Abstract: Premature marriage and close-to-blood line marriage is an issue of concern in the process of economic-social sustainable development of ethnic minorities in the entire country in general and in Lam Dong in particular. Premature marriage has been currently happened in some locations of the Lam Dong Province where intellectual standards of the people as well as infrastructure, life quality are still backward due to several objective and subjective reasons. Some proposals will be made on the basis of this study with a view to limit this situation.
1. Thực trạng và những hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Theo rà soát và báo cáo của các Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tình trạng tảo hôn ở Lâm Đồng từ năm 2010 đến năm 2015 không có chiều hướng giảm đi. Năm 2010 có 89 cặp tảo hôn thì đến năm 2015 có 116 cặp tảo hôn. Năm 2012 và 2013 là hai năm có số cặp tảo hôn cao nhất trong giai đoạn với 239 và 212 cặp tảo hôn. Đây là con số khá cao trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và trên cả nước. Số lượng tảo hôn thường nằm ở độ tuổi từ 15 - 16 tuổi; trong số những cặp tảo hôn nói trên thì có cả những cặp đang đi học, điều kiện sống xa gia đình, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, quản lý của nhà trường, tác động của môi trường giáo dục như phim ảnh, internet... đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em. Tình trạng kết hôn cận huyết thống cũng không phát triển theo quy luật tăng hay giảm dần. Năm 2013 là năm có số cặp tảo hôn thấp nhất với 01 cặp. Năm 2012 và 2014 là hai năm có tỷ lệ tảo hôn cao với 07 cặp. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống tập trung ở hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là phong tục, tập quán lạc hậu mà pháp luật ngăn cấm, việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng nòi giống và đến kinh tế gia đình, cụ thể là:
- Theo kết quả nghiên cứu của nền y học hiện đại thì nam từ khoảng 16 tuổi trở lên, nữ từ khoảng 13 tuổi trở lên đã có khả năng sinh sản. Nhưng để đảm bảo cho con sinh ra được khỏe mạnh, nòi giống phát triển lành mạnh, bảo đảm sức khỏe cho người phụ nữ khi mang thai, khi sinh đẻ thì nam phải từ 18 tuổi trở lên, nữ từ khoảng 17 tuổi trở lên. Do vậy, Luật Hôn nhân và gia đình quy định tuổi kết hôn đối với nam là đủ 20 tuổi, với nữ là đủ 18 tuổi. Quy định này đảm bảo cho nam, nữ có thể đảm đương được trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, mẹ, đồng thời, còn đảm bảo cho con cái sinh ra khỏe mạnh cả về thể lực lẫn trí tuệ, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai thì sinh con ra sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 01 tuổi và dưới 05 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Theo Báo cáo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ năm 2013, trong 06 vùng kinh tế của cả nước, Tây Nguyên là vùng có tỷ suất tử vong trẻ em cao tương ứng gấp 2 - 3 lần so với vùng thấp nhất là Đông Nam Bộ (35%, 37% so với 13,9%) và cũng là vùng có tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản cao nhất cả nước.
- Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số. Khoa học đã chứng minh, những trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh cao hơn so với trẻ em bình thường khác. Thực tế ở Lâm Đồng cho thấy, năm 2011 có 05 cặp kết hôn cận huyết thống với 05 đứa trẻ được sinh ra thì có 01 đứa trẻ bị bệnh tật, năm 2013 có 06 cặp kết hôn cận huyết thống thì có 02 đứa trẻ sinh ra bị bệnh và tỷ lệ mang gen bệnh rất cao. Điều này đã để lại những hậu quả không mong muốn cho gia đình và xã hội.
- Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của gia đình, vùng kinh tế Tây Nguyên và kinh tế cả nước nói chung. Phần lớn dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng sống tập trung tại 468 thôn, tổ dân phố thuộc 96 xã, phường, thị trấn. Tổng số hộ ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn là 193.819 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 52.845 hộ. Cuối năm 2015, hộ nghèo chung toàn tỉnh còn 1,9%, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn 4%. Những năm gần đây, thông qua các chương trình, chính sách đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện; cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được nâng lên; sản xuất có bước phát triển; công tác y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội được chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân từ 5 - 7%. Hiện nay, toàn tỉnh có 01 huyện nghèo, 36 xã đặc biệt khó khăn và an toàn khu, 73 xã khó khăn và 77 thôn đặc biệt khó khăn; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
- Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân của nghèo đói, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống và rơi vào vòng luẩn quẩn “đói nghèo - thất học - tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”. Thực tế cho thấy, các tỉnh có tỷ lệ nghèo đói cao, đồng thời tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng gia tăng; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của đói nghèo, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Như đã phân tích ở trên, tảo hôn sẽ dẫn đến những cặp vợ chồng “trẻ con” chưa đảm đương được trách nhiệm làm vợ, làm chồng và làm kinh tế, còn hôn nhân cận huyết thống nhằm mục đích giữ gìn tài sản gia đình nhưng bản chất lại làm suy giảm nền kinh tế do sinh ra những đứa con bị tật bệnh. Đói kém và tật bệnh làm cho người ta chỉ có thể nhìn vào việc kiếm ăn cho đủ no các bữa chứ không dám mơ đến việc cho con đi học hay nâng cao chất lượng cuộc sống. Và như vậy, cái vòng luẩn quẩn của “nghèo đói - thất học - tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” cứ bủa vây lấy họ.
- Tảo hôn làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm tốt, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của người trẻ tuổi, bà mẹ và trẻ em và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng dân tộc, miền núi và sự phát triển bền vững của đất nước. Dễ dàng để thấy rằng, lẽ ra các em 15 - 17 tuổi đang là tuổi đến trường, tuổi của sự vô tư hồn nhiên, thì ở đây, các em lại phải gắn với gia đình, với trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha, mẹ. Khi không đi học, không có bằng cấp, họ sẽ chỉ có thể làm “nông dân”, chỉ có thể sinh sống phụ thuộc vào thiên nhiên mà không có cơ hội kiếm cho mình một công việc tốt. Khi trình độ hiểu biết hạn chế, điều kiện kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, không được tiếp cận với nền văn hóa hiện đại thì văn hóa truyền thống sẽ vẫn chi phối họ ở mức độ cao. Và như vậy, những sinh hoạt văn hóa, nhận thức và sự chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng bị hạn chế, dẫn đến những bệnh tật trong sinh sản và sinh con nhiều để có nhân lực làm kinh tế. Điều đó lại làm cho kinh tế chậm phát triển và rơi vào vòng luẩn quẩn “đói nghèo, tảo hôn và kết hôn cận huyết thống”.
2. Nguyên nhân của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
- Do ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu, có những tục lệ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân với đặc trưng của chế độ mẫu hệ Tây Nguyên như tục nối dây, tục hứa hôn, nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ tính theo họ mẹ hay quan niệm lấy chồng sớm để có thêm sức lao động… Những quan niệm ấy có sức ảnh hưởng nhất định qua nhiều thế hệ, nó ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng người dân tộc thiểu số, tạo nên hệ lụy là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
- Do điều kiện lịch sử cụ thể của địa phương như: Điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn; sự phân bố dân cư không đồng đều và cộng đồng các dân tộc thiểu số sống xen kẽ với người Kinh trong những thôn, buôn, bon...; sự phát triển sớm về thể trạng do chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, tâm sinh lý của thanh niên bị ảnh hưởng nhiều của môi trường xung quanh và các phương tiện thông tin làm cho thanh niên đồng bào các dân tộc thiểu số bắt chước kiểu “sống thử” và khi đã có bầu thì sợ bị phạt vạ nặng theo luật tục nên gia đình cho cưới.
- Chế tài xử lý các trường hợp tảo hôn còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi vi phạm, chưa mang tính răn đe cao nên tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra. Quy định tại Điều 47 Nghị Định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã như sau: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó”. Việc xem xét, xử lý các đối tượng này khi họ vi phạm theo cách nói của cán bộ xã là “nịnh nọt còn chưa xong nữa là đòi xử phạt”. Chính vì nhận thức của người dân còn hạn chế như thế nên việc xem xét xử lý hành chính đối với bà con người dân tộc thiểu số lại càng khó khăn, mặc dù có xử phạt ở mức thấp nhất là cảnh cáo thì họ cũng không chấp hành bởi tính răn đe không cao. Việc quy định hình thức xử phạt đối với hành vi tảo hôn hoặc tổ chức tảo hôn chỉ là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng dường như còn chưa phù hợp, không đủ răn đe với nạn tảo hôn hiện nay. Với đa số những cặp vợ chồng nghèo, họ sẽ không có khả năng nộp phạt và trong trường hợp đó, khả năng thực hiện các biện pháp cưỡng chế nộp phạt của chính quyền địa phương là điều không thể thực hiện được. Do không có hình thức chế tài nào khác nên các cặp vợ chồng nghèo vẫn tự do kết hôn khi chưa đủ tuổi mà không lo bị xử phạt. Ngoài ra, cũng có không ít cặp tảo hôn cứ tổ chức cưới hỏi và sẵn sàng lên xã nộp phạt. Họ coi việc nộp phạt là đã tuân thủ pháp luật và sau khi nộp phạt thì họ đương nhiên được xã công nhận là vợ chồng theo pháp luật. Bên cạnh đó, có khi cặp vợ chồng tảo hôn lại là người thân quen của cán bộ xã nên xã vẫn cho tổ chức cưới hỏi rồi đợi đủ tuổi để hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn chứ không hề đặt ra vấn đề xử phạt. Có nhiều trường hợp cán bộ thực thi nhiệm vụ phát hiện ra những vi phạm nhưng vì nể nang chỗ thân quen, người làng, người xã nên vẫn giúp họ giải quyết các công việc không đủ điều kiện theo quy định hoặc biết việc vi phạm nhưng cố tình làm ngơ. Vì thế, việc xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp này cũng như “bắt cóc bỏ đĩa”.
- Do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Trình độ dân trí thấp là nguyên nhân của việc người dân ít có điều kiện tiếp thu các tri thức văn hóa, các chuẩn mực xã hội mới, trong đó có pháp luật nói chung và pháp luật về hôn nhân và gia đình nói riêng. Tri thức là nền tảng cơ sở để con người có hành vi xử sự đúng đắn khi tham gia vào các quan hệ xã hội, là điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số có những hành vi xử sự hợp pháp. Vì vậy, khi người dân mù chữ không đọc được văn bản luật hoặc trình độ không hết cấp tiểu học thì họ chỉ tiếp thu các tri thức về pháp luật qua truyền miệng và nghe đài. Chính vì vậy mà người dân ít hiểu luật, không thực hiện theo luật và tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có cơ sở để tồn tại.
- Do sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn còn chưa mạnh mẽ thiếu kiên quyết. Việc loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu nói chung, loại bỏ tục tảo hôn nói riêng ra khỏi đời sống xã hội sẽ đạt được hiệu quả không nhỏ nếu có sự can thiệp một cách mạnh mẽ, kiên quyết. Trong một số trường hợp tảo hôn, cả người nam giới và nữ giới chưa đến tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng lại chung sống và sinh con với nhau. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng có thể tiến hành xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật nhưng sau đó cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề khi không thể chấm dứt hành vi vi phạm cũng như về tình trạng tài sản và con cái của người vi phạm sau khi bị xử phạt.
- Do công tác tuyên truyền còn bất cập, hạn chế và hiệu quả chưa cao. Bên cạnh những kết quả đã đạt được về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thì vẫn còn có những bất cập, khó khăn và chưa đạt được kết quả cao do điều kiện tự nhiên, địa bàn cư trú, do đối tượng đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật không am hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số dẫn đến việc tuyên truyền kém hiệu quả. Và một phần là do trình độ thấp nên họ không tiếp thu được những quy định của pháp luật mà chỉ sống theo “bản năng” theo quy định của luật tục đã tồn tại và chi phối nhận thức của họ qua nhiều thế hệ.
3. Giải pháp hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Để từng bước hạn chế tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, cần đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi miền xuôi lấy tăng trưởng để phát triển, thì khu vực Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng phải theo quan điểm phát triển đi liền với tăng trưởng, tôn trọng yếu tố đặc thù và phát huy lợi thế so sánh. Vì vậy, thay vì trợ giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số kiểu “bao cấp” như hiện nay, thời gian tới phải thay đổi thông qua việc tạo cơ hội cho họ tiếp cận tới các nguồn lực cả bên trong, bên ngoài và phát triển dựa trên năng lực nội sinh. Điều này đồng nghĩa với việc từng bước giảm dần chính sách bao cấp, hỗ trợ trực tiếp chuyển sang chính sách đầu tư cho cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Cùng với đó, thực hiện gắn chính sách giảm nghèo với các chính sách về xã hội khác như dân số, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, y tế, nhất là chính sách về dân số. Hỗ trợ giảm nghèo phải gắn với điều kiện là kiểm soát được tỷ lệ sinh, hạn chế mặt trái hiện nay chính sách lại thúc đẩy cho việc sinh nhiều con để hưởng chế độ trợ cấp. Ngay cả các chính sách giảm nghèo cũng cần có cách tiếp cận hiệu quả hơn. Đồng thời chú trọng công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Thu hút, tập hợp người ở độ tuổi chưa thành niên vào các tổ chức hội, đoàn thể, các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Tích cực vận động nhân dân trên địa bàn xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Thành lập điểm tư vấn về hôn nhân, gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương để từng bước nâng cao dân trí, dần loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của các tập tục lạc hậu.
Hai là, khi phát hiện các trường hợp tảo hôn chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể tiến hành giải thích, vận động, lập biên bản đình chỉ, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì lập hồ sơ đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Tiến hành vận động xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình. Nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ công tác ở các cấp chính quyền địa phương trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, nếu có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thì có thể kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm theo các quy định của pháp luật hành chính và hình sự. Trong những trường hợp xét thấy các chủ thể vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu tuy đã bị xử phạt nhưng vẫn cố tình tiếp tục vi phạm hoặc không chấm dứt hành vi vi phạm mà có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm tảo hôn và tổ chức tảo hôn thì kiên quyết xử lý về mặt hình sự nhằm răn đe, giáo dục đối với người vi phạm và những người khác.
Ba là, tuyên truyền, vận động, thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đến từng người dân, cần chỉ rõ cho họ nhận thấy lợi ích về chế độ, chính sách, các quyền và nghĩa vụ có liên quan trong việc đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn và đăng ký kết hôn đúng độ tuổi, đúng quy định. Đây vẫn được xem là giải pháp đầu tiên được đề cập và được xác định là giải pháp tốt nhất, có khả năng đem lại hiệu quả cao nhất và bền vững nhất. Công tác vận động, thuyết phục được làm tốt sẽ góp phần tích cực giảm thiểu số vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình và hộ tịch, hộ khẩu, giúp kiểm soát tốt sự biến động dân số và ổn định về an ninh trật tự của địa phương. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng đã chỉ ra rằng, để có thể thực hiện tốt công việc này, ngoài những lực lượng chuyên trách thuộc về Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em cũng như lực lượng công an các cấp thì các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng và cha xứ đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì, trong công tác tuyên truyền, thuyết phục đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình, đăng ký hộ tịch, các già làng, trưởng bản, người có uy tín và cha xứ chính là những người gần gũi và có uy tín nhất đối với những người dân khi mà giữa họ không gặp phải bất kỳ rào cản nào về ngôn ngữ, phong tục và tập quán. Đối với công tác tuyên truyền, chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, trọng tâm là pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tuyên truyền linh hoạt bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tế địa phương để người dân nắm rõ các quy định của pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, những tác hại của việc tảo hôn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền có thể được lồng ghép phù hợp vào các môn học tại nhà trường để thanh, thiếu niên, học sinh hiểu rõ trách nhiệm của mình và có ý thức đúng đắn trong việc thực hiện chính sách dân số, hôn nhân, gia đình. Quá trình tuyên truyền phải tiến hành từ cấp cơ sở, phát huy cao vai trò của các hội, các đoàn thể, người cao tuổi, người có uy tín như già làng, tổ trưởng dân phố... và nhất là vai trò nòng cốt của công chức hộ tịch cấp xã.
Tóm lại, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang là một thực trạng gây nhức nhối không chỉ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mà cả khu vực Tây Nguyên. Để ngăn chặn và hướng đến loại bỏ tình trạng này, cần có sự kiên quyết và đồng bộ của các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân trên địa bàn; cần điều tra nắm vững tình hình, chọn lọc các “điểm nóng” về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để tập trung giải quyết một cách triệt để, sau đó tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai trên quy mô toàn tỉnh. Có như vậy, chúng ta mới từng bước loại bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi được.
Khoa Luật, Đại học Đà Lạt