Đối với Singapore và Indonesia không có một cơ quan riêng được thành lập để theo dõi thi hành pháp luật mà được thực hiện thông qua việc kiểm soát quá trình thi hành. Mặc dù có sự đặc thù nhưng về cơ bản các quốc gia trên thế giới nói chung và Singapore và Indonesia nói riêng đều theo dõi thi hành pháp luật bởi một trong hai hoặc kết hợp cả hai phương thức: (i) Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật từ bên trong bộ máy nhà nước và (ii) Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật từ bên ngoài bộ máy nhà nước.
Theo dõi thi hành pháp luật từ bên trong bộ máy nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong số các chủ thể tham gia vào hoạt động thi hành pháp luật, các cơ quan nhà nước là chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước và thông qua hoạt động của mình đảm bảo cho các chủ thể khác thực hiện quyền và nghĩa vụ trên thực tế. Vì vậy, các cơ quan nhà nước phải triệt để tuân thủ pháp luật, không được đặt mình đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật. Từ góc độ trên, kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện chủ yếu cùng với hoạt động kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Ngoài hoạt động giám sát của Nghị viện (Quốc hội), đảm bảo hiệu lực thi hành pháp luật của cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp, kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật từ bên ngoài bộ máy nhà nước đều được quy định trong pháp luật của các quốc gia Đông Nam Á. Hoạt động kiểm soát, theo dõi này được thực hiện dưới nhiều hình thức như thông qua hệ thống kiểm soát bầu cử, sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước và xã hội, đặc biệt là cơ chế đảm bảo quyền con người.
1. Theo dõi thi hành pháp luật tại Singapore
1.1. Thể chế pháp lý
Cộng hòa Singapore (Republic of Singapore) là một quốc đảo nhỏ nằm ở khu vực Đông Nam Á. Singapore là thuộc địa của Anh từ năm 1819, gia nhập Liên bang Malaysia vào năm 1963 và tách ra thành lập quốc gia riêng vào năm 1965. Ngay sau khi độc lập, Singapore đã thông qua Hiến pháp ngày 09/8/1965.
Hệ thống pháp luật của Singapore chịu ảnh hưởng mạnh mẽ pháp luật của Vương quốc Anh nên được xếp vào nhóm các nước thuộc hệ thống thông luật. Tuy nhiên, khác với Vương quốc Anh, Singapore có Hiến pháp thành văn.
Hệ thống pháp luật của Singapore bao gồm:
- Hiến pháp (The Constitution) là đạo luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất. Các văn bản pháp luật trái với Hiến pháp bị xác định là vô hiệu.
- Luật do Nghị viện ban hành (Acts of Parliament). Luật không được có nội dung mâu thuẫn với Hiến pháp.
- Các văn bản quy phạm dưới luật (Subsidiary Legislation): Thông thường, các luật do Nghị viện ban hành chỉ đề cập những nội dung cơ bản để thực hiện chính sách. Vì vậy, luật cần được cụ thể hóa chi tiết bởi các văn bản quy phạm dưới luật do cơ quan hành pháp ban hành.
- Ngoài ra, pháp luật Singapore áp dụng các loại nguồn luật khác như án lệ, tập quán[1].
1.2. Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật thông qua hoạt động của Tòa án
Quyền tư pháp ở Singapore được thực hiện bởi hệ thống Tòa án bao gồm Tòa án tối cao (Supreme Court) và các Tòa án cấp dưới (Subordinate Courts). Tòa án tối cao gồm hai cấp xét xử là Tòa thượng thẩm (High Court) và Tòa phúc thẩm (Court of Appeal). Các Tòa án cấp dưới gồm nhiều tòa khác nhau như: Tòa án cấp quận (District Courts); Tòa án địa phương (Magistrates’ Courts); Tòa án xét xử các vụ tử vong bất thường (The Coroner’s Court); Tòa án vị thành niên (The Juvenile Court); Tòa án giải quyết các tranh chấp nhỏ (The Small Claims Tribunals). Tòa án cấp quận và Tòa án địa phương có thể được thành lập một số tòa chuyên trách như Tòa án về các vấn đề hình sự (The Criminal Mentions Courts); Tòa án giải quyết các vụ án hình sự và dân sự trong thương mại (The Commercial Civil and Criminal Courts); Tòa án gia đình (The Family Court).
Trong hệ thống Tòa án của Singapore, các Tòa án cấp dưới có vai trò quan trọng. Số lượng các vụ việc được giải quyết tại Tòa án cấp dưới chiếm hơn 95% số vụ việc được giải quyết tại Tòa án của Singapore. Đối với Tòa án tối cao, Tòa thượng thẩm có thẩm quyền xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tòa thượng thẩm có thẩm quyền phúc thẩm các kháng cáo đối với quyết định, bản án của Tòa án cấp quận và Tòa án địa phương. Tòa phúc thẩm có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án và quyết định sơ thẩm của Tòa thượng thẩm.
Để đảm bảo pháp luật được thi hành có hiệu lực và hiệu quả, đặc biệt là Hiến pháp với tính chất đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, Tòa án tối cao của Singapore được trao quyền rất lớn trong việc xác định tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật[2]. Ngoài ra, Tòa có thẩm quyền xét xử các khiếu kiện liên quan đến bầu cử Tổng thống và thực hiện vai trò cố vấn theo yêu cầu của Tổng thống về tính hợp hiến của bất kỳ hành vi nào. Trong trường hợp này, yêu cầu của Tổng thống sẽ được xem xét bởi một Tòa Adhoc gồm 03 thẩm phán Tòa án tối cao và kết luận của Tòa được gửi cho Tổng thống trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ thời điểm Tổng thống yêu cầu (Điều 100 Hiến pháp Singapore).
1.3. Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật thông qua hoạt động các cơ quan hiến định độc lập
Để kiểm soát, theo dõi công tác nhân sự trong những mảng nhân sự khác nhau của bộ máy hành chính, Singapore thành lập Ủy ban công vụ pháp luật và Ủy ban công vụ. Ủy ban công vụ pháp luật có thẩm quyền về tổ chức nhân sự trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, Ủy ban công vụ phụ trách các lĩnh vực công chức khác trong bộ máy hành chính của Singapore.
Bên cạnh đó, Singapore còn thành lập Cơ quan kiểm toán độc lập gồm 01 cá nhân là Tổng kiểm toán do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng và trên cơ sở tham vấn Chủ tịch Ủy ban công vụ. Nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán là 06 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Tổng kiểm toán có thẩm quyền tiến hành kiểm toán tài khoản của tất cả các cơ quan nhà nước, bao gồm các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban công vụ, Ủy ban công vụ pháp luật, Tòa án các cấp và Nghị viện (Điều 148F Hiến pháp Singapore).
1.4. Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật thông qua hoạt động của cơ quan nhân quyền quốc gia
Các quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp của Singapore, bao gồm các quyền tự do và các quyền bất khả xâm phạm, các quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị, các quyền cơ bản trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý, các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, các quyền cơ bản trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và các quyền của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, Singapore không thành lập thiết chế riêng trong bảo vệ quyền con người mà thực hiện thông qua bộ máy nhà nước.
2. Theo dõi thi hành pháp luật tại Indonesia
2.1. Thể chế pháp lý
Khác với Malaysia và Singapore, Indonesia từng là thuộc địa của Hà Lan trước khi giành độc lập. Hà Lan tiến hành thuộc địa hóa quần đảo Indonesia lần đầu trong khoảng 200 năm. Sau đó, vùng đất này được chuyển giao cho Pháp khi quân đội của Napoleon Bonaparte lật đổ Chính phủ Hà Lan. Sau gần 10 năm dưới sự cai trị của người Pháp và 04 năm dưới sự cai trị của người Anh đầu thế kỉ XIX, Indonesia lại chịu sự kiểm soát của Hà Lan lần thứ hai trong suốt hơn 100 năm (1816 - 1942) đến khi quân đội Nhật Bản xâm chiếm vùng đất này trong Đại chiến thế giới lần thứ II. Quá trình thuộc địa hóa của các nước này đã làm cho pháp luật lndonesia bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi pháp luật châu Âu lục địa, đặc biệt là pháp luật của Hà Lan.
Năm 1945, Indonesia thông qua Hiến pháp, xác định là đạo luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất. Trong hệ thống pháp luật Indonesia, nguồn luật thành văn có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, các nguồn luật bất thành văn vẫn được công nhận và áp dụng tại Indonesia.
2.2. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp
Indonesia là một trong năm quốc gia Đông Nam Á có quy định thiết chế bảo hiến (bao gồm các quốc gia: Campuchia, Indonesia, Myanma, Philippines và Thái Lan). Tòa án Hiến pháp của Indonesia là cơ quan chuyên trách và độc lập trong hệ thống tư pháp của Indonesia, với thành phần gồm 09 thẩm phán, trong đó 03 người do Tổng thống đề cử, 03 người do Tòa án tối cao đề cử và 03 người do Hội đồng đại diện nhân dân đề cử.
Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền xác định một văn bản luật có trái với Hiến pháp hay không, giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước theo quy định của Hiến pháp, giải tán các đảng phái chính trị và giải quyết các tranh chấp liên quan đến kết quả bầu cử thông thường.
Tòa án Hiến pháp cũng có quyền đưa ra quyết định trong trường hợp Hội đồng đại diện nhân dân nghi ngờ Tổng thống hoặc Phó Tổng thống vi phạm pháp luật qua hành động phản quốc, tham nhũng hoặc nhận hối lộ, phạm tội nghiêm trọng hoặc có hành vi sai trái khác, và/hoặc không đáp ứng các yêu cầu Hiến pháp để nắm giữ chức vụ. Quyết định của Tòa án Hiến pháp có hiệu lực chung thẩm.
2.3. Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật thông qua hoạt động của Tòa án
Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật thông qua hoạt động của Tòa án luôn có vai trò quan trọng trong đảm bảo quyền con người. Hiến pháp Indonesia quy định: Tòa án là thiết chế độc lập nhằm tổ chức hoạt động xét xử, bảo đảm duy trì công lý và trật tự pháp luật.
Hệ thống Tòa án của Indonesia bao gồm: Tòa án tối cao, các Tòa án thẩm quyền chung, các Tòa án quân sự, các Tòa án tôn giáo và các Tòa án hành chính. Tòa án tối cao là Tòa án có thẩm quyền cao nhất của Indonesia. Tòa án Tối cao có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của các văn bản dưới luật, chẳng hạn như quy định của Chính phủ, quyết định của Tổng thống và sắc lệnh của Bộ trưởng để quyết định xem các văn bản đó có phù hợp với luật hay không.
Tòa án cũng có quyền xem xét hiệu lực chính thức của các văn bản dưới luật, nghĩa là Tòa án có thể xem xét lại “các thủ tục được áp dụng để ban hành luật”. Tuy nhiên, Tòa án tối cao không thể xem xét tính hợp hiến của các đạo luật - đây là nhiệm vụ riêng của Tòa án Hiến pháp. Tòa án tối cao giám sát các Tòa án cấp thấp hơn và có thể giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án cấp dưới.
Tòa án Thẩm quyền chung gồm các Tòa thượng thẩm cấp tỉnh và Tòa án quận. Tòa án quận có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với các vụ án hình sự, dân sự, thương mại cũng như đối với bất kỳ vụ việc gì không thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa án khác.
Tòa thượng thẩm cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết phúc thẩm các kháng cáo đối với các bản án của Tòa án quận, giải quyết những tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án quận trong lãnh thổ tài phán của Tòa.
Hệ thống Tòa án quân sự gồm bốn cấp: Tòa án quân sự thông thường, Tòa án quân sự cấp cao; Tòa án quân sự tối cao và Tòa án chiến tranh. Theo truyền thống trước đây, Tòa án quân sự xét xử mà không phụ thuộc vào bản chất vụ việc. Tòa sẽ thụ lý khi người được cho là phạm tội là một sỹ quan quân đội, bất kể là trong khi thi hành phận sự hay không thi hành phận sự.
Tòa án tôn giáo gồm có Tòa án tôn giáo cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Tòa án Tôn giáo chỉ có thẩm quyền xét xử người Hồi giáo và các lĩnh vực được quy định trong Luật đạo Hồi, chẳng hạn như kết hôn, thừa kế, trách nhiệm và các vấn đề tài chính của đạo Hồi.
Tòa án Hành chính có thẩm quyền xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tranh chấp giữa công dân Indonesia và Chính phủ về những vấn đề được cho là vi phạm pháp luật hoặc lạm dụng chức quyền của viên chức và cơ quan nhà nước.
2.4. Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật thông qua hoạt động các cơ quan hiến định độc lập
Theo quy định tại Điều 23 Hiến pháp Indonesia, cơ quan kiểm toán độc lập là Hội đồng kiểm toán nhà nước. Hội đồng kiểm toán nhà nước có thẩm quyền kiểm tra hoạt động quản lý và trách nhiệm đối với các hoạt động tài chính nhà nước ở cấp trung ương và địa phương. Báo cáo kết quả hoạt động kiểm toán được trình lên Hội đồng đại diện nhân dân, Hội đồng đại diện địa phương tùy thuộc vào thẩm quyền của mỗi cơ quan.
2.5. Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật thông qua hoạt động của cơ quan nhân quyền quốc gia
Tương tự Malaysia, Indonesia thành lập Ủy ban nhân quyền để góp phần kiểm soát, theo dõi thực thi pháp luật về quyền con người, đảm bảo quyền của mỗi cá nhân được thúc đẩy và tôn trọng.
Quá trình hình thành: Ủy ban nhân quyền Indonesia (viết tắt là KOMNASHAM) được thành lập vào năm 1993 theo Sắc lệnh của Tổng thống. Ủy ban ra đời là kết quả của sức ép chính trị ở cả trong và ngoài nước. Nguyên nhân trực tiếp là Indonesia muốn có tiếng nói tại Hội nghị quốc tế ở Viên (Áo) về nhân quyền. Nguyên nhân cơ bản là sức ép trong nước về dân chủ hóa sau gần 30 năm thống trị độc tài của Tổng thống Xu-hac-tô. Sau đó vào năm 1999, Quốc hội ban hành Đạo luật số 39 quy định về sự hình thành, mục tiêu, chức năng, Cao ủy viên, các nguyên tắc, tổ chức và nghĩa vụ của KOMNASHAM. Tiếp đó, Đạo luật số 25 (năm 2000) quy định về việc thành lập và chức năng của các Tòa án nhân quyền và Đạo luật số 40 (năm 2008) liên quan đến vấn đề chống phân biệt đối xử.
KOMNASHAM là một cơ quan trực thuộc Nhà nước, có quy chế bình đẳng với các nhánh hành pháp và tư pháp. KOMNASHAM có bốn chức năng cơ bản: Nghiên cứu; giáo dục, thông tin; giám sát; hòa giải. Cùng với Ủy ban nhân quyền của các nước Philippines, Malaysia và Thái Lan, KOMNASHAM được coi là một trong bốn Ủy ban trong khu vực Đông Nam Á hoạt động theo nguyên tắc Paris.
Tuy được thành lập năm 1993 nhưng phải đến năm 2004 các tiểu ban mới được kiện toàn và hoạt động chính thức, bao gồm: Tiểu ban Giáo dục và nhận thức công chúng về nhân quyền, Tiểu ban Giám sát công ước quốc tế về nhân quyền, Tiểu ban Giám sát thực hiện nhân quyền.
Chức năng và nhiệm vụ: KOMNASHAM có các chức năng điều tra, giám sát, hòa giải, nghiên cứu, giáo dục và truyền thông. Các chức năng này được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ sau:
- Nhiệm vụ thực hiện các chức năng điều tra, giám sát gồm:
+ Giám sát việc thực hiện quyền con người và đưa ra báo cáo về các kết quả thực thi.
+ Điều tra và giám sát đối với các vụ vi phạm về quyền con người.
+ Lấy lời khai của những nạn nhân.
+ Yêu cầu nguyên đơn đệ trình bằng chứng cần thiết.
+ Tiến hành các cuộc khảo sát về địa điểm và vụ việc vi phạm cũng như những địa điểm có liên quan.
+ Triệu tập các bên có liên quan nhằm cung cấp các tuyên bố thành văn và đệ trình các văn bản cần thiết theo yêu cầu của Tòa án.
- Nhiệm vụ thực hiện các chức năng hòa giải gồm:
+ Thúc đẩy hòa giải giữa các bên tranh chấp.
+ Giải quyết các vụ việc vi phạm thông qua các phương tiện tư vấn, đàm phán, hòa giải và đánh giá chuyên gia.
+ Đề xuất các bên giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án.
+ Đưa vụ vi phạm về nhân quyền lên Hạ viện để đưa ra hành động xử lý tiếp theo.
- Nhiệm vụ thực hiện các chức năng nghiên cứu gồm:
+ Tiến hành nghiên cứu các văn kiện nhân quyền nhằm đề xuất với Chính phủ về việc gia nhập hoặc phê chuẩn các văn kiện này.
+ Tiến hành nghiên cứu hệ thống pháp luật nhằm đề xuất sửa chữa, bổ sung hay hủy bỏ đạo luật nào đó liên quan đến quyền con người.
+ Công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu.
+ Tiến hành nghiên cứu tài liệu, thực địa và nghiên cứu so sánh về quyền con người ở những quốc gia khác.
+ Thảo luận các vấn đề khác nhau liên quan đến bảo vệ, thực thi và thúc đẩy quyền con người.
+ Nghiên cứu, phối hợp với các tổ chức, cơ quan ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền.
- Nhiệm vụ thực hiện các chức năng giáo dục và truyền thông gồm:
+ Phổ biến và tuyên truyền các nguyên tắc về quyền con người.
+ Tăng cường nhận thức xã hội về quyền con người thông qua giáo dục chính thức và các quy trình giáo dục khác.
+ Hợp tác với các cơ quan, tổ chức ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, trên lĩnh vực quyền con người.
KOMNASHAM được từng bước bổ sung thêm chức năng như điều tra vi phạm quyền con người; phối hợp với Tòa án để xét xử các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống.
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Một đạo luật được ban hành chỉ thực sự có hiệu lực, hiệu quả khi có nội dung phù hợp với cuộc sống và được triển khai thực hiện. Phản hồi của người dân, của xã hội sẽ là thước đo hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật. Nói cách khác, xây dựng và thi hành pháp luật luôn cần được tiến hành đồng bộ và thống nhất. “Đưa cuộc sống vào pháp luật” và “đưa pháp luật vào cuộc sống” trở thành hai yếu tố cấu thành thống nhất và không thể tách rời của một hệ thống pháp luật có hiệu lực và hiệu quả.
Theo dõi thi hành là một hình thức của thực hiện pháp luật, bao gồm các hoạt động khác nhau nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, biến những quy định của pháp luật trở thành hành vi của chủ thể, đảm bảo các quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, chống mọi sự lạm quyền[3].
Thi hành và theo dõi thi hành pháp luật được xác định là nhiệm vụ của mọi chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật. Vì vậy, để tránh sự tùy tiện, ngẫu hứng, không theo một chuẩn mực nhất định, các quốc gia Đông Nam Á đều có một thể chế pháp lý về theo dõi thi hành pháp luật. Thực tiễn cho thấy, tự theo dõi, kiểm soát việc thi hành pháp luật của các chủ thể quyền lực là dựa trên cơ sở nhận thức của chủ thể thấy được sự cần thiết của việc theo dõi, kiểm soát. Sự tự theo dõi, kiểm soát có tính chủ động cao, nhưng bị phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của chủ thể quyền lực. Mỗi chủ thể có mức độ “tự kìm chế” khác nhau, thậm chí thay đổi trong từng điều kiện, hoàn cảnh. Ngược lại, nếu để các chủ thể khác tùy tiện kiểm soát, theo dõi đối với chủ thể quyền lực thì trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn. Vì vậy, hoạt động kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật cần được thực hiện theo một thể chế pháp lý nhất định.
Thể chế pháp lý về theo dõi thi hành pháp luật sẽ bao gồm tổng thể các quy định trong Hiến pháp và pháp luật do Nhà nước ban hành liên quan đến chủ thể, nội dung, đối tượng, quy trình, thủ tục, các biện pháp… được áp dụng trong quá trình tổ chức, vận hành, đưa pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện đúng mục đích, có hiệu lực và hiệu quả4.
Ở Singapore và Indonesia, đặc điểm chung là thể chế pháp lý về kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật được quy định trước hết trong Hiến pháp. Các quy định của Hiến pháp là thể chế gốc, căn bản, có vai trò định hướng và tạo lập nguyên tắc làm nền tảng cho toàn bộ hệ thống thể chế. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào cách thức tổ chức hệ thống pháp luật của từng quốc gia, theo hệ thống lục địa (civil law) hay hệ thống thông luật (common law), thể chế pháp lý về kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật được thể hiện dưới hình thức các văn bản quy phạm pháp luật và/hoặc tập quán pháp, tiền lệ pháp (như ở Singapore).
Tóm lại, Singapore và Indonesia không có một cơ quan riêng đảm nhiệm việc theo dõi thi hành pháp luật và Bộ Tư pháp không có chức năng theo dõi chung về thi hành pháp luật. Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện thông qua nhiều cơ quan khác nhau, từ bên trong cũng như từ bên ngoài bộ máy nhà nước. Từ việc nghiên cứu cách thức theo dõi thi hành pháp luật của Singapore và Indonesia chúng tôi rút ra một số nội dung mà Việt Nam có thể tham khảo để nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật hơn nữa trong thời gian tới:
Thứ nhất, cần tiếp cận hoạt động theo dõi thi hành pháp luật mở rộng hơn so với quy định hiện hành, không chỉ theo dõi thi hành trong nội bộ cơ quan hành pháp mà còn trong hệ thống cơ quan quyền lực và cơ quan xét xử mới có đầy đủ thông tin chính xác nhất về hiệu quả của thi hành pháp luật.
Thứ hai, quy định cụ thể hơn về nội dung, cách thức, trình tự để các tổ chức xã hội và người dân được tham gia có hiệu quả vào công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Thứ ba, đảm bảo quyền con người trong quá trình thi hành pháp luật là mục tiêu và cũng là nội dung quan trọng trong công tác này. Đảm bảo quyền của mỗi cá nhân được thúc đẩy và tôn trọng là xu thế tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Tham khảo: Kevin Y.L.Tan, The Singapore Legal System, Singapore University Press, 1999; http://www.singaporelaw.sg/sglaw/singapore-legal-system/singapore-jurisdiction-law.
[2]. Thio Li-ann, “An “i” for an “I”: Singapore’s Communitarian Model of Constitutional Adjudication” (1997) 27 H.K. L.J. 152 (1997).
[3]. Bộ Tư pháp, UNDP, Một số nghiên cứu về công tác theo dõi thi hành pháp luật tại Việt Nam, Hà Nội, 2010, tr. 364.
[4]. Nguyễn Long Hải, Thể chế pháp lý về kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam, Hà Nội, Nxb. Sự Thật, 2017, tr. 31-32.