm cho người sử dụng. Thiết lập hệ thống đăng nhập một lần (cùng một tên người, cùng một mật khẩu) an toàn, dễ dàng cho mọi công chức, viên chức, người dân khi tìm kiếm thông tin, tham gia quản lý nhà nước và sử dụng các dịch vụ công của Bộ Tư pháp. Từ đó, chuẩn bị sẵn sàng cùng với các bộ, ngành gia nhập vào nền tảng chung của Chính phủ.
Từ các mục tiêu tổng quát nêu trên, một số mục tiêu cụ thể được đặt ra trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn như sau: (i) Thiết lập, củng cố, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ quá trình xây dựng nền tảng số thống nhất phục vụ công tác xây dựng pháp luật, quản lý thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp; (ii) Xây dựng nền tảng số và các phần mềm tích hợp vào nền tảng số phục vụ công tác xây dựng pháp luật, quản lý thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp; (iii) Triển khai sử dụng nền tảng số và các phần mềm tích hợp vào nền tảng số phục vụ công tác xây dựng pháp luật, quản lý thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp; (iv) Tiếp tục duy trì, chỉnh sửa, cập nhật nền tảng số và các phần mềm tích hợp vào nền tảng số phục vụ công tác xây dựng pháp luật, quản lý thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp.
Một số yêu cầu đặt ra đối với nền tảng số phục vụ công tác xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật như sau:
Thứ nhất, về cơ sở dữ liệu: Cơ sở dữ liệu trọng tâm là các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được cập nhật, thống nhất về định dạng để có thể dùng để sử dụng các tiện ích liên quan trong quá trình xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật. Nền tảng số cần được thiết kế để tiến tới tương lai dài hạn, đó là liên kết với các cơ sở dữ liệu khác thuộc quản lý của Bộ Tư pháp và các cơ sở dữ liệu liên quan thuộc quản lý của các bộ, ngành khác, ví dụ: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh; cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số; cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai… Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu mở rộng có thể được xây dựng mới phục vụ hoạt động xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật, ví dụ: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý xử lý vi phạm hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu về báo cáo tình hình thi hành pháp luật của các bộ, ngành, địa phương hàng năm; xây dựng từ điển pháp lý; xây dựng cơ sở dữ liệu về lịch sử lập pháp…
Thứ hai, về các tính năng chung của nền tảng số, cụ thể như: Tính năng quản lý, thông tin về các cuộc họp; tính năng thông báo về tình trạng văn bản trong quá trình xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật; hệ thống đăng nhập/quản lý định danh cá nhân; hệ thống quản lý quyền hạn truy cập.
Về các tính năng cụ thể của nền tảng số:
- Các tính năng riêng biệt phục vụ quá trình xây dựng pháp luật như: Cung cấp các biểu mẫu; tính năng gợi ý ngôn ngữ, chỉnh sửa lỗi chính tả; tính năng đồng soạn thảo trên cùng một dự thảo; tính năng tự động so sánh, phát hiện các điểm mới, sự khác nhau giữa nội dung văn bản hiện hành và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tính năng tham vấn chính sách, dự thảo văn bản; tính năng trả lời các góp ý/tham vấn.
- Các tính năng phục vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết.
- Các tính năng phục vụ quá trình kiểm tra, rà soát, pháp điển hóa như: Tính năng cung cấp biểu mẫu; tự động gợi ý nội dung pháp điển hóa thông qua liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia văn bản quy phạm pháp luật; tự động gợi ý các nội dung liên quan đến tính năng kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tự động so sánh, phát hiện các điểm khác nhau, mâu thuẫn, chồng chéo giữa nội dung các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác kiểm tra, rà soát; tự động tạo lập hồ sơ kiểm tra, rà soát, pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
- Các tính năng phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: Công khai hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật, bộ pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật...; tính năng cung cấp thông tin văn bản pháp luật mới, tủ sách pháp luật điện tử (chú trọng phân loại theo chủ đề) để người dân dễ dàng tìm kiếm; tính năng cung cấp thông tin pháp luật theo nhu cầu; trả lời tự động các câu hỏi tình huống pháp luật thông qua Chatbot; thu thập phản hồi, góp ý của người dân về văn bản pháp luật.
- Các tính năng phục vụ quá trình quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật như: Đưa ra những gợi ý tổng kết, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật của từng văn bản cụ thể (trước hết là cấp độ luật) thông qua liên kết các cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính; cơ sở dữ liệu về báo cáo tình hình thi hành pháp luật; đưa ra những gợi ý tổng kết, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật của từng bộ, ngành, địa phương cụ thể thông qua liên kết các cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính; cơ sở dữ liệu về báo cáo tình hình thi hành pháp luật.
Thứ ba, yêu cầu về tính liên kết, liên thông dữ liệu trong quá trình sử dụng nền tảng: Các thông tin, dữ liệu liên quan đến quá trình xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật cần được cập nhật, chia sẻ để tận dụng tối đa hiệu quả sử dụng dữ liệu.
Thứ tư, yêu cầu về đối tượng, phạm vi sử dụng:
- Bước 1: Triển khai sử dụng trong Bộ Tư pháp, người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các cơ sở dữ liệu và thông tin liên quan đến phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Bước 2: Tiến tới phổ biến tới các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện công tác xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật.
Thứ năm, yêu cầu về trình duyệt: Nền tảng được lập trình để có thể sử dụng ở nhiều hệ điều hành khác nhau.
4. Một số kiến nghị tăng cường vai trò của Đoàn Thanh niên trong quá trình chuyển đổi số tại Bộ Tư pháp
Hiện nay, số lượng công chức, viên chức là đoàn viên tại Bộ Tư pháp có 537 đồng chí, chiếm 37% tổng số công chức, viên chức Bộ Tư pháp. Các đoàn viên sinh hoạt tại 34 chi đoàn, đoàn cơ sở trực thuộc (trong đó có 09 chi đoàn, 17 chi đoàn cơ sở, 09 đoàn cơ sở và 29 chi đoàn trực thuộc đoàn cơ sở)[5]. Có thể thấy, đội ngũ công chức, viên chức trẻ của Bộ Tư pháp ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và các lĩnh vực công tác khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp trong thời gian qua. Từ những nhu cầu đặt ra cho quá trình chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp, thời gian tới, một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm và có thể được triển khai nhằm tăng cường vai trò của Đoàn Thanh niên vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số tại Bộ Tư pháp nói chung, chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật nói riêng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở chủ động tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao kiến thức, trình độ cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp nói riêng. Cụ thể như: Tăng cường các buổi sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyển đổi số nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên có nhận thức, thái độ đúng đắn về chuyển đổi số; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, nghiên cứu, làm việc... trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ của Bộ Tư pháp, đặc biệt là chất lượng nhân lực chuyển đổi số của Bộ Tư pháp.
Thứ hai, tăng cường tổ chức các hội nghị, tọa đàm thanh niên đề xuất nhu cầu chuyển đổi số từ thực tiễn công tác tại các đơn vị thuộc Bộ, trong đó, chú trọng đến các đơn vị xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật ở Bộ Tư pháp. Từ đó, có những kiến nghị thiết thực phục vụ công tác chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật của Bộ, Ngành.
Thứ ba, từng đoàn viên, thanh niên cần nâng cao nhận thức, tâm thế và phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng thành quả, vận dụng có hiệu quả những yếu tố tích cực từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công việc hàng ngày tại cơ quan, đơn vị, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số chung của Bộ, Ngành Tư pháp.
Thứ tư, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, cán bộ, đoàn viên, thanh niên cần chủ động tham mưu, góp ý với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về các giải pháp giúp thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt là chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật. Đồng thời, với lợi thế là lực lượng trẻ tuổi, có khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại thông qua các thiết bị công nghệ và môi trường mạng, cán bộ, đoàn viên, thanh niên cũng cần tích cực tuyên truyền, vận động đồng nghiệp áp dụng công nghệ số vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
ThS. Dương Thu Hương
Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. Thông tin được tổng hợp từ các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp, bao gồm: Vụ Vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tại Đề tài cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện chuyển đổi số trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp” năm 2022, chủ nhiệm: TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý.
[2]. Thông tin được tổng hợp từ các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp, tlđd.
[3]. Xem Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025 (Ban hành kèm theo Quyết định số 682/QĐ-BTP ngày 07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
[4]. Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phần mềm ứng dụng có quy mô từ trung ương đến địa phương, phục vụ cho hàng chục nghìn người dùng trong Bộ, Ngành và hàng triệu lượt truy cập của cá nhân, tổ chức như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; cơ sở dữ liệu quốc tịch; cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức; cơ sở dữ liệu đấu giá tài sản; cơ sở dữ liệu công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng; cơ sở dữ liệu điện tử thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án; phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự; phần mềm quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý; phần mềm hỗ trợ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; phần mềm thống kê Ngành Tư pháp; Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tư pháp; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; trục tích hợp chia sẻ dữ liệu Ngành Tư pháp.
[5]. Theo báo cáo kết quả triển khai công tác Đoàn, phong trào thanh niên năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 391), tháng 10/2023)