Lai Châu là một tỉnh biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, nơi có nhiều hoạt động giao thương với Trung Quốc bằng đường bộ. Tỉnh có trên 6.752 km đường bộ, có 96/96 xã có đường ô tô đến trung tâm, 1.041/1.140 thôn, bản có đường xe máy đi được thuận lợi, đạt 91,3%. Các tuyến quốc lộ, các tuyến đường tỉnh được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn từ cấp IV, cấp VI miền núi, mặt đường bê tông nhựa và láng nhựa. Toàn tỉnh hiện có 48 tuyến vận tải hành khách với 57 đơn vị tham gia vận tải khách, trong đó có 13 tuyến nội tỉnh; 35 tuyến liên tỉnh; trên 250 phương tiện chất lượng cao, khối lượng vận chuyển hành khách đạt trên 850.000 lượt hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8 - 9%/năm.
Vận tải hàng hóa đã hình thành được một lực lượng vận tải tương đối lớn có khả năng đảm đương được việc vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh với số lượng trên 3.300 phương tiện, trọng tải từ 01 - 32 tấn. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạt động vận tải đã đạt được những kết quả tích cực, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đặc biệt, Lai Châu có nhiều hoạt động giao thương với nước láng giềng Trung Quốc chủ yếu thông qua vận tải hành khách và hàng hóa.
Lai Châu cũng là nơi tập trung nhiều xe trung chuyển phân phối số lượng lớn hàng hóa qua biên giới Việt - Trung, do đó, việc tháo gỡ những “nút thắt” trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Qua trao đổi, gặp gỡ với các chủ xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa mới thấu hiểu nỗi lo của họ về các rào cản mà cung cách quản lý “lỏng lẻo” ở một số nơi hiện nay vô tình khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như việc cấp phù hiệu, biển hiệu. Theo quy định, việc cấp phù hiệu phải chờ đến 02 ngày, tuy nhiên, nếu rơi vào ngày nghỉ (thứ bảy và chủ nhật) thời gian sẽ là 05 ngày, doanh nghiệp có thể sẽ mất đi nguồn hàng và cơ hội kinh doanh từ sự chậm chễ trên. Hơn thế nữa, trong quá trình vận chuyển hàng hóa, tài xế phải thường xuyên đối mặt với thực trạng bảng tên chỉ hướng đi, chỉ đường cấm; vạch sơn kẻ đường vừa bị mờ hoặc nằm ở nơi “khuất”, cây cối che lấp... Các yếu tố này khiến cho lái xe rất lúng túng, có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. Như vậy, những khó khăn của ngành vận tải hàng hóa bằng đường bộ đang nổi lên cần sự chung tay của các cấp, các ngành trong đó nhất là vai trò của Bộ Giao thông vận tải và chính quyền các địa phương. Nếu thực sự coi vận tải hàng hóa là một khâu quyết định của chu trình sản xuất hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển thì những kiến nghị, đề xuất của các chủ xe, doanh nghiệp phải được quan tâm, lắng nghe nhiều hơn. Ngoài ra, cần đưa ra được các giải pháp hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Kinh doanh vận tải đường bộ khác với kinh doanh thuộc các ngành kinh tế khác ở chỗ, quá trình sản xuất cũng là quá trình tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất vận tải không có sản phẩm tồn kho, đánh giá chất lượng vận tải bằng chất lượng các dịch vụ phục vụ hành khách, chất lượng dịch vụ vận tải hàng hóa thông qua quá trình vận chuyển, bảo quản... chất lượng sản phẩm vận tải phụ thuộc nhiều vào công tác tổ chức sản xuất của mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Có thể nói, lực lượng sản xuất trong lĩnh vực vận tải phát triển nhanh chóng nhưng quan hệ sản xuất trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến nhiều bất cập trong công tác tổ chức quản lý vận tải chất lượng dịch vụ không đồng đều, giá cả chưa hợp lý. Để ngành kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu phát triển bền vững trong những năm tới đây, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sau:
Thứ nhất, tỉnh Lai Châu cần xác định kinh doanh vận tải đường bộ là loại hình kinh doanh có điều kiện, điều kiện phải chặt chẽ, quy mô doanh nghiệp vận tải như thế nào, trình độ cán bộ quản lý ra sao, bộ máy quản lý, vốn pháp định cần bao nhiêu… từ đó, làm cơ sở để tổ chức lại doanh nghiệp, hợp tác xã, thu gọn được đầu mối quản lý. Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu cần có chính sách phát triển phương tiện vận tải hợp lý trên cơ sở cân đối cung cầu, quy hoạch lại mạng lưới vận tải. Có chính sách hỗ trợ cho hai loại hình kinh doanh, đặc biệt là vận tải khách theo tuyến cố định và vận tải hàng hóa vì hai hình thức này phục vụ số đông người dân lao động có thu nhập thấp.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần có những nhận thức đầy đủ về đặc điểm các loại hình vận tải để xây dựng mô hình quản lý phù hợp, nghiên cứu chuyển dần việc quản lý cơ chế khoán sang cơ chế quản lý tập trung. Luôn xác định chỉ có quản lý vận tải tập trung thì mới nâng cao được chất lượng dịch vụ, hạn chế được tai nạn giao thông và đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ tuyến cố định của các nhà xe trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Thường xuyên rà soát, thực hiện việc khám sức khỏe cho đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải; kiên quyết không để lái xe không đủ tiêu chuẩn sức khỏe điều khiển phương tiện hành nghề, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của lái xe ô tô kinh doanh vận tải. Phối hợp với các ngành như Công an, Công thương giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự trong và ngoài bến xe. Xử lý nghiêm các vi phạm tại các bến bãi, khắc phục tình trạng “xe dù” hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, xe du lịch đón trả khách ngoài bến không được kiểm tra xử lý, làm ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông và hiệu quả kinh doanh tại các bến bãi.
Thứ tư, tiếp tục chuẩn hóa các cơ sở vật chất bến bãi, quy hoạch, quy chuẩn mặt bằng và thiết kế xây dựng bến bãi, góp phần nâng cao công tác phục vụ hành khách, lưu chuyển hàng hóa và tác nghiệp kỹ thuật đầu cuối cho phương tiện vận tải trước khi xuất bến và sau khi về bến. Đẩy mạnh ứng dụng quy trình công nghệ khai thác để đảm bảo phục vụ tốt hành khách, hàng hóa và phương tiện trong thời gian lưu lại bến, bãi.
Thứ năm, tiếp tục cải tạo, nâng cấp các bến bãi, nhất là bến bãi ở các huyện, cần bố trí khoa học các khu chức năng trong bến; bố trí cổng ra, cổng vào cho xe riêng biệt và tách khu vực xe tải ra phía cổng sau của bến, sắp xếp lại mặt bằng bến bãi để có khu vực phục vụ hành khách, hàng hóa khang trang, tiện lợi.
Thứ sáu, tăng cường việc chấn chỉnh trật tự hành lang an toàn đường bộ, hạn chế tai nạn giao thông và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, nhất là việc phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi... đồng thời, thường xuyên rà soát, yêu cầu các hộ dân sống bên cạnh các tuyến đường ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch ở mức cao nhất có thể. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động xây dựng biểu đồ chạy xe hợp lý, linh hoạt nhất, sau đó có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý tuyến. Kinh doanh vận tải đường bộ có tính chất đặc trưng là chạy theo mùa, theo ngày, theo từng giờ trong ngày, chính vì thế, nếu đưa ra một biểu đồ dàn đều các chuyến xe, không căn cứ vào tính chất này thì mùa cao điểm, ngày và giờ cao điểm rất thiếu xe, trong khi vào các thời biểu khác thì xe lại không có khách. Hiện nay, để một doanh nghiệp có thể đưa xe vào khai thác tuyến qua quá nhiều giai đoạn và rất nhiều thủ tục giấy tờ. Nếu nhìn về mặt hình thức, thì đó là việc cần thiết để kiểm tra chặt chẽ các xe chuẩn bị đưa vào kinh doanh, nhằm đảm bảo chất lượng kỹ thuật, an toàn đường bộ cho hành khách đi xe. Nhưng xét về góc độ của các doanh nghiệp vận tải, họ gặp không ít phiền hà bởi các quy định trên. Chính vì thời gian chờ đợi lâu, thủ tục rắc rối nên không thể tránh khỏi xảy ra hiện tượng tiêu cực, hạch sách và nhũng nhiễu.
Tóm lại, kinh doanh vận tải đường bộ trong cả nước nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu toàn xã hội nhưng công tác quản lý thực thi pháp luật và tổ chức vận tải thực sự còn có những bất cập, các hộ kinh doanh phải tổ chức lại theo hướng các doanh nghiệp, các hợp tác xã theo đúng Luật Hợp tác xã hoặc theo nghiệp đoàn vận tải. Để có thể theo kịp được công tác tổ chức quản lý vận tải ở các nước tiên tiến, cần phải có những chính sách phù hợp, có bước đi thích hợp. Thời gian tới, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được thông qua sẽ có những chính sách phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ phát triển bền vững.
Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu