Quá trình giải quyết vụ án dân sự là một chuỗi các trình tự, thủ tục áp dụng tại Tòa án được luật quy định. Tuy nhiên, các trình tự, thủ tục được luật quy định có thể sẽ diễn ra hoặc không diễn ra trong từng trường hợp vụ án cụ thể. Quá trình giải quyết vụ án dân sự kéo dài từ khi bắt đầu vào thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết đến thời điểm ngừng giải quyết vụ việc dân sự bằng một bản án, quyết định cụ thể của Tòa án. Trong suốt quá trình này, có thể xảy ra sự kiện đương sự là cá nhân chết, đương sự là tổ chức phải chấm dứt tồn tại ở bất kỳ thời điểm nào mà đôi khi các sự kiện đó không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự. Khi tư cách của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự được xác định theo Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Mỗi giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án dân sự mà đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết, đương sự là cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo luật định thì Tòa án ra các loại quyết định khác nhau để tác động vào quá trình tố tụng dân sự, sao cho đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích của các đương sự, trong đó có cả người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng. Loại quyết định nào mà Tòa án sẽ đưa ra tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng xuất hiện sự kiện nêu trên. Cụ thể:
1. Xuất hiện người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự vào giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự
Đối với vụ án dân sự, nếu đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trường hợp này thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Cụ thể, thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án dân sự và vụ án hôn nhân và gia đình là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án kinh doanh, thương mại và vụ án lao động là hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
2. Xuất hiện người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự khi Tòa án tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án dân sự
Nếu đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm thì có thể xếp vào trường hợp đương sự vắng mặt, Tòa án phải hoãn phiên tòa theo Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Sỡ dĩ chúng tôi cho rằng lúc này Tòa án không thể ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là bởi vì chính cơ cấu của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã xếp quy định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vào Chương XIII về thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử, trong khi đó, Chương XIV quy định về phiên tòa sơ thẩm, nói cách khác, theo cách sắp xếp điều luật hiện tại, làm cho người đọc và người áp dụng pháp luật được quyền hiểu rằng quy định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự chỉ dành cho giai đoạn chuẩn bị xét xử, bởi nó không nằm ở phần các quy định chung.
Điều đáng nói là, nếu đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự nhưng Tòa án có biết về sự kiện thì Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa để có thể sử dụng Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cho phép người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng tham gia phiên xét xử sẽ được tiếp tục tổ chức sau đó. Tuy nhiên, nếu sự kiện trên xảy ra sau lần vắng mặt lần thứ nhất, nhưng ngay trước lần xét xử sau mà Tòa án không hay biết thì Tòa án có thể coi đương sự đã từ bỏ việc khởi kiện để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (nếu đương sự là nguyên đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) hoặc thực hiện xét xử vắng mặt theo luật định (nếu đương sự là bị đơn), việc đình chỉ xét xử hoặc xét xử này không sai theo luật nhưng lại làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Vấn đề này được giải quyết bằng thủ tục kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm khi chưa có hiệu lực hoặc khi đã phát sinh hiệu lực sẽ được giải quyết bằng thủ tục giám đốc thẩm nếu có khiếu nại dẫn đến kháng nghị về căn cứ đương sự chết, đương sự phải chấm dứt hoạt động mà chưa xác định được người kế thừa quyền, nghĩa vụ nên không thể tham gia tố tụng nhưng Tòa án vẫn tiến hành xét xử.
Điểm mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 giải quyết được cả trường hợp Tòa án đã hoãn phiên tòa lần thứ hai, việc xét xử được tiếp tục tiến hành thì ngay trước thời điểm này đương sự là cá nhân chết, đương sự là cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động. Lúc này, Tòa án không thể hoãn phiên tòa thêm nữa, thì ở Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ghi nhận thêm một thủ tục mới là tạm dừng phiên tòa, sau thời gian tạm dừng mà căn cứ tạm dừng chưa khắc phục được thì Tòa án có thể ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để tiếp tục khắc phục. Có thể xem đây là một cách linh hoạt của Tòa án trên thực tế để đưa người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự vào tham gia tố tụng trong trường hợp khá đặc biệt này dù việc đương sự là cá nhân chết không là căn cứ xuất hiện trong quy định về tạm ngừng phiên tòa. Theo quan điểm của tác giả, cần có quy định hướng dẫn bổ sung về trường hợp bất khả kháng liên quan đến sức khỏe, khả năng của người tham gia tố tụng dân sự dẫn đến tạm ngừng phiên tòa, trong đó dự liệu bao gồm cả trường hợp đương sự đang tham gia tố tụng dân sự tại phiên tòa chết dẫn đến tạm ngừng phiên tòa. Khi đã xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự, vụ án được tiếp tục giải quyết theo luật định.
3. Xuất hiện người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự khi đã có bản án dân sự sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị
Điều đáng chú ý là trường hợp đương sự là cá nhân chết, đương sự là cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động vào thời điểm bản án dân sự sơ thẩm đã được tuyên nhưng chưa phát sinh hiệu lực, đang trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng như Bộ luật Tố tụng dân sự trước đó không có quy định đề cập một cách trực tiếp về quyền kháng cáo của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự. Nếu vận dụng Điều 70 và Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để suy lý và cho rằng người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự là kế thừa tất cả các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự để chấp nhận họ có quyền này thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo sẽ được tính như thế nào? Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự tiếp tục thực hiện quyền này trong thời hạn còn lại hay bắt đầu tính lại thời hạn kháng cáo mới? Hiện nay, các quy định pháp luật tố tụng dân sự chưa có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này. Nếu đương sự là cá nhân chết, đương sự là tổ chức phải chấm dứt tồn tại vào thời điểm sắp hết hạn kháng cáo và nhất là đối với đương sự là cá nhân chết thì đang lúc “tang gia bối rối”, liệu rằng người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự có thể thực hiện được quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án hay không?
Về vấn đề này, theo luật sư Tôn Thất Quỳnh Bằng, trên cơ sở chuyển giao quyền và nghĩa vụ về tài sản từ đương sự sang cho các thừa kế khi họ chết thì quyền kháng cáo của những người kế quyền sẽ dễ dàng được chấp nhận. Luật sư Tôn Thất Quỳnh Bằng cho rằng, “đối với đương sự có mặt tại phiên xét xử nhưng lại chết trong thời hạn kháng cáo, phải chăng chỉ cần căn cứ vào quy định thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người thừa kế ở Bộ luật Dân sự để xác định quyền kháng cáo của người kế quyền chẳng qua chỉ là tiếp nối quyền của đương sự tham gia tố tụng. Điều này dẫn đến thời hạn kháng cáo của người kế quyền phải được tính trong khuôn khổ của thời hạn kháng cáo của đương sự theo quy định của Điều 245 Bộ luật Tố tụng dân sự? Nhưng trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên xét xử và bản án cần được tống đạt thì việc tống đạt bản án hay quyết định cho một người đã chết sẽ trở thành vô nghĩa; liệu sự tống đạt này có phát sinh hiệu lực pháp luật đối với người kế quyền để có thể áp dụng quy định của Điều 245 Bộ luật Tố tụng dân sự? Bộ luật Tố tụng dân sự đã không dự liệu trường hợp này”[1]. Mặc dù bài viết đánh giá các quy định về quyền kháng cáo theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) nhưng bởi các quy định về quyền, thời hạn kháng cáo không có sự thay đổi theo hướng bổ sung chủ thể yêu cầu nên vẫn còn nguyên giá trị tham khảo, đánh giá các quy định ở Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Quy định kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự cũng được ghi nhận ở pháp luật của nhiều nước. Điển hình là pháp luật của Nga, tại Điều 44 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2003 của Liên bang Nga quy định rõ: “… Việc thay thế có thể được tiến hành ở bất cứ giai đoạn nào của tố tụng dân sự” và “những hành vi tố tụng được thực hiện trước khi người thay thế nếu có hiệu lực bắt buộc đối với người được thay thế thì cũng có hiệu lực bắt buộc đối với người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng”. Thời hạn gửi đơn kháng cáo phúc thẩm, đề nghị phúc thẩm theo Điều 338 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2003 của Liên bang Nga quy định là 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra bản án[2]. Tuy nhiên, tại Điều 342 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2003 của Liên bang Nga cũng có quy định hết thời hạn kháng cáo, nếu trong đơn kháng cáo phúc thẩm, đề nghị phúc thẩm không có yêu cầu khôi phục thời hạn hoặc yêu cầu khôi phục thời hạn không được chấp nhận sẽ bị trả lại đơn kháng cáo phúc thẩm, đề nghị phúc thẩm. Như vậy, nói cách khác, Bộ luật Tố tụng dân sự Nga cho phép các bên (bao gồm cả người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự) yêu cầu khôi phục thời hạn kháng cáo trong đơn kháng cáo dù đã hết thời hạn kháng cáo. Việc chấp nhận hay không chấp nhận sẽ được xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, quy định này cũng tạo nên một hành lang pháp lý hiện hữu và một lối thoát cho người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự, tạo điều kiện cho họ thực hiện tốt trách nhiệm của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự. Theo tác giả, đây có thể là một hướng tham khảo để hướng dẫn áp dụng pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam trên thực tiễn về việc thực hiện quyền kháng cáo của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự xuất hiện ở giai đoạn bản án sơ thẩm đã được tuyên. Quan điểm này cũng được tác giả Lê Thanh Lâm đồng tình: “Pháp luật tố tụng cần bổ sung quy định để Tòa án có nghĩa vụ cấp, tống đạt bản án, quyết định sơ thẩm cho người thừa kế của đương sự khi có căn cứ xác định đương sự đã chết sau khi có bản án, quyết định mà thời hạn kháng cáo của họ vẫn còn; từ đó ghi nhận quyền kháng cáo và cách tính thời hạn kháng cáo của người kế thừa tố tụng của đương sự trong trường hợp này theo hướng bắt đầu lại thời hạn kháng cáo để phù hợp với thực tế khách quan và đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án”[3].
Tác giả cũng cho rằng, cần phân tích rõ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 của Việt Nam về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được kế thừa. Theo quy định của điều luật này, khái niệm “quyền, nghĩa vụ của họ không được kế thừa” cần được hiểu như thế nào? Cần hiểu điều luật muốn nói đến các quyền, nghĩa vụ về nhân thân hoặc tài sản không thể chuyển giao cho người khác theo quy định của luật hay trong trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân chết nhưng không có người thừa kế di sản? Xét theo câu chữ của luật, thì “không được kế thừa” cần được hiểu theo nghĩa thứ nhất. Bởi vì: (i) Khái niệm kế thừa và khái niệm thừa kế hoàn toàn khác biệt nhau. Khái niệm kế thừa xuất hiện trong quan hệ tố tụng dân sự với ý nghĩa tiếp nhận quyền, nghĩa vụ tố tụng từ chủ thể trước, trong khi khái niệm thừa kế xuất hiện trong quan hệ luật nội dung về thừa kế với ý nghĩa tiếp nhận tài sản là di sản; (ii) Việc không thể kế thừa chỉ có thể xuất hiện do quyền, nghĩa vụ về nội dung hoặc về luật tố tụng quy định rõ quyền, nghĩa vụ đó gắn với cá nhân, không thể chuyển giao. Trong khi đó, quan hệ thừa kế sẽ không bao giờ không xuất hiện người nhận di sản. Trong trường hợp di sản không có người thừa kế theo di chúc và theo pháp luật thì Nhà nước chính là chủ thể tiếp nhận khối di sản đó sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Nói cách khác, kể cả khi người thừa kế di sản là Nhà nước vẫn phải để quan hệ tố tụng dân sự diễn ra để có thể xác định chủ thể có quyền, có nghĩa vụ liên quan đến di sản cần được Nhà nước thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại nếu có, trước khi Nhà nước nhận về khối di sản ấy. Đến đây, lại có một vấn đề pháp lý phát sinh là trong trường hợp Nhà nước là người nhận di sản thừa kế do không có người nhận thừa kế thì ai sẽ là người đại diện cho Nhà nước tham gia tố tụng để thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại? Như vậy, có thể thấy rằng, quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành hoàn toàn không dự liệu trước trường hợp người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự là Nhà nước.
Bên cạnh đó, Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự còn bỏ sót trường hợp tổ chức chuyển đổi hình thức tổ chức dẫn đến chấm dứt tồn tại, thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới, trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết. Tác giả cho rằng, cần có hướng dẫn bổ sung về căn cứ này nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa Điều 74 và Điều 214 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, giữa Bộ luật Tố tụng dân sự và các căn cứ chấm dứt pháp nhân tại Điều 96 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Đồng thời, việc bổ sung này vào căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sẽ đảm bảo quyền tham gia tố tụng của chủ thể kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng sau này.
Nguyễn Thị Anh Thư
Khoa Kinh tế, Luật, Đại học Trà Vinh